Quyền được chết nhân đạo: Không đơn giản

Quyền được chết nhân đạo: Không đơn giản

Thứ 5, 07/03/2013 | 09:27
0
Hiện nay đang có rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới quyền được chết, đặc biệt là đối với những trường hợp bệnh nhân sống trong tình trạng đời sống thực vật, thập tử nhất sinh. Họ muốn giải thoát khỏi sự hành hạ của bệnh tật.

PV Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với Thầy thuốc ưu tú, tiến sỹ, bác sỹ Ngô Xuân Sinh, chuyên khoa Nội - Tim mạch, nguyên cán bộ bệnh viện Hữu Nghị, nguyên giám đốc bệnh viện đa khoa Tràng An về vấn đề trên.

Thưa bác sỹ, trong quá trình làm việc tại các bệnh viện, những trường hợp sống thực vật, không có sự can thiệp, trợ giúp về y tế chắc chắn sẽ "ra đi" rất nhanh. Vậy, ấn tượng của tiến sỹ về những trường hợp đó ra sao?

Có thể nói, qua hàng chục năm công tác trong lĩnh vực y tế, cá nhân tôi được chứng kiến rất nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, họ phải đấu tranh sinh tồn giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Thế nhưng cũng có nhiều điều kỳ diệu vẫn xảy ra. Tôi đặc biệt ấn tượng về các bệnh nhân này, đó là sự kiên trì, bền bỉ luyện tập nhằm vượt qua bạo bệnh mà mình đang gặp phải. Trong họ toát lên mầm sống mãnh liệt và đó cũng chính là động lực to lớn nhất giúp họ vượt qua những giây phút hiểm nguy trong cuộc đời mỗi con người.

Xã hội - Quyền được chết nhân đạo: Không đơn giản

Thầy thuốc ưu tú, Tiến sỹ Ngô Xuân Sinh.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, đối với những bệnh nhân nặng, đặc biệt là những bệnh nhân sống trong tình trạng đời sống thực vật nên chọn giải pháp giải thoát cho họ bằng hỗ trợ về y tế để họ tránh được cơn đau bệnh tật hành hạ. Tiến sỹ nhìn nhận về việc này ra sao?

Từ trước đến nay, trên thế giới chưa thấy có bất kỳ quy định nào cho phép can thiệp vào việc này. Trước đây cũng có một vài trường hợp sử dụng hỗ trợ bằng y tế để bệnh nhân hiểm nghèo sớm được siêu thoát khỏi cuộc sống, thoát khỏi sự hành hạ của căn bệnh. Thế nhưng về sau việc can thiệp này đã bị lên án mạnh mẽ và bị kỷ luật rất nghiêm khắc. Điều đó cho thấy vấn đề này rất phiền hà, không thể cứ muốn là được chấp nhận trong cuộc sống hiện tại.

Nói về căn bệnh, đời sống thực vật mà bệnh nhân gặp phải, xu hướng chung, tất cả mọi người đều thương xót. Chính vì lẽ đó mà gia đình bệnh nhân đều cố gắng hết sức có thể để cứu chữa cho người thân mình vượt qua căn bệnh. Họ xác định "còn nước còn tát", thậm chí "hết nước rồi lại đổ nước vào để tát", mặc dù đã hết khả năng. Có trường hợp đặc biệt, tưởng bệnh nhân chết mười mươi rồi nhưng sau họ lại sống khoẻ mạnh.

Đó là trường hợp một bệnh nhân nằm điều trị tại khoa Nhi của một bệnh viện lớn. Trong quá trình nằm điều trị, cấp cứu, bệnh nhân đã chết lâm sàng, ngừng tuần hoàn, ngừng thở, máu không lưu thông nữa nhưng vẫn sống bởi vì tế bào não vẫn còn, vẫn hoạt động. Cái tôi muốn nói ở đây, đó là sự tận tâm cứu chữa từ nhiều phía, đặc biệt là về chuyên môn y tế cùng với trang thiết bị y tế hiện đại. Nếu bệnh nhân đã chết lâm sàng nhưng được phát hiện, chẩn đoán bệnh nhanh trong vòng 5 - 6 phút sẽ cực kỳ quan trọng. Khi người bệnh rơi vào trường hợp này cần phải làm điện tim, điện não. Nếu não không hoạt động, nhịp tim trở về vạch đường thẳng, giãn đồng tử hết cỡ, lúc đó là mất não, hỏng não... sau đó chuyển sang da lạnh ngắt, tím tái... lúc này mới ngừng cấp cứu vì người bệnh đã chuyển sang giai đoạn chết sinh vật.

Tóm lại, chết lâm sàng cực kỳ quan trọng, cần được cấp cứu nhanh, kịp thời nếu không sẽ bị chết sinh vật, hoàn toàn không thể cứu chữa được nữa. Muốn làm được điều này, cần phải triển khai một số biện pháp can thiệp như cho bệnh nhân thở bằng máy, cung cấp dinh dưỡng qua đường truyền... và giai đoạn này thường gọi là sống thực vật. Đối với một số bệnh nhân vẫn còn não, vẫn tồn tại thì bắt buộc phải cứu chữa, không được cho họ "ra đi" theo ý muốn chủ quan của một cá nhân nào đó mà chỉ dừng khi người bệnh chuyển sang chết thực vật. Thậm chí, khi sang giai đoạn này vẫn phải để 1 - 2 giờ đồng hồ nhằm theo dõi xem họ có khả năng phục hồi nữa hay không.

Bệnh nhân sống đời sống thực vật không chỉ khó khăn trong việc chống chọi lại với bệnh tật mà gia đình, người thân họ cũng mất rất nhiều thời gian chăm sóc, chi phí tốn kém khi nằm viện. Vậy giải pháp giải thoát cho họ có phải là phương pháp tối ưu cho cả người bệnh lẫn gia đình bệnh nhân, thưa Tiến sỹ? 

Như tôi đã nói, người bệnh ở giai đoạn này cần phải được chăm sóc và tận tình cứu chữa đến cùng, không thể để họ "ra đi" được. Đặc biệt có ý kiến để họ được giải thoát, đó cũng chỉ là quan điểm, ý kiến cá nhân. Trên thực tế, có trường hợp người bệnh bị chết thực vật nhưng gia đình họ muốn đưa về chết ở nhà hay không được ngày, được giờ nên gia đình bệnh nhân có nhờ y bác sỹ kéo dài thời gian sống (về mặt khoa học bệnh nhân đã chết rồi) để lựa chọn thời gian, địa điểm theo ý muốn của mình. Và như vậy là sự hợp tình, hợp lý về mặt tâm linh chứ không có chuyện người bệnh bị chết lâm sàng là muốn giải thoát cho họ ngay được. Hay như có nhiều người xác định không cần chữa bệnh, sống thì sống mà chết thì chết, nếu chết thì thôi, sao cho được "ra đi" tự nhiên và đó cũng là cách nghĩ, quan điểm cá nhân của họ.

Còn trên thực tế, đa phần ai cũng muốn sống, không ai muốn "ra đi" cả. Có trường hợp bị tai biến, bệnh nhân khổ, gia đình họ cũng rất khổ, rất khó khăn nhưng cán bộ y tế phải có trách nhiệm phòng bệnh, hạn chế tối đa sự phát bệnh đó nhằm kéo dài sự sống chứ không phải tìm cách cho họ "ra đi" sớm. Có như vậy mới đúng, còn ai nói là không nên, không đúng, không nhân đạo và họ lý giải như vậy là ngại khó, ngại khổ cho chính bản thân họ. Bởi vấn đề con người là quan trọng nhất, chứ tài sản, tiền bạc, của cải không có ý nghĩa gì. Muốn thay đổi, chấp nhận quyền được chết phải xem thế giới làm việc này như thế nào. Nếu có nhiều nước làm thì có thể xem xét; nếu thấy văn minh, hiện đại, được dư luận xã hội ủng hộ lúc đó chúng ta mới có thể cân nhắc và làm được.

Xin cảm ơn Tiến sỹ!                                          

Hoàng Anh (thực hiện)

Ám ảnh 'đảo hủi' giữa lòng hồ Thác Bà

Thứ 3, 26/02/2013 | 14:20
Ít ai biết được, giữa lòng hồ Thác Bà (xã Ngọc Chấn, huyện Nguyên Bình, tỉnh Yên Bái) có một hòn đảo là nơi trú ngụ của những bệnh nhân phong bị dân làng đuổi đi. Nhắc đến chuyện này, nhiều người vẫn chưa nguôi ám ảnh về ký ức kinh hoàng đó.

Người gây tai nạn thờ ơ với nạn nhân

Thứ 6, 04/01/2013 | 09:10
Một cô bé giãy giụa trên vũng máu trong khi người cha đang nằm dưới gầm chiếc xe gây tai nạn. Trong những phút giây tỉnh táo hiếm hoi, người cha cố lê thân tìm con gái. Và rồi, khi người thân đến nơi, người cha này cũng rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong sau đó. Có lẽ hai từ "nỗi đau" không đủ để nói về tình trạng của đại gia đình họ trong những ngày qua.

"Tôi là một trong 14 phạm nhân được học chữ"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Chuyện phạm nhân vào tù trở thành người có học đã là một chuyện lạ, lạ hơn là tử tù cũng được dạy chữ....Câu chuyện cảm động và có thật này xảy ra ở trại tạm giam Hải Phòng.

Bí mật về “đạo quân gớm ghiếc” của Mỹ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên(1952), quân đội Mỹ khi đó đã thực hiện một kế hoạch tuyệt mật: Thử nghiệm thực tế vũ khí sinh học thu được của phát xít Nhật trong thế chiến thứ hai.