Nhiều học sinh 'muốn chết' vì áp lực thi đại học

Nhiều học sinh 'muốn chết' vì áp lực thi đại học

Thứ 3, 09/07/2013 | 14:40
0
Mong muốn con thi đậu vào đại học của nhiều bậc cha mẹ, đang dần trở thành một áp lực, một nghĩa vụ đè nặng trên vai các em học sinh. Không chỉ những em có sức học trung bình, mà ngay cả những em học sinh học khá, giỏi đều cảm thấy "quá sức chịu đựng" của mình.

Bắt con học như... "chạy show"

Em A.T., một tú tài loại ưu trong đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi khóc lóc sướt mướt khi nói chuyện với chuyên viên tâm lý. Em xuất thân từ một gia đình "trí thức", với truyền thống cả đại gia đình đều là những người có ăn có học, một số người còn là giáo sư, tiến sĩ có tiếng. Cũng chính vì thế mà kỳ vọng dành cho em rất lớn, khi cha mẹ đặt chỉ tiêu em phải thi đậu vào nhóm trường danh tiếng. Sự thể càng trở nên phức tạp khi trong những ngày thi, em càng phải đón nhận những lời "chỉ đạo" kinh khủng. Con giun xéo mãi cũng quằn, em nghĩ tới phương án tồi tệ nhất là uống thuốc ngủ để "quên đi sự đời". Rất may, gia đình đã phát hiện kịp thời và đưa em đi cấp cứu...

Trường hợp của K.T., thì lại khác. Em tâm sự: "Em vừa mới thở phào khi qua được kỳ thi tốt nghiệp cấp 3, vì năng lực học tập của em chỉ thuộc dạng "làng nhàng" nếu không muốn nói là hơi yếu. Thế nhưng gia đình thì nhất mực bắt em phải thi đại học để theo con đường khoa cử. Cha mẹ em mỗi ngày đều lặp đi lặp lại những câu như: "Không học thì có mà bốc cám mà ăn à! Không lo học mà thi thì đi khỏi nhà luôn đi, nhà này không có đứa con vô dụng như vậy". Em thực sự không biết phải làm sao để cho bố mẹ em hiểu, rằng em cũng rất muốn làm vui lòng bố mẹ. Nhưng chuyện thi đại học với em quả thực không dễ dàng và em đang cố hết sức".

Xã hội - Nhiều học sinh 'muốn chết' vì áp lực thi đại học

Tạo áp lực cho các sĩ tử ngay trong kỳ thi đang diễn ra là không nên. (Ảnh Thanh Thắng)

Chị K.H., (ngụ tỉnh Bình Dương) thì đang khổ sở với tình trạng "sống dở chết dở" của con trai, khi hơn tuần nay con chị đóng cửa phòng đòi tuyệt thực. Đầu đuôi câu chuyện cũng vì anh chị chỉ có H.P. là con trai duy nhất, và mọi kỳ vọng đều đặt hết lên vai con trai mình. Ba của H.P. vì không muốn con mình phải lao động chân tay giống như hai vợ chồng, nên luôn đặt tiêu chí cho con phải thi đậu đại học bằng mọi giá. Trong khi H.P. lại tỏ ra là một người ham thích thể thao và thành tích học tập cũng chỉ ở mức trung bình.

Vấn đề nhức nhối nhất chính là chuyện khá nhiều bạn trẻ không thể chịu được áp lực thi cử  mà cha mẹ và gia đình đặt lên vai mình. Bạn T.H. (ngụ TP.HCM) tâm sự: "Em chỉ muốn chết cho xong, ba mẹ suốt ngày cứ bắt học, học... rồi thi, thi. Có khi em mệt quá ngủ một tí thì bị mắng là lười. Trước kỳ thi, mẹ em còn tìm ra được mấy trung tâm luyện thi cấp tốc, rồi tự lên lịch học tối ngày cho em với câu nói muôn thuở: Càng học nhiều càng tốt".

Cũng có chung tâm trạng như T.H., bạn A.K. đến gõ cửa văn phòng tư vấn tâm lý với đôi mắt sưng húp, và một số vết bầm trên cơ thể. A.K. đã có một buổi tối triết lý ra trò với bố mẹ, khi em cố gắng lý giải chuyện em trốn lớp luyện thi đi chơi cho đỡ mệt mỏi.  Kết quả của buổi nói chuyện là câu chốt của bố: "Đừng có trứng mà đòi khôn hơn vịt".

Sức chịu đựng của con người là có giới hạn

Các chuyên gia tư vấn đều đồng ý, việc đặt kỳ vọng vào con em mình trong kỳ thi đại học để con có được tương lai tươi sáng là điều đúng đắn. Tuy nhiên kỳ vọng đến biến thành áp lực quá lớn cho con trong thời điểm này là không đúng đắn. Những nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng, kết quả thi có tốt được hay không phụ thuộc rất lớn vào tinh thần của các sĩ tử. Khi phụ huynh thấy con mình có dấu hiệu quá tải về sức khỏe, tinh thần thì nên xem lại sinh hoạt, thời gian biểu của con. Nên hết sức mềm mỏng, khéo léo khi tham gia cùng con, vì đôi khi chỉ cần một hành động nhỏ cũng dễ làm cho con bị ức chế trong thời điểm căng thẳng này. Cho con được nói chuyện với các chuyên gia tâm lý giáo dục cũng sẽ giúp cân bằng tâm lý trước những kỳ thi cam go.

Bác sĩ Nguyễn Quang Trọng, trưởng phòng khám Am Tuấn Hưng (TP.HCM) cho biết: "Năm nào cũng vậy cứ tới thời điểm này là phòng khám lại tiếp nhận một số ca bị suy nhược sức khỏe, tinh thần vì không chịu được áp lực thi cử. Tôi cho rằng, sức khỏe và sức chịu đựng tinh thần của con người là có giới hạn, vì thế chỉ trong một thời gian ngắn mà ép cơ thể phải liên tục hoạt động ở cường độ cao, áp lực lớn thì tất yếu sẽ dẫn tới hệ lụy. Một số phụ huynh nhầm tưởng rằng cứ có dinh dưỡng tốt thì sẽ giải quyết được điều đó, nhưng quên rằng nhịp sinh học của con người cần thời gian thích nghi. Và tinh thần đặc biệt đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình này".

Tạo áp lực lớn cho con ngay trong những kỳ thi chính là một trong những sai lầm lớn nhất của cha mẹ. Anh Phạm Phú Anh, một cán bộ nhiều năm tham gia công tác tuyển sinh đại học trường ĐH Đà Lạt cho biết: "Chính tôi cũng đã từng trầy trật thi rớt lên rớt xuống vì bị áp lực học và thi khi kỳ thi đang diễn ra. Tôi tự nghiệm ra, nếu trước kỳ thi từ ít nhất 3 - 5 ngày mà mình được nghỉ ngơi thư giãn, thì kết quả thi sẽ tốt hơn nhiều so với cắm đầu vào học tối ngày cho tới tận ngày thi. Khi tham gia coi thi và chấm thi đại học nhiều năm, tôi nhận thấy những sĩ tử đạt được điểm cao đa phần là những người mang tâm lý thoải mái khi vào phòng thi. Phụ huynh nên hiểu điều đó và cho con em mình được "thở" trong thời gian này".            

Hãy lắng nghe và chia sẻ

Bà Nguyễn Kim Thoa, chuyên viên trung tâm Tâm lý Việt cho rằng: "Tạo áp lực cho các bạn thí sinh giống như giọt nước làm tràn ly, nó sẽ làm cho tâm lý của các bạn thêm nặng nề. Điều đó chỉ làm cho các bạn thí sinh rối tung và bị rơi vào một mớ bòng bong của chuyện thi cử. Vì thế họ sẽ mất tỉnh táo và tất yếu sẽ ảnh hưởng không tốt tới kết quả thi. Các bậc phụ huynh hãy quan tâm hơn tới cảm xúc của con trong thời điểm nhạy cảm này. Và các bạn thí sinh cũng hãy chia sẻ nhiều hơn với cha mẹ những mong muốn của bản thân để cùng đưa ra giải pháp tốt nhất".

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Công Thoại

134 thí sinh bị xử lý kỷ luật kỳ thi đại học đợt I

Thứ 6, 05/07/2013 | 16:03
Bộ GD&ĐT tổng kết, cả 3 buổi thi đợt I toàn quốc có 134 thí sinh và 7 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật.

Nhận xét đề thi Đại học 2013 môn Toán khối A, A1 và V

Thứ 6, 05/07/2013 | 16:09
"Trước hết có thể thấy ngay, khi đọc đề xong với các em học sinh đã ôn tập kỹ kiến thức chỉ có 2 câu cần phải suy nghĩ đó là câu 3 và câu 6. Nếu bỏ 2 câu này để làm các câu còn lại với đường lối giải đã rõ thì các em cũng có thể được 8 điểm...". TS Lê Thống Nhất đánh giá.

Những yêu sách của cậu ấm, cô chiêu khi đi thi đại học

Thứ 5, 04/07/2013 | 14:16
Thi đại học là dịp để nhiều công tử, tiểu thư con nhà giàu hành bố mẹ, đưa ra những yêu sách, đòi hỏi những tiêu chuẩn hạng sang như ở khách sạn đẹp, tiêu tiền triệu.

'Chúng ta có thể tổ chức thi đại học quanh năm'

Thứ 5, 06/06/2013 | 14:34
“Chúng ta tổ chức khám sức khỏe quanh năm được, tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quanh năm được, tổ chức thi sát hạch lái xe quanh năm được… vậy tại sao cứ phải thi đại học vào một lần, khiến cho bao nhiêu gia đình khổ sở, cả xã hội cũng khổ?”.