Tiếp cận sự thật 4 doanh nghiệp nội dung số bị 'phạt nặng'

Tiếp cận sự thật 4 doanh nghiệp nội dung số bị 'phạt nặng'

Thứ 6, 15/03/2013 | 20:12
0
Bộ Thông tin - Truyền thông vừa ra quyết định xử phạt bốn doanh nghiệp nội dung số vì hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, có nội dung đồi trụy, dâm ô với tổng số tiền lên đến gần hai tỉ đồng. Đây cũng là một đòn mạnh đối với gần 200 doanh nghiệp nội dung số đang hoạt động tại Việt Nam.

Lẩn tránh phóng viên

Sau khi có thông tin chính thức từ Bộ Thông tin - Truyền thông quyết định việc xử phạt với bốn công ty: Tinh Vân Telecom, công ty cổ phần phát triển công nghệ Hà Thành, Lạc Hồng, E-Way, PV Người Đưa Tin đã lập tức liên lạc tới người đại diện của các công ty này. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, câu trả lời chung mà chúng tôi nhận được cũng chỉ là: "Ban giám đốc hiện đang đi công tác nước ngoài hoặc đi vắng nên khi nào về, công ty sẽ liên lạc lại quý báo". Không bằng lòng với câu trả lời, chúng tôi đã trực tiếp tiếp cận các công ty theo địa chỉ liên lạc chính thức.

Lần theo địa chỉ công khai, khi đến nơi, chúng tôi khá ngạc nhiên vì hai trong số bốn công ty kể trên lại có cùng…một địa chỉ. Căn nhà năm tầng ở ngõ 217 La Thành, Đống Đa, Hà Nội có cầu thang nhỏ và hẹp, tầng trệt được dùng làm nơi để xe cho nhân viên và khách hàng, có một phòng nhỏ gồm một bàn, một ghế cộng một số thiết bị văn phòng được dùng làm chỗ tiếp khách. Theo hướng dẫn ngoài cửa thì tầng hai của ngôi nhà là trụ sở làm việc của công ty Lạc Hồng, tầng ba là trụ sở của công ty Hà Thành.

Sau khi trình bày vấn đề mong muốn nhận được một sự lý giải từ phía công ty, chúng tôi được thỏa sức… ngồi chờ vì cô nhân viên kế toán kể trên nhất quyết là giám đốc đang đi công tác. Kiên quyết ngồi chờ, nhóm phóng viên chỉ nhận được câu trả lời: Phải đợi kế toán trưởng đang đi ra ngoài về mới có người làm việc cùng.

Công nghệ - Tiếp cận sự thật 4 doanh nghiệp nội dung số bị 'phạt nặng'

PV Người Đưa Tin có mặt tại trụ sở hai công ty cổ phần phát triển công nghệ Hà Thành và Lạc Hồng

Lên tầng ba của ngôi nhà là trụ sở của công ty cổ phần phát triển công nghệ Hà Thành, chúng tôi khá ngạc nhiên bởi một công ty chuyên về nội dung số, có doanh số thu về mỗi năm lên tới 27 tỉ đồng lại chỉ có lèo tèo sáu, bảy nhân viên và toàn là nữ. Tại đây, "kịch bản cũ" được lặp lại, lần này là: "Giám đốc đi công tác nước ngoài đột xuất, đại diện của công ty hứa khi nào liên lạc được với ban giám đốc sẽ có thông tin lại với phóng viên sau…". Chán nản, trở lại phòng khách tầng một, chúng tôi tiếp tục chờ, và chờ…mà không có thêm bất cứ thông tin nào phản hồi lại từ phía hai công ty kể trên.

Gọi điện đến đường dây nóng của công ty cổ phần E-Way, chúng tôi được giới thiệu đến số điện thoại của anh Minh, người phát ngôn của công ty thì nhận được câu trả lời: "Nhầm số rồi!".

Doanh thu khủng, có bị phạt vẫn gắng làm

Mặc sự nỗ lực của phóng viên, lãnh đạo các công ty kể trên  vẫn cố tình lẩn tránh tiếp xúc với báo chí và đưa ra lý giải về việc cố tình vi phạm Thông tư 77 về việc phát tán những tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và có nội dung trái với quy định của pháp luật kể trên. Theo quyết định của bộ Thông tin - Truyền thông, công ty cổ phần phát triển công nghệ Hà Thành là công ty bị xử phạt nặng nhất với mức 135 triệu đồng cho 4 hành vi, riêng việc phát tán tin nhắn rác, lừa đảo phạt bổ sung 794 triệu đồng, nâng tổng số tiền phạt lên 929 triệu đồng. Tiếp đến là công ty Tinh Vân Telecom bị phạt 150 triệu đồng vì hành vi phát tán tin nhắn rác, tin sai cú pháp, phạt bổ sung và tịch thu 533 triệu đồng. Riêng trường hợp hai công ty còn lại là E-Way và Lạc Hồng chỉ chịu mức phạt lần lượt là 47 và 80 triệu đồng.

Theo kết quả thanh tra, công ty Hà Thành có quan hệ hợp tác làm ăn cùng công ty cổ phần E-way, Lạc Hồng để cung cấp dịch vụ nội dung số và đã đưa ra cả những dịch vụ có thông tin đồi trụy, không đưa thông tin giá cước, phần mềm tự động trừ tiền trong tài khoản điện thoại. Các công ty này cũng vi phạm trong việc thiết lập trang thông tin điện tử không thông báo tên miền quốc tế cho Bộ Thông tin - Truyền thông, không cung cấp thông tin về công ty cũng như thông tin về người chịu trách nhiệm nội dung, đưa địa chỉ các website không lành mạnh tới khách hàng. Khi người sử dụng kích hoạt phần mềm vào các website có nội dung chào mời trong tin nhắn sẽ tự động chuyển sang các website có nội dung, hình ảnh, truyện có nội dung dâm ô, trái với thuần phong mỹ tục, điện thoại sẽ tự động nhắn tin về các đầu số 8x09 của công ty Hà Thành mà không hề cung cấp cho người sử dụng thông tin về giá cước.

Nếu chỉ nhìn vào doanh số của công ty này, nhiều doanh nghiệp hẳn sẽ ngẩn người "thèm" vì chỉ với một số lượng nhân viên rất ít ỏi, chưa đến chục người, đầu tư trang thiết bị đơn giản, trừ đi các khoản phải trả cho nhà mạng và các phụ chi khác, doanh thu năm qua của công ty này lên tới 27 tỉ đồng. So sánh giữa con số 27 tỉ đồng và con số bị phạt là 929 triệu đồng thì không khác nào muối bỏ bể. Lợi nhuận, doanh thu như thế, doanh nghiệp nào không ham?

Chiêu trò biến hoá đa dạng

Dịch vụ tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo đã trở nên phổ biến, với những đầu số dịch vụ, 1900xxx, 1800xxx, 8xxx, 6xxx, 7xxx,… Để thực hiện những giao dịch với các đầu số này, tài khoản điện thoại sẽ tự động bị trừ đi từ 5.000 đến 15.000 đồng. Khi sự cảnh giác của người sử dụng được nâng cao, các công ty chuyên về dịch vụ đầu số, quảng cáo, tin nhắn rác lại có những chiêu thức biến hoá khác để "câu khách".

Một trong những chiêu trò được sử dụng là việc sử dụng sim rác, sim thường để tránh sự kiểm soát của nhà mạng. Thông thường, với mỗi tin nhắn được gửi đi, người gửi sẽ phải trả 200 - 300 đồng/tin nhắn nhưng theo thoả thuận của các công ty, người cho thuê sử dụng đầu số thuê bao có thể sẽ được nhận số tiền cao hơn, từ 400-500 đồng/tin nhắn. Số tiền chênh lệch này, chủ thuê bao sẽ được nhận theo thoả thuận với công ty dịch vụ. Không ít người tiêu dùng đã phải lên tiếng vì những "gạ gẫm" cho thuê số thuê bao từ phía các đơn vị quảng cáo, công nghệ số.

Ngoài ra, một chiêu thức khá phổ biến hiện nay của các công ty dịch vụ dạng này là sử dụng các tin nhắn wappush gửi đến điện thoại có thể khiến người dùng di động mất cước dù không thực hiện thao tác tải về. Với các điện thoại dòng smartphone, tin nhắn dạng này giống như các SMS thông thường, nhưng với điện thoại phổ thông, khi mở tin thì máy sẽ tải nội dung về. Cho dù người dùng nhắn tin với cú pháp từ chối nhận quảng cáo gửi đến tổng đài cũng không có hiệu lực bởi đây không phải nội dung do nhà mạng cung cấp. Biện pháp ngăn chặn tin nhắn này cũng khó thực hiện. Một phản ánh khác của người dùng di động là việc nhận được các tin nhắn thông báo đã đăng kí thành công dịch vụ của đơn vị nào đó, nếu không gửi lệnh huỷ đến đầu số dịch vụ sẽ bị trừ tiền. Thực ra, đây cũng chỉ là hình thức lừa đảo, người tiêu dùng không hiểu, thao tác phản hồi lập tức bị trừ tiền.

Theo thống kê gần đây, ở Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp nội dung số hoạt động. Việc bốn doanh nghiệp bị xử phạt mạnh tay trên cũng chỉ là một đòn cảnh cáo của bộ Thông tin - Truyền thông với các đơn vị còn lại. Tuy nhiên, trong thời gian tới, thiết nghĩ phải có những đòn mạnh hơn bởi việc xử phạt chưa tương xứng với doanh thu thì "phạt vẫn cứ phạt và vi phạm vẫn tiếp tục vi phạm" là điều dễ hiểu.         

Cũng theo thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, các tin nhắn rác trong đợt tết vừa qua đã có sự giảm mạnh nhưng chiêu thức lại biến hoá rất nhiều. Mặc dù có nhiều cảnh báo nhưng các đơn vị cung cấp nội dung số cố tình không cung cấp theo nội dung của pháp luật, các hình thức có thể sử dụng là chấm dứt hoạt động, xử lý hành chính, truy thu nguồn thu nhập bất hợp pháp…      

Đỗ Hu

10 doanh nghiệp lãi nghìn tỷ trên sàn chứng khoán

Thứ 6, 15/03/2013 | 07:25
Đây là những doanh nghiêp đại diện cho các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, với mức lợi nhuận đáng ngưỡng mộ trong năm kinh tế khó khăn 2012.

Xung quanh vụ sữa giả, nhiều doanh nghiệp kêu oan vì 'vạ lây'

Thứ 2, 04/03/2013 | 14:14
Trong khi nhiều doanh nghiệp sữa làm ăn gian dối bị lật mặt thì một số doanh nghiệp đang làm ăn yên ổn cũng bị dính đòn oan vì bị liệt vào “danh sách đen”.

'Nghi án' các doanh nghiệp chuyển giá để trốn thuế

Thứ 3, 26/02/2013 | 08:24
Thời gian vừa qua, dư luận xã hội bức xúc trước "nghi án" Công ty Coca Cola Việt Nam chuyển giá để trốn thuế trong nhiều năm liền. Đơn cử năm 2010, doanh thu của Coca Cola Việt Nam lên đến 2.529 tỷ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỷ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỷ đồng.