"Dị nhân" giữ bí mật nghe cá nói chuyện

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Ông Nguyễn Văn Bảy, 64 tuổi, người dân ở đây thường gọi ông là Bảy Liễu kể rằng, nghề nghe cá nói chuyện ở làng chài Phước Hải (khu phố Hải Trung, thị trấn Phước Hải, Bà Rịa, Vũng Tàu) được truyền từ đời này qua đời khác và được những ngư dân ở đây trọng vọng.

Nghề độc đáo có một không hai

Ông Bảy Liễu cùng những lão ngư kể rằng không biết từ bao giờ ngư dân ở đây đã biết đến cái nghề nghe tiếng cá nói, riêng nhà ông Bảy Liễu thì đã có 4 đời làm cái nghề này. Ông nói rằng không phải ngẫu nhiên mà người dân ở đây trọng cái nghề nghe tiếng cá nói chuyện, nó mang lại sự ấm no cho người dân ở cái làng chài nhỏ bé. Nhưng không phải ai cũng có thể làm được cái nghề này, cái duyên trời ban cho ai người đó được hưởng. Trước đây, cả làng chài chỉ có khoảng 20 người, nhưng nay đã lên đến 50, những người được trời ban cho thường là những ngư dân của làng, có đức độ phẩm hạnh.

Sự kiện - 'Dị nhân' giữ bí mật nghe cá nói chuyện

Lão ngư Bảy Liêu đang kể chuyện nghề

Từ thuở khai thiên lập địa, ngư dân ở làng Phước Hải quanh năm chài lưới, là dân biển nên cả nhà đi biển kiếm tiền. Thường thì mỗi chiếc thuyền có từ 10 đến 20 thợ, nhưng nhất định trong thuyền phải có một thợ chỉ việc dò xem cá nói chuyện ở vùng nào để biết ở đó có bao nhiêu cá và loại cá gì để các thợ giăng lưới đánh. Mỗi ngày của thợ nghe cá nói chuyện thường bắt đầu rất sớm, nếu không dậy sớm thì thuyền bạn sẽ dò tiếng cá mà bắt hết, nên thuyền nào cũng tranh thủ dò trước.

Từ 4h sáng, khi các thợ thuyền đang ngon giấc thì thợ nghe tiếng cá đã cởi trần, mặc độc một chiếc quần cộc nhảy xuống biển, trong vòng một phút để nghe xem cá nói chuyện hướng nào, có nhiều không để gọi thợ dậy đánh. Nếu không có cá hay cá ít, thợ nghe cá nói sẽ ra dấu hiệu cho thuyền chạy tiếp đến vùng khác, còn nếu có cá thợ nghé cá sẽ gọi thuyền trưởng đến đánh bắt. Thường thì thợ nghe cá sẽ đoán được hướng cá trong phạm vi một cây số, độ sâu 50m, đoán luôn được số lượng cá, chỉ chênh lệch trên dưới 30kg.

Nếu những người thường thì nghĩ cá cũng chỉ là cá thôi, đâu biết gì mà nói chuyện, nhưng với thợ nghe tiếng cá thì cá là một trong những con vật rất thông minh, nó cũng có tiếng riêng của mình. Ví như con cá Sốc Nanh nếu chúng tụ tập thành bầy đàn thì sẽ phát ra tiếng cụp, cụp... rất lớn, cá Ngao Vòng lại phát ra tiếng lục đục, lục đục, âm vang cả một vùng, trong khi cùng tiếng kêu ấy những cái lục đục, lục đục của cá Lù Đù thì nhỏ và thanh thoát hơn...

Cũng có những loài cá như cá Bè, cá Dưa, cá Chéc dù có đi ăn hàng đàn thì cũng rất trật tự và thầm lặng, nhưng thợ nghe cá vẫn nghe được tiếng rào rào của những va đập đuôi trong nước nên không có loài cá nào có thể thoát khi thợ nghe tiếng cá đã tung chiêu. Khi tôi hỏi đã bao giờ đoán sai chưa thì lão ngư Bảy Liễu cười sảng khoái: "Sai là sai làm sao được, không có người nào làm nghề này mà sai hết ráo, sai một lần là mất uy tín ngay lần sau không ai thuê cả".

Ông cũng kể thêm rằng cái nghề này vất vả, khi người ta ngủ thì mình làm, khi người ta đi chơi vui vẻ thì mình tranh thủ ngủ, có khi cả ngày dong thuyền mà không có cá nên thợ nghe tiếng cá phải lặn cả trăm lần, nước ngấm vào người lạnh tím tái. Có khi đi cả ngày mà không đánh được con cá nào, cầm rổ sang thuyền bạn xin cá về ăn, nếu thuyền bạn không có thì hôm đó ăn cơm với nước tương, ngồi bưng bát cơm mà rớt nước mắt, cả ngày lặn vừa lạnh vừa đói, mang tiếng ở giữa biển mà thèm một con cá cũng không có ăn.

Nhưng nếu thợ nghe tiếng cá mà nghỉ thì cả thuyền chết đói, nên mệt cũng ráng mà làm, cũng không phải khi nào công việc đều thuận lợi, có những tháng mưa bão triền miên nên phải tìm việc khác làm phụ. Bù lại cái nghề này cũng nuôi được vợ con, nếu người thợ đánh cá ăn một phần thì thợ nghe cá ăn gấp 4 lần, và điều đặc biệt là nghề nghe tiếng cá nói chỉ có duy nhất ở làng chài ông nên nhiều khi các thuyền khác ở tận Cà Mau nghe tiếng về thuê các thợ nghe cá ở Phước Hải về đi chuyến, thu nhập cũng kiếm kha khá.

Yêu mà vẫn muốn bỏ nghề

Lão ngư Bãy Liễu có thâm niên hơn 40 năm làm nghề nghe tiếng cá, ông sinh ra trong một gia đình ngư dân gốc. Nhà ông suốt bao nhiêu đời làm nghề này, ông nội ông truyền nghề cho ba ông, rồi ba ông truyền lại cho ông. Nhà đông anh em lại nghèo nên ông không được đi học, ngày nhỏ vẫn thường cùng mẹ ra bến ghe bến thuyền mót cá, lớn lên một chút thì đi cào ngao cào ốc.

Sự kiện - 'Dị nhân' giữ bí mật nghe cá nói chuyện (Hình 2).

Năm 14 tuổi ông lẽo đẽo theo ba làm thợ thuyền, đến năm 17 tuổi cha ông truyền lại cho ông cái nghề này thì mới chính thức ăn lương cao. Cũng như nhiều người dân ở miền chài Phước Hải này, gia đình ông Bảy Liễu sinh rất nhiều con, cả trai cả gái là 9 đứa. Dù so với nhiều người đi biển thì ông cũng thuộc hàng khá giả vì có mức thu nhập bằng 4 người thợ thuyền khác, nhưng với 11 miệng ăn tính cả ông thì cũng vất vả. Ông nói ở làng chài này từ xưa đến nay việc học là điều xa xỉ, con gái lớn lên học đến lớp 9 nghỉ ngang lấy chồng, con trai mới 12 đến 14 tuổi thì đi biển kiếm tiền.

Nhưng những năm trở lại đây nhận thức của người dân đã khá hơn nhiều, nghề biển tuy kiếm được tiền nhưng cực kỳ vất vả và nguy hiểm, bây giờ các ngư dân cũng cho con đi học đàng hoàng, chỉ trừ những đứa con trai học dốt, không chịu học mới cho đi biển, còn phải động viên chúng phấn đấu vào đại học, thoát khỏi cảnh một nắng hai sương như đời cha ông. Trong 9 đứa con ông Bảy Liễu thì chỉ có 2 đứa theo nghiệp ông làm nghề nghe tiếng cá nói chuyện, còn lại cũng vào đại học hoặc đi làm cho các công ty.

Ông nói dù gì thì có học hành rồi đi tìm công việc trên đất liền vẫn là niềm mơ ước của những ngư dân biển. Chứ cái nghề này bạc bẽo lắm, khi khỏe thì làm không sao, khi già không có sức thì không làm nỗi, tai và mắt đều ảnh hưởng rất nhiều. Nói xong, ông buông một tiếng thở dài, nhưng mắt vẫn nhìn ra biển với niềm vui lấp lánh, bởi tôi cảm nhận được rằng dù có vất vả bao nhiêu thì với ông biển là tình yêu không gì có thể đánh đổi, nơi đó ông đã gắn tất cả cuộc đời của mình với những buồn vui của một đời người.

Hương Sen - Hoa Nguyên