Số phận bi thảm của công chúa cuối cùng triều Minh

Số phận bi thảm của công chúa cuối cùng triều Minh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Là cô con gái duy nhất sống sót trong cơn cuồng loạn chém giết của Sùng Trinh, thế nhưng, chỉ hai năm sau khi thoát khỏi lưỡi kiếm tử thần của vua cha, Trường Bình công chúa đã chết trong sự đau thương, uất hận dù cô đang mang thai ở tháng thứ 5…

Một ngày mùa xuân năm Sùng Trinh thứ nhất, trong chốn thâm cung của Tử Cấm Thành vang lên tiếng khóc của trẻ con, phá tan không khí tĩnh lặng chốn cấm cung. Một phi tần trong hậu cung của Hoàng đế Sùng Trinh đã sinh cho ông vua thứ 17 nhà Minh một cô công chúa.

Vào lúc bấy giờ, Sùng Trinh mới chưa tới 20 tuổi, trong lòng vẫn ăm ắp “hùng tâm tráng chí”, cho rằng bản thân mình có thể thay đổi và cứu vãn được thế cục nhà Minh đang ngày một suy tàn, trở thành một Hoàng đế phục hưng nhà Minh, lưu danh sử sách.

Và hành động “phục hưng” đầu tiên của Sùng Trinh chính là hạ lệnh “giảm biên chế” những nhân viên thừa trong bộ máy cai trị của mình. Chính trong thời điểm cô công chúa nhỏ ra đời thì tại trạm dịch Ngân Xuyên, huyên Mễ Chi, Thiểm Tây có một người lính phục vụ trong trạm như bao nhiêu người khác đã bị thải loại theo lệnh cắt giảm biên chế của Sùng Trinh.

Cô công chúa nhỏ ngủ say trong sự bao bọc của những người bảo mẫu có lẽ không bao giờ biết rằng người lính bị “thôi việc” ở cách xa cô hàng ngàn dặm sau này lại trở thành người thay đổi toàn bộ cuộc đời cô. Người lính đó chính là Lý Tự Thành - thủ lĩnh nghĩa quân nông dân, người đã lật đổ sự thống trị của triều đại nhà Minh. Còn cô công chúa nhỏ đó tên là Trường Bình - cô công chúa duy nhất thoát khỏi lưỡi kiếm tàn nhẫn của vua cha.

Cho tới nay, người ta vẫn chưa thể biết được chính xác ai là mẹ ruột của Trường Bình công chúa. Trong truyền thuyết, công chúa Trường Bình chính là do Châu Hoàng hậu - vợ cả của Sùng Trinh - sinh ra.

Tuy nhiên, theo sử sách ghi chép thì Châu Hoàng hậu chỉ sinh một người con gái và đã qua đời từ rất sớm, được đặt thụy hiệu là Khôn Nghĩa công chúa. Hơn nữa, căn cứ theo thời gian mà Trường Bình công chúa ra đời thì Châu Hoàng hậu đang mang thai thái tử.

Vì vậy, có thể chắc chắn rằng, Châu Hoàng hậu không phải là mẹ đẻ của công chúa Trường Bình. Trên thực tế, người sinh Trường Bình là Thuận Phi. Tuy nhiên, sau khi sinh Trường Bình không được bao lâu thì Thuận Phi qua đời, Trường Bình công chúa được đưa về ở cùng với Châu Hoàng hậu để nuôi dưỡng. Chính vì vậy, sử sách và các truyền thuyết đều nói rằng Trường Bình là con gái của Châu Hoàng hậu.

Người ta thường nói Hoàng đế Sùng Trinh là một người kém may mắn. Mẹ của Sùng Trinh họ Lưu, vốn người ở Hải Châu, nay là Hải Thành, Liêu Ninh, sau đó được tuyển vào cung của Đông cung thái tử, trở thành thiếp của Thái tử Chu Thường Lạc tức Minh Quang Tông sau này. Không lâu sau khi vào cung, Lưu thị sinh ra Chu Do Kiệm, tức Sùng Trinh Hoàng đế.

Chu Thường Lạc tính tình quái dị, lại hay cáu giận, điên khùng. Vào năm Chu Do Kiệm lên 5 tuổi, Chu Thường Lạc lại bộc phát căn bệnh tâm thần của mình. Trong lần phát bệnh này, Chu Thường Lạc không phân phải trái trắng đen, cũng chẳng cần biết lý do, lôi Lưu thị ra đánh một trận cho tới khi chết.

Sau khi Lưu thị chết, Chu Thường Lạc cảm thấy rất ân hận. Tuy nhiên, cũng chẳng phải vì Chu Thường Lạc yêu thương Lưu thị hay xót con nhỏ không có người chăm bẵm mà vì sợ cha mình là Hoàng đế Vạn Lịch biết chuyện, nhân cơ hội phế truất ngôi thái tử của mình. Vì thế, Chu Thường Lạc đe dọa các thái giám hầu cận của mình, căn dặn chúng không được tiết lộ chuyện này ra bên ngoài, rồi nói dối rằng Lưu thị bị bệnh mà chết, dùng nghi lễ qua loa chôn cất Lưu thị.

Chu Do Kiệm lớn lên trong tình cảnh thiếu thốn sự chăm sóc của mẹ. Khi Chu Thường Lạc lên ngôi, tức Minh Quang Tông, Chu Do Kiệm được phong làm Tín Vương. Mẹ của Chu Do Kiệm, Lưu thị cũng được phong làm Hiền Phi. Mặc dù đã trở thành thân vương, song do mẹ mình chết không rõ nguyên do nên Chu Do Kiệm cũng không dám công khai đi tế lễ, chỉ dám âm thầm dò hỏi các thái giám về vị trí đặt mộ của mẹ mình rồi lấy tiền đưa cho bọn người hầu để chúng thay mình tới tế lễ tại mộ mẹ. Năm Chu Do Kiệm 17 tuổi, anh trai là Hy Tông Chu Do Hiệu chết sớm mà không có con trai đã đem ngôi báu truyền cho Chu Do Kiệm, tức Sùng Trinh Hoàng đế.

Thế giới - Số phận bi thảm của công chúa cuối cùng triều Minh

Xa Thi Mạn trong vai Trường Bình công chúa

Tới lúc này, Chu Do Kiệm mới dám công khai đường đường chính chính tới thắp hương tại mộ mẹ mình. Khi lên ngôi, Chu Do Kiệm phong cho mẹ mình làm Hiếu Thuần Thái hậu đồng thời chuyển mộ mẹ từ nơi xa xôi hẻo lánh ở Tây Sơn tới đặt cạnh lăng mộ của Quang Tông Chu Thường Lạc.

Người ta nói rằng, vì là người chứng kiến những ngày tháng bất hạnh của mẹ mình trong hậu cung của vua cha nên trong hậu cung của Sùng Trinh rất ít phi tần. Sùng Trinh tuy lên ngôi khi còn rất nhỏ tuổi nhưng rất coi trọng gia đình, quan hệ giữa ông ta và những người vợ của mình cũng rất thân thiết, hòa thuận.

Tới năm Sùng Trinh thứ 16, công chúa Trường Bình vừa tròn 16 tuổi, độ tuổi xuất gia theo chồng. Sùng Trinh rất yêu thương cô con gái của mình, nên dù công việc triều đình rất bận rộn, vẫn bỏ rất nhiều thời gian suy nghĩ và tìm kiếm phò mã cho Trường Bình. Người được chọn chính là Châu Thế Hiển.

Năm đó đáng ra là năm hạnh phúc nhất của Trường Bình công chúa, thế nhưng không may mắn cho cô công chúa này, nhà Minh đã tới lúc suy kiệt, cùng đường. Khi đám cưới của công chúa Trường Bình chưa kịp tổ chức thì cũng trong năm đó, người lính bị sa thải năm nào là Lý Tự Thành và Trương Hiến Trung nổi dậy. Hai cánh quân của Lý và Trương thế như vũ bão, đánh chiếm hết tòa thành này tới tòa thành khác, hết vùng đất này tới vùng đất khác.

Những người trong Tử Cấm Thành chỉ còn biết hàng ngày nghe ngóng tin chiến trận rồi sợ hãi, lo lắng rồi một ngày “bọn giặc cỏ” sẽ kéo vào kinh thành. Cũng chính vì thế, chẳng còn ai có tâm trạng đâu để nghĩ tới đám cưới của công chúa Trường Bình và Châu Thế Hiển. Hôn lễ cứ như vậy bị hoãn lại hết lần này tới lần khác. Cho tới tận khi Lý Tự Thành dẫn quân đánh vào Tử Cấm Thành, hôn lễ giữa hai người vẫn chưa được tổ chức.

Cũng giống với công chúa Trường Bình, do chuyện giặc giã nổi lên mà hôn nhân liên tục bị trì hoãn, đó chính là em trai của Trường Bình, thái tử Chu Từ Lãng. So với Trường Bình, Từ Lãng kém một tuổi, là con trai cả của Châu Hoàng hậu, sinh vào tháng 2 năm Sùng Trinh thứ 2. Khi Từ Lãng 14 tuổi, Sùng Trinh đã muốn chọn thái tử phi cho con trai của mình.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh quốc gia khốn đốn vì “giặc giã” nên tới tận khi nước mất nhà tan, Sùng Trinh vẫn chưa chọn được vợ cho con trai mình. Ngày 4 tháng Giêng năm Sùng Trinh thứ 7, khí thế của nghĩa quân Lý Tự Thành ngày một lớn, Sùng Trinh đã ngửa cổ lên trời mà than rằng: “Nước mất thì vua chết”.

Ít lâu sau đó, Sùng Trinh nhận được tin Lý Tự Thành tự xưng là Hoàng đế, lấy hiệu là Đại Thuận, ý rằng mình là kẻ thuận theo thiên mệnh, diệt bỏ nhà Minh. Cùng vào thời điểm đó, Sùng Trinh cũng được thái giám báo rằng Hiếu lăng của Thái tổ Chu Nguyên Chương đặt tại Nam Kinh có điềm không lành: Cứ tới lúc nửa đêm, người ta lại nghe thấy tiếng khóc thê lương phát ra từ trong lăng mộ, những người trông giữ lăng đều vì thế mà sợ hãi, không dám tới gần lăng.

Tháng Giêng năm đó, Phượng Dương xảy ra động đất. Cùng trong tháng đó, Nam Kinh cũng có động đất. Bắc Kinh - kinh đô nhà Minh - xuất hiện hiện tượng “sao nhập nguyệt”. Cả nơi quê gốc cho tới nơi phát tích của nhà Minh đều xuất hiện những điềm báo xấu khiến Sùng Trinh cảm thấy tuyệt vọng vô cùng.

Lúc bấy giờ, ngân khố triều đình đã cạn kiệt, không còn cách nào khác, Sùng Trinh cho tập hợp các quan, đề nghị họ hiến tiền để sử dụng làm chi phí cho quân đội. Tuy nhiên, kết quả của lần “kêu gọi quyên góp” đó khiến Sùng Trinh càng thêm thất vọng. Tất cả những ông quan phát tài nhờ triều Minh nay nhất loạt kêu khổ.

Ngay cả người thân thiết bên họ ngoại là Điền Hoằng Ngộ khi Sùng Trinh nhiều lần thỉnh cầu cũng chỉ bỏ ra một vạng lạng bạc. Có thể nói, lúc bấy giờ, triều thần nhà Minh cũng không còn tin tưởng vào sự tồn tại của triều đại này nữa.

Tới ngày 16/3/1644, quân của Lý Tự Thành tấn công tấm bình phong cuối cùng của Bắc Kinh là Xương Bình. Chỉ hai ngày sau đó, ngày 18/3, thành Bắc Kinh bị phá. Lúc bấy giờ, Sùng Trinh cho gọi ba người con trai của mình tới trước mặt, bắt chúng thay quần áo cũ rồi sai thái giám đưa ra khỏi hoàng cung chạy trốn. Ba anh em họ Chu ra khỏi hoàng cung, việc đầu tiên nghĩ tới chính là chạy tới nhà ông ngoại của mình.

Ông ngoại của thái tử và Định Vương là Châu Khuê còn ông ngoại của Vĩnh Vương chính là Điền Hoằng Ngộ. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, cánh cổng nhà họ chu và họ Điền đều đóng im ỉm, từ chối trở thành nơi tị nạn cho những đứa cháu ngoại của mình. Những hoàng tử còn quá trẻ, chưa bao giờ biết cuộc sống bên ngoài ra sao, giờ bị những người họ ngoại của mình từ chối, chẳng còn biết chạy đi đâu. Kết quả, vài ngày sau đó, ngày 20/3, thì bị nghĩa quân của Lý Tự Thành bắt sống.

Thái tử Từ Lãng được Lý Tự Thành phong làm Tống Vương. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau đó, khi nhà Thanh dẫn quân tấn công Trung Nguyên, Lý Tự Thành dẫn quân chạy về phía Tây, trong chiến tranh hỗn loạn, không ai rõ số phận của những hoàng tử cuối cùng của triều Minh ra sao.

Ba vị hoàng tử không biết sống chết ra sao này sau đó thực sự trở thành một cơn ác mộng đối với nhà Thanh. Rất nhiều người chống lại nhà Thanh đều dùng danh nghĩa “Thái tử Đại Minh” để tập hợp dân chúng. Thậm chí có người còn giả làm thái tử hòng trục lợi. Tuy nhiên, họ sống chết ra sao thì chẳng ai biết.

Dẫu sao, các hoàng tử của Sùng Trinh cũng có cơ hội trốn ra bên ngoài, tránh được cái chết thảm khốc chứ không giống như những cô công chúa chân yếu tay mềm, không có khả năng “trả thù nước, báo thù nhà” bị Sùng Trinh lưu lại trong hậu cung. Trường Bình công chúa biết rằng sau khi ba người em của cô chạy trốn thì kết cục đang đợi cô ở phía trước. Quả thực, sau khi ra lệnh cho thái giám đưa ba hoàng tử ra khỏi hoàng cung, Sùng Trinh ra chiếu chỉ cuối cùng của mình, bắt buộc tất cả các hậu phi đều phải tự sát.

Thế giới - Số phận bi thảm của công chúa cuối cùng triều Minh (Hình 2).

Sùng Trinh

Đêm hôm đó, Châu Hoàng hậu treo cổ tự sát, rất nhiều phi tần khác cũng tự sát theo. Nhiều phi tần không chịu tự sát cũng bị các thị vệ giết chết. Sau khi nhận được thông tin tự sát của các phi tần, Sùng Trinh tới Thọ Ninh cung - nơi ở của công chúa Trường Bình.

Khi đó, Trường Bình mới chỉ 16 tuổi, vẫn còn đang đợi gặp mặt vị phò mã Chu Thế Hiển của mình. Các em trai của mình có thể trốn ra khỏi cung nên Trường Bình cho rằng mình cũng có thể như vậy. Vì thế, khi Sùng Trinh tới nơi, Trường Bình công chúa kéo áo vua cha, xin hãy cho mình một con đường sống, cô không muốn chết như vậy.

Sùng Trinh lắc đầu nói: “Con à, vì sao con lại sinh ra trong nhà của ta?”. Câu nói vừa dứt thì Sùng Trinh vung kiếm chém xuống đầu Trường Bình. Do bản năng sinh tồn, Trường Bình đã cố gắng tránh khỏi thanh kiếm sắc lẹm của Sùng Trinh. Tuy nhiên, đường kiếm đi quá nhanh và mạnh, cánh tay trái của công chúa Trường Bình bị đứt lìa. Sau tiếng thét đau đớn, công chúa Trường Bình ngã xuống đất trong vũng máu lênh láng, không còn cảm thấy gì nữa.

Sùng Trinh thấy vậy, cho rằng Trường Bình đã chết nên không chém thêm một kiếm nữa, quay người tới cung của cô con gái thứ ba. Và cũng chỉ một đường kiếm, Sùng Trinh đã giết luôn đứa con gái mới lên 10 tuổi của mình. Sau này, khi nhà Thanh tiến vào Trung Nguyên mới lấy nơi ở của cô công chúa thứ ba này đặt tên cho cô, gọi là Chiêu Nhân công chúa. Ngay trong ngày hôm sau, sau khi đã giết toàn bộ vợ và con gái của mình, Sùng Trinh treo cổ tự vẫn tại Môi Sơn. Thái giám cuối cùng còn ở lại bên Sùng Trinh khi đó là Vương Thừa Ân cũng tự vẫn theo chủ.

Hoàng đế tự vẫn, quân đội Lý Tự Thành kéo vào hoàng cung, trong cảnh hỗn loạn ấy, người ta không có thời gian để quan tâm tới thi thể của cô công chúa Trường Bình bất hạnh. Năm ngày sau đó, kỳ tích bỗng nhiên xuất hiện, Trường Bình công chúa tỉnh lại. Khi Trường Bình tỉnh lại thì thành Bắc Kinh đã là thiên hạ của Hoàng đế Đại Thuận Lý Tự Thành. Lý Tự Thành biết chuyện Trường Bình chết đi sống lại, cảm thấy đó là một chuyện rất lạ, vì vậy sai Lưu Tông Mẫn cứu chữa cho cô.

Lưu Tông Mẫn là một kẻ có tiếng độc ác và thích giết người lúc bấy giờ. Sau khi tiêu diệt nhà Minh, Lưu Tông Mẫn cho bắt toàn bộ các quan viên trong triều đình nhà Minh rồi dùng đủ hình thức tra tấn khủng khiếp nhất từ thời Đông Xưởng của Ngụy Trung Hiền để ép họ nói ra nơi cất giấu gia sản, tiền bạc. Mấy tháng trước khi Sùng Trinh xuống nước thỉnh cầu, không có bất cứ người nào chịu bỏ tiền ra, nay toàn bộ gia sản đều bị rơi vào tay của Lưu Tông Mẫn. Sau khi lấy được toàn bộ gia tài, Lưu Tông Mẫn ra lệnh giết toàn bộ những quan lại cũ của nhà Minh, một người cũng không tha.

Toàn bộ những người trong gia đình, họ hàng của họ cũng bị giết chết. Một kẻ nhẫn tâm và tàn ác như vậy, nay Lý Tự Thành lại giao cô công chúa vừa thoát khỏi địa ngục trở về vào tay y khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, may mắn cho Trường Bình công chúa, Lý Tự Thành không ở Bắc Kinh được lâu như người ta tưởng. Chỉ hai tháng sau, nhà Thanh đem quân tấn công vào Trung Nguyên, Lý Tự Thành vội vàng bỏ chạy, tới mức không kịp có thời gian nhớ tới Trường Bình công chúa và ba người em của cô.

Trong cảnh chiến loạn, ba người em của Trường Bình tiếp tục bỏ chạy để bảo toàn tính mạng. Vết thương trên người Trường Bình công chúa vẫn trong tình cảnh thập tử nhất sinh, không thể nào theo các em chạy trốn được, chỉ đành nằm trên giường bệnh nuốt nước mắt nhìn theo ba người em của mình.

Sau khi nhà Thanh tiến vào Trung Nguyên, công chúa Trường Bình trở thành một vị khách đặc biệt của triều đình nhà Thanh. Để lấy lòng người Hán, Đa Nhĩ Cổn đã tổ chức lễ tế Sùng Trinh kéo dài tới ba ngày, phong cho Sùng Trinh là Hoài Tông Đoan Hoàng đế, sau đó lại đổi thành Trang Liệt Mẫn Hoàng đế. Đồng thời, Đa Nhĩ Cổn cũng cho đào quan tài của Châu Hoàng hậu lên, sau đó tổ chức lễ an táng theo đúng lễ nghi dành cho một hoàng hậu. Nhìn cha mẹ mình có thể mồ yên mả đẹp, dù là nước mất nhà tan, Trường Bình công chúa cũng cảm thấy được an ủi đôi phần.

Ngoài Trường Bình công chúa, còn có một người nữa may mắn thoát chết trong cơn cuồng loạn chém giết của Sùng Trinh, đó chính là Viên Quý phi. Lúc đó, theo lệnh của Sùng Trinh, Viên Quý phi cũng treo cổ tự vẫn. Tuy nhiên, dải dây lụa mà Viên thị dùng để tự vẫn bị đứt nên họ Viên không chết. Sau khi từ nơi ở của Trường Bình công chúa và Chiêu Nhân công chúa trở về, thấy Viên Quý phi vẫn còn sống, Sùng Trinh một lần nữa dùng kiếm chém nhiều nhát vào Viên Quý phi.

Viên thị bị thương nặng nhưng không chết, sau đó, cũng giống như Trường Bình công chúa mà tỉnh trở lại. Sau khi Hoàng đế Thuận Trị nhà Thanh vào Trung Nguyên đã tìm thấy Viên thị và nuôi dưỡng cho tới khi qua đời.

Thuận Trị năm thứ 2, con trai của Phúc Vương là Chu Do Tùng dấy binh chống lại nhà Thanh ở Nam Kinh, xưng là Hoằng Quang Đế. Sau đó, một người tự xưng là thái tử Từ Lãng tới gia nhập nghĩa quân của Chu Do Tùng. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, Chu Do Tùng tuyên bố người này không phải là thái tử Từ Lãng mà là kẻ giả mạo và bắt nhốt vào ngục tối.

Những điều tra sau đó của triều đình nhà Thanh chứng tỏ người đó không phải là thái tử Từ Lãng, tuy nhiên, lúc bấy giờ, Trường Bình công chúa không hề biết điều này. Nghe tin em trai của mình bị bắt và nhốt tại Nam Kinh, Trường Bình công chúa tuyệt vọng vô cùng, quyết định dâng thư lên Thuận Trị Hoàng đế và Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn xin được xuất gia làm ni cô, đoạn tuyệt với cuộc đời nhiễu nhương và nhiều bi kịch của mình.

Thế giới - Số phận bi thảm của công chúa cuối cùng triều Minh (Hình 3).

Trường Bình công chúa trên phim

Do Trường Bình là công chúa trưởng của triều Minh, do vậy, để lấy lòng người Hán, nhà Thanh tuyệt đối không bao giờ chấp nhận thỉnh cầu xuất gia của Trường Bình. Không chỉ không đáp ứng thỉnh cầu xuất gia của Trường Bình, ngược lại, để làm nổi bật hành vi ngược đãi với thái tử của “tiên đế” Sùng Trinh của bọn Chu Do Tùng, Thuận Trị và Đa Nhĩ Cổn đã tổ chức cuộc kết hôn giữa Trường Bình công chúa và Chu Thế Hiển - vị phò mã đã được Sùng Trinh lựa chọn trước đây, đồng thời tặng cho Trường Bình xông chúa nhà cửa và rất nhiều vàng bạc, xe ngựa, ruộng đất.

Khi xông chúa Trường Bình nhận được chỉ dụ này, cảm thấy số phận mình quá nhỏ bé, bi thảm, khóc ròng suốt mấy hôm liền. Tuy nhiên, chiếu chỉ đã được ban ra, hôn lễ bắt buộc phải được thực hiện. Thuận Trị và Đa Nhĩ Cổn còn cố ý tổ chức hôn lễ thật hoành tráng để lấy lòng người dân Hán.

Vậy là sau hai năm, hôn lễ mà Trường Bình công chúa mơ ước ngày nào đã được tổ chức. Tuy nhiên, hôn lễ lần này lại là điều cô hoàn toàn không mong muốn. Hôn lễ càng tổ chức long trọng, nỗi đau trong lòng cô càng lớn.

Vài tháng sau khi kết hôn, triều Thanh dẫn quân đánh tan quân của Chu Do Tùng ở Nam Kinh, bắt sống Chu Do Tùng mang về Bắc Kinh xử tử. Lúc bấy giờ, công chúa Trường Bình mới nhận được tin rằng thái tử Từ Lãng bị Chu Do Tùng nhốt vào ngục quả thực là người giả mạo.

Thông tin này trở thành đòn đả kích cuối cùng đối với Trường Bình công chúa. Thông tin người em trai, dẫu là đang bị bắt nhốt vào ngục, là sự níu kéo cuối cùng của Trường Bình đối với cuộc sống, nay đã không còn. Vì vậy, chỉ vài tháng sau đó, Trường Bình công chúa đã chết trong sự dày vò, phẫn uất. Người ta nói rằng, vào thời điểm đó, Trường Bình công chúa đã có mang 5 tháng.

> Đọc thêm: Những câu chuyện huyền bí trong hậu cung xưa

Phong Nguyệt

* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.


Cùng chuyên mục

Australia sắp triệu hồi “mắt thần” yểm trợ tuyến hậu cần vào Ukraine

Thứ 3, 19/03/2024 | 15:50
Mỹ đã không yêu cầu gia hạn việc triển khai, và sẽ không có khoảng trống nào trong việc phương Tây yểm trợ hậu cần cho Ukraine vì Australia kết thúc sứ mệnh.

Pháp đứng về phía Ba Lan trong “cuộc chiến” với nông sản Ukraine

Thứ 3, 19/03/2024 | 14:33
Sự thay đổi này sẽ khiến Ukraine tổn thất 1,2 tỷ Euro, một mức thiệt hại lớn đối với một quốc gia đang vật lộn để giành được mọi sự giúp đỡ có thể.

Nga tấn công chính xác, tàu tuần tra Ukraine bốc cháy dữ dội

Thứ 3, 19/03/2024 | 13:55
Hình ảnh từ video được công khai cho thấy, tàu tuần tra của Ukraine đang di chuyển trên sông Southern Bug thì bị tấn công.

Hé lộ ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Nga Putin trong nhiệm kỳ 5

Thứ 3, 19/03/2024 | 12:01
Tổng thống Putin dự kiến sẽ nhậm chức và bắt đầu nhiệm kỳ thứ 5 của mình vào tháng 5. Khi đó, nhà lãnh đạo Nga sẽ có bài phát biểu đề ra tầm nhìn cho 6 năm tới.

Trạm chỉ huy Ukraine bị phá hủy sau đòn tấn công chính xác của tên lửa Nga

Thứ 3, 19/03/2024 | 10:00
Hình ảnh được công khai cho thấy, tên lửa Nga đã phá hủy trạm chỉ huy và radar giám sát của Ukraine sau đòn tấn công chính xác.
     
Nổi bật trong ngày

Nga tấn công chính xác, tàu tuần tra Ukraine bốc cháy dữ dội

Thứ 3, 19/03/2024 | 13:55
Hình ảnh từ video được công khai cho thấy, tàu tuần tra của Ukraine đang di chuyển trên sông Southern Bug thì bị tấn công.

Trong nỗ lực tấn công xuyên biên giới, trực thăng Ukraine bị 9K333 Verba Nga bắn hạ

Thứ 2, 18/03/2024 | 10:55
Quân đội Nga đã bắn hạ một máy bay trực thăng của lực lượng Kiev ở khu định cư Lukashevka thuộc vùng Sumy của Ukraine.

“Dấu giày” của quân NATO ở Ukraine và “vùng đệm” bảo vệ nước Nga

Thứ 2, 18/03/2024 | 10:35
Phát biểu trước những người ủng hộ và phóng viên, ông Putin cho biết ông muốn Tổng thống Pháp Macron ngừng tìm cách làm trầm trọng thêm cuộc chiến ở Ukraine.

Đoàn xe quân sự Ukraine bị tấn công, xe bọc thép nổ tung, chìm trong lửa

Thứ 2, 18/03/2024 | 14:45
Theo hướng Zaporozhye, quân đội Nga đã tiến hành cuộc tấn công nhằm vào một đoàn xe quân sự Ukraine.

Pháp đứng về phía Ba Lan trong “cuộc chiến” với nông sản Ukraine

Thứ 3, 19/03/2024 | 14:33
Sự thay đổi này sẽ khiến Ukraine tổn thất 1,2 tỷ Euro, một mức thiệt hại lớn đối với một quốc gia đang vật lộn để giành được mọi sự giúp đỡ có thể.