Ngày Tết vong hồn trong tín ngưỡng người Việt

Ngày Tết vong hồn trong tín ngưỡng người Việt

Thứ 2, 19/08/2013 | 13:59
0
"Tháng cô hồn" - khái niệm không còn xa lạ với hầu hết người Việt Nam, tháng 7 luôn được người dân quan tâm đặc biệt - với những quan niệm, tục lệ, cách hành xử... khác nhau, còn gây nhiều tranh cãi; Người Đưa Tin có cuộc trò chuyện với tiến sỹ Triết học Nguyễn Văn Vịnh về nguồn gốc cũng như những hệ lụy xã hội từ những tập tục, hành vi của người Việt trong tháng mưa ngâu mà vô cùng "nóng" này!

Xin chào Tiến sỹ, ông có thể cho bạn đọc biết nguồn gốc dân gian của tháng "cô hồn" và những ngày đặc biệt trong tháng 7 âm lịch?

TS Vịnh: Người Á Đông trong một năm có rất nhiều ngày lễ khác nhau, đặc biệt là người Việt, mỗi địa phương khác nhau đều có ngày lễ riêng, nếu tính tổng ngày lễ trong năm thì chúng ta có hàng nghìn ngày lễ. Có thể nói rằm tháng 7 và các ngày lễ khác có ý nghĩa tương đương nhau.

Xã hội - Ngày Tết vong hồn trong tín ngưỡng người Việt
Tiến sỹ Triết học Nguyễn Văn Vịnh

Người Việt chúng ta thường rất coi trọng việc cúng bái trong ngày rằm tháng 7, còn gọi là Tết Quỷ. Nguồn cội của Tết Quỷ gắn liền với văn hoá Đạo giáo của Trung Quốc, bởi Phật giáo không có chủ trương sát sinh hoặc đốt vàng bạc hàng mã để cúng tế quỷ thần.

Đạo giáo gọi Thiên – Địa – Thuỷ là “Tam Nguyên”. Nguyên tức là sự khởi đầu của tất cả, Trời – Đất – Nước là ba nguyên khí căn bản tạo ra và nuôi dưỡng con người cùng vạn vật. Nếu đem Tam Nguyên này xếp vào ba ngày âm lịch trong năm, thì sẽ có “Tam Nguyệt Nhật” gồm: Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên. Theo truyền thuyết, Tam Nguyên Nhật là sinh nhật của Tam Quan Đại Đế trong Đạo giáo, địa vị của ba đại đế này chỉ đứng sau Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngày Thượng Nguyên là sinh nhật của “Thiên quan tứ phúc đại đế”, ngày Trung Nguyên là sinh nhật của “Địa quan xá tội đại đế”, còn ngày Hạ Nguyên là sinh nhật của “Thủy quan giải nguy đại đế”. Ba đại đế chia nhau cai quản khắp nơi, cho nên Tam Nguyên Nhật trở thành ba ngày lễ lớn quan trọng của Đạo giáo.

Người ta thường nhớ tới ngày rằm tháng 7 với câu nói "Tháng 7 ngày Rằm xá tội vong nhân", ngày 15/7 cũng là ngày Lễ Vu Lan của đạo Phật, vậy hai ngày này có cùng sự tích/hoặc liên quan tới nhau không?

Lễ Vu Lan của Phật giáo và Tết Quỷ trong dân gian Trung Quốc là không hoàn toàn giống nhau. Ở Trung Quốc, Lễ Vũ Lan đầu tiên được bắt đầu từ thời Lương Vũ Đế, đến đời Đường (thế kỷ 7-10) đã rất thịnh hành. Vu Lan là dịch ý từ tiếng phạn Ullambana, nghĩa là giải thoát khỏi sự “khốn khổ vì bị treo ngược”.

Với người Việt, ngày Lễ Vu Lan là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Tiến sỹ có thể cho biết đối với tâm lý đa số người Việt Nam, tháng cô hồn thường gắn với những tục lệ và hành vi như thế nào? Nghi lễ cúng cô hồn có phù hợp với Tôn giáo của người Việt hay không?

TS Vịnh: Thực ra, từ cô hồn xuất hiện chưa lâu lắm, người ta cho rằng vào tháng 7, âm khí dưới đất bốc mạnh lên trên cao và suy luận những âm khí này chính là vong hồn người âm đã khuất. Do đó, dân gian quan niệm, rằm tháng 7 là ngày mở cửa địa ngục, các linh hồn sẽ từ đó thoát ra.

Mở rộng ra, khái niệm vong hồn ở đây không chỉ là con người nữa mà gồm tất cả các loại chúng sinh. Chúng ta sẽ thấy, rằm tháng 7 cũng là ngày người sống dành cho người đã khuất, thậm chí, không chỉ vong hồn con người mà còn là vong hồn mọi chúng sinh tồn tại trên thế gian này.

Tôi cho rằng, tháng cô hồn có thể hiểu theo cách, nếu những gia đình có ông bà tổ tiên, gia phả rõ ràng thì dễ cúng bái, thờ tự, nhưng những biến đổi xã hội dẫn đến chuyện có nhiều trường hợp, người mất không có ai cúng tế, không biết tên tuổi, địa chỉ, ngày mất… nên con người dành ra một ngày để tưởng nhớ về họ, cúng tế, phóng sinh và giải thoát cho người âm.

Về mặt văn hóa, tháng cô hồn cũng mang nét nhân văn lớn, khái niệm cô hồn không mang ý nghĩa xấu, đáng sợ.

Xã hội - Ngày Tết vong hồn trong tín ngưỡng người Việt (Hình 2).
Vào ngày rằm tháng 7 hàng năm, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt cúng quỷ đói để cầu được bình an và những điều tốt đẹp

Kinh doanh, mua sắm, cưới hỏi, khởi công, động thổ, khai trương… và những việc lớn hầu như "được" kiêng kỵ tuyệt đối trong tháng này, thói quen đó gây ra hệ lụy kinh tế, xã hội như thế nào thưa ông?

TS Vịnh: Do đặc điểm tháng 7 âm có hiện tượng thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường, nhiều bão… sự bất thường về thời tiết tạo cho người Việt thói quen, kinh nghiệm trong sinh hoạt, làm ăn, dẫn đến kiêng kỵ việc lớn, lâu dần dẫn đến kiêng luôn những việc nhỏ. Về nguyên tắc, tất cả các ngày trong năm đều như nhau, không cần kiêng kỵ. 

Thậm chí giới trẻ trên mạng truyền nhau 18 điều cấm kỵ, 13 điều nên làm trong tháng cô hồn được chia sẻ và chấp nhận rộng rãi, ông đánh giá thế nào về tâm lý giới trẻ trước những tục lệ như thế?

TS Vịnh: Thực ra, người ta nghĩ rằng, tháng này là tháng vong linh, khí âm được thả ra nên để tránh tà ma, họ chú ý đến việc đi lại, mua bán.

Thực tế, việc kiêng kỵ dân tộc nào cũng có, kiêng để đảm bảo sự tồn tại, tránh điều xấu, đó là một xu hướng liên tục diễn ra. Việc kiêng kỵ cũng chỉ mang tính chất tương đối, bên cạnh những kiêng kỵ có nguồn gốc sâu xa từ văn hóa, hiện nay con người ta ngày càng kiêng những điều nhảm nhí, hoang đường. Ví dụ như ra đường nên bước chân nào trước, chân nào sau, gặp phụ nữ có bầu thì cho rằng đen đủi, người bán hàng mong gặp được “vía tốt”… đều là nhảm nhí, do người ta tự nghĩ ra và đồn thổi.

Như vậy, việc kiêng kỵ của người Việt ta có phần kiêng theo "sở thích" (thích gì kiêng nấy) và thiếu căn cứ cho hành xử tâm linh của mình?

Điều này cần phải có cách nhìn khác, thực tế các dân tộc trên thế giới đều kiêng một cái gì đó. Ví dụ người phương Tây kiêng số 13…

Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm, chỉ riêng thành phố Hà Nội đã tiêu tốn xấp xỉ… 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Điểm qua thị trường tháng 7 năm nay, các mặt hàng công nghệ đời mới nhất đã xuất hiện với nhiều thương hiệu như iPhone 5, iPad 4, Samsung Galaxy Tab, Samsung Galaxy S4… Có người phải thốt lên: "Việc mua sắm cho người cõi âm như thế này, có lẽ chỉ có ở Việt Nam!").

Trong các tục lệ ấy, chúng ta có thể thấy tục đốt vàng mã "vô tội vạ" vào tháng 7 (cũng như các tháng khác trong năm), ông có thể nói thêm về sự tích và tác dụng/tác hại của việc đốt vàng mã?

TS Vịnh: Do ý nghĩa nhân văn của rằm tháng 7 là vì người đã khuất nên con người muốn cho vong hồn cái gì đó. Từ mong muốn cao đẹp đó dẫn đến việc thế giới hiện đại có gì thì người ta muốn thế giới người âm cũng có. Ý nghĩ này nằm trong suy luận chủ quan,  trần sao thì âm vậy, chính vì vậy, người ta mơ hồ tin và chấp nhận có thế giới người âm, do đó dẫn đến thái quá trong việc đốt vàng mã, trần gian có gì người ta sản xuất vàng mã hết. Những việc làm đó giúp con người ta thỏa mãn lòng hiếu kỳ, việc đốt vàng mã mang tính chất tượng trưng cho tấm lòng của họ.

Theo ông, ở một "góc tiến bộ" nào đó trên thế giới người ta có nhìn tục lệ tháng cô hồn của dân ta như "hủ tục" hay cái gì đó khác thường, đáng được lên kênh truyền hình Discovery như tục lệ của một tộc người thiểu số còn sinh sống trên trái đất không?

TS Vịnh: Chúng ta cần làm rõ rằng, nghi lễ phương Đông, cái gì đã trở thành văn hóa thì không thay đổi, và chúng ta cũng không nên so sánh. Nghi lễ của người Á Đông, người phương Tây không có, nên nếu nhìn từ lăng kính văn hóa phương Tây sang văn hóa phương Đông sẽ thấy không phù hợp. Chúng ta sẽ thấy hầu hết bên trong các cửa hàng buôn bán ở Á Đông, thường thờ ông thần tài, treo đèn lồng, trong khi văn hóa phương Tây không thờ ai mà họ vẫn giàu có, trở thành tỷ phú. Thậm chí, người phương Tây không đốt vàng mã, nhưng nghi lễ tin vào người âm, phương Tây cũng có. Họ tin rằng, việc cầu kinh, làm các nghi lễ trong nhà thờ sẽ tốt cho linh hồn người đã mất….

Chúng ta có thể hiểu, cách thức, cách biểu lộ mang tính chất văn hóa có thể khác nhau, không nên nhìn từ nền văn hóa nọ sang nền văn hóa kia sẽ tránh đi đến kết luận chủ quan. Người phương Tây nhìn vào văn hóa phương Đông có thể thấy hơi “mọi rợ”, có cái gì đó mê tín, lòng tin và tín ngưỡng không thể tính bằng lý thuyết và không thể nêu bằng khái niệm khoa học.

Xin cảm ơn Tiến sỹ về cuộc trò chuyện thú vị!

Lời Ban biên tập: Đối với tháng cô hồn, Người Đưa Tin chỉ khuyên bạn nên xem dự báo thời tiết, tháng 7 trời mưa sụt sùi, thời tiết diễn biến phức tạp, lòng người lại bất an, quả thực khó khăn cho việc đi lại, xây dựng, khởi công… hay bắt đầu một công việc gì mới!

Ngọc Trà

Rằm tháng 7 và tội ác 'chim phóng sinh' ngay cửa chùa

Thứ 5, 15/08/2013 | 09:48
Người bán chim cắm cúi cắt cánh chim, để khi được phóng sinh, chim không thể bay xa hoặc không cất nổi cánh. Sau khi nghi lễ phóng sinh hoàn tất, những người này lại bắt lại những con chim nhốt vào lồng để... bán cho khách khác.

Đầu 'tháng cô hồn', hàng loạt thanh niên tự tử ở Sài Gòn

Thứ 5, 15/08/2013 | 10:12
Chỉ trong vòng hai ngày, hàng loạt vụ tự sát khiến ba thanh niên tử vong liên tiếp xảy ra trên địa bàn TP HCM đã gây xôn xao dư luận.

Nhộn nhịp dịch vụ cỗ chay mùa Vu Lan báo hiếu

Chủ nhật, 18/08/2013 | 10:33
Đối với nhiều người, mùa Vu Lan là thời điểm quan trọng trong năm để con cái thể hiện lòng biết ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Trong thời gian này, nhiều người đã ăn chay, niệm phật với mong muốn tích đức, báo hiếu cha mẹ, người thân. Dịch vụ đồ chay vì thế cũng tấp nập vào mùa... ăn theo.

Lễ Vu Lan: Những cụ già cài hoa hồng trắng

Thứ 2, 19/08/2013 | 08:36
Dù đã ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng những người đàn bà ấy chưa một lần có mẹ trong đời để mà được cài hoa hồng đỏ trong ngày Lễ Vu Lan.

Ác như 'chim tặc' mùa Vu Lan

Thứ 4, 14/08/2013 | 16:22
Khoảng 8g30 sáng 13/8, những người dân sống gần ngã tư Trần Quốc Toản - Trần Phú (Đà Nẵng) bất ngờ thấy cây bàng trước nhà số 11 Trần Quốc Toản chợt đầy tiếng chim sẻ kêu ríu rít. Nhưng đó thực ra là tiếng kêu cứu của loài chim bé nhỏ này.

Ngày Vu Lan, hãy ngồi bên mẹ thật lâu

Thứ 2, 12/08/2013 | 11:20
Hãy ngồi thật lâu bên mẹ mình rồi cầm tay mà nói “Mẹ biết không, con yêu mẹ”. Nếu mình thấy gượng gạo, không tự nhiên khi phải nói như vậy, thì chỉ cần nói hôm nay mẹ khoẻ không? Mẹ khát nước không, con đem nước mẹ uống...