'Bản sao' nghệ sĩ Y Moan ẩn dật ở xứ Mường

'Bản sao' nghệ sĩ Y Moan ẩn dật ở xứ Mường

Thứ 2, 13/05/2013 | 07:07
0
Ông Bạch Chí Tình 58 tuổi, sống tại khu vực ngã ba Bãi Chạo, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình vẫn thường được mệnh danh là "bản sao nghệ sĩ Y Moan ẩn dật ở xứ Mường"

"Bản sao" của nghệ sĩ Y Moan

Trong ngôi nhà nhỏ, lụp xụp ở một bãi đất rộng rãi, ông lão với mái tóc lớt phớt, bộ quần áo dân tộc sặc sỡ, bộ trang sức bằng nanh lợn rừng trông đúng chất nghệ sĩ, bước ra đón chúng tôi. Ông sinh được 5 người con, nhưng lại không thích sống cùng vợ con mà chỉ thích sống một mình ở cái lán nhỏ này.

Ông tâm sự: "Tuy nhà tôi nhỏ, nhưng lòng tôi rất rộng. Tính tôi rất thanh niên. Đám thanh niên trong và ngoài làng vẫn thường đến nghe tôi hát và thổi sáo. Nhà tôi chẳng mấy khi thiếu vắng tiếng hát, tiếng chiêng, tiếng sáo".

Thời thơ ấu của ông chỉ gắn với những tự ti về bệnh tật. Ông Tình mắc bệnh tim bẩm sinh, sự sống thoi thóp từng ngày, hơi thở yếu ớt từng giờ. Khi gia đình đưa ông đến khám, bệnh viện tỉnh Hòa Bình trả về với kết luận: Hở van tim 2 lá, hơi thở thoi thóp, 3 nhịp thở thì 1 nhịp tắc, không thể cứu chữa được.

Ông Tình xúc động chia sẻ: "Biết được tin đó tôi càng khao khát sống. Dù nằm liệt giường nhưng tôi vẫn cố gượng húp từng thìa cháo. Tôi cứ khóc đòi bà cứu tôi bằng thuốc nam. Vậy là bà liên tục đun uống, tắm gội toàn thân cho tôi. Những lúc sáng sớm, tôi bảo bố mẹ đưa sưởi ánh nắng để hấp thụ thêm sức sống. Thật kỳ diệu, tôi có thể sống trong sự kinh ngạc của gia đình".

Xã hội - 'Bản sao' nghệ sĩ Y Moan ẩn dật ở xứ Mường

Nghệ sĩ chân đất Bạch Chí Tình đang biểu diễn tiết mục đánh cồng chiêng

Do tâm hồn đa cảm nên ông cảm nhận âm nhạc rất tốt. Mặc dù chưa từng được học qua trường lớp về thanh nhạc nhưng với niềm đam mê và năng khiếu văn nghệ, ông có khả năng "học mót" rất nhanh. Những ca khúc hay ông chỉ nghe một đến hai lượt là thuộc cả bài. Ngoài ra ông còn có cách xử lý bài hát để mang đậm phong cách riêng của mình. Nhiều người còn cho rằng, những bài hát của ông Tình còn "ăn đứt" những ca sĩ chuyên nghiệp thời bấy giờ.

Thời gian sau, ông lên đường nhập ngũ, ông vào Trung đoàn 220, thuộc Quân chủng Phòng không Không quân (đóng quân tại Đại Mỗ, Hà Nội ngày nay). Lúc đó ông được mệnh danh là "cây văn nghệ" trong đơn vị. Ông cùng những anh em khác thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt văn nghệ, giao lưu cho các anh em trong trung đoàn.

Một lần tình cờ ông được xem tờ báo của Liên Xô có những hình ảnh về múa ba -  lê đã khiến ông mê mẩn với môn nghệ thuật này. Vậy là ông quyết tâm học tự học múa ba lê. Ông học cách đi bằng mũi chân, ông luyện đến mức chảy cả máu để luyện thuần thục từng thao tác uốn lượn, nhảy cao. Năm 1982, một cuộc thi múa ba - lê quy tụ gần 400 diễn viên khắp cả nước đã diễn ra tại Hội trường Quân chủng Phòng không Không quân ở sân bay Bạch Mai. Ông Tình đã xuất sắc giành giải cao nhất.

Khi đất nước hòa bình, ông về quê lấy vợ và lập nghiệp. Ông đi làm ở nhà hàng Lệ Mật ở Gia Lâm, Hà Nội - nhà hàng sang trọng có tiếng này là nơi lui tới của giới nhà giàu Hà thành thời bấy giờ. Ông chuyên thu mua động vật tươi sống như rắn, các loại hải sản... Biết ông Tình có tài ca hát, ông chủ đã gọi ông Tình ra hát phục vụ khách.

Chuẩn bị xong xuôi, ông bước ra sân khấu, khán giả đã hết sức ngạc nhiên khi thấy ông có hình dáng rất giống nghệ sĩ Y Moan. Có người thì nhất thiết cho rằng nhà hàng đã mời Y Moan về hát, có người lại cho rằng đó chỉ là người có hình dáng giống chứ không phải là nghệ sĩ Y Moan.

Người nghệ sĩ chân đất với giọng hát mộc mạc, hát như đang sống cùng những giai điệu của ca khúc nên khán giả rất hài lòng, họ "bo" cho ông rất hậu hĩnh. Người "nghệ sĩ chân đất" hóm hỉnh: "Mỗi lần lên hát, tôi lại lấy tên là "Y Cất Tình" chứ không phải Y Moan như khán giả đã ban tặng. Tuy nhiên, trong tiếng Mường thì "Moan" và "Cất" có nghĩa là "dọn".

Sau những buổi diễn ở nhà hàng Lệ Mật mà tên tuổi ca sĩ "Y Cất Tình" đã vang rất xa. Giới nghệ sĩ thời ấy biết đến và mời ông tham gia những chuyến lưu diễn. Ông Tình nhớ lại: "Buổi biểu diễn tại Lạng Sơn cùng với đoàn nghệ sĩ Minh Vượng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Khi tôi xuất hiện với cách ăn mặc của Tây Nguyên, áo dân tộc, đeo nanh, đeo vuốt, đã khiến sân khấu dường như vỡ òa.

Lúc tôi cất lên chất giọng khàn khàn, trầm lắng đã khiến khán giả lặng đi. Tôi hát những ca khúc của Nguyễn Cường mang đậm phong cách Tây Nguyên như Anh muốn sống bên em trọn đời, Đi tìm nữ thần mặt trời, Ly cà phê Ban Mê... bằng chất giọng hoang sơ qua từng ca từ say mê. Sau mỗi bài hát kết thúc, khán giả đã chạy nhào lên sân khấu xin chữ ký".

Xã hội - 'Bản sao' nghệ sĩ Y Moan ẩn dật ở xứ Mường (Hình 2).

Ông Bạch Chí Tình với biệt tài thả một tay thổi sáo mà không bị lệch tông

Thổi sáo "kiếm cơm"

Mặc dù có năng khiếu đó nhưng bản chất nghệ sĩ, ông cũng không muốn trở thành "người nổi tiếng". Ông không tham gia các cuộc thi tìm kiếm giọng hát tài năng nên đến bây giờ ông vẫn chưa được phong danh hiệu gì. Ông chỉ hoạt động nghệ thuật theo đam mê, ông vẫn thường đi hát theo những lời mời của các tổ chức, đoàn thể, khách du lịch, các lễ hội...

Ngoài những tài năng về hát, múa ba - lê, ông Tình còn có tài thổi sáo. Ông tự học từng nốt, từng tông, từng đoạn nhạc, dần dần ông cũng thổi được bài hát. Ông còn được mệnh danh là nghệ sĩ "thổi sáo kiếm cơm".

Có thời kỳ người "nghệ sĩ chân đất ấy" đã buôn vàng ở khắp các huyện khác Kim Bôi, Thung Rếch, Hòa Bình. "Thời đó mua vàng tính bằng cân, tôi được mệnh danh là một trong những đại gia thời bấy giờ.

Thời đó, xe máy còn là thứ xa xỉ nhưng tôi đã có xe máy Simson, BS, Etelic". Có tiền nên sinh lắm tật, ông đam mê vào cờ bạc. Số tiền ông kiếm được cũng được "nướng" sạch vào những canh bạc thâu đêm suốt sáng. Càng ngày vàng càng khan hiếm, vàng thì ít, chủ buôn thì nhiều, việc buôn bán vì thế càng khắc nghiệt hơn.

Khi hết vàng, ông lại đi buôn trâu bò. "Hồi đó trâu, bò còn nhiều, việc mua bán cũng chưa nở rộ như bây giờ. Tôi đi khắp các vùng thu mua rồi thuê người dắt hàng đoàn trâu sang Trung Quốc bán. Thời kỳ đó tôi còn kiêm luôn việc buôn các loại nanh vuốt. Mặt hàng chủ yếu mà tôi thu mua là nanh hổ, móng hổ, nanh lợn rừng... Hồi đó, còn nhiều thú rừng nên có rất nhiều móng vuốt.

Có nhà tích trữ hàng chục chiếc nanh vuốt để trên gác bếp, khi có người đến hỏi mua thì họ mới mang ra bán. Nhờ có năng khiếu thổi sáo, nên cứ đến giữa bản, tôi thổi sáo để bà con đến nghe, sau đó tôi sẽ nói là mua móng vuốt với giá cao, những người dân đồn thổi về một ông chủ thổi sáo mua móng vuốt. Nhờ tiếng tăm về việc làm ăn uy tín, sòng phẳng nên tôi thu mua được rất nhiều hàng. Có chuyến đi buôn tôi mua được cả nải nanh vuốt thú rừng và thu lãi đậm", ông Tình cho hay.

Thời kỳ hoàng kim của ông cũng chẳng được bao lâu rồi lại lao xuống dốc chỉ sau phi vụ làm ăn lớn. Trong một lần dồn hết vốn liếng để ôm đồm toàn bộ những nguồn móng vuốt của các ông chủ khắp cả vùng Kim Bôi lại để làm một chuyến lớn. Tuy nhiên, trên đường mang đến địa điểm giao hàng cho ông chủ người Trung Quốc thì bị lực lượng chức năng bắt. Mặc dù đã chạy thoát thân nhưng số vàng đã bị tịch thu hoàn toàn. Ông trở về với hai bàn tay trắng.

Từ đó, ông chuyển ra dựng một nơi ở tạm để nuôi gà, chăn lợn. Rồi mỗi khi rảnh rỗi ông lại nghêu ngao những ca khúc mình đam mê và thổi sáo những bản nhạc yêu thích để ngẫm về cuộc đời.                      

Hoàng Thế Tào

"Thi sĩ" tái xuất sau 20 năm ẩn dật

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Người ta nói, Malick náu mình không đơn thuần chỉ để chạy trốn khỏi những xô bồ mà để mỗi lần trở lại kỹ lưỡng và cầu kỳ hơn.

Cuộc sống 'ẩn dật' của người phụ nữ có mái tóc nặng 3kg

Thứ 3, 02/04/2013 | 22:28
Bước vào tuổi 60, người phụ nữ sở hữu mái tóc dài 2m, nặng hơn 3kg có cuộc sống "ẩn dật" bên con cháu dưới mái nhà lá rách nát, nằm sâu trong vùng bưng biềng của ấp Bình An (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).

"Đất Phương Nam đã cho tôi hình tượng ông già Nam Bộ”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Công chúng còn nhớ tới nghệ sĩ Mạnh Dung qua hình ảnh ông Ba bắt rắn trong bộ phim Đất phương Nam nổi tiếng một thời. Cùng với đó, hình ảnh ông vào vai ba của thằng Cò trở thành biểu tượng của một ông già Nam Bộ đặc sệt.