Vừa hết giảm phát đã lấp ló lạm phát

Vừa hết giảm phát đã lấp ló lạm phát

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Nhiều chuyên gia nhận định, CPI tháng 8 "lập đỉnh" là do tăng giá nhiều mặt hàng chứ không đơn thuần chỉ là điều chỉnh giá xăng.

Sau hai tháng liền đứng ở mức âm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 đã bất ngờ lập đỉnh trở lại, xóa tan mọi lời bàn tán xôn xao suốt cả tháng qua về khả năng giảm phát và nền kinh tế rơi vào tình trạng đình đốn. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại, chỉ số CPI tăng chưa hẳn là điều đáng mừng. Bởi mối lo lạm phát rất có thể sẽ quay đầu trở lại, đặc biệt trong điều kiện giá xăng dầu vẫn đang lăm le "lên đỉnh".

Xã hội - Vừa hết giảm phát đã lấp ló lạm phát

CPI tăng nhưng sức mua vẫn giậm chân tại chỗ

Xăng dầu "bồi" đòn quyết định khiến CPI đảo chiều

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 8 tăng 0,63% so với tháng trước đó. Mức tăng này đứng thứ ba trong 8 tháng đầu năm và chỉ xếp sau tháng 1 (với mức tăng 1%) và tháng 2 (1,37%). Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Đức Thắng, vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, CPI tháng 8 đảo chiều tăng mạnh là do tác động tăng giá vào cùng thời điểm của các loại nhiên liệu đầu vào như xăng dầu (tăng ba đợt vào 20/7, 1 và 13/8), gas, điện. Bên cạnh đó, sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ liên quan cũng khiến CPI tăng cao.

Cũng theo ông Thắng, việc các nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng ở mức cao chưa từng có trong nhiều năm qua (riêng dịch vụ y tế tăng tới 7,71%) đã "bồi" thêm một "đòn" khiến CPI đạt đỉnh. Các bệnh viện lớn tại hầu hết tỉnh thành phố trung ương nơi cứu chữa phần lớn bệnh nhân của cả nước đều đồng loạt tăng kịch trần viện phí cũng tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. "Ngoài ra, việc chính sách tiền tệ đang được nới lỏng thông qua nới trần tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng thương mại cũng như hạ lãi suất vay đã khiến lượng tiền được "bơm" ra cho nền kinh tế nhiều lên. Điều này đã thúc đẩy chi tiêu tăng", ông Thắng nói.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, giá xăng dầu tăng đã khiến CPI đạt đỉnh. Xăng dầu tăng giá đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,63% so với tháng trước. "Trong thời gian tới, để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát cần chấm dứt việc lạm dụng trong vấn đề điều hành cũng như các khoản thu từ xăng dầu. Chúng ta không thể biến những khoản thu từ độc quyền của Nhà nước thành những khoản thu và độc quyền của doanh nghiệp. Hơn nữa, cần chú ý đến việc giao cho doanh nghiệp được quyền chủ động tăng hoặc giảm giá. Đồng thời, phải có những kiểm soát và những giám sát chặt chẽ để cho những động thái tăng - giảm phải phù hợp với xu hướng của thế giới", TS. Phong nhấn mạnh.

Đánh giá về diễn biến bất thường của chỉ số CPI, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích, chu kỳ của lạm phát những năm gần đây cho thấy, CPI năm 2012 đang có xu hướng lặp lại năm 2009, có nghĩa là từ đỉnh cao sau đó rơi dần xuống đáy. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là những dự đoán trên gần như thành "mây khói" khi CPI tháng 8 tăng trở lại.

Đồng tình với quan điểm cho rằng CPI tháng 8 tăng là do tăng giá nhiều mặt hàng chứ không đơn thuần chỉ là điều chỉnh giá xăng, TS. Bùi Ngọc Sơn, phó trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế quốc tế (Viện Kinh tế Chính trị thế giới) cho biết, thời gian qua, ngoài xăng dầu tăng giá do ảnh hưởng của thị trường thế giới, nhiều doanh nghiệp đã khôn khéo lợi dụng thời điểm CPI âm trong hai tháng 6-7 để đẩy giá cả đi lên. Việc làm này gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Thực chất, CPI tăng do cầu tăng thì mới lợi cho nền kinh tế và có lợi cho doanh nghiệp. Khi ấy các đơn vị sản xuất mới mở rộng quy mô kinh doanh, tuyển thêm công nhân, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho họ. Còn trong bối cảnh, sức mua vẫn giậm chân tại chỗ, mặt hàng tồn kho vẫn ở mức cao thì chỉ số CPI tháng 8 thì chưa thể lạc quan được.

Theo TS. Bùi Ngọc Sơn, mức biến động CPI do ảnh hưởng của chi phí chỉ tăng một lần và giữ ổn định trong một khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy, trong những tháng tiếp theo, khi chỉ số CPI tiếp tục tăng, chúng ta có thể thông qua đó mà đánh giá được sức mua của thị trường, để từ đó có những điểm sáng đáng mừng cho nền kinh tế. "Hiệu ứng tăng giá còn kéo dài trong một khoảng thời gian nữa và ngấm dần vào các hoạt động kinh tế. Cùng với đó, sức mua cuối năm như thông lệ sẽ nghiễm nhiên tăng cao đẩy chỉ số này sẽ tăng thêm trong các tháng cuối năm", TS. Sơn nhấn mạnh.

Đề phòng lạm phát quay trở lại?

Trao đổi với PV báo Người đưa tin về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên tư vấn của Chính phủ cho rằng, chỉ số CPI tháng 8 cao nhất và tăng chênh lệch 0,63% so với tháng 7 thực chất là do ảnh hưởng của tăng giá dịch vụ y tế, xăng dầu, điện… Con số này phản ánh động thái của thị trường do ảnh hưởng xu hướng tăng giá trên thế giới. "Việc các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng sẽ là tín hiệu xấu đẩy lạm phát quay trở lại. "Đó cũng là lời cảnh báo về tình trạng lạm phát nếu không có được những chính sách điều hành vĩ mô cẩn trọng", TS Hiền khẳng định.

Vị chuyên gia này cũng bày tỏ quan điểm, môi trường đầu tư của Việt Nam đang có "vấn đề", cụ thể là giảm sức hấp dẫn. Cách "trị bệnh" ở đây không phải là "bốc thuốc" xong là được ngay. Bởi vì nền kinh tế của Việt Nam đã khó khăn mấy năm nay chứ không phải một, hai năm vừa qua. Trong tháng 9, với những diễn biến từ thị trường, giá cả, rất có thể chỉ số CPI sẽ tiếp tục "lập đỉnh".

Có cái nhìn khá thận trọng về diễn biến kinh tế thời gian tới, TS.Vũ Đình Ánh dự đoán, mối lo ngại lớn nhất của chúng ta là lạm phát rất có thể sẽ quay đầu trở lại. Chưa kể, nhiều yếu tố tăng giá đang tiềm ẩn. Chẳng hạn như bước vào tháng 9, yếu tố thời tiết sẽ phức tạp hơn, rất có thể giá xăng dầu thế giới tăng cao sẽ tác động đến thị trường nội địa. Những biến động của thị trường hàng hóa với sự tăng giá hàng loạt của các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, tăng trưởng tín dụng… là những tín hiệu xấu, không thể xem thường và cần phải lập tức được kiềm chế trước nguy cơ lạm phát quay trở lại.

"Chúng ta phải kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ với chính sách giá. Vì lạm phát là chỉ số tính theo năm và hoạch định theo năm nên cần những chính sách dài hơi. Nếu cứ chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng thì vô tình chúng ta đẩy doanh nghiệp vào rủi ro. Và rồi tình trạng vay vốn đổ vào những lĩnh vực "ăn xổi", không liên quan đến sản xuất kinh doanh như thời gian trước sẽ lặp lại", TS. Ánh nhận định.

Cũng liên quan đến sự ảnh hưởng của chỉ số CPI đến tình hình lạm phát, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo lắng rằng, thời gian qua, các dịch vụ khác tăng đã đẩy mặt bằng giá tăng cao. Đối với người tiêu dùng thu nhập không tăng mà giá cả lại tăng thậm chí còn đẩy sức mua giảm xuống. Ngoài giá cả tăng cao, tình hình hiện nay còn xuất hiện nhiều nhân tố đẩy lạm phát quay trở lại như số tiền chi phí cho hoạt động đầu tư công ở mức 22 - 23 nghìn tỷ mỗi tháng".

Bà Phạm Chi Lan dự đoán, từ nay đến cuối năm, lạm phát sẽ dao động trong khoảng gần 1%/tháng. Sang đến năm 2013, quá trình ấy vẫn tiếp diễn và đó là vấn đề hiện hữu cần phải được quan tâm. Do đó cần phải hết sức thận trọng về chi tiêu công, nới lỏng tín dụng cùng việc điều chỉnh về giá cơ bản. Trong năm vừa qua, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm nên giờ là lúc cần liều lượng hợp lí. Nếu không giá sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm là chuyện một sớm một chiều.

CPI tháng 9 sẽ tiếp tục đà tăng?

Các chuyên gia kinh tế dự báo, CPI tháng 9 sẽ tiếp tục tăng nhẹ khi giá xăng dầu thế giới và trong nước vẫn có xu hướng đi lên. Bên cạnh đó, tháng 9 tới trùng với ngày nghỉ lễ, ngày khai trường và ngày rằm tháng 7 nên chắc chắn nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao. Theo tính toán của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với tình hình không có gì đột biến, lạm phát cả năm 2012 có thể dừng ở con số 7-8%. Còn trong trường hợp xảy ra những đợt tăng giá bất thường, lạm phát cả năm vẫn chỉ có thể tăng ở mức cao nhất là 9,9%.

Anh Văn - Hạnh Phạm