Cần truy tố chủ doanh nghiệp lập công ty 'ma' để làm gương

Cần truy tố chủ doanh nghiệp lập công ty 'ma' để làm gương

Thứ 5, 22/12/2016 | 14:16
0
Doanh nghiệp có hành vi buôn lậu nhưng địa chỉ công ty chỉ là một tiệm bán tạp hóa. Đây là một trong những bất cập gây khó khăn cho việc xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật của cơ quan chức năng.

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp lập ra hàng loạt công ty "ma" (do người khác đứng tên đại diện pháp luật) để hoạt động buôn lậu.

Nhiều doanh nghiệp khi bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi buôn lậu, điều tra thì không tìm được công ty vì các địa chỉ đăng ký khi lập doanh nghiệp đều không phải là trụ sở hoạt động của công ty. Đây là một trong những điều bất cập gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi điều tra, xử lý.

PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có phỏng vấn đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này. 

ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Đã đến lúc rà soát toàn bộ doanh nghiệp

Xã hội - Cần truy tố chủ doanh nghiệp lập công ty 'ma' để làm gương

ĐB Trần Hoàng Ngân.

-Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ buôn lậu bị phát hiện nhưng cơ quan chức năng truy đến địa chỉ công ty không có thật. Phải chăng, chúng ta đang thiếu cơ chế kiểm soát việc thành lập công ty “ma” kiểu này?

Khi trao đổi và thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), cá nhân tôi đã nhiều lần có ý kiến về vấn đề cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp. Chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhưng như thế không có nghĩa là việc cấp phép thành lập doanh nghiệp, công ty một cách dễ dàng.

Cần một quá trình kiểm tra, thẩm định kỹ về các tiêu chí của doanh nghiệp trước khi cấp phép thành lập. Kiểm tra chặt chẽ tư cách thể nhân của khách hàng đứng tên thành lập doanh nghiệp, địa chỉ ở đâu... Có như vậy mới tạo được môi trường kinh doanh minh bạch thực sự. Nếu đã cho phép mở doanh nghiệp, các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ phải sát sao trong quá trình hậu kiểm.

­-Dường như, nhiều cá nhân đã lợi dụng cơ chế “tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp” để trục lợi, làm ăn phi pháp. Ông suy nghĩ ra sao về điều này?

Tạo điều kiện thuận lợi để mọi người có quyền thực hiện việc kinh doanh, tiếp cận các thủ tục hành chính một cách dễ dàng, minh bạch. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bỏ qua các khâu kiểm tra đủ điều kiện thế nhân, lý lịch tư pháp khách hàng.

Càng kiểm tra kỹ lưỡng, chuẩn, càng bảo đảm sự minh bạch trong đầu tư kinh doanh. Luật đã được ban hành, dựa trên những quy định của pháp luật cần tăng cường kiểm tra không chỉ trước mà kiểm tra thường xuyên trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp đó.

Kiểm tra không phải là làm khó doanh nghiệp, sự hậu kiểm là cần thiết để tránh lợi dụng kẽ hở pháp luật. Hiện nay, chúng ta chưa làm rõ trách nhiệm trong câu chuyện này giữa cơ quan cấp phép và cơ quan hậu kiểm. Nếu việc lập công ty “ma” diễn ra quá nhiều thì đã đến lúc cần xem xét trở lại và tôi đề nghị rà soát lại tất cả các thủ tục đăng ký kinh doanh để sàng lọc triệt để các doanh nghiệp ảo.

 ĐB Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Cần truy tố trước pháp luật để làm gương

Xã hội - Cần truy tố chủ doanh nghiệp lập công ty 'ma' để làm gương (Hình 2).

ĐB Phạm Văn Hòa.

- Ông có đánh giá như thế nào về những hậu quả từ hoạt động phi pháp khó kiểm soát của các công ty “ma”kể trên?

Doanh nghiệp muốn thành lập phải đảm bảo những điều kiện nhất định đã được quy định rất rõ trong các luật hiện hành. Cá nhân tôi và dư luận rất bức xúc trước những cá nhân lợi dụng việc tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp một cách thuận lợi nhất để có tư cách pháp nhân và buôn bán làm ăn bất hợp pháp, thậm chí là cả hàng quốc cấm như ngà voi.

Nếu không làm rõ và xử lý triệt để thì dư luận sẽ nghi ngại cả những câu chuyện móc ngoặc, thông đồng. Những người ký cho phép thành lập doanh nghiệp đã có những sơ hở nhất định, không kiểm tra kỹ các quy định của pháp luật, việc hậu kiểm không chặt chẽ. Cho nên, nhiều doanh nghiệp không có trụ sở hoặc trụ sở không chính xác nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại và làm ăn phi pháp. Nhưng suy cho cùng, đó là sơ hở của cán bộ hậu kiểm.

Quy định của thành lập doanh nghiệp đã rõ ràng đến từng chi tiết. Nếu việc hậu kiểm không hiệu quả, không có địa chỉ hoặc ghi địa chỉ không chính xác, nếu chỉ nhìn trên hồ sơ, giấy tờ thì người ký duyệt quyết định cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động cũng khó phát hiện ra. Do đó, vấn đề hậu kiểm là cực kỳ quan trọng.

Tôi thấy hiện nay, việc thành lập một doanh nghiệp là quá dễ dàng nên khi giải thể doanh nghiệp cũng dễ dàng. Điều này rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật của doanh nghiệp. Thực tế, nhiều công ty mua bán hóa đơn chứng từ gây thất thoát cho Nhà nước hàng chục, thậm chí có thể là hàng trăm tỉ đồng.

-Vậy theo ông, trách nhiệm chính trong việc tồn tại các công ty “ma” là thuộc cơ quan nào? Xử lý ra sao để đạt hiệu quả?

Trách nhiệm một phần ở đơn vị, cá nhân cấp phép cho doanh nghiệp vì chúng ta vẫn nặng về kiểm tra trên giấy tờ. Nhưng tôi cho rằng, trách nhiệm chính là ở cơ quan, cá nhân phụ trách hậu kiểm. Nếu doanh nghiệp đủ hồ sơ theo quy định thì đương nhiên phải cấp phép cho họ hoạt động. Do đó, việc hậu kiểm làm sơ sài hoặc nhắm mắt cho qua sẽ dẫn đến doanh nghiệp “ma” được hợp pháp hoạt động một cách dễ dàng.

Tôi cho rằng cần xử lý nghiêm với cá nhân những người đứng ra thành lập doanh nghiệp bất hợp pháp hoặc lợi dụng doanh nghiệp để làm ăn bất hợp pháp. Phải có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng làm ăn gian dối, thậm chí cần truy tố trước pháp luật để làm gương. Lợi dụng cơ chế thông thoáng của Nhà nước để lập công ty “ma” và buôn lậu là hành vi đáng lên án và không chấp nhận được.

Dương Thu (thực hiện)

Cùng tác giả

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai: Đầu tư công hiếm nơi nào như Việt Nam

Thứ 2, 29/10/2018 | 09:44
Đề cập đến vấn đề đầu tư công dàn trải thời gian qua, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) cho rằng, từ “đầu tư dàn trải” trở nên quen thuộc.

Tín dụng đen tạo ra “chị Dậu thời đại mới”

Thứ 6, 26/10/2018 | 15:27
Thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại, băn khoăn về tình trạng tín dụng đen hoành hành gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

"Chúng ta không được phép quên những hy sinh của thế hệ cha anh"

Thứ 6, 27/07/2018 | 08:30
Trong 71 năm qua, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

"35 cảnh sát cơ động được tổ chức ôn thi rất kỹ"

Thứ 6, 20/07/2018 | 06:00
PV báo Người Đưa Tin có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Vân, Cục trưởng cục An ninh chính trị nội bộ A83, (bộ Công an) về những bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Lạng Sơn, nơi có 35 cảnh sát cơ động dự thi.

Nguyên ĐBQH Phạm Thị Mỹ Lệ đột ngột qua đời

Thứ 4, 04/07/2018 | 11:26
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước khóa XIII đột ngột qua đời sau khi đến một cơ sở làm đẹp trên địa bàn.