'Người cha thiêng liêng' của những kẻ mang án tử

'Người cha thiêng liêng' của những kẻ mang án tử

Thứ 3, 19/02/2013 | 10:26
0
Với các phạm nhân mang trên mình án tử hình, có kẻ luôn quý trọng từng giây phút hiếm hoi còn sống trên cõi đời để ăn năn hối cải, nhưng cũng có kẻ rơi vào bế tắc, cố tình quậy phá, tìm cách kết liễu đời mình. Đối với những tử tù này, người đóng vai trò quan trọng, nắm bắt tâm lý để hoán cải tâm tính là những cán bộ trực tiếp quản lý trại giam.

"Cẩn thận hơn chăm con mọn"

Tính đến thời điểm này, tại trại tạm giam công an tỉnh Nghệ An có 18 tử tù đang nằm trong nhà biệt giam để chờ đợi ngày ra pháp trường. Trong số này, người lâu nhất cũng đã nằm biệt giam được 5 năm, người mới xấp xỉ cũng 1 năm. Mỗi tử tù đến từ những vùng quê khác nhau, hoàn cảnh phạm tội cũng không giống nhau, song cùng chung một nghịch cảnh là phải đếm ngược thời gian về quyền được sống của mình. Nhiều kẻ tha thiết sống gấp cho quãng đời ngắn ngủi còn lại được tính bằng giờ, bằng ngày đó. 

Trong xã hội, ai phạm tội cũng đều phải trả giá đắt cho những hành vi của mình. Những tử tù cũng không ngoại lệ. Những tội ác mà họ gây ra đối với người khác bắt buộc họ phải nhận mức án thích đáng. Đối với những con người này, có thể khi sống ngoài xã hội họ bị nhiều người khinh bỉ, phỉ báng, xa lánh thế nhưng, khi vào trong nhà biệt giam, họ đã nhận được tình cảm đặc biệt của những người quản giáo, tình cảm giữa người với người. Đặc biệt hơn là sự cảm thông, chia sẻ, an ủi chân thành. Điều này đã tác động mạnh đến tâm tính của những số phận đang bất mãn với cuộc sống trong chốn ngục tù.

Một trong những cán bộ quản giáo được phân công nhiệm vụ phụ trách chốn biệt giam công an Nghệ An là đại úy Trần Xuân Thắng (SN 1976) ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Là người có thâm niên gần chục năm trong nghề quản giáo tại trại giam nên đại úy Thắng luôn ý thức được phần trách nhiệm, nghĩa vụ của mình kể cả phần việc ngoài hồ sơ đối với mỗi tử tù. Phần việc ngoài hồ sơ ở đây là những lời động viên, những câu hỏi thăm ân cần, ánh mắt chân tình đối với các tử tù mỗi khi tiếp xúc. Hơn thế nữa là việc nắm bắt diễn biến tâm lý, trạng thái của họ để có liệu pháp thích hợp trong quản lý giáo dục, tránh những hành động bi quan, tiêu cực của những tử tù gần đến ngày hành quyết.

Có một gia đình hạnh phúc với một bé gái 3 tuổi, vợ làm giáo viên tại một trường học trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), nhưng nhiều năm qua thời gian anh dành cho gia đình của mình chỉ là một phần nhỏ trong quỹ thời gian hàng ngày của mình. Thậm chí kể cả thứ 7 và chủ nhật anh cũng phải có mặt tại trại giam để thi hành nhiệm vụ. Cũng may, vợ con, họ hàng hiểu và thông cảm cho đặc thù công việc nên anh cũng toàn tâm toàn ý cho tâm nguyện chăm sóc cuộc sống đặc biệt cho những tử tù. Có được điều đó là nhờ vào sự chuẩn bị tâm lý kỹ càng của người quản giáo  trại giam.

Xã hội - 'Người cha thiêng liêng' của những kẻ mang án tử

Đại úy Trần Xuân Thắng  luôn đi kiểm soát các phòng biệt giam.

Anh tâm sự: "Tiếp xúc với những tử tù qua chấn song sắt hàng ngày mới thấy họ khát khao được sống và ân hận như thế nào. Trong đêm tối, có những lúc họ hát, họ khóc, họ chơi cờ, làm thơ... đủ mọi tâm trạng. Không ít trường hợp ngày đầu mới vào tỏ ra hoảng loạn và bi quan, anh em lại phải thay nhau vừa động viên an ủi, vừa tăng cường kiểm tra tránh trường hợp họ nghĩ quẩn mà tự vẫn. Đối với anh động viên, chia sẻ với họ mỗi ngày nhất là khi họ buồn bực, tâm trạng hoảng loạn không chỉ là trách nhiệm của người quản giáo mà còn là lương tâm của chính mình, lương tâm giữa con người với con người".

Cùng chung nhiệm vụ với đại úy Thắng, phụ trách phòng biệt giam Trại tạm giam công an Nghệ An còn có đại úy Phan Viết Phúc, một người con của quê hương Hà Tĩnh. Với Phúc, quản lý một phạm nhân bình thường đã khó, thế nên để cân bằng trạng thái tâm lý cho một phạm nhân mang án tử lại là chuyện khó khăn gấp vạn lần. Anh còn đùa "chăm phải cẩn thận hơn chăm con mọn". Kinh nghiệm 5 năm sống chung với tử tội tại các phòng biệt giam đã cho anh những bài học quý trong việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt việc quản lý, giáo dục. Nắm bắt tâm lý từng tử tù chưa đủ, thêm vào đó là phải hiểu từng hoàn cảnh gia đình các đối tượng để tiếp xúc, giáo dục các đối tượng đặc biệt này.

Đối với đại uý Phúc, bên cạnh hạnh phúc gia đình có hai đứa con khôn lớn, ngoan hiền và người vợ giỏi giang, đảm đang trong công việc kinh doanh ở tiệm áo dài thì niềm hạnh phúc đặc biệt hơn đó là thấy các tử tù thay đổi tâm tính, biết nghe lời cán bộ và khao khát sống mãnh liệt. Vậy nên, trải qua hơn 5 năm nhận nhiệm vụ trông coi 7 tử tù, mặc dù quỹ thời gian dành cho gia đình của anh rất hiếm hoi, nhưng anh vẫn luôn vui vẻ, tận tình với công việc.

Làm trỗi dậy khát khao sống của các tử tù

Trong số những tử tù đang được giam tại Trại tạm giam công an tỉnh Nghệ An là những thành phần bất hảo không giống nhau, quê quán khác nhau, thậm chí kể cả thành phần dân tộc. Đơn cử, 8 tử tù hiện nay mà anh Thắng đang quản lý giam giữ, có 3 người dân tộc thiểu số, còn lại đến từ nhiều địa phương như Hải Phòng, Bắc Ninh, Huế và Nghệ An.

Cùng chung cái kết được định trước cho cuộc đời của mình, nhưng mỗi đối tượng lại mang trọng tội khác nhau, phần lớn là ma túy, còn lại tội hiếp dâm, giết người. Tiếp xúc với các tử tù các anh nhận ra, không phải tử tội nào cũng là ác nhân. Quá trình cất công tìm hiểu nhân thân phạm nhân, anh được biết nhiều đối tượng có hoàn cảnh éo le, chỉ vì những phút giây lầm lỡ, không làm chủ được bản thân mà trở thành tội đồ, bị tước đi quyền được làm người.

Trong số những từ tù đang chờ ngày hành quyết thì tử tù Già Bá Dìa, đối tượng sa lưới trong vụ đấu súng nảy lửa tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vào ngày 1/2/2010 là người khiến anh phải nặng lòng nhất. Y bị bắt với tang vật là 4 bánh hêrôin, 200 viên ma túy tổng hợp và 1 khẩu K54 nên đã bị kết án tử. Không như các bạn tù khác, từ khi bị bắt Già Bá Dìa không hề có bóng dáng người nhà lên thăm nom. Lúc đầu, đại úy Thắng nghĩ chắc do phong tục người Mông tại địa phương, nhưng sau này vẫn thấy các bạn tù của gã cũng có người vào thăm định kỳ. Quyết định tìm hiểu rõ gia cảnh của y, anh mới biết Dìa đã có vợ con đang sống ở quê. Từ đấy thay vì tìm hiểu lý do phạm tội, anh đã gần gũi tử tù, chia sẻ những câu chuyện hàng ngày. Mỗi khi đến dịp lễ, Tết anh đều dành cho Dìa những món quà nhỏ để động viên tinh thần. Bởi theo đại uý Thắng, "hầu hết các phạm nhân khi vào đây đều không muốn nhắc lại quá trình phạm tội của mình", anh chia sẻ.

Tâm lý chung của nhiều tử tù trong nhà biệt giam thường phá phách, không chấp hành nội quy trại giam, có khi gào thét nên việc thay đổi tâm tính là hết sức khó khăn. Tử tù Hồ Ngọc Tĩnh, quê ở Thừa Thiên Huế, bị bắt trong đường dây buôn bán ma túy liên tỉnh và bị kết án tử hình vào năm 2012 là một ví dụ điển hình. Trong quá trình nằm biệt giam, tử tù Tĩnh đã gửi đơn kêu oan, tâm lý khủng hoảng. Hiểu được tâm lý hoang mang của tử tội này, một mặt đại úy Trần Xuân Thắng tiếp cận, an ủi động viên, mặt khác thông qua gia đình để tác động tâm lý, nhờ vậy sau thời gian Hồ Ngọc Tĩnh đã bình tâm trở lại. Hay tử tù Nguyễn Công Đắc, 30 tuổi ở phường Quang Trung, TP.Vinh, bị kết án tử trong vụ cùng đồng bọn nổ súng làm chết người trên đường Nguyễn Tiến Tài, TP.Vinh vào tháng 11/2010. Là kẻ có máu mặt trong giới giang hồ, thêm vào đó lại bị nhiễm HIV nên thời gian đầu mới nhập trại Đắc cũng hoang mang, bất cần. Song, bằng liệu pháp tinh thần, đại uý Phúc đã khiến cho tử tội này nhận chân ra giá trị thực của cuộc sống đang được tính ngược trước mắt.

Đối với những tử tù khi mạng sống đang được đếm ngược tích tắc thời gian thì đó là khoảng thời gian quý báu nhất. Bởi họ không còn có cơ hội để hoàn lương, hướng thiện nữa. Và trong chốn biệt giam đó người bạn để họ tâm sự, chia sẻ nỗi niềm của mình không ai khác là các anh, những người canh trại giam đặc biệt. Họ chính là người cha, người mẹ hiền nâng giấc cho những đứa con hư có được thời khắc yên bình trước lúc lên chuyến đò về cõi vĩnh hằng, gột rửa mọi tội lỗi của một kiếp người lầm lỗi.                     

Kim Long

Nghe “mãnh hổ” đất Cảng trải lòng ở trại giam

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
Những năm 2000, nói đến tên Dũng "tình" là giới buôn "hàng trắng", thuốc lắc ở Hải Phòng và nhiều vùng đất lân cận phải kính nể. Đã buôn "hàng trắng", thuốc lắc, luôn có hàng nóng bên người lại cộng với tiền sử bệnh tâm thần, khiến thiên hạ nhiều người khiếp sợ.

Khi mùa xuân về ở một trại giam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Những ngày này, cán bộ quản giáo càng phải căng hết mình, bởi trong thời điểm sắp bước sang một năm mới rất dễ xảy ra bất ổn với phạm nhân.

Người thầy dạy nghề bước ra từ trại giam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
Nghiện ngập, trộm cắp, đến năm 19 tuổi, Raynard Reaves vào tù vì tội buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Với nỗ lực làm lại cuộc đời, sau khi ra tù, anh đã trở thành một người thầy đặc biệt, dạy nghề cho những thanh niên lêu lổng trong vùng.

Vượt cạn trong... trại giam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Tạo hóa ban cho người phụ nữ thiên chức làm mẹ, dù họ là ai và trong bất cứ hoàn cảnh nào.