Đẩy mạnh số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản

Đẩy mạnh số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản

Thứ 5, 02/03/2023 | 07:00
0
Theo các chuyên gia, truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp hiện nay.

Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, điều đó cho thấy uy tín và vị thế ngày càng cao của nông sản Việt trên thị trường quốc tế; giúp kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD.

Tuy nhiên, thành tựu song hành với thách thức khi thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt là việc nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó, có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc. Vì vậy truy xuất nguồn gốc là một trong những vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp.

Tại diễn đàn "Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm" do Bộ NN&PTNT và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia tại Việt Nam (ACIAR) phối hợp tổ chức ngày 28/2, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cũng đã nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc là một trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp.

Hiện nay, Chính phủ đang chuyển trọng tâm từ quản lý sang quản trị, từ hành chính nhà nước sang phục vụ doanh nghiệp, do đó, để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ Nhà nước tới doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước trong vấn đề truy xuất nông sản với vai trò phục vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế sẽ nâng cao tính minh bạch, giải trình cho ngành hàng, quyền lợi của nông dân,… "Với những giá trị to lớn trên, Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó còn là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp", ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Nga, Điều phối viên dự án của ACIAR chia sẻ về dự án Thí điểm kiểm soát việc tuân thủ quy trình VietGAP và chất lượng bằng kỹ thuật số trong chuỗi giá trị rau Việt Nam. Dự án đang được triển khai với 40.000 ha tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nơi có điều kiện khí hậu phù hợp để trồng các loại rau ôn đới vào mùa hè.

Theo đó, Dự án đã giúp người dân ứng dụng ghi chép điện tử để nhập thông tin sản xuất; in tem nhãn tại trang trại với thông tin sản phẩm, mã QR và mã vạch cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Ngoài ra, với phần mềm mới có thể liên kết tất cả, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR sẽ được cung cấp thông tin về nông dân và cây trồng. Nhà bán lẻ chỉ cần quét mã QR sẽ có thông tin về VietGAP và sự tuân thủ, truy xuất nguồn gốc, nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình vận chuyển. Nhật ký truy xuất việc tuân thủ VietGAP cho từng chuyến hàng sẽ được hệ thống xây dựng báo cáo tuân thủ cho từng lô hàng được lưu trữ bằng điện toán đám mây.

"Mỗi năm huyện Mộc Châu và Vân Hồ sản xuất khoảng 70.000 tấn rau theo quy trình VietGAP với giá trị khoảng 30 triệu USD. Sản xuất rau theo quy trình VietGAP sẽ cho năng suất cao hơn 110%. Đặc biệt, thị trường sẵn sàng chi trả thêm 30-40% chi phí cho rau có chứng nhận VietGAP", bà Nguyễn Thị Nga thông tin.

Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, cho biết hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ NN&PTNT đang được cài đặt và vận hành chính thức tại địa chỉ truy cập: http://checkvn.mard.gov.vn/.

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống truy xuất đã có sự tham gia của hơn 3.964 doanh nghiệp với 16.987 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm.

Tuy nhiên ông Nam cho biết việc phát triển, chuyển đổi số hệ thống truy xuất còn nhiều khó khăn. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc áp dụng các công nghệ hiện đại như camera giám sát, bộ cảm biến, bộ định vị,… để theo dõi, giám sát quy trình sản xuất, cập nhật các thông tin vào hệ thống còn bất cập.

Bên cạnh đó, việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cần phải đầu tư kinh phí rất lớn. Chưa hết, còn nhiều khó khăn như hệ thống văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa chi tiết; truy xuất nguồn gốc chưa triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước…

Từ đó, ông Nam kiến nghị hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung tương tự như mô hình Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cần cụ thể và chi tiết hơn để hoạt động xây dựng, ứng dụng được bài bản, thống nhất, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế.

Đối với Bộ NN&PTNT, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn kết nối, chia sẻ dữ liệu và sớm ban hành bộ tiêu chí về truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng... phục vụ việc kết nối, tích hợp vào cổng truy xuất nguồn gốc của bộ.

Ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam thì nêu ý kiến, tạo một mã QR cho một sản phẩm rất dễ dàng, người dùng chỉ mất vài giây là có thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không có tư duy tốt, việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo; doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.

Trên cơ sở đó, ông Vinh mong muốn, thời gian tới các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản của Bộ NN&PTNT để phát triển cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm, trong đó có thông tin của hàng vạn HTX, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri, cho rằng cần phải có phần mềm phù hợp, đặc biệt là phải phù hợp với trình độ của người sử dụng. Ví dụ như những người dân không biết chữ, không có máy vi tính thì người ta cũng phải tiếp cận được.

Bên cạnh đó, bà Thực cũng khuyến khích những hộ nông dân nhỏ lẻ thành lập, tham gia vào các tổ hợp tác và các mô hình hợp tác xã để liên kết, hợp tác với nhau. Theo bà Thực, việc số hóa và chuyển đổi số không nhất thiết hộ nào cũng phải có điện thoại. Một người có thể sử dụng điện thoại và cập nhật cho hàng nghìn hộ.

Cũng theo bà Thực, để ứng dụng công nghệ số phục vụ truy xuất nguồn gốc thì nền tảng ứng dụng cho nó phải linh hoạt. Không thể đưa nền tảng đồng nhất ứng dụng cho tất cả mọi nơi được. Ví dụ, trong quá trình làm hồ sơ về mã số vùng trồng, thì khoảng 70 - 80% là sao chép của người nọ sang người kia.

Ngoài ý kiến của các chuyên gia, tại Diễn đàn, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đã được cập nhật các thông tin liên quan đến các quy định, thể chế, chính sách hỗ trợ mới nhất của Chính phủ về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số đóng gói trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản – thực phẩm. Đồng thời, một số cách làm thành công về thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm của một số doanh nghiệp cũng được chia sẻ và thảo luận để học tập.

Minh Hoa (t/h theo Đại Đoàn Kết, BĐT Chính phủ, Tuổi Trẻ Online)

Sự hiện diện của nông sản Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ còn hạn chế

Thứ 5, 15/12/2022 | 19:04
Nông sản Việt chủ yếu xuất thô, tính đa dạng còn thấp. Điều này đem lại nhiều thiệt thòi cho nông sản nước ta khi thị hiếu của Hoa Kỳ thiên về sản phẩm chế biến sâu.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Namibia

Thứ 2, 24/10/2022 | 22:18
Với 80% nông sản phục vụ thị trường nội địa được nhập khẩu, Thứ trưởng Jenelly Matundu cho rằng đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam tại Namibia.

Mong muốn Hy Lạp tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam

Thứ 3, 02/08/2022 | 15:16
Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Hy Lạp NikolaosDendias, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Hy Lạp tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam tiếp cận thị trường Hy Lạp.

Nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản Việt Nam

Thứ 3, 07/06/2022 | 07:00
Đảm bảo an toàn thực phẩm là “chìa khóa” quan trọng tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường.
Cùng chuyên mục

Bidiphar báo lãi đi ngang trong quý I/2024

Thứ 6, 03/05/2024 | 18:03
Quý I/2024, Bidiphar báo lãi sau thuế 67,1 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 25% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tiếp tục thua lỗ, Angimex cắt giảm gần 90% chi phí nhân viên

Thứ 6, 03/05/2024 | 17:58
Quý I/2024, Angimex đã cắt giảm tới 87% chi phí nhân viên và 72% chi phí nhân công trong bối cảnh công ty kinh doanh kém khả quan với số lỗ lũy kế đạt 175 tỷ đồng.

Vận tải đường sắt: Làm 3 tháng, lãi vượt xa kế hoạch cả năm

Thứ 6, 03/05/2024 | 17:52
Nhờ sự tăng trưởng hành khách trong quý I đặc biệt là dịp tết Nguyên đán, lợi nhuận của cả 2 doanh nghiệp vận tải đường sắt đều đã vượt xa kế hoạch năm 2024.

Doanh thu, lợi nhuận của Saigonbank đi lùi trong quý I/2024

Thứ 6, 03/05/2024 | 17:51
Trong quý I/2024, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Saigonbank giảm 4,7 lần so với cùng kỳ, ngân hàng vẫn báo lãi trước thuế giảm 35% so với cùng kỳ.
     
Nổi bật trong ngày

4 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Thứ 6, 03/05/2024 | 07:00
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 34,1 tỷ USD.

Tp.HCM: Doanh thu du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 ước đạt 3.235 tỷ đồng

Thứ 5, 02/05/2024 | 05:56
Ngày 30/4, Sở Du lịch Tp.HCM cho biết doanh thu dịp lễ 30/4 - 1/5 của ngành du lịch thành phố ước đạt 3.235 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá vàng 3/5: Vàng trong nước đi ngang

Thứ 6, 03/05/2024 | 10:48
Giá vàng thế giới giảm trở lại xuống 2.304,4 USD/ounce, thấp hơn hôm qua 21 USD. Tại thị trường trong nước, vàng SJC chủ yếu đi ngang.

Giá vàng 2/5: Vàng SJC giảm về 84,7 triệu đồng/lượng

Thứ 5, 02/05/2024 | 10:17
Sáng 2/5, giá kim loại quý trong nước đồng loạt giảm từ 200 - 600 ngàn đồng/lượng, ngay sau kỳ nghỉ lễ dài ngày kết thúc.