Tình người trên miền biên viễn

Tình người trên miền biên viễn

Dương Thị Thu
Thứ 6, 23/02/2018 | 20:09
0
Khi hoa đào nở thắm đất trời Tây Bắc cũng là lúc tình quân dân ở núi rừng biên cương đã thắm lại thắm hơn. Người bản gồng gánh gà, lợn cắp nách, can rượu lên đồn biên phòng chúc Tết, bộ đội gửi những chiếc bánh chưng, cân giò lụa tự tay gói ghém cẩn thận thay ngàn lời cảm ơn.

Biên cương rộn ràng          

Khác với sự hiu hắt, vắng lặng mà nhiều người vẫn nghĩ về những vùng đất biên cương của Tổ quốc, thời điểm cuối năm, đồn Biên phòng Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên lại rộn ràng không khí đón xuân. Ngay từ giữa tháng Chạp (khoảng ngày 14-15/12 âm lịch), các chiến sĩ trong đồn đã được cắt cử vào rừng tìm lá dong để chuẩn bị cho nồi bánh chưng xanh đón Tết.

Đại úy Đỗ Thế Chử, Phó Đội trưởng đội Phòng chống ma túy và tội phạm đồn Biên phòng Mường Nhé– người đã có gần 20 năm gắn bó với mảnh đất biên cương này và cũng quá nửa số năm công tác kể trên, ăn Tết ở đồn, chia sẻ, ngày xưa, người Hà Nhì và người dân tộc Mông nơi đây tổ chức Tết riêng rất linh đình. Nhưng từ nhiều năm nay, do nhiều gia đình có con cháu đi học, đi làm theo lịch Nhà nước nên họ đã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán. Tết truyền thống của dân tộc họ, giờ chỉ tổ chức ăn trong 1-2 ngày cho đỡ nhớ và cũng để nhắc nhở con cháu không quên cội nguồn.

Xã hội - Tình người trên miền biên viễn

Bộ đội Biên phòng đồn Mường Nhé giúp dân dựng nhà.

Đại úy Chử kể, năm nào cũng vậy, dù cuộc sống còn vất vả nhưng ngày Tết ở vùng biên cương vui lắm. Giáp Tết, các chiến sĩ trong đồn thường xuống bản giúp bà con sửa sang lại nhà cửa, chuẩn bị lương thực, thực phẩm đón Tết. Ngược lại, người dân bản cũng lên đồn, gồng gánh khi thì con gà, khi thì lợn cắp nách, can rượu ngô men lá có khi là quả bí ngô, đu đủ ở nương, rẫy của nhà... tặng cho các chiến sĩ. Để tỏ lòng cảm ơn, các chiến sĩ trong đồn lại có quà là giò, bánh chưng... gửi bà con về ăn Tết.

Theo lời Đại úy Chử, Tết Nguyên đán ở đồn biên phòng thường được chuẩn bị từ sớm vì năm nào cũng tổ chức 2 lần tất niên. Ngoài bữa chính là ngày 30 Tết, đồn thường tổ chức một bữa tất niên sớm khoảng ngày 20 tháng Chạp để các đồng chí không phải trực về vui Tết với gia đình. Ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn của bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương, đơn vị cũng tăng gia sản xuất để bổ sung, cải thiện bữa ăn cho các chiến sĩ.

Không khí chuẩn bị đón Tết cứ rộn ràng trong tình quân dân ấm áp như thế, xua tan cái lạnh của trời biên cương những ngày cuối năm và lấp đầy khoảng trống thiếu vắng tình thân gia đình trong lòng mỗi chiến sĩ.

Xã hội - Tình người trên miền biên viễn (Hình 2).

Ngoài nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ biên cương của Tổ quốc, các chiến sĩ đồn Biên phòng Mường Nhé còn tích cực tăng gia sản xuất.

Xông đất may mắn, say tình quân dân

Đại úy Chử chia sẻ, năm nào cũng có những niềm vui mới, những bất ngờ. Tuy quân số không đầy đủ vì đặc thù công việc phải tuần tra, canh gác biên giới, không được phép lơ là, đảm bảo trực chốt 24/24, nhưng đến giao thừa các chiến sĩ có mặt tại đồn cũng mở rượu vang, nâng ly chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.

“Càng những thời điểm nhạy cảm, các đối tượng xấu, buôn lậu, ma túy càng dễ lợi dụng sơ hở, thế nên vui xuân mới không quên nhiệm vụ, chúng tôi luôn quán triệt nhiệm vụ, chắc tay súng giữ gìn sự bình yên cho toàn bộ vùng đất biên cương, cũng là góp phần bảo đảm cho bà con đón Tết vui vẻ, an toàn”, Đại úy Chử nói.

Sau khoảnh khắc giao thừa, các chiến sĩ tiếp tục công việc tuần tra, một số  được cắt cử xuống từng nhà bà con dân bản để chúc Tết. Được xuống bản giao lưu là một trong những niềm vui đặc biệt đầu năm, bởi cái tình của người dân dồn vào ly rượu. Thứ rượu men lá, rượu thóc, rượu ngô được bà con tự tay nấu cẩn thận, để dành ngày Tết mời khách quý, càng thêm quý.

Xã hội - Tình người trên miền biên viễn (Hình 3).

Những luống rau xanh mướt trên miền biên viễn.

“Bản ở trong lòng bàn tay, vào nhà này không thể không vào nhà khác. Đã xuống bản là phải đi tất cả các nhà trong bản vì gia đình nào cũng muốn đón bộ đội biên phòng xông đất cho thêm may mắn. Chúng tôi đều bảo nhau cố gắng đi được đến từng nhà với bà con, nhưng cũng có khi vui quá, say cái tình, cái nghĩa của bà con mà phải “khất lần”. Có khi gia đình 3-4 anh em thì chỉ đi được đến một nhà thôi. Lúc đó phải khéo léo nói bà con thông cảm, tránh những hiểu lầm không đáng có. Rồi tất cả cùng cười vui bên chén rượu tân xuân, tình quân dân lại càng thêm gắn bó khăng khít. Bởi thế mà nhiều chiến sĩ ở đồn về nhà thì lại vương vấn nỗi nhớ biên cương, nhớ bà con đến suốt cuộc đời”, Đại úy Chử vui vẻ chia sẻ.

Xã hội - Tình người trên miền biên viễn (Hình 4).

Sắc đào thắm núi rừng ngày xuân sang.

Hỏi về những tâm tư, Đại úy Chử không né tránh. Anh bảo đã là lính đồn thì trực Tết xa nhà, xa người thân yêu có chút tâm tư cũng là dễ hiểu. Nhưng khi đã quen, xác định nhiệm vụ, trách nhiệm thì sẽ yên tâm và vững lòng. Mặc dù so với mặt bằng chung, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bộ đội biên phòng bây giờ đón Tết đã sướng hơn nhiều so với hơn 10 năm trước vì có sóng điện thoại, Internet. Ai cũng có thể tranh thủ gọi điện về nhà, nói chuyện video với người thân...

Ngày xưa, một tuần một chuyến thư báo, có những lá thư viết ở đồn gửi gia đình, đến khi về phép, thư cũng vừa kịp tới tay người thân. Tết đến, anh em chiến sĩ hồ hởi và thậm chí tranh nhau ra đón thư tay của gia đình, người chưa có thư đợt này lại nghe chung thư với người khác. Đến cả bạn bè mọi miền Tổ quốc viết thư kết bạn cũng gửi quà Tết cho chiến sĩ là những tem thư.

Nhưng ở hoàn cảnh nào, khó khăn ra sao, mỗi chiến sĩ đều vững tâm, chắc tay súng bảo vệ tuyệt đối an toàn cho từng mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, để xuân biên cương mãi hòa chung với mùa xuân lớn của cả dân tộc, để năm mới luôn là những khởi đầu mới hứa hẹn thành công.

Đi bộ 20km trong 2 ngày vào đồn trực Tết

“Một kỷ niệm khó quên trong đời lính, đó là khoảng năm 1999, khi ấy tôi còn công tác ở đồn Hua Bum, nay thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ngày 28 Tết, mọi người rộn ràng gói bánh chưng, quần áo mới thì chúng tôi hành quân bộ vào đồn cách thị trấn chừng 20km để trực Tết vì đường chưa đi được xe máy. Đường rừng khó khăn, hiểm trở, có chiến sĩ mới đi cùng, chân phồng rộp, vừa đi vừa phải nghỉ. Thế là 2 ngày sau mới vào đến đồn, chỉ kịp tắm rửa sạch sẽ, bữa cơm tất niên chiều 30 Tết chờ sẵn. Nhưng chính những khó khăn của ngày hôm qua là để quý trọng thêm cuộc sống của hiện tại để chúng tôi thêm gắn bó với mảnh đất thấm đẫm tình người”, Đại úy Chử tâm sự.

Chuyện về vũ khí "sống" của Bộ đội Biên phòng

Thứ 6, 16/02/2018 | 15:00
Mỗi chú chó để có thể làm nhiệm vụ tốt, phải trải qua quá trình huấn luyện khó khăn, chúng cũng phải thi tốt nghiệp, chấm điểm như các chiến sỹ. Trong trường hợp qua đời, chúng được chôn cất giống như những người lính trong đơn vị.
Cùng tác giả

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai: Đầu tư công hiếm nơi nào như Việt Nam

Thứ 2, 29/10/2018 | 09:44
Đề cập đến vấn đề đầu tư công dàn trải thời gian qua, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) cho rằng, từ “đầu tư dàn trải” trở nên quen thuộc.

Tín dụng đen tạo ra “chị Dậu thời đại mới”

Thứ 6, 26/10/2018 | 15:27
Thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại, băn khoăn về tình trạng tín dụng đen hoành hành gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

"Chúng ta không được phép quên những hy sinh của thế hệ cha anh"

Thứ 6, 27/07/2018 | 08:30
Trong 71 năm qua, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

"35 cảnh sát cơ động được tổ chức ôn thi rất kỹ"

Thứ 6, 20/07/2018 | 06:00
PV báo Người Đưa Tin có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Vân, Cục trưởng cục An ninh chính trị nội bộ A83, (bộ Công an) về những bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Lạng Sơn, nơi có 35 cảnh sát cơ động dự thi.

Nguyên ĐBQH Phạm Thị Mỹ Lệ đột ngột qua đời

Thứ 4, 04/07/2018 | 11:26
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước khóa XIII đột ngột qua đời sau khi đến một cơ sở làm đẹp trên địa bàn.