Đồng Nai: Người chăn heo bán đất, cầm cố nhà để trả nợ ngân hàng

Đồng Nai: Người chăn heo bán đất, cầm cố nhà để trả nợ ngân hàng

Chủ nhật, 09/04/2017 | 18:14
0
Heo rớt giá nhiều tháng liền khiến người chăn nuôi, các đại lý cám,… rơi vào tình cảnh nợ chồng nợ. Vì số nợ quá lớn, lại không có thu nhập nên nhiều hộ nông dân buộc phải bán đất, bán nhà.

Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi heo tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai đang phải chịu chung tình cảnh đứng ngồi không yên, vì liên tục nửa năm trời, giá heo thấp thảm hại nhưng không có cách vực dậy. Do sống bằng nghề chăn nuôi heo nên khi heo rớt giá, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề.

Đến thời điểm này, đi đâu cũng nghe chuyện bán đất, bán nhà, dùng đất cấn nợ cho đại lý cám hoặc trả nợ vay ngân hàng. Nhiều người dân bất lực vì con số lãi ngân hàng ngày càng tăng nhưng không có thu nhập.

Cha ông xưa thường nói “khá nuôi heo”, "giàu nuôi heo" thì nay chính heo lại đẩy nhiều bà con nông dân vào đường cùng, ôm nợ lên đến tiền tỷ.

PV báo Người Đưa Tin đã đến khu vực huyện Thống Nhất, thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc, là những địa phương nuôi nhiều heo nhất tỉnh Đồng Nai để ghi nhận tình hình thực tế.

Khắp những con đường làng trên, xóm dưới đều xôn xao những câu chuyện về heo rớt giá. Đâu đâu cũng giăng kín biển bán đất, bán nhà với mục đích trả nợ cám, nợ ngân hàng,… Thời điểm hiện tại, nhiều người chăn nuôi đang phải đối mặt với việc bị chủ nợ bủa vây, ngày ngày canh cánh nỗi lo trong lòng vì không có công ăn việc làm.

Xã hội - Đồng Nai: Người chăn heo bán đất, cầm cố nhà để trả nợ ngân hàng

 Chủ chăn nuôi bần thần nhìn chuồng heo gần 2 tỷ giờ bỏ trống nhưng phải ôm nợ ngân hàng.

Gia đình chị Lê Thị Tuyết Linh và anh Trần Bình Mạnh (ngụ ấp Bắc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) là một trong những hộ chăn nuôi heo ôm số nợ lên đến tiền tỷ. Trước đây, vợ chồng chị chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vào năm 2015, muốn cuộc sống ổn định hơn nên anh chị mạnh dạn đầu tư chuồng trại và tăng đàn lên con số 1.000 con heo mỗi đợt. Đầu tư chuồng trại đã mất gần hai tỷ nhưng chưa thắng được lứa heo nào để bù lỗ thì vợ chồng chị lại rơi vào tình cảnh heo rớt giá dài nên mất khả năng trả nợ.

Xã hội - Đồng Nai: Người chăn heo bán đất, cầm cố nhà để trả nợ ngân hàng (Hình 2).

 Chuồng heo bỏ trống.

“Giá heo xuống quá thấp nên gia đình tôi vừa bán mão (bán đổ bán tháo, tính đầu heo trả tiền chứ không cân heo - PV) hết và chịu thua lỗ mỗi con từ 1-1,2 triệu đồng. Cuộc sống chỉ chăm chăm vào mấy con heo, giờ nó như vậy đúng là kiệt quệ hết sức lực, tài sản. Giờ muốn bán đất mà trả nợ nhưng cũng không ai mua vì trại lớn, trại bé gì thua hết, làm gì có ai còn tiền mà mua đất. Số nợ ngân hàng thì lớn, tiền lãi thì nhiều nên giờ không có đồng nào trong người. Tôi chỉ mong giá heo sớm ổn trở lại để có tiền trả nợ ngân hàng”, chị Linh nói.

Hộ ông Nguyễn Đức Lợi (ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) thì đang phải bán mão heo cho thương lái. Ông Lợi cho biết, giá cả tụt quá lâu nhưng đến nay ông vẫn cố cầm cự vì không thể bỏ nghề chăn nuôi được. Tuy nhiên, theo ông Lợi, gia đình ông cũng không trụ được lâu nữa.

Xã hội - Đồng Nai: Người chăn heo bán đất, cầm cố nhà để trả nợ ngân hàng (Hình 3).

 Đồ dùng chăn heo đã lâu không sử dụng.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, người chăn nuôi đang đứng trên bờ vực phá sản và đến nay nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã để trắng chuồng, bán đổ bán tháo vì không còn sức giữ đàn. Không ít chủ trại heo quy mô lớn đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp cho ngân hàng, sổ đỏ trại thì thế chấp cho đại lý cám nhằm gỡ gạc số nợ.

Xã hội - Đồng Nai: Người chăn heo bán đất, cầm cố nhà để trả nợ ngân hàng (Hình 4).

 Nhiều thiết bị phục vụ cho chăn nuôi heo giờ bỏ không.

Ông Đoán cũng cho rằng, đến nay có khoảng 40% hộ chăn nuôi đang dẹp đàn heo vì không trụ nổi do chi phí bỏ ra quá lớn nhưng lợi nhuận thu về thì quá thấp. “Giá heo hiện chỉ giao động từ 25.000 - 28.000/kg, còn heo để đẻ thì bán tháo giá tầm 12.000 – 15.000/kg. Nông dân lỗ mỗi con heo tầm 1 – 1,2 triệu đồng nên nhìn rất xót xa. Giờ nông dân phải tự cứu lấy chính mình bằng cách giảm đàn nhưng giảm rồi cũng khoảng 4 tháng nữa may ra mới le lói lại được”, ông Đoán nói.

Theo lời ông Đoán, hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai vừa có đơn kêu cứu lên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nhờ sự giúp đỡ. “Nếu kéo dài tình trạng này thì nguy cơ ngành chăn nuôi heo sẽ phá sản. Có lẽ cần có phương án hỗ trợ người chăn nuôi để họ sớm vực lại được công việc, ổn định cuộc sống. Sắp tới, tỉnh Đồng Nai sẽ xuống khảo sát tình hình và đưa ra phương án cụ thể”, ông Đoán thông tin.

Nguyễn Nhâm

Cùng tác giả

Đồng Nai sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong tháng 4

Thứ 3, 13/04/2021 | 14:32
Theo kế hoạch, bộ Y tế sẽ phân bổ cho Đồng Nai trên 16.000 liều vaccine ngừa Covid-19 và dự kiến đến cuối tháng 4 Đồng Nai sẽ tiêm vaccine này.

Cứu sống người đàn ông bị bò húc, đa chấn thương

Thứ 3, 02/03/2021 | 10:11
Anh T. bị bò ở rẫy húc khi đi làm thuê, dẫn đến bị đa chấn thương phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng mất máu nhiều, tụt huyết áp.

2 xe máy va chạm trên QL20, 2 người tử vong

Chủ nhật, 28/02/2021 | 12:50
Vụ tai nạn nghiêm trọng lúc nửa đêm khiến cho 2 người tử vong tại chỗ, hai xe máy bị biến dạng nặng.

Bắt thêm 2 tàu và khởi tố 3 bị can trong đường dây xăng giả

Thứ 6, 26/02/2021 | 10:42
Đến nay, công an tiếp tục phát hiện bắt giữ thêm 2 tàu có trọng lượng trên 3000 tấn và khởi tố 3 bị can trong đường dây xăng giả.

Khởi tố, bắt tạm giam nhiều ông trùm và đồng phạm trong đường dây xăng giả

Thứ 7, 20/02/2021 | 07:06
Cơ quan công an đã khởi tố bắt tạm giam 33 đối tượng và bắt giữ ông trùm hoá đơn trong đường dây sản xuất tiêu thụ xăng giả.