Chỗ tiêu không hết, nơi lần chẳng ra...

Chỗ tiêu không hết, nơi lần chẳng ra...

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Trong khi các doanh nghiệp đang vật lộn tìm nguồn vốn để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của mình thì chiều hướng ngược lại, nhiều thông số cho thấy các ngân hàng luôn dư vốn...

Doanh nghiệp tự làm khó mình?

Khi nền kinh tế rơi vào khó khăn, những doanh nghiệp không chịu được áp lực của cuộc chơi đã lần lượt "gục ngã", số còn lại gồng mình chống đỡ khó khăn với niềm tin sẽ được các ngân hàng cứu cánh bằng những khoản vay trước mắt.

Mặc dù trên thực tế, hàng loạt các ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay với các mức khá hấp dẫn, hay mới đây nhất Ngân hàng nhà nước (NHNN) chính thức ban hành quy định về trần lãi suất cho vay bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên là 15% (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa), nhưng nó vẫn chỉ là miếng mồi ngon treo lơ lửng trên đầu các doanh nghiệp.

Bất động sản - Chỗ tiêu không hết, nơi lần chẳng ra...Khách hàng, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vẫn rất khó khăn.

Ảnh minh họa.

Thẳng thắn thừa nhận với PV báo Nguoiduatin.vn, TS Đoàn Văn Thắng, phó tổng giám đốc ngân hàng Liên Việt nói: Đúng là ngân hàng có tình trạng là thừa vốn. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa đủ điều kiện, còn nếu doanh nghiệp đủ điều kiện thì phía ngân hàng sẵn sàng cho vay. Trong hoàn cảnh doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn thì dù ngân hàng có thừa hay thiếu vốn, ngân hàng cũng không thể mạo hiểm cho vay được.

Tuy nhiên, theo ông Thắng: Không có chuyện ngân hàng làm cao hay làm khó doanh nghiệp, vì bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, họ huy động tiền thì cũng phải trả lãi cho người gửi tiền, nên chả dại gì mà "găm" tiền trong két. Chẳng ngân hàng nào huy động vốn xong lại để đấy.

"Chúng ta hình dung, ngân hàng mua hàng về mà không bán được hàng thì chắc chắn sẽ lỗ, thậm chí là phá sản. Nên hoàn toàn không có chuyện ngân hàng làm khó doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. Theo tôi chủ yếu vẫn là do doanh nghiệp, còn lãi suất bây giờ cũng tương đối hợp lý rồi", ông Thắng nhấn mạnh.

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP khác (xin được giấu tên - PV) cũng cho hay: Trong thực tế, có những doanh nghiệp hiện nay đã vay ngân hàng rồi nhưng lại rơi vào tình trạng nợ xấu, không chỉ là với một ngân hàng mà với nhiều ngân hàng khác nhau. Nhưng nay doanh nghiệp đó lại muốn vay vốn tiếp.

Trong hoàn cảnh doanh nghiệp đang có mối quan hệ xấu với các tổ chức tín dụng khác thì ngân hàng dù muốn cũng không thể cho vay được. Nhưng nếu không cho vay thì họ cũng rất khó khăn, thậm chí đẩy doanh nghiệp đó đến chỗ phá sản, khi đó khả năng thanh toán nợ xấu trước đó dường như là không thể.

Để giải bài toán này, nhiều ngân hàng đã phân loại doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào vẫn có khả năng trả nợ thì sẽ gia hạn thời hạn trả nợ, để bớt áp lực cho doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện để giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Đáng nói, trong báo cáo mới đây nhất của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), trong tháng qua, NHNN tiếp tục hút mạnh vốn về qua nghiệp vụ repo (dịch vụ tái sinh từ các nghiệp vụ cho vay có đảm bảo) và tín phiếu với số tiền hơn 53 nghìn tỷ đồng. Điều đó thể hiện, nguồn tiền đang nằm trong các Ngân hàng thương mại là rất lớn. "Ở một góc độ nào đó, Ngân hàng thương mại thừa quá nhiều tiền thì không phải là điều đáng mừng", báo cáo từ VietinBank đưa ra nhận định.

Nghịch cảnh cần sự suy xét

Bối cảnh dù khó khăn nhưng không ít lãnh đạo một số ngân hàng vẫn thụ hưởng những khoản lương khổng lồ, có vị đến cả triệu USD / năm.

Mới nhất là Ngân hàng TMCP Liên Việt Bưu điện gây sốc khi trong tờ trình của HĐQT, tổng mức thù lao cho các thành viên HĐQT và BKS năm 2012 dự kiến lên tới 45 tỷ đồng (khoảng hơn 3% lợi nhuận sau thuế), trong khi mức lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này dự kiến từ 1.325 tỷ đồng - 1.500 tỷ đồng.

Nếu chia bình quân tổng số 45 tỷ trên cho 8 thành viên HĐQT và 3 thành viên trong BKS, thì riêng khoản thù lao, mỗi người đã có hơn 4 tỷ đồng trong năm 2012.

Đây là một thực tế để các nhà quản lý điều hành suy xét trong việc ra các quyết định điều hành tiếp theo.

Đi tìm nguyên nhân nghịch lý "thừa - thiếu"

Trả lời PV báo Nguoiduatin.vn, TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc NHNN, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phân tích: Cái nghịch lý ngân hàng thừa tiền mà doanh nghiệp đói vốn là có thực.

Nó có ba nguyên nhân như sau: Khả năng thanh khoản giữa các ngân hàng là không đều nhau. Có ngân hàng yếu muốn cho vay cũng không cho vay được, muốn huy động cũng không huy động được, cho nên không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Còn bộ phận ngân hàng thanh khoản khá hơn một tý thì tín dụng của nó lại hạn chế, với lại họ cũng tránh những rủi ro cao nhất trong an toàn tín dụng.

Thứ hai, tình hình hiện nay, lãi suất cho vay vẫn đang rất cao, từ 15 - 17%, bên cạnh đó sức mua của người dân giảm mạnh, chi phí sản xuất của doanh nghiệp lại tăng mạnh, đầu ra không có.

Nhiều doanh nghiệp, dù vay vốn được chỗ này chỗ kia nhưng lại không giải quyết được đầu ra, không quay vòng được vốn, tài sản thế chấp thì đã thế chấp từ trước đó. Do vậy, những doanh nghiệp đó muốn vay được lúc này cũng khó.

Lý do thứ ba, một số doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn được vay nhưng họ tính toán lại lợi nhuận, quá trình sản xuất kinh doanh không thu được lợi nhuận nên không vay thêm nữa. Còn doanh nghiệp muốn vay, cần vốn thật sự thì lại không đủ tiêu chuẩn để vay, vì những doanh nghiệp đó đang vướng phải nợ xấu với ngân hàng.

Đó là những lý do tạo nên nghịch lý như hiện nay, vốn thì có nhiều, thanh khoản thì thừa nhưng không cho vay ra được hoặc không vay được.

Cũng theo TS. Kiêm: "Từ thực tế đó, tôi cho rằng ngân hàng cần có những tiêu chí xác định rõ các trường hợp cụ thể để có những giải pháp hữu hiệu giải quyết những nghịch lý đó. Cần có chính sách, quy định cụ thể để áp cho từng trường hợp một.

Trên cơ sở đó, ngân hàng giúp doanh nghiệp có những điều kiện, những yếu tố, thậm chí là châm chước một số cái để doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn. Làm như thế thì ngân hàng vừa cho vay ra được, doanh nghiệp lại có thể tiếp cận được đồng vốn, duy trì và phát triển sản xuất.

Còn đối với doanh nghiệp, cũng cần rà soát lại cơ sở sản xuất kinh doanh của mình, xem giải quyết được những khâu yếu nào, xem xét cái gì cần vay và cái gì chưa cần. Trong thời buổi khó khăn này thì mỗi bên phải cố gắng và nhường nhau một tý. Những chủ trương, chính sách nào mới, có thể áp dụng cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì cả hai phía nên biết tận dụng nó.

Tuy nhiên ở khía cạnh khác, TS. Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, cho rằng: "Một bộ phận doanh nghiệp khác mặc dù không có nợ xấu nhưng các dự án của họ không có tính khả thi, thì cũng không vay được vốn.

Ngân hàng không thể cho một doanh nghiệp mà khả năng hoàn vốn quá thấp vay được. Sau khi phân tích những nguyên nhân từ doanh nghiệp, cũng xem lại liệu ngân hàng có đang làm khó doanh nghiệp hay không? Vấn đề này cũng cần xem xét kỹ lưỡng từ nhiều chiều thì mới đưa ra kết luận chính xác được".

Trao đổi về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch lại đưa ra cái nhìn thực tế hơn: "Nói chung hiện nay các doanh nghiệp hấp thụ vốn không nổi và có thể chia thành ba loại. Thứ nhất là các doanh nghiệp hiện nay không có nhu cầu lớn về tín dụng vì thị trường sản xuất đang khó khăn. Loại này có uy tín với ngân hàng nhưng lại không có nhu cầu vay.

Loại thứ hai, họ cảm thấy cái khó khăn của thị trường, dù muốn vay vốn nhưng lãi suất vẫn còn cao, chưa có nhu cầu mở rộng sản xuất nên không có nhu cầu vay. Còn loại doanh nghiệp thứ ba, đa số doanh nghiệp nợ xấu ngân hàng, khả năng trả nợ rất thấp.

Do vậy, dù các doanh nghiệp đó muốn vay với lãi suất cao ngân hàng cũng không dám cho vay. Từ thực tế ba loại doanh nghiệp đó dẫn đến tình trạng nền kinh tế hấp thụ tín dụng kém nên mới nảy sinh nghịch lý ngân hàng thì thừa tiền, còn doanh nghiệp lại không tiếp cận được vốn".

Bàn về những biện pháp tháo gỡ nghịch lý nói trên, TS Trần Du Lịch đưa ra hướng giải quyết: "Theo tôi, nghịch lý này chỉ được xử lý khi nào nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng giảm đi, mặt khác, quy mô thị trường ấm lại trên nhiều lĩnh vực thì mới tháo gỡ được. Để đến được lúc đó, cần có thời gian chứ không thể một sớm một chiều được.

Theo dự báo của tôi, phải đến sau quý II của năm nay thì kinh tế mới ấm dần lên được, nhưng cũng sẽ rất chậm, vì sức mua vẫn đang rất yếu".Dù mong muốn của TS Trần Du Lịch là thấu đáo nhưng giải pháp làm ấm các thị trường có vẻ không đơn giản khi mà hướng đầu cơ vào đất đai không phải là hướng được khuyến khích.

Quốc Triều - Vương Trần


Tag: repo
Cùng chuyên mục

Hà Nội: Cận cảnh dự án Thành An Tower vừa bị chỉ ra nhiều vi phạm

Thứ 6, 26/04/2024 | 20:43
Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tại dự án Thành An Tower số 21 Lê Văn Lương (Tp.Hà Nội).

Thị trường đất nền: Đã “tan băng” nhưng khó “sốt”

Thứ 6, 26/04/2024 | 19:30
Các chuyên gia nhận định, giá bán đất nền trong thời gian tới sẽ "ấm" lên nhưng khả năng "sốt đất" sẽ không xảy ra.

Bộ Xây dựng vào cuộc vụ xây 22 biệt thự không phép ở tỉnh Lâm Đồng

Thứ 6, 26/04/2024 | 19:07
Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cung cấp các thông tin liên quan vụ xây không phép 22 căn biệt thự tại xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm).

Đồng Nai: Hàng loạt cơ sở lưu trú du lịch xây dựng không phép

Thứ 6, 26/04/2024 | 09:00
Nhiều Homestay, Glamping, khu nghỉ dưỡng tại tỉnh Đồng Nai có dấu hiệu xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, bất chấp các quy định.

Phân khúc đang dẫn dắt thị trường bất động sản Hà Nội

Thứ 5, 25/04/2024 | 19:30
Căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
     
Nổi bật trong ngày

Thị trường đất nền: Đã “tan băng” nhưng khó “sốt”

Thứ 6, 26/04/2024 | 19:30
Các chuyên gia nhận định, giá bán đất nền trong thời gian tới sẽ "ấm" lên nhưng khả năng "sốt đất" sẽ không xảy ra.

Đồng Nai: Hàng loạt cơ sở lưu trú du lịch xây dựng không phép

Thứ 6, 26/04/2024 | 09:00
Nhiều Homestay, Glamping, khu nghỉ dưỡng tại tỉnh Đồng Nai có dấu hiệu xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, bất chấp các quy định.

Hà Nội: Cận cảnh dự án Thành An Tower vừa bị chỉ ra nhiều vi phạm

Thứ 6, 26/04/2024 | 20:43
Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tại dự án Thành An Tower số 21 Lê Văn Lương (Tp.Hà Nội).

Giá vàng 26/4: Vàng SJC, vàng nhẫn cùng đi lên

Thứ 6, 26/04/2024 | 09:50
Giá vàng SJC tại các doanh nghiệp bật tăng phiên mở cửa sáng nay, cùng với đó, vàng nhẫn cũng đi lên.

Nghỉ lễ 30/4-1/5: Bùng nổ du lịch tự túc và nguy cơ quá tải ở một số nơi

Thứ 6, 26/04/2024 | 14:50
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài đến 5 ngày, nhiều du khách có nhu cầu du lịch tự túc khiến nhiều điểm du lịch trên cả nước trong tình trạng quá tải, "cháy" phòng.