Thông tin hậu trường và diễn biến bất ngờ vụ Nhóm Mua

Thông tin hậu trường và diễn biến bất ngờ vụ Nhóm Mua

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:40
0
Sau hai lần gặp sự cố nội bộ, Công ty TNHH Nhóm Mua đã chính thức tuyên bố tạm thời đóng cửa vào ngày 11/12. Ngay sau khi biết được thông tin này, các nhà cung cấp dịch vụ đã phản đối bằng cách không chấp nhận dùng voucher của Nhóm Mua để thanh toán.

Hàng loạt thông tin sai lệch

Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, website www.nhommua.com được thành lập vào tháng 10/2010, dưới sự sáng lập và điều hành của ông Tom Trần (tức Trần Đức Thắng). Hiện nay, Nhóm Mua đã có gần 4 triệu lượt người truy cập hàng tháng và công ty này đang có khoảng 900 nhân viên làm việc ở TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ và Hải Phòng. Thế nhưng, sau một thời gian hoạt động, sáng 13/11, tại TP.HCM xuất hiện thông tin văn phòng Công ty Nhóm Mua tại thành phố này đã bị cơ quan công an (PC46) phong tỏa để thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra liên quan đến việc ông Tom Trần có dấu hiệu không minh bạch trong quản lý. Theo thông tin từ đại diện của Công ty Nhóm Mua cho biết, ông Tom Trần cũng đã thừa nhận về khoản cho vay với lãi suất bất thường 13%/tháng của cá nhân mình với Nhóm Mua.

Sau sự cố trên, công ty này gần như ngưng hoạt động, lượng nhân viên làm việc rất ít. Đồng thời, website www.nhommua.com cũng không thể truy cập được. Trước tình hình trên, cũng trong ngày 13/11, hội đồng quản trị công ty Nhóm Mua đã ra nghị quyết bãi nhiệm chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Nhóm Mua của ông Tom Trần. Thay vào đó, ông Kyle Phạm Anh Tuấn, người đang giữ chức vụ giám đốc tài chính được bổ nhiệm vị trí quản lý cao nhất công ty.

Tuy nhiên, việc thay tướng mới của Nhóm Mua vẫn không mấy khả quan. Công ty này vẫn trong tình trạng đóng cửa vì nhiều nhà cung cấp dịch vụ từ chối. Điều này đã khiến cho nhiều khách hàng của Nhóm Mua hoang mang, lo sợ và tỏ ra mất niềm tin. Cho đến sáng 11/12, giám đốc điều hành cũ của Nhóm Mua, ông Tom Trần đã cùng một số nhân viên của mình mở cuộc họp báo thông tin chính thức về vụ việc lùm xùm ở công ty này.

Trao đổi với PV, ông Tom Trần cho biết: "Trong thời gian vừa qua, nhiều thông tin nói tôi cuỗm tiền của công ty bỏ trốn là không chính xác. Bởi số tiền đó hiện nay vẫn còn nguyên trong ngân hàng". Không chỉ thế, thông tin về việc vị cựu chủ tịch hội đồng quản trị Tom Trần bị công an kinh tế điều tra cũng được ông này bác bỏ. Ông Trần cho biết, tất cả đó chỉ là tin đồn và điều này đã khiến uy tín của ông bị giảm sút nghiêm trọng trong giới kinh doanh. Đại tá Nguyễn Ngọc Trường, phó cục trưởng C46 phía Nam xác nhận, thông tin cán bộ C46 thực hiện khám xét trụ sở Nhóm Mua là không có cơ sở. Thông tin ông Tom Trần đang bị điều tra là hoàn toàn bịa đặt.

Xã hội - Thông tin hậu trường và diễn biến bất ngờ vụ Nhóm Mua

Website www.nhommua.com

Trước thông tin này, ông Tom Trần chia sẻ: "Thời gian qua, tôi đi du lịch cùng gia đình ở nước ngoài, khi trở về đã lập tức trả lời báo chí về vấn đề này. Tôi đang tiến hành chuyển giao cổ phần của mình cho nhà đầu tư. Hiện, việc chuyển giao cổ phần ngoài nước đã hoàn thành và tiếp tục tiến hành chuyển giao nốt cổ phần trong nước".

Giải thích về con dấu của công ty, ông Tom Trần cho biết, đến nay con dấu vẫn nằm trong tay của mình và không hề có chuyện thất lạc. Người nhà của vị cựu chủ tịch hội đồng quản trị Nhóm Mua, bà Becky khẳng định, trước và sau khi xảy ra rắc rối, ông Tom Trần vẫn giữ con dấu, đồng nghĩa vẫn là CEO hợp pháp của công ty này. Còn việc công ty tự bổ nhiệm CEO mới là Kyle Phạm Anh Tuấn không hề có con dấu. Điều này đồng nghĩa với việc CEO mới chỉ nằm trên danh nghĩa chứ chưa thể có đầy đủ tư cách pháp nhân.

Khách hàng tháo chạy

Trong khi cuộc họp báo của ông Tom Trần đang diễn ra thì vào 8h30' ngày 11/12, tất cả nhân viên của công ty này đồng loạt nhận được email với nội dung nhà đầu tư quyết định chấm dứt đầu tư vào Nhóm Mua. Khi được hỏi về điều này, ông Tom Trần tỏ ra rất bất ngờ và khẳng định, mình không hề biết email này xuất phát từ đâu. Cũng trong ngày 11/12, thông tin về việc CEO mới đã gửi đơn từ nhiệm đến công ty khiến nhiều người xôn xao.

Để tìm hiểu thực hư, PV đã liên hệ với ông Kyle Phạm và được ông này khẳng định điều đó là sự thực. Trước thông tin này, ông Tom Trần cho biết, ông sẵn sàng trở lại chức vụ cũ để điều hành công ty Nhóm Mua trong thời gian sắp tới. Ông cũng khẳng định sẽ dốc toàn bộ tâm lực, tiền bạc để khách hàng, đối tác không thiệt hại gì chỉ vì sự mâu thuẫn nội bộ của công ty.

Cũng theo ghi nhận của PV, vào ngày 13/12, toàn bộ hệ thống của Nhóm Mua tại TP.HCM đều đã đóng cửa. Nhiều người dân khi nghe thông tin này đã đến tận công ty hỏi về những sản phẩm mình đã đặt mua nhưng đều không nhận được câu trả lời. Cho đến hôm nay, cổng Công ty Nhóm Mua vẫn đóng kín. Phía trước cổng dán một tờ giấy khổ A4 thông báo: "Công ty ngưng hoạt động. Vui lòng liên hệ người đại diện pháp lý của công ty được ghi rõ trong giấy phép kinh doanh và trong hợp đồng. Để biết thêm thông tin người đại diện pháp lý của công ty hiện nay, vui lòng kiểm tra thông tin trên website của sở Kế hoạch và Đầu tư theo số giấy phép kinh doanh".

Trước tình hình trên, khách hàng tỏ ra hoang mang vì bị nhiều nơi từ chối voucher do công ty Nhóm Mua đặt trước. Là một khách hàng tại Vũng Tàu, anh Trần Đức Quang cho biết, anh và một người bạn đã phải chi trả hơn 7 triệu đồng để mua hai voucher đặt phòng trong hai đêm tại khách sạn La Sapinette ở TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) cách đây hai tháng. Tuy nhiên, mới đây, anh Quang nhận được điện thoại của khách sạn này thông báo là sẽ hủy lịch đăng ký với lý do Công ty Nhóm Mua đã thông báo ngưng sử dụng các voucher phát ra từ nay đến hết tháng 12/2012.

Anh Quang cho biết: "Tôi đã gọi điện liên tục đến số điện thoại của Nhóm Mua nhưng không hề có tín hiệu trả lời. Cũng theo khách hàng Trần Đức Quang, có quá nhiều rủi ro cho khách hàng trong trường hợp Nhóm Mua hoạt động trở lại. Vì giả sử khi Nhóm Mua hoạt động trở lại mà voucher đã hết thời gian sử dụng thì liệu anh có được nhận lại tiền hay không.

Nói chuyện với chúng tôi, ông T., một đối tác chuyên cung cấp sản phẩm đồ gia dụng trên Nhóm Mua cho biết, ông đã hợp tác với Nhóm Mua từ lâu và rất hài lòng về dịch vụ của công ty này. “Tuy nhiên, 2 tháng gần đây, Nhóm Mua đã xảy ra việc chậm thanh toán tiền khiến nhiều người bất an. Chúng tôi đang tự bảo nhau, sẽ chia nhỏ các sản phẩm sang các trang mua theo nhóm khác để bảo tồn vốn”, ông T. chia sẻ.

Nghi vấn vụ lùm xùm do doanh thu?

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hạnh, trưởng đại diện văn phòng phía Nam cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (bộ Công thương), một trong những đơn vị quản lý các dịch vụ kinh doanh qua mạng cho biết, Cục đã kiểm tra sự việc để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Nếu có sự cố xảy ra, thì cả 3 bên gồm Nhóm Mua, nhà cung cấp dịch vụ - sản phẩm (quán cà phê, spa,…) và người tiêu dùng đều có trách nhiệm liên đới.

Nhiều chuyên gia am hiểu lĩnh vực kinh doanh theo nhóm cho rằng, nguyên nhân chính trong vụ lùm xùm của tại Nhóm Mua có thể xuất phát từ doanh thu. Bởi trước đó, ông Tom Trần, CEO kiêm người sáng lập của Nhóm Mua từng phát biểu trước báo giới rằng, công ty này hiện có khoảng 2 triệu khách hàng, hàng chục nghìn đối tác và doanh thu đến 30 tỷ một tháng. Tuy nhiên, Nhóm Mua vẫn đang lỗ và phải vài năm nữa mới có thể tính đến lãi.

Thơ Trịnh - Phạm Phúc