Dự thảo hướng dẫn mới, án treo tham nhũng chưa rõ ràng

Dự thảo hướng dẫn mới, án treo tham nhũng chưa rõ ràng

Thứ 4, 18/09/2013 | 08:57
0
TAND Tối cao vừa đưa dự thảo nghị quyết hướng dẫn mới về án treo để lấy ý kiến góp ý.

Điều đáng nói là dự thảo chưa thể hiện được rõ ràng giải pháp siết án treo với tội phạm tham nhũng.

Đây là bản dự thảo lần hai của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao với tên gọi là “Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 60 của BLHS về án treo”.

Nếu được ban hành, nghị quyết sẽ thay thế mục 6 Nghị quyết 01 ngày 2-10-2007 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Không hướng dẫn riêng

Trước đó,dư luận rất mong chờ hướng dẫn mới của TAND Tối cao sẽ hiện thực hóa được quyết tâm và các giải pháp mà lãnh đạo hai ngành kiểm sát, tòa án đưa ra để siết lại việc cho tội phạm tham nhũng hưởng án treo. Thế nhưng dự thảo lại chưa thể hiện rõ nét vấn đề này.

Trong dự thảo, từ các điều kiện để cho hưởng án treo đến các trường hợp không được hưởng án treo đều không có dòng nào hướng dẫn riêng việc áp dụng án treo đối với tội phạm tham nhũng. Trong khi như chúng tôi đã phản ánh ở các số báo trước, đây đang là một trong những điểm nóng làm dư luận bức xúc trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Luật sư - Dự thảo hướng dẫn mới, án treo tham nhũng chưa rõ ràng

Về các điều kiện để cho hưởng án treo, dự thảo có một số thay đổi: Có năm điều kiện để cho hưởng án treo (hướng dẫn hiện hành là bốn điều kiện). Tuy nhiên, điều kiện thứ năm này cũng không hẳn là hoàn toàn mới (có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng, trong khi hướng dẫn hiện hành là có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng).

Ngoài ra, dự thảo còn một số thay đổi: Bỏ các hướng dẫn “không phân biệt về tội gì”; “trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù thì cũng có thể cho hưởng án treo”... Thêm giải thích “người đã được xóa án tích thì không coi là có tiền án; người đã được xóa kỷ luật, hết thời hiệu được coi là chưa bị xử lý hành chính thì không coi là có tiền sự”… (xin xem bảng so sánh).

Về các trường hợp không được hưởng án treo, ngoài quy định “trường hợp bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì chỉ cho hưởng án treo khi thời gian đã bị tạm giam ngắn hơn thời hạn phạt tù” như hướng dẫn hiện hành, dự thảo bổ sung bốn trường hợp mới:

- không cho hưởng án treo đối với người phạm tội với vai trò là người tổ chức, cầm đầu hoặc chủ mưu trong vụ án có đồng phạm.

- Không cho hưởng án treo đối với trường hợp phạm tội nhiều lần hoặc phạm nhiều tội.

- Không cho hưởng án treo đối với trường hợp có tài liệu chứng cứ chứng minh là ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, họ còn có các lần phạm tội khác (có thể đã bị xét xử hoặc sẽ bị xét xử trong một vụ án khác).

- Không cho hưởng án treo đối với những trường hợp mà việc cho họ hưởng án treo gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Có hiệu quả?

Như vậy, các trường hợp không được hưởng án treo của dự thảo chưa cụ thể hóa được rõ ràng quan điểm trong báo cáo của TAND Tối cao tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương ngày 11-9 vừa qua. Đó là hạn chế việc áp dụng chế định án treo đối với các tội phạm về tham nhũng, chức vụ; đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng là người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ không được hưởng án treo; người phạm tội tham nhũng không chủ động khai báo, không tích cực hạn chế thiệt hại, không tự giác nộp lại tài sản… cũng không được hưởng án treo…

Dự thảo quy định không cho hưởng án treo đối với những trường hợp mà việc cho họ hưởng án treo gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thực chất, điều kiện này vốn đã được ghi nhận trong hướng dẫn hiện hành (Điểm d tiểu mục 6.1 mục 6 Nghị quyết 01). Tuy nhiên, như đã nói, các tòa lâu nay đều “quên” điều kiện này khi cho các bị cáo phạm tội về tham nhũng hưởng án treo.

Không có hướng dẫn riêng về tội phạm tham nhũng, những hướng dẫn khác không chỉ rõ được quan điểm bắt buộc các tòa hạn chế áp dụng án treo với tội phạm tham nhũng, liệu dự thảo nghị quyết có đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay?

Chỉ cho “treo” với tội ít nghiêm trọng

Tôi đồng tình là phải hạn chế đến mức thấp nhất việc cho người phạm tội về tham nhũng hưởng án treo. Muốn vậy, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hoặc liên ngành trung ương cần hướng dẫn lại các điều kiện cho hưởng án treo theo hướng không áp dụng án treo đối với tội phạm tham nhũng trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Nghĩa là chỉ có thể cho hưởng án treo nếu tội phạm tham nhũng đó là tội ít nghiêm trọng (khung hình phạt từ ba năm tù trở xuống). Chỉ quy định như thế mới hiệu quả vì hầu hết các tội về tham nhũng trong BLHS là tội nghiêm trọng trở lên.

Kiểm sát viên NGUYỄN KHÁNH TOÀN,  Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao

Cấm hẳn

Vài tháng trước, VKSND Tối cao đã chỉ đạo VKS các cấp không đề nghị áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ là phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt nhằm xem xét cho bị cáo được hưởng án treo. Nhưng việc có xử treo hay không tùy thuộc vào tòa. Ai cũng biết tham nhũng là quốc nạn. Đã là quốc nạn thì không việc gì phải xử treo. Đáng lẽ khoản 2 Điều 2 dự thảo nghị quyết phải liệt kê thêm trường hợp án tham nhũng.

Kiểm sát viên ĐỖ THÀNH ĐẠT,  VKSND TP.HCM

Tiểu mục 6.1 mục 6 Nghị quyết 01

Chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt về tội gì;

Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù thì cũng có thể cho hưởng án treo.

b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng;

c) Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên;

d) Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Khoản 1 Điều 2 dự thảo nghị quyết mới

Chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị xử phạt tù không quá ba năm;

b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự (người đã được xóa án tích thì không coi là có tiền án; người đã được xóa kỷ luật, hết thời hiệu được coi là chưa bị xử lý hành chính thì không coi là có tiền sự);

c) Có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng;

d) Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng;

đ) Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo Phan Thương (Pháp luật TP HCM)

Bầu Kiên chỉ đứng thứ 9/10 'đại án' tham nhũng

Thứ 6, 13/09/2013 | 10:11
Viện KSND tối cao nêu mười vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được coi như “đại án" trong đó vụ án tham nhũng tại Vinalines được xếp đầu tiên, còn vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên chỉ đứng thứ 9.

Án tham nhũng xử treo quá nhiều: Tòa cố tình hiểu sai luật?

Thứ 6, 30/08/2013 | 08:23
Có tỉnh hai năm chỉ xử được chín bị cáo tham nhũng thì có tới tám bị cáo được hưởng án treo!

Nhà vệ sinh tiền tỷ - rõ ràng tham nhũng, sao vẫn 'ỉm' đi?

Thứ 5, 05/09/2013 | 09:22
“Chuyện nhà vệ sinh tiền tỷ ở Quảng Ngãi, đơn giá thực tế rõ ràng thấp hơn nhiều. Vậy là tham nhũng chứ còn gì nhưng sao vụ việc như vậy nếu báo chí không vào cuộc cũng sẽ tiếp tục bị “ỉm” đi?” – Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến đặt câu hỏi.

Miễn truy cứu hình sự người hối lộ, tham nhũng có giảm?

Thứ 4, 14/08/2013 | 16:55
Theo ý kiến của các chuyên gia, mục đích chính của công cuộc phòng chống tham nhũng là để thanh lọc những cán bộ công chức Nhà nước thoái hoá, biến chất, làm mất hình ảnh của chính quyền trong mắt người dân.

Luật sư ‘cứu sống’ người đàn bà buôn cả trăm bánh heroin

Thứ 6, 06/09/2013 | 13:57
“Em bị kết tội vì hành vi buôn bán gần cả trăm bánh hê rô in, chắc sẽ bị án tử hình. Luật sư còn bào chữa cứu em làm gì?”. Nữ bị cáo khóc nấc lên, gương mặt xinh đẹp giàn giụa nước mắt nói với luật sư.

‘Đừng nói miệng lưỡi luật sư mà oan cho họ'

Thứ 2, 16/09/2013 | 09:22
Cùng một sự việc nhưng nếu luật sư tham gia tố tụng với tư cách khác nhau sẽ có ý kiến khác nhau. Đặc thù của nghề luật sư là vậy nên đừng nói “miệng lưỡi luật sư” mà “oan” cho họ.