Thảm họa 'cây gạo đại thụ'

Thảm họa 'cây gạo đại thụ'

Thứ 2, 20/05/2013 | 06:36
0
Ngôn ngữ của giới trẻ phong phú và đa dạng hơn ngôn ngữ chuẩn mực rất nhiều. Họ có cách chơi chữ, nghịch chữ bất ngờ và dí dỏm. Người nghe lúc đầu sẽ nhăn trán khó hiểu nhưng khi nhận được lời giải đáp sẽ bật cười: No table (no: không, table: bàn, "ép" hai từ ta được "miễn bàn"), no four go (no: không, four: bốn, go: đi, nghĩa cả cụm là "vô tư đi"), no star where (không sao đâu), know die now (biết chết liền)...

Ai cũng biết đó là những câu hoàn toàn sai trong tiếng Anh nhưng vẫn được sử dụng "ngoài vòng pháp luật" như một hệ thống ngôn ngữ không chính thống của giới trẻ, âu cũng là một cách xả stress. Nhưng sẽ chẳng còn ai cười được khi nhìn thấy kiểu ngôn ngữ này trên bảng hiệu quảng cáo hay tại các khu du lịch. Người ta sẽ nhăn trán khó hiểu và sau đó... tiếp tục nhăn trán.

Ở xã Ngũ Phúc, Kiến Thụy, Hải Phòng có một ngôi đền nổi tiếng vì có một cây gạo... tai tiếng. Bản thân cây gạo không gây ra scandal gì, cây gạo chỉ có mỗi cái "tội" nghìn tuổi, được công nhận là cây di sản Việt Nam. Thế là người ta phấn khởi trang hoàng, sửa sang. Một trong những công trình trong hạng mục trang hoàng cho cây gạo đại thụ là tấm bia bằng ba thứ tiếng Việt - Hán - Anh.

Bia đá được dựng ở trước cây di sản này rất uyên bác, cả tiếng Anh và tiếng Hán nhưng phần dịch là một kiểu tiếng Anh "giả cầy" khiến người ta bật cười... ra nước mắt: Plan: cây,  rice: gạo, university : đại học,  acceptane: thu nhận (Trong tiếng Hán chữ Thụ nghĩa là cây, nhưng cũng có nghĩa nhận nên các nhà thông thái dịch ra tiếng Anh là acceptance). Vì thế ta có "Plan rice university acceptane" là cây gạo đại thụ. Body: thân, armor: áo giáp, suy ra body amor là Giáp thân. Thật ngoài sức tưởng tượng!

Xã hội - Thảm họa 'cây gạo đại thụ'

Cây gạo đại thụ tại đền Mõ (xã Ngũ Phúc, Kiến Thụy, Hải Phòng)

Đến học sinh mới học tiếng Anh cũng biết là không bao giờ được cắt từng từ ra để dịch như cách làm của các "dịch giả" trên đây. Người viết băn khoăn về trình độ của "dịch giả" này quá, thậm chí, một người bạn của người viết (trình độ tiếng Anh ở mức vỡ lòng) cũng lấy làm tự hào vì khả năng tiếng Anh vẫn còn hơn cả... "dịch giả". Rõ ràng người dịch tấm bia này không có chút khái niệm nào về dịch, đoán chắc là người (hoặc nhóm người) này mở từ điển Việt-Anh để chuyển ngữ. Thảm họa dịch thuật!

Nhưng mà có một điều người viết nghĩ mãi không ra, sao lại nhận làm một việc ngoài khả năng của mình? Có phải bản tính giấu dốt không? Hay đây là kết quả của việc có bằng cấp mà không có kiến thức? Hay là...? Cứ hỏi rồi chẳng tìm được câu trả lời thỏa đáng vì thấy giả thuyết nào cũng có khả năng cao. Chỉ biết chắc một điều, đúng là nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại. Thảm họa giấu dốt!

Ừ thì hi hữu, ừ thì là trường hợp cá biệt, ừ thì là lỗi của "dịch giả", nhưng lại xuất hiện thêm một điều khó hiểu nữa. Tại sao tấm bia ngô nghê tột độ này lại có thể lọt qua được tất cả các khâu để "chễm chệ" đặt trước cây di sản nghìn tuổi? Đặt bia là để thể hiện sự trân quý, đâu phải cây nào cũng được gắn bia? Nhưng tấm bia này thì thà đừng đặt sẽ thể hiện sự trân quý tốt hơn tỉ lần. Vì người ta quá cẩu thả, làm ăn đại khái, qua loa, làm mà như... bôi tro chát trấu vào di sản! Thảm họa tắc trách!

Người người truyền tay nhau bức ảnh về tấm bia, nhà nhà tò mò về tấm bia và chắc chắn, ai đến đền Mõ (Hải Phòng) là phải chụp ảnh với tấm bia "cây gạo đại thụ". Nhờ tấm bia vô giá... trị này mà tiếng tăm của đền Mõ vẫn đang được bay cao bay xa mỗi ngày, thậm chí là mỗi giờ, mỗi phút qua mạng  xã hội và internet. Thảm họa... "cây gạo đại thụ"!

Đền Mõ không phải là trường hợp cá biệt, đây chỉ là cái đỉnh của tháp ngô nghê và tắc trách (hy vọng là đỉnh). Trước đó, tấm bảng hiệu to của Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử cũng được ghi rất nắn nót dòng chữ: "Wellcom tu Tay Yen Tu park" dài phải đến 5 mét (chắc sợ không ai nhìn thấy). Còn trên quốc lộ 1B đoạn đường giữa tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên, người đi đường sẽ được "chiêm ngắm" tấm panô chào mừng và hẹn gặp lại bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Tấm panô "Lạng Sơn kính chào quý khách" được dịch sang tiếng Anh là "See you again Langson" và "Lạng Sơn hẹn gặp lại" thì được chuyển ngữ thành "Welcome to Langson"!

Trình độ dịch tiếng Hán ra tiếng Anh kiểu này khiến người bạn tôi nhắc lại câu chuyện về câu ca dao "tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương". Câu ca dao này được dịch ra tiếng Anh, sau đó lại dịch ngược về tiếng Việt và biến thành: "Mẹ trời (thiên mụ) đánh một tiếng chuông, súp gà (canh gà) nuốt vội hóc xương (Thọ xương, Thọ là một âm khác của Thụ - tiếng Hán nghĩa là nhận, nuốt... mấy lần". Các cụ bảo "đã dốt còn chơi chữ", còn theo ngôn ngữ của giới trẻ, trường hợp này sẽ được gọi là "đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm".

Thanh Xuân

Ngôn ngữ có một không hai ở nơi phục vụ... 'cõi âm'

Thứ 2, 08/04/2013 | 11:03
Ẩn sau con đường xanh đẹp như mơ là một làng quê bình yên như bao làng quê Việt Nam khác, thế nhưng về với Phú Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), khách sẽ dễ bị kích thích sự tò mò về một “đặc sản” chỉ riêng nơi đây có.

Kinh hồn ngôn ngữ “Sát thủ đầu mưng mủ”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Giới trẻ đang phát cuồng, chuyền tay nhau cuốn truyện tranh thành ngữ tuổi teen "Sát thủ đầu mưng mủ thành ngữ sành điệu bằng tranh" của một nhà văn trong nước do Nhà xuất bản Mỹ Thuật ấn hành, như một "báu vật".

Sau cơn đột quỵ, cụ ông 80 tuổi nói ngôn ngữ lạ

Thứ 4, 02/01/2013 | 15:07
Sau một cơn đột quỵ, cụ ông Morgan vẫn nghe và hiểu tiếng Anh nhưng không thể nào dùng ngôn ngữ này để giao tiếp với mọi người