Nữ hoàng Biển 'vỡ trận': Ai sẽ bồi thường cho thí sinh?

Nữ hoàng Biển 'vỡ trận': Ai sẽ bồi thường cho thí sinh?

Thứ 7, 08/06/2013 | 09:55
0
Câu chuyện “vỡ trận” cuộc thi Nữ hoàng Biển Việt Nam đang gây trái chiều ý kiến giữa các bên liên quan. Để hiểu sâu hơn vấn đề này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có những tiếp cận với các bên liên quan, cùng ý kiến phân tích qua góc nhìn của luật sư...

Chuyện "sư nói phải, vãi nói hay"?

Trong vụ việc này, khi xảy ra "vỡ trận", chắc chắn, đôi bên đều có lý giải đúng về mình. Thế nhưng, chúng tôi là người ngoài cuộc, với cái nhìn đa chiều, chúng tôi cho rằng, cả đôi bên cùng "đuối" lý một cách rất buồn cười. Theo phân tích của luật gia Thái Chính, người có gần 30 năm làm việc trong lĩnh vực văn hoá, du lịch và từng cùng với nhiều ekip tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, thì: Với những sai phạm mà cục NTBD phát hiện ra, cuộc thi Nữ hoàng Biển Việt Nam đáng bị đình chỉ, thu hồi giấy phép vì vi phạm nghiêm trọng thể lệ, điều lệ, các quy định của Nhà nước khi tổ chức cuộc thi sắc đẹp quy mô quốc gia. Chỉ cần 1 trong 5 vi phạm trên được chỉ ra ở một cuộc thi cũng có thể đình chỉ chứ không cần đến tận 5 vi phạm mới đình chỉ.

Thế nhưng, vấn đề ở chỗ, cấp phép rồi, sao cục NTBD lại không giám sát, không kiểm tra để cho vi phạm diễn ra trong một thời gian dài, rồi mới đình chỉ? Vậy cục NTBD có quan liêu không? Nếu phát hiện vi phạm ngay từ đầu, đình chỉ ngay từ đầu, thiệt hại về tiếng tăm, về vật chất, về niềm tin của thí sinh vào các cuộc thi sắc đẹp sẽ ít hơn nhiều. Và, nếu làm nghiêm ngay từ đầu, Cục còn được tiếng là có trách nhiệm và tự cái nghiêm đó sẽ nâng tầm các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam lên tầm cao hơn để tiến tới sự chuyên nghiệp. Cuộc thi sắc đẹp này từ khi nhận hồ sơ, sơ khảo ở các vùng đến chung kết là hơn 1 tháng, đủ thời gian để Cục kiểm tra. Vậy mà, Cục nhiều việc quá, thiếu người hay sao mà đến phút chót mới làm cho cuộc thi "vỡ trận" một cách bất ngờ thế. Ngay trong 5 vi phạm Cục chỉ ra đã thấy Cục quan liêu, những vi phạm từ vòng nhận hồ sơ, sao không kiểm tra, nhắc nhở kịp thời...

Sự kiện - Nữ hoàng Biển 'vỡ trận': Ai sẽ bồi thường cho thí sinh?

Các thí sinh tham gia Nữ hoàng Biển Việt Nam năm nay bị hụt hẫng khi rời cuộc chơi ở giờ G.

Phân tích của luật gia Quang Hoà (Hà Nội), về lỗi của ban tổ chức cuộc thi, thì: Thứ nhất, không chấp hành các quy định của Nhà nước, bị đình chỉ là đúng. Thứ hai, cho quá nhiều thí sinh nợ hồ sơ (59/114) khi tham gia thi chắc chắn sẽ dẫn tới hệ quả không tốt là cuộc thi thiếu minh bạch. Điều này ban tổ chức biết, cứ làm là lỗi cố ý, không thể chấp nhận được. Thứ ba, cuộc thi được quảng cáo rất rầm rộ, với tính chuyên nghiệp cao nhưng hoạt động thì mang tính nghiệp dư. Phiếu chấm điểm, bảng tổng điểm của thí sinh không mang theo hành trình cuộc thi là rất bất ổn. Bởi, nếu thí sinh nào không đồng ý, khiếu nại thì lấy gì trả lời? Vậy là thiếu minh bạch rồi... Rồi những quy định "cứng" của cuộc thi sắc đẹp bắt buộc phải có là thành lập ban giám khảo và ban hành quy chế hoạt động, chấm thi... ban tổ chức cũng không làm được thì còn gọi gì là cuộc thi nữa. Đây là lỗi ý thức mang tính chủ quan, cần bị xử lý.

Với phân tích của hai luật gia trên thì lỗi "vỡ trận" của cuộc thi sắc đẹp Biển là của đôi bên và mang tính chủ quan là chính. Bên quản lý thì chưa thực hiện hết trách nhiệm trong quản lý, điều hành, giám sát, kiểm tra xung quanh cái gọi là mình đã cấp phép để khi vi phạm xảy ra rồi mới khắc phục bằng đình chỉ, thu hồi. Đây là cách điều hành mang lỗi hệ thống, thiếu chuyên nghiệp. Tức là, cơ quan Nhà nước chỉ chú trọng xử lý phần ngọn, chứ phần gốc thì vẫn bỏ ngỏ. Ban tổ chức thì chỉ chú trọng nhiều vào quảng cáo thì phải. Cái phần quan trọng nhất của cuộc thi là quy chế và giám khảo lại thiếu ngay ở sơ khảo thì làm sao minh bạch, đúng đắn được để vào tới chung khảo?

Ai sẽ là người có trách nhiệm bồi thường cho thí sinh?

Nhiều người cho rằng, đó là lỗi khách quan, cuộc thi bị dừng, thí sinh đi về là xong. Nhưng, với một xã hội văn minh, hành xử như thế là không phù hợp. Việc các thí sinh đăng ký dự thi, tập trung cho cuộc thi, cuộc thi bị dừng thì ban tổ chức phải bồi thường vật chất, tinh thần cho họ.

Luật sư Đức Minh, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: "Cả cục NTBD và ban tổ chức đều phải có trách nhiệm bồi thường cho thí sinh. Bởi những thí sinh đến vòng chung kết, họ đã được chấp nhận ở các vòng trước, bỏ thời gian, công, tâm sức luyện tập. Nhiều thí sinh là học sinh, sinh viên, phải xin nghỉ học, xin thi sau để tham dự cuộc thi thì phải bồi thường vật chất cho họ ôn tập cho năm sau thi kiến thức chứ. Bồi thường vật chất, theo tôi là đơn giản nhưng bồi thường tinh thần mới là quan trọng. Nếu các thí sinh này là người nhạy cảm, lần đầu tham gia thi sắc đẹp mà không được thi vì lỗi của cơ quan chức năng, ban tổ chức thì sẽ để lại ấn tượng không tốt trong họ".

Ban tổ chức bồi thường là đúng rồi, sao Cục cũng cần phải bồi thường? Luật sư Đức Minh phân tích: "Đây là lỗi hỗn hợp. Cục phải có trách nhiệm với thí sinh bởi đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát dẫn đến sự việc này quá muộn, các thí sinh đã bỏ công, tâm sức vào cuộc thi quá lớn rồi...".

Luật sư Phan Văn Phất, văn phòng Luật sư An Phát Phạm cũng đồng quan điểm trên và cho rằng: "Phía nhà quản lý có quyền tước giấy phép hoạt động và yêu cầu ban tổ chức (BTC) dừng cuộc thi ở bất cứ thời điểm nào phát hiện ra sai phạm trong quá trình thực hiện. Riêng về phía thí sinh, hành lang pháp lý có phần không ủng hộ đối với các thí sinh tham gia cuộc thi sắc đẹp hiện nay. Hiện nay, Điều 593, Bộ luật Dân sự chỉ có định nghĩa rất sơ khai rằng người đoạt giải có quyền yêu cầu nhà tổ chức trao giải cho mình, ngoài ra, không có bất cứ điều khoản nào về bồi thường. Như vậy, cơ sở pháp lý hiện nay để bảo vệ quyền và lợi ích người tham gia một cuộc chơi sắc đẹp vẫn còn đang thiếu. Cơ chế pháp lý chưa hoàn thiện nên thí sinh tham gia sẽ có những thiệt thòi nhất định. Tuy nhiên, việc các thí sinh đã bỏ thời gian tham gia cuộc thi, đến hồi kết mà phải dừng lại thì phía nhà quản lý cũng như BTC phải có trách nhiệm bồi thường là điều nên làm, cả về mặt luật pháp lẫn đạo lý.        

Mỗi lần vấp ngã, sai phạm cần biết đứng dậy, nhận lỗi

"Đứng dưới góc độ nhà quản lý, tôi cho rằng, trong cuộc đời mỗi con người có thể có một hoặc nhiều lần vấp ngã, đó là điều đương nhiên. Quá trình kinh doanh cũng vậy, chúng ta có thể gặp thất bại là dễ hiểu. Điều quan trọng là sau mỗi lần vấp ngã như thế, con người ta biết đứng dậy và sau mỗi một sai phạm, chúng ta biết nhìn nhận lỗi của mình để vươn tới các giá trị nhân văn và làm lại từ đầu. Quan điểm của cục NTBD là: "Công ty Rồng Việt nên nhờ các cơ quan truyền thông xin lỗi khán giả, nhận những sai sót về mình, xin lỗi những người làm nghệ thuật chân chính để có thể đem đến các hoạt động nghệ thuật biểu diễn mang những giá trị Chân - Thiện - Mỹ đến với khán giả", Cục trưởng cục NTBD, bộ VH-TT&DL Nguyễn Đăng Chương bày tỏ quan điểm. 

Dương Thu - Bảo Hằng  

Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Rút giấy phép cuộc thi Nữ hoàng biển: 'Xin mời cứ kiện'

Thứ 2, 03/06/2013 | 22:07
Liên quan đến việc BTC cuộc thi Nữ hoàng biển 2013 lên tiếng sẽ kiện cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT và DL vì ra quyết định 215/QĐ-NTBD ngày 1/6 về việc thu hồi quyết định cho phép tổ chức cuộc thi này.

'BTC Nữ hoàng biển 2013 vi phạm pháp luật nghiêm trọng'

Thứ 2, 03/06/2013 | 10:15
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương khẳng định ban tổ chức cuộc thi cố tình không tuân thủ pháp luật.

‘Nữ hoàng biển’ đe kiện Cục quản lý

Chủ nhật, 02/06/2013 | 21:40
Một ngày sau khi Cục NTBD thu hồi giấy phép tổ chức cuộc thi Nữ hoàng biển VN 2013, ngày 2/6, Ban tổ chức đã ra văn bản giải trình và dọa kiện cục này.