Người từng đứng lớp dạy học cho 6 vị danh tướng

Người từng đứng lớp dạy học cho 6 vị danh tướng

Thứ 3, 07/05/2013 | 13:59
0
"Tôi khâm phục tài năng và đức hạnh của những vị tướng lĩnh của quân đội. Những buổi bàn về văn hóa hay tầm nhìn tình hình quốc tế của các vị tướng khiến tôi phải khâm phục về tài thao lược, chiến thuật của họ".

Người dân Việt Nam không ai là không biết đến những vị  tướng lừng danh của quân đội Việt Nam: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Phạm Ngọc Mậu, Trung tướng Lê Quang Đạo và Thiếu tướng Phạm Kiệt. Trừ thiếu tướng Phạm Kiệt, 5 vị tướng còn lại đều đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những vị tướng tài năng đó có một phần công sức không nhỏ từ người thầy của họ, người thầy đó là đại tá Doãn Mậu Hòe. Tuy những kỷ vật, nhật ký hay hình ảnh đều bị thất lạc trong chiến tranh, nhưng những ký ức khi còn trên bục giảng vẫn in đậm trong tâm trí nhà giáo tóc đã bạc màu. Người thầy của sáu vị tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam.

Những danh tướng làm nên lịch sử

Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Văn Thoại (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) đúng lúc người thầy giáo của sáu vị tướng đang ngồi đọc báo trước nhà. Ông dù đã 82 tuổi nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghi và minh mẫn của một người thầy, người bộ đội cụ Hồ. Đại tá Doãn Mậu Hòe kể, ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam). Năm 17 tuổi, ông đã hoàn thành tốt nghiệp lớp đệ tứ (lớp 12 hiện nay - PV). Sau đó, ông tham gia vào bộ đội trong cuộc tổng động viên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.  Có trình độ học vấn, ông được cử dạy bà con ở những lớp bình dân học vụ giúp người dân tìm con chữ.  Phát hiện ra tài năng của thầy giáo trẻ tuổi, Tổng cục chính trị đã quyết định đưa ông đi học tại trường đại học Sư Phạm Hà Nội năm 1957. Do có thành tích xuất sắc, ba năm sau ông được biên chế về dạy cho sáu vị tướng và lớp tập trung cán bộ chính trị.

Trong 40 giảng viên xuất sắc, trong đó có nhiều vị, học hàm từ nước ngoài về, nhưng chỉ có ông và một giáo viên nữa được chọn cử dạy cho sáu vị tướng. Ông Hòe cho biết, ông được phân công dạy hai môn cho các vị tướng. Khi được hỏi cảm giác đứng trên bục giảng khi dạy những vị tướng, thủ trưởng của mình, ông Hòe bày tỏ: "Nói thật, tôi thật sự lo lắng bởi khi đó tôi mới 25 tuổi và chỉ mới mang quân hàm thượng úy, những vị thủ trưởng lại uy nghiêm, tài trí. Vừa mừng vừa lo suốt mấy đêm liền, nhưng rồi trên bục giảng tôi lại không biết xưng hô như thế nào cho phải và lúng túng nói không ra lời làm cho các tướng phải bật cười. Tuy thế lớp học rất nghiêm túc, các vị tướng gọi tôi là thầy và cho phép tôi gọi các trò bằng anh trong khi học".

Ông Hòe chia sẻ: Tôi khâm phục tài năng và đức hạnh của những vị tướng lĩnh của quân đội. Những buổi bàn về văn hóa hay tầm nhìn tình hình quốc tế của các vị tướng khiến tôi phải khâm phục về tài thao lược, chiến thuật của họ. Cụ thể về từng người, tôi thấy Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rất thông minh, am hiểu văn hóa và rất giỏi tiếng Pháp, Thiếu tướng Phạm Kiệt đánh giặc giỏi, dù bị địch hành hạ, tra tấn về thể chất và tinh thần, nhưng với ý chí thép ông đã nỗ lực học tập và đạt thành tích đáng nể".

Xã hội - Người từng đứng lớp dạy học cho 6 vị danh tướng

Đại tá Doãn Mậu Hòe vẫn giữ được nét uy nghi, minh mẫn của người thầy, người lính ở tuổi 82.

Ông Hòe cho biết các vị tướng không cùng học chung một lớp, tùy theo tình hình mà các tướng được dạy ở nhà hay cơ quan. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh do công việc bận rộn nên ông phải thường đến cơ quan để dạy. Ông Hoàng Văn Thái và Phạm Ngọc Mậu ở cùng nhau nên học chung chương trình. Ông Song Hào, Lê Quang Đạo học chung, Thiếu tướng Phạm Kiệt học riêng một mình. Với từng "học trò", ông có cách dạy khác nhau sao cho dễ hiểu nhằm đạt đến hiệu quả tích cực nhất. Ông dẫn lý thuyết và cho thực hành các môn học để giúp "học trò" mau nắm bắt. Ngày đó tình cảm giữa thầy trò rất thân thiết gắn bó. Sự tôn trọng, nghiêm túc với thầy, chia sẻ những vui buồn, đã tạo điều kiện để ông hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Một thời hào hùng, tài hoa nhưng  hình ảnh khi được chụp lưu niệm với Bác Hồ và những vị tướng không còn. Những kỷ vật mà các tướng tặng cho ông, cuốn nhật ký, tư liệu quan trọng ghi lại cuộc đời và sự nghiệp dạy học của ông cũng theo cuộc chiến mà  thất lạc. Ý chí căm thù quân giặc, bảo vệ quê hương dâng trào trong con người ông. Là vị thầy giáo nhưng ông nhiều lần được trực tiếp cầm súng tiêu diệt quân địch. Khi ông 20 tuổi đã là Đảng viên. Trong chiến tranh ông xung phong và được cử đến nhiều đơn vị. Những năm tháng kháng chiến ác liệt, ông lên đường chiến đấu, những kỉ vật được gửi lại cho người thân nhưng rồi ông vĩnh viễn không tìm lại được là nỗi trăn trở, tiếc nuối trong lòng người lính hết lòng với sự nghiệp giải phóng dân tộc này. Trong đôi mắt xa xăm, dường như ông đang hồi tưởng về một thời xa vắng đầy vẻ vang.

Một thời máu lửa và ký ức không phai

Năm 1949, ông chiến đấu tại Tiểu đoàn 50, Trung đoàn 108, tham gia nhiều chiến dịch đánh Pháp ở mặt trận miền Trung, Tây Nguyên. Sau đó, ông tập kết ra Bắc và được cử đi học. Về sau dù là vị thầy giáo giỏi đáng kính, nhưng ông vẫn tiếp tục xin đi chiến  đấu ở Sư đoàn 305, rồi chuyển vào quân khu 4. Tiếp đó lại về chiến trường Quảng Trị. Ông Hòe tâm sự: "Những năm tháng chiến tranh ác liệt, biết có thể hy sinh nhưng tinh thần giết giặc vẫn bất diệt, tình đồng đội mật thiết là sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù". Sau khi giải phóng miền Nam, ông tiếp tục tham gia giảng dạy. Làm hiệu phó rồi hiệu trưởng trường Văn hóa quân khu 5 suốt 12 năm. Từ năm 1988-1996, ông làm hiệu phó trường quân sự quân khu 5.

Trong suốt 36 năm nghề giáo, ông đã đào tạo hàng nghìn sĩ quan từ thượng sĩ đến cấp tướng cho quân đội Việt Nam, trong đó có nhiều lãnh đạo cao cấp.  Khi về hưu, ông tiếp tục tham gia công tác tại địa phương, vận động xây dựng các quỹ khuyến học trên địa bàn. Hiện ông đang là Phó Chủ tịch hội Khuyến học TP. Đà Nẵng. Chiến tranh đã lùi xa, những kỉ niệm với các vị tướng trong tâm trí ông vẫn không phai nhạt về những ngày thầy trò, đồng đội tụ họp. Ông Hòe chia sẻ: "Khi ông còn công tác ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, ông được chủ nhiệm  lớp có hai người con của đại tướng Hoàng Văn Thái. Đại tướng yêu cầu được gặp và nói chuyện với thầy cũ đến đêm khuya, ôn lại những kỷ niệm vui buồn. Đại tướng chỉ dẫn hai con phải học thật tốt theo gương của thầy Hòe để xứng đáng là người lính của nhân dân". Những điều đó giờ vẫn in sâu trong trái tim ông, nhắc lại, vẫn máu lửa như một thời trai trẻ.

Niềm vui bất ngờ với ông khi mới đây Đại tá Võ Minh Ân, phó cục trưởng cục Kỹ thuật Quân khu 5, một “học trò” cũ tìm đến nhà thăm hỏi đúng vào dịp kỷ niệm 47 năm ngày truyền thống trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, sau hàng chục năm không tin tức. Vào năm 2007 vợ chồng người  con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vào thăm thầy cũ của bố mình, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của Đại tướng. Ông rất trân trọng và bày tỏ niềm xúc động và hạnh phúc tràn đầy. Trong khi đó rất nhiều lượt đồng đội, học trò thường xuyên đến thăm hỏi thầy giáo cũ. Ông cho biết thêm, nhờ thông qua báo chí mà nhiều đồng đội đã biết được tin tức, tìm về thăm hỏi lẫn nhau. Những cuộc gặp lại không thể ngờ tới đã giúp ông nhớ lại tình đồng đội thật cao đẹp. Giờ đây khi về hưu, lặng lẽ sống cuộc đời còn lại nhưng khí chất, tình đồng đội, và ký ức hào hùng vẫn sống mãi trong ông. Để mỗi khi nhắc lại, nó như một bài học sâu sắc về lịch sử, về ý chí và lòng quyết tâm của những cá nhân góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc...

Câu chuyện đẹp về tình thầy trò

Người thầy của sáu vị tướng năm nào vẫn sống bằng niềm tin và hạnh phúc ấy. Dù cho hôm nay, ông trở về lặng lẽ với đời thường, với những công việc không tên, bình dị tại địa phương. Song với rất nhiều các học trò của ông xưa, cho dù là cấp tướng, cấp tá, nhưng với họ, ông vẫn là người thầy mà họ kính trọng, yêu mến...

Sơn Phú - Du Ngoạn

Phóng viên ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai gặp lại nhân chứng sống

Chủ nhật, 17/03/2013 | 07:37
Sáng 16/3, ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai đã về làng quê Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) tìm gặp những nhân chứng còn sống sót sau 45 năm.

Gặp lại nữ biệt động dũng cảm năm xưa

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Sau ngày Nguyễn Văn Thiệu bị ám sát "hụt", địch "đánh hơi" được sự nguy hiểm ở chị nên cho mật thám, binh lính theo dõi gắt gao. Tháng 10/1970, nhằm tránh sự theo dõi của địch, nữ biệt động Trịnh Thị Thanh Mão được cấp trên rút lên chiến khu Ba Lòng.

Gặp lại người anh hùng từng bắt sống tướng Mỹ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
Giữa những ngày khói bom dữ dội năm 1967, chính ông là người đã bơi ra hồ Trúc Bạch bắt sống tướng Mỹ John Mc.Cain.

Gặp lại chiến sĩ biệt động thành quả cảm năm xưa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Từng là đội trưởng đội biệt động thành Hội An với nhiều chiến công hiển hách, tên tuổi người chiến sĩ cách mạng Đinh Văn Lời (62 tuổi, trú làng Nam Ngạn, phường Cẩm Nam, TP Hội An, Quảng Nam) một thời đã làm quân thù khiếp sợ mỗi khi nhắc đến.