Cụ ông 91 tuổi vẽ tranh lưu giữ tình yêu

Cụ ông 91 tuổi vẽ tranh lưu giữ tình yêu

Thứ 4, 22/05/2013 | 08:49
0
Cụ Nhiêu Bình Như xuất bản cuốn sách bao gồm hàng trăm bức tranh ông vẽ từ năm 2008. Tranh là những thước phim ghi lại đời sống của ông và người bạn đời đã khuất.

Chuyện của hai chúng ta là tên cuốn sách của cụ ông Nhiêu Bình Như, sinh năm 1922, người Giang Tây, Trung Quốc. Cuốn sách xuất bản hồi tháng 4.

Chuyện của hai chúng ta là món quà cụ Nhiêu Bình Như dành tặng người vợ đã khuất. Cụ bà Mao Mỹ Đường qua đời năm 2008 vì bệnh tật. Từ đó đến nay, cụ ông dồn tâm huyết vẽ hàng trăm bức tranh. Tranh là những câu chuyện rất đời thường về hai con người, từ ngày đầu gặp mặt đến khi yêu nhau, khi nên chồng vợ rồi đến lúc ly biệt. Những câu chuyện đó được hai nhân vật chính viết trong hơn 70 năm. Không chỉ dựa vào trí nhớ, cụ Nhiêu Bình Như còn tưởng tượng hình ảnh lúc chưa gặp người bạn đời để vẽ bà.

Sự kiện - Cụ ông 91 tuổi vẽ tranh lưu giữ tình yêu

Ông nội Nhiêu Bình Như là quan tam phẩm đời Thanh, đến đời cha Bình Như, gia đình ông vẫn thuộc hàng quyền quý. Năm 11 tuổi, Mao Mỹ Đường, con gái một người bạn thân của cha Bình Như đến nhà chơi. Lúc đó Mỹ Đường 8 tuổi. Ở nhà Bình Như, hai đứa trẻ chơi với nhau nhưng hầu như không nói năng gì. Lúc đó cậu bé Bình Như không thể mường tượng rằng cô bé ấy sẽ là bạn đời sau này của mình.

Năm 1937, chiến tranh chống Nhật bùng nổ mạnh mẽ. Là thanh niên trai tráng, Bình Như hòa vào đoàn thanh niên ra trận. Năm 1946, chiến tranh kết thúc, Bình Như nhận được thư của bố, giục về lấy vợ.

Cụ Nhiêu Bình Như nhớ lại, một lần trong công viên, ông ngại ngùng nói lời yêu bà Mao Mỹ Đường và hát cho bà nghe. Hai người nên duyên chồng vợ năm 1948.

Những năm đầu sau khi kết hôn, vợ chồng Nhiêu Bình Như sống đủ đầy. Năm 1951, hai vợ chồng đến Thượng Hải. Bình Như làm kế toán ở bệnh viện và làm thêm công việc biên tập ở nhà xuất bản, lương của ông mỗi tháng là 240 nhân dân tệ. Thời đó, lương một người mấy chục tệ đã là rất khá. Đó cũng là những tháng ngày rực rỡ nhất trong cuộc đời Nhiêu Bình Như. Mỹ Đường không phải đi làm, hai người thuê một bảo mẫu.

Sự kiện - Cụ ông 91 tuổi vẽ tranh lưu giữ tình yêu (Hình 2).

Đến năm 1958, cuộc sống biến động. Vì vốn là quân Quốc Dân Đảng, Nhiêu Bình Như bị điều đến một nông trại ở tỉnh An Huy để lao động cải tạo. Sau đó ông còn bị điều đi làm những công việc vất vả khác. Thời gian hai vợ chồng xa nhau là 22 năm. Trong 22 năm đó, họ gửi cho nhau hàng nghìn bức thư.

Nhiêu Bình Như kể, mỗi bức thư Mỹ Đường gửi, ông đều giữ lại. Đọc xong thư, ông xếp chúng vào một hộp gỗ rồi khóa lại. Mấy ngày sau lại mở ra xem. Trong thư, Mỹ Đường kể lể những chuyện cơm cà mắm muối hàng ngày. “Lúc con trai lớn tìm việc làm, nhà không có tiền mua thức ăn. Thư không có những lời nhớ nhung tình tứ, vì ai còn sức mà nhắc đến yêu đương. Có lúc Mỹ Đường chán nản, buồn bực, tôi chỉ có cách an ủi cô ấy”, cụ Nhiêu Bình Như kể.

Sự kiện - Cụ ông 91 tuổi vẽ tranh lưu giữ tình yêu (Hình 3).

Năm 1979, Nhiêu Bình Như được về Thượng Hải, làm biên tập ở Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật Thượng Hải. Đến năm 1992, Mỹ Đường bị phát hiện mắc bệnh tiểu đường và thận. Giai đoạn cuối, bà Mỹ Đường không còn tỉnh táo. Một ngày, bà nói Bình Như giấu cháu gái ở đâu rồi, không cho bà gặp cháu. Bình Như giải thích thế nào bà cũng không tin. Cụ già Mao Mỹ Đường ngồi trên đất, khóc òa.
Một hôm khác, bà nói muốn ăn một loại bánh, ông đạp xe 20 phút đi mua bánh về cho bà. Đến nhà, bà lại quên mất, nói không muốn ăn nữa.

Tháng 3/2008, khi chỉ còn 5 tháng nữa là đến kỷ niệm 60 năm đám cưới của hai vợ chồng, Mao Mỹ Đường qua đời.

Lúc bà Mỹ Đường hấp hối, ông không bên cạnh bà. Nhận được điện thoại báo, ông đến bệnh viện. Y tá, bác sĩ vây quanh bà. Ông đứng sau lưng mọi người, cách bà mười mấy bước. Bà nhìn thấy ông khi đưa mắt tìm kiếm xung quanh. Khóe mắt bà rớm lệ. Ông bước đến bên giường bệnh, nắm chặt tay vợ, lau dòng nước mắt. Tay bà lạnh dần trong tay ông. Ông biết rằng đó là ly biệt.

Sự kiện - Cụ ông 91 tuổi vẽ tranh lưu giữ tình yêu (Hình 4).

Sau khi vợ qua đời, ông Nhiêu Bình Như bắt đầu vẽ. Cháu gái Nhiêu Thanh Hân của cụ nói, ông buổi sáng luyện quyền thuật, buổi chiều uống xong một tách cà phê thì bắt đầu vẽ. Thường ông mất hai tiếng đồng hồ để vẽ một bức tranh.

Hiện nay, làm bạn với cụ Nhiêu Bình Như là con mèo vàng. Năm 90 tuổi, ông bắt đầu học piano. Một trong những bản nhạc mà ông thường chơi là "Tống biệt". Ông nói ông chưa bao giờ giận bà vì giữa vợ chồng, chỉ có “tình”, không cần đến “lý”. Nhiều lúc bà trách ông "gì cũng không biết làm", ông chỉ cười khì khì. Vợ chồng có lúc cãi nhau nhưng sau đó ông quên ngay, không thấy bực tức, khó chịu. Cụ Nhiêu Bình Như cho biết, gần 60 năm chồng vợ, ông chỉ nhớ hai người cãi nhau một lần. Lúc đó ông tức giận ném phích nước xuống sàn, bình vỡ tan, nước sôi chảy trên sàn nhà. Mỹ Đường nằm trên giường khóc. Hai người chẳng nói gì với nhau. Hai, ba tiếng sau, ông định đi làm lành với bà, chưa nói gì thì Mỹ Đường đã phì cười. Mâu thuẫn cũng tan biến.

Cuộc sống vô vàn khó khăn. Hai vợ chồng Nhiêu Bình Như chứng kiến nhiều cặp vợ chồng ly dị nhưng họ chưa bao giờ có suy nghĩ xa nhau.

Sự kiện - Cụ ông 91 tuổi vẽ tranh lưu giữ tình yêu (Hình 5).

Hồi tháng 2, khi trả lời phỏng vấn, cụ Nhiêu Bình Như giải thích lý do vẽ tranh: “Tôi muốn lưu dấu trong cuộc đời. Cuộc đời của hai chúng tôi ở cả trong tranh. Một con người không còn nữa nhưng tôi muốn dùng tranh vẽ, câu chữ để níu giữ tâm hồn người, giữ người ở lại nhân gian. Lúc tôi không còn nữa, đời sau nhìn lại, thấy được chúng tôi đã làm việc, sinh sống như thế nào”.

Nhắn nhủ với người trẻ tuổi, cụ Nhiêu Bình Như nói: “Xem tivi thấy các bạn trẻ cưới nhau vài tháng đã cãi cọ, đòi ly dị. Đừng nên cứ gặp chuyện nhỏ là chia tay. Hãy trân trọng tuổi xuân, trân trọng từng phút giây đang có”.

Con cháu của cụ Nhiêu Bình Như thường nói chuyện của ông bà giống như cổ tích, hiếm thấy trong đời. Cụ đáp lại: “Người ta thấy tôi kỳ quặc, sao tôi lại thấy con người bây giờ có chút kỳ quặc…”.

Theo Hải Lan/VnExpress

Cuộc đời khốn khổ của nhà văn Lê Lựu

Thứ 5, 02/05/2013 | 09:31
Tác giả ‘Thời xa vắng’, ‘Sóng ở đáy sông’ đang sống những tháng ngày mà bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm, chuyện buồn quá khứ nhiều hơn hy vọng.

Nhà thơ Chăm từng bỏ giảng đường về cày ruộng

Thứ 3, 14/05/2013 | 14:39
Khi quyết định từ bỏ giảng đường để quay về quê cày ruộng ông luôn tìm cách để học hỏi, nghiên cứu sáng tác các tác phẩm liên quan đến văn hóa Chăm.