Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

Chủ nhật, 21/04/2013 | 17:18
0
Nước sạch có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, hải đảo.

Chính vì vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đề ra mục tiêu: Cung cấp đủ nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh cho dân cư, trường học, trạm y tế, công sở và các khu dịch vụ công cộng..., đồng thời nâng cao hiểu biết của người dân về sử dụng nước sạch nông thôn. Hiện nay, các cấp, các ngành của Quảng Ninh cũng đang huy động mọi nguồn lực để hoàn thành tiêu chí này trong chương trình xây dựng NTM.

Trong năm 2012, hàng loạt các công trình cung cấp nước sạch cho các vùng nông thôn đã được xây dựng và hoàn thiện, góp phần giải bài toán về nước sinh hoạt cho nhân dân. Đặc biệt, các địa phương từ khu vực đồng bằng đến miền núi, hải đảo đều “mạnh tay” đầu tư cho tiêu chí này, góp phần nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên đến 90% - con số mơ ước của những năm về trước.

Vươn tới vùng sâu, vùng xa

Đến xã Kỳ Thượng, Hoành Bồ, chúng tôi được nghe nói về rất nhiều những đổi thay mà nông thôn mới mang lại cho bà con nơi này. Ông Đặng Đức Phúc, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nhờ có chương trình nông thôn mới mà lần đầu tiên xã chúng tôi có các công trình cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện nay, cũng mới chỉ có 2 thôn là Khe Lương và Khe Tre được đầu tư xây dựng công trình nước tự chảy và 3 điểm trường được khoan giếng nhưng như thế đã là chuyển biến rất đáng mừng của xã rồi đấy. Trước kia, bà con chỉ dùng nước suối thôi, ăn uống, tắm giặt... tất tần tật đều xuống suối cả. Biết là mất vệ sinh nhưng cũng không còn cách nào khác vì khoan giếng hay xây được bể chứa nước mưa trên này rất tốn kém mà bà con thì nghèo...”.

Việt Nam Xanh - Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

Người dân thôn 7, xã Quảng Phong (Hải Hà) sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh được đầu tư từ chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Là xã vùng cao nên khoan được một cái giếng ở Kỳ Thượng phải mất khoảng 200 triệu đồng, còn xây cái bể vài khối cũng tốn đến hơn chục triệu đồng. Chính vì thế, người dân chấp nhận sinh hoạt bằng nước suối dù các con suối đục ngầu vào mùa lũ và cạn kiệt, tù đọng vào mùa khô. Đấy còn chưa kể, nhiều hộ dân trên thượng nguồn vất cả rác rưởi xuống suối và những người ở hạ nguồn phải chịu hậu quả. Cô Dương Thuỳ Chi, giáo viên điểm trường Khe Lương của Trường TH-THCS Kỳ Thượng cho biết: “Không có nước sạch, giáo viên chúng tôi khổ lắm. Hàng ngày phải xách nước từ suối qua con dốc dài khoảng 500m. Hôm nào nước sạch còn đỡ chứ gặp hôm nước đục hay nhìn thấy xác mấy con vật chết dưới suối thì hãi đến mức chẳng dám giặt quần áo chứ chưa nói gì đến ăn, uống. Từ khi có nước sạch, chúng tôi mừng lắm. Nước sạch sẽ góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân nơi đây, góp phần giúp những lứa học trò của chúng tôi tiếp cận với cuộc sống hiện đại hơn”.

Có chung niềm vui như ở Kỳ Thượng, hàng loạt các xã vùng cao như: Đồng Lâm (Hoành Bồ), Điền Xá (Tiên Yên), Đạp Thanh, Đồn Đạc, Nam Sơn, Lương Mông (Ba Chẽ)... cũng được đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước hợp vệ sinh cho nhân dân. Đặc biệt, trong tháng 1 vừa qua, tại huyện Cô Tô đã khánh thành công trình hồ chứa nước ngọt Trường Xuân với dung tích trên 170.000m3 đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng nước sạch toàn xã Đồng Tiến và một phần thị trấn Cô Tô. Hồ chứa nước Trường Xuân có tổng mức đầu tư 71 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và tỉnh, với dung tích 170.000m3 có thể cung cấp đủ cho khoảng 4.000 nhân khẩu. Hệ thống kênh liên thông của hồ dài 128m với mạng lưới cấp nước sinh hoạt 17km, “phủ” đến tận thôn xa nhất của xã Đồng Tiến.

90% người dân nông thôn có nước hợp vệ sinh

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban xây dựng NTM, trong năm 2011, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện và bàn giao đưa vào sử dụng hàng loạt công trình cấp nước tập trung và các công trình nhỏ lẻ phân tán như giếng, bể chứa nước mưa... trên toàn tỉnh. Năm 2012, tỉnh tiếp tục đầu tư hơn 52 tỷ đồng cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nguồn kinh phí này đã được phân khai để thực hiện 4 công trình nước sạch tập trung bơm dẫn, 14 công trình nước sạch tự chảy và 1.100 công trình giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa (do nhân dân tự xây dựng từ nguồn vốn tín dụng). Cùng với đó, nhiều xã nông thôn của tỉnh cũng được hưởng lợi khi tham gia vào Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2 (Quảng Yên 5 xã, Đông Triều 13 xã, Hoành Bồ 2, Vân Đồn 2, Tiên Yên 5, Đầm Hà 1, Hải Hà 1).

Đặc biệt, để hoàn thành được tiêu chí về nước sạch trong xây dựng NTM, Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực và tận dụng mọi cơ hội để tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, tỉnh đã xác định nguồn lực từ chương trình xây dựng NTM sẽ tập trung cho đầu tư các công trình cấp nước ở các địa phương khu vực miền Đông, còn khu vực miền Tây sẽ tham gia thực hiện theo các dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế. Đồng thời, có cơ chế tuyên truyền và vận động xã hội hoá trong vấn đề này. Cụ thể, tỉnh đã giao cho Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Quảng Ninh triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho các xã, phường nằm trong khu vực Hà Bắc của TX Quảng Yên.

Các địa phương cũng tích cực vận động người dân tự đầu tư và bảo vệ các công trình cấp nước, huy động doanh nghiệp cùng vào cuộc tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình cấp nước khu vực nông thôn. Thực tế cho thấy, nước sạch nông thôn là một trong những công trình thiết yếu trong đời sống, không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Chính vì thế, các địa phương đều đặc biệt chú trọng đến công tác này và thực hiện một cách sáng tạo, phù hợp với từng địa phương. Điển hình như Ba Chẽ, để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con được dùng nước sạch hợp vệ sinh, huyện hỗ trợ chính sách kinh phí lắp đặt đồng hồ nước, đường ống đến tận nhà dân và  hỗ trợ giá nước sinh hoạt thấp hơn so với các khu vực khác. Các huyện Đầm Hà, Hải Hà, Đông Triều... nhờ tích cực tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân, nên khi triển khai chương trình, nhiều hộ dân đã chung tay góp sức để công trình sớm hoàn thành, đi vào sử dụng...

Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% các trường học mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch.

Theo Báo Quảng Ninh

Nước sạch nông thôn - 'cha chung không ai khóc'

Thứ 3, 16/04/2013 | 10:00
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay, tỉnh miền núi Hòa Bình có gần 54 vạn người được dùng nước hợp vệ sinh, đạt 76%; 41% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỉnh Hòa Bình đã huy động các nguồn vốn 308 tỷ 976 triệu đồng để thực hiện chương trình…

'Khát' nước sạch ngay trên đất Thủ đô

Thứ 3, 16/04/2013 | 10:03
Thị trấn Yên Viên hiện có hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa ngành như xà phòng, xi-măng, nhựa đường, than tổ ong…

Nhiều hộ dân Sơn La 12 năm chưa có nước sạch

Thứ 4, 10/04/2013 | 21:41
Đã 12 năm nay, gần 90 hộ dân tại tiểu khu 1, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La vẫn chưa được cấp nước sạch để sử dụng. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương chưa có biện pháp nào để giải quyết tình trạng này.