Người tái sinh nền nghệ thuật “màu xanh nhân bản”

Người tái sinh nền nghệ thuật “màu xanh nhân bản”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Trương Nghệ Mưu từng nói “điện ảnh là một con thuyền đạo tặc, đã bước lên rồi thì không thể xuống”.

Có thể nói, Trương Nghệ Mưu là một trường hợp đặc biệt, trăm năm có một của điện ảnh Trung Quốc hiện đại. Ông không chỉ là đạo diễn có phong cách độc đáo nhất trong tất cả các đạo diễn thuộc thế hệ thứ năm của điện ảnh nước này mà còn được coi như chủ soái dẫn đường, tái sinh cả một nền nghệ thuật “xanh màu nhân bản” với những tác phẩm đầy triết lý, nặng tinh thần dân tộc và bộc lộ nhiều quan điểm “làm nghề” mới lạ, gắn mác Trương Nghệ Mưu.

Sự kiện - Người tái sinh nền nghệ thuật “màu xanh nhân bản”

Gần ba thập kỷ theo đuổi điện ảnh và sùng bái nó như “đạo” làm nghề, Trương Nghệ Mưu chưa bao giờ tỏ ra mỏi mệt hay bị ăn mòn khả năng sáng tạo. Cho tới thời điểm này ông vẫn là đầu tàu đưa điện ảnh Trung Quốc bước ra ngoài biên giới lãnh thổ và khiến thế giới phải ngoái nhìn với một sự cảm phục sâu sắc.

Tình yêu và khao khát chiếm lĩnh những đỉnh cao của nghệ thuật đã đưa ông trở thành người hùng có khả năng phục hồi, khắc chạm cả một thời kỳ, một giai đoạn điện ảnh nhiều biến thiên của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trương Nghệ Mưu sinh ngày 14/11/1950 tại thành phố Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc. Cha ông từng bị liệt vào thành phần cách mạng văn hóa. Vì thế, gia đình ông từng bị mọi người xa lánh. Ngay từ nhỏ, Trương Nghệ Mưu đã bộc lộ rõ thiên hướng nghệ thuật của mình, đặc biệt với bộ môn nhiếp ảnh.

Ông kể : “Những năm tháng vô cùng khó khăn của thời thơ ấu, tôi từng khát khao có được một chiếc máy ảnh cá nhân đi rong ruổi khắp những vùng đất mà tôi mong được đặt chân tới để ghi lại từng khoảnh khắc diệu kỳ của cuộc sống. Nhưng phải đến năm 24 tuổi, sau rất nhiều ngày tằn tiện, tiết kiệm đến từng xu tiền lẻ, tôi mới có thể chạm tay tới ước mơ”. Hàng loạt những tấm ảnh do ông chụp thời điểm đó đã được đăng tải trên báo chí địa phương và nhận được nhiều lời khen ngợi có cánh.

Sau cái chết của Mao Trạch Đông, chính quyền mới đã mở cửa Học viện điện ảnh Bắc Kinh trở lại vào năm 1978 và đến năm 1979, khi đó Trương Nghệ Mưu 29 tuổi, quá 7 tuổi cho phép để đi học tại đây. Ông phải xin Bộ trưởng Bộ văn hóa Hoàng Chấn xem xét hồ sơ cũng như tác phẩm của mình để được chấp thuận và trở thành sinh viên thế hệ đầu tiên của học viện danh tiếng này.

Có ba thành viên trong lớp học quay phim điện ảnh của Trương Nghệ Mưu về sau đã đưa tên tuổi của điện ảnh Trung Hoa lên bản đồ điện ảnh thế giới: Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca (Hoàng thổ, Bá Vương Biệt Cơ), Trương Quân Chiêu (Một và Tám). Họ nhanh chóng thành lập ra nhóm “Nhà sản xuất trẻ” và đạo diễn bộ phim đầu tay của mình.

Trương Nghệ Mưu quay phim Hoàng thổ cùng Trần Khải Ca. Bộ phim trở thành dấu ấn bất ngờ tại Liên hoan phim Hồng Kông 1984 và giành giải cho quay phim. Năm 1987, bộ phim đầu tiên do ông làm đạo diễn Cao lương đỏ đã trở thành tác phẩm đạt thành công cả về mặt thương mại và nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài. Trương Nghệ Mưu và những người bạn cùng thời với ông đã nhanh chóng được đặt cho cái tên “thế hệ thứ năm” để phân biệt với những nhà làm phim Trung Quốc khác.

Tại Học viện điện ảnh Bắc Kinh, thế hệ thứ năm đã trở thành những người chủ lực thổi một luồng sinh khí mới vào cách đào tạo đạo diễn ở đây. Thậm chí ,đạo diễn Martin Scorsese đã gọi Trương Nghệ Mưu và các đạo diễn thế hệ thứ năm là những người “giỏi nhất trên thế giới”.

Trương Nghệ Mưu là một người đàn ông đa tài nhất trong nhóm đạo diễn tài năng đó. Ông khởi đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà quay phim và diễn viên. Trong bộ phim The old well, ông đã đảm nhận cả hai vai trò và đã nhận giải thưởng cho khả năng diễn xuất của mình. Sau đó, ông bắt đầu lấn sân sang làm đạo diễn các vở nhạc kịch, sân khấu và hàng loạt các bộ phim khác nhau…

Liên tiếp những đỉnh cao điện ảnh ra đời, khiến giới mộ đạo và phê bình điện ảnh cả trong nước, ngoài nước phải đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Cúc đậu, Đèn lồng đỏ treo cao hay Cao lương đỏ tràn ngập hơi thở của thời đại với ước muốn được giải phóng, thoát khỏi xiềng xích nặng nề của lề thói, quan điểm hà khắc. Chỉ đến Trương Nghệ Mưu, người phụ nữ mới được chăm chút, yêu thương và được lột tả bằng những góc cạnh tươi mới, độc đáo mà đầy lãng mạn, đau thương đến thế.

Thế giới nhân vật của ông vừa bi kịch lại vừa đầy sức sống, nó quẫy đạp để vươn đến chân trời cao nhất của hạnh phúc. Như viên ngọc đa diện, nhìn ở chiều nào cũng lấp lánh, ngôn ngữ điện ảnh của ông đã “cứu vớt” cả một thời đại điện ảnh uể oải, thiếu bản sắc của Trung Hoa quá khứ.

Bắt đầu con đường điện ảnh của mình là người quay phim, Trương Nghệ Mưu đã tháo bỏ chân máy và máy quay để trở thành một nhà đạo diễn đại tài. Cho tới thời điểm này, ông vẫn là đầu tàu của những cải tổ có ý nghĩa thời đại của điện ảnh Trung Quốc. Đó là một nhà điện ảnh hết sức sắc sảo, bùng nổ về phong cách cá nhân đến mức hiếm có tác phẩm nào của ông, thường đầy ắp năng lượng xúc tác của vũ trụ, được đánh giá một cách giản đơn nhất.

Đạo diễn của những giải thưởng

Trương Nghệ Mưu chưa từng bước lên bục cao nhất của vinh quang Oscar như đồng nghiệp Lý An của Đài Loan. Nhưng với vô số giải thưởng tại các liên hoan uy tín, lâu đời nhất thế giới như Cannes, Venice, Berlin hay Toronto…cùng hàng loạt những bộ phim xuất sắc: Cúc Đậu, Đèn lồng đỏ treo cao, Cao lương đỏ, Thu Cúc đi kiện, Vạn dặm độc trình, Không thể thiếu một em, Anh hùng, Thập diện mai phục, Kim lăng thập tam hoa…, ông xứng đáng được gọi là một điển hình tượng trưng cho diện mạo điện ảnh hiện đại.

Hương Giang

Kỳ sau: Trương Nghệ Mưu: Tình yêu sóng gió, ngọt ngào với Củng Lợi