Tạp chí lừng danh xin đóng cửa vì quá nghèo

Tạp chí lừng danh xin đóng cửa vì quá nghèo

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Một ngày đầu tháng 7/2011, thông tin về việc vị Tổng biên tập Tạp chí "Huế Xưa & Nay" gửi văn bản lên UBND Thừa Thiên Huế xin được đình bản trong năm 2012 đã khiến hàng triệu bạn đọc tò mò đặt câu hỏi không hiểu lý do một tạp chí nổi tiếng như vậy lại đóng cửa?

Người ta cảm thấy chạnh lòng, tiếc nuối điều gì đó khi nghe vị Tổng biên tập này tâm sự những nỗi niềm về tờ báo có thể được "xếp hạng" là "giản dị bậc nhất Việt Nam".

Toàn cảnh tòa soạn giản dị bậc nhất Việt Nam

Tòa soạn báo 5 người

Tôi tìm đến cơ sở 2 của trường này ở số 28 Nguyễn Tri Phương là nơi tờ tạp chí "Huế Xưa và Nay" đang "sống nhờ". Chiếc cầu thang sắt đã cũ, rỉ sét chỉ vừa một người đi là lối dẫn lên tòa soạn của Tạp chí. Căn phòng nhỏ hẹp, đủ đặt hai dàn máy vi tính, trong đó một đã hỏng nên chỉ được gọi là "xác máy trưng cho đẹp" là toàn bộ tài sản của cơ quan ngôn luận Hội Sử học Thừa Thiên Huế.

Anh nhân viên phụ trách trị sự tòa soạn giải thích: "Hai máy vi tính này được mua về lâu lắm rồi, từ ngày Tạp chí mới ra đời kia, đến nay chỉ còn duy nhất một máy còn sử dụng được thôi". Anh loay hoay thử điện máy vi tính kế bên nhưng màn hình vẫn tối mịt.

Trả lời thắc mắc rằng sao tòa soạn vắng lặng vậy, anh nhân viên cười: "Tòa soạn chỉ có 5 người thôi: Tổng biên tập, một người phát hành, một anh kĩ thuật vi tính, một kế toán và tôi phụ trách trị sự. Mọi công việc biên tập nội dung đều do một mình bác Tổng biên tập phụ trách cả, bốn người chúng tôi đều chỉ là nhân viên hợp đồng".

Đang trò chuyện với anh nhân viên, một người đàn ông trạc tuổi 50 bước vào. Anh nhân viên cười: "Anh may mắn rồi đó, khó lắm mới gặp được bác Tổng biên tập. Đến cơ quan thì máy tính chập chờn, thế nên thỉnh thoảng bác ấy ghé văn phòng trước ngày xuất bản, còn bao nhiêu thời gian phải biên tập bài vở ở nhà".

Nỗi niềm Tổng biên tập không lương

Có lẽ chưa có một căn phòng Tổng biên tập nào giản dị đến thế, chiếc bàn làm việc trống rỗng, không vi tính, không đèn bàn, chỉ có một bộ ghế tiếp khách. Chỉ có vậy nhưng nó đã "nuôi" tờ Tạp chí nổi tiếng xứ Huế gần 20 năm nay. Khi nghe khách đề cập đến việc Tạp chí xin đình bản, Tổng biên tập Lê Văn Thuyên cười buồn: "Chuyện cũng chỉ có vậy, kinh phí không đủ trang trải các chi phí xuất bản nên chúng tôi phải làm đơn xin được đình bản trong năm tới".

Tờ tạp chí duy nhất của Hội Sử học địa phương

Theo thống kê, hiện khoảng 80% tỉnh, thành trên cả nước có Hội Sử học địa phương nhưng chỉ có duy nhất Hội Sử học Thừa Thiên Huế có cơ quan ngôn luận là Tạp chí "Huế Xưa và Nay". Gần hai thập kỉ tồn tại trên vùng đất di sản, "Huế Xưa và Nay" đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp quảng bá văn hóa, sự nghiệp phát triển du lịch của địa phương. Nhiều năm qua "Huế Xưa và Nay" trở thành cuốn từ điển văn hóa cho nhiều du khách đến Huế , đặc biệt là du khách quốc tế. Nhiều người nhận xét, nếu Tạp chí này đình bản sẽ là một thiệt thòi lớn cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế.

Vị thành viên Ban thường vụ Hội Sử học Thừa Thiên Huế kiêm Tổng biên tập Tạp chí "Huế Xưa và Nay" kể về quãng thời gian gắn bó với Tạp chí: "Tạp chí ra đời năm 1992 thì đến năm 1997 tôi được Ban thường vụ Hội Sử học đưa về kiêm nhiệm chức vụ Tổng biên tập phụ trách nội dung. Nhằm tiết kiệm chi phí, Tạp chí không có ban biên tập, phóng viên hay một nhân viên biên chế nào, Tổng biên tập phải tạo nguồn cộng tác viên, tự biên tập bài vở, chỉnh sửa nội dung cho phù hợp để xuất bản và bản thân tôi không nhận lương". Nhưng "lực bất tòng tâm", đến nay khó có thể duy trì hoạt động tòa soạn khi chỉ dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ hằng năm.

Không nói rõ hỗ trợ bao nhiêu nhưng qua phép tính của ông Thuyên, người tiếp chuyện phần nào hiểu ra: "Mỗi năm Tạp chí xuất bản 6 số, mỗi số khoảng 1000- 1.500 bản, chi phí xuất bản không dưới 100 triệu/ năm. Anh em nhân viên có khi phải nhịn lương để trả tiền in, tiền nhuận bút cho cộng tác viên, chi phí điện nước". Có thể hiểu được những khó khăn ông Thuyên nói, khi mà Tòa soạn tạp chí này đang phải "sống nhờ" trên diện tích mặt bằng của Trường Đại học dân lập Phú Xuân.

Lật từng trang báo có chút gì đó luyến tiếc, ông nói: "Tạp chí luôn hướng đến phổ biến kiến thức lịch sử, văn hóa không chỉ của Huế mà trên phạm vi toàn quốc, ngoài ra Tạp chí là nơi công bố các công trình nghiên cứu lịch sử có tính quốc tế được nhiều bạn đọc quan tâm".

Thật bất ngờ khi điểm tên tác giả các bài viết trên cuốn Tạp chí: Phan Huy Lê, Nguyễn Phan Quang, Nguyễn Phước Tường... Có thể gọi đó là những "cây đa cây đề" trong giới nghiên cứu sử học Việt Nam, mỗi bài viết của họ đáng giá bạc triệu, nhiều khi vô giá; thế nhưng như lời ông Thuyên tự hào: "Chúng tôi vinh dự khi có những cộng tác viên như vậy, họ viết bài cho "Huế Xưa và Nay" chỉ vì yêu quý tờ báo chứ không hề vì tiền".

“Lực bất tòng tâm”

Nói về số phận của tờ báo, ông Thuyên cho hay "cột mốc" khiến tòa soạn lâm vào khó khăn bắt đầu từ sau trận lũ năm 1999. Lúc đó văn phòng tòa soạn đóng ở tầng trệt nên toàn bộ máy móc thiết bị hư hỏng nặng: "Ngao ngán lắm, bùn lầy phủ lớp dày lên bàn, máy vi tính, sổ sách theo nước trôi gần hết. Mấy anh em suốt tuần phải xắn quần dọn bùn, mượn tạm máy móc kịp xuất bản số mới. Mấy tháng liền sau đó không ai nhận được nhuận bút mà tích góp sắm lại máy móc, trang thiết bị. Tưởng chừng không thể tồn tại đến hôm nay".

Có tiếp xúc, nói chuyện mới thấy hết sự tâm huyết, cảm giác lo lắng cho số phận "đứa con tinh thần" của vị Tổng biên tập không lương Lê Văn Thuyên. ông tâm sự suốt nhiều ngày nay phải liên tục trả lời bạn đọc, cộng tác viên qua điện thoại, email về chuyện Tạp chí xin đình bản.

Ông gửi lời xin lỗi đến những cộng tác viên, bạn đọc đã gắn bó bao năm với Tạp chí: "Gần 20 năm rồi chúng tôi dự định tổ chức một buổi gặp mặt tri ân những người làm báo đã cống hiến cho "Huế Xưa và Nay" nhưng mãi vẫn không làm được, hy vọng trước thời hạn xin đình bản những người yêu quý Tạp chí sẽ được gặp gỡ trong lễ kỉ niệm 20 năm ngày Tạp chí ra đời. Không biết có thực hiện được không, "lực bất tòng tâm" em à".

"Phỏng vấn được không chú? Tòa soạn, bảo vệ đều có nhưng là ké mượn. Đóng góp bao nhiêu năm cho tỉnh nhà vậy mà...", câu hỏi vu vơ nửa thật nửa đùa của bác bảo vệ trường khi tiễn tôi ra cổng cứ vẩn vơ trong đầu khách đến thăm suốt quãng đường về nhà.

Mai Long