Giới trẻ đua nhau diện trang phục cổ trang

Giới trẻ đua nhau diện trang phục cổ trang

Thứ 5, 28/02/2013 | 08:29
0
Giới trẻ nô nức săn lùng những bộ đồ trang phục cổ trang để diện hay chỉ đơn giản để chụp ảnh trong dịp tết đến xuân về.

Vừa bán, vừa thuê cũng đắt hàng

Được nhiều người mách nhỏ, chúng tôi tìm đến phố Mai Dịch hay còn được gọi với cái tên quen thuộc khu văn công Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để nhập cuộc săn lùng thứ trang phục độc đáo này. Nơi đây được mệnh danh là một trong những điểm bán hoặc cho thuê trang phục cổ trang phong phú nhất Hà thành thời gian qua. Khách lui tới hỏi mua hoặc thuê hầu hết đều là giới trẻ, một số ít là khách nước ngoài định cư lâu năm ở Việt Nam muốn tìm mua những bộ trang phục truyền thống của quê hương mình. 

Theo chị Bình - chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh dịch vụ cho thuê trang phục biểu diễn, trước cổng trường cao đẳng múa Việt Nam thì: "Trước đây trang phục cổ trang chỉ được nhiều cơ quan, doanh nghiệp hỏi thuê để phục vụ cho những chương trình văn nghệ. 

Nhưng thời gian gần đây, xu hướng thời trang cổ  trang bỗng nổi lên rầm rộ, ngày càng nhiều những bạn trẻ về đây hỏi thuê để mặc thử. Số lượng có hạn, không đủ để phục vụ khách nên nhiều cửa hàng hiện kiêm thêm dịch vụ cắt may trang phục cổ trang với giá "mềm" để giữ chân khách". Giá thành từng bộ trang phục loại này phụ thuộc vào sự cầu kỳ cùng những phụ kiện kèm theo hay độ "hot" ăn theo những bộ phim cổ trang đang phát trên truyền hình.

Đặc biệt, không chỉ có các loại trang phục của người Việt, mà những bộ trang phục của các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Lào... ngày càng được nhiều bạn trẻ săn lùng. Chị Bình nhấn mạnh: "Đây có thể là nét đẹp văn hoá nhưng nếu sử dụng những trang phục cổ trang nước ngoài không đúng nơi, đúng chỗ, vào thời điểm nhạy cảm, bạn trẻ dễ "mắc tai nạn" đáng tiếc".

Theo Minh Thu (SV đại học Văn Hóa) thì: "Tôi ấn tượng với bộ trang phục truyền thống mang tên hanbok của Hàn Quốc. Đặc biệt, những đường may cùng hoa văn tinh tế trong trang phục vua chúa cung đình ở bộ phim "Nàng Dechanggum", từng một thời làm mưa làm gió trên truyền hình, đã giúp tôi thêm quyết tâm sắm một bộ cánh y chang để diện tết". Minh Thu chia sẻ, cô rất thích bộ trang phục hanbok vừa kín đáo, vừa thanh lịch, mà lại có nhiều hoa văn rất bắt mắt.

Còn Hoàng Hùng, (SV đại học Quốc Gia) thì lại có lý do khá đáng yêu với trang phục cổ trang. Hùng chiều theo ý bạn gái nên cũng thuê về một bộ trang phục như trong phim kiếm hiệp Đại ác ma độc dược Đinh Xuân Thu, tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung, Thiên long bát bộ.

Để bạn gái được sở hữu bộ đồ cổ trang độc đáo này, Hoàng Hùng phải nghiến răng cõng chi phí lên tới gần 700.000 đồng/ngày. Vì, chủ cửa hàng quảng cáo, bộ trang phục cổ trang đó, kiểu dáng có một không hai và chất liệu thêu hoa gấm được thêu bằng tay rất kỳ công...

> Hotgirl Việt phải khỏa thân mới đủ trưởng thành?

Xã hội - Giới trẻ đua nhau diện trang phục cổ trang

Trang phục cổ trang được bày cho thuê.

Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, những ngày gần đây,  các cửa hàng quần áo cổ trang gần như "cháy" hàng, bởi lượng người đến mua và thuê ngày một nhiều. Chị Bình cho biết thêm: "Đợt này mỗi ngày tôi  cho thuê được từ 50 - 60 bộ.

Thậm chí, vào những ngày nghỉ, nhu cầu thuê loại trang phục này lại càng nhiều hơn, có ngày cho thuê được cả trăm bộ. Nhu cầu của giới trẻ cao khiến cho nhiều lúc các bộ trang phục không đủ để cho khách thuê, khách này trả đồ thì lập tức vị khách kia đã chực sẵn ở đó để nhận hàng luôn. Nhiều bạn trẻ đã thuê 2 bộ trang phục cổ trang liền trong 1 tuần. Có bạn trẻ lại thuê vài bộ với nhiều kiểu dáng khác nhau để mặc thay đổi trong dịp tết cổ truyền. 

Chị Bình bật mí thêm, đối với những bộ trang phục như sườn xám, áo dài Thượng Hải của Trung Quốc, giá thuê sẽ "mềm" hơn, từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày, tùy theo chất liệu vải và họa tiết đính kèm. Còn đối với trang phục cổ truyền như kimono của Nhật hay hanbok của Hàn Quốc, do đặc điểm cầu kỳ hơn, cùng với kỹ thuật "dựng dáng" đòi hỏi người thợ phải khá "cứng tay" nên giá thuê, vì thế cũng cao gần gấp đôi so với những loại trang phục khác. 

Áo dài Việt Nam... vắng bóng

Hầu hết khách hàng tìm đến các cửa hàng may và thuê trang phục đều nhằm mục đích du xuân hoặc đầu tư để có những bộ ảnh đẹp trong dịp tết đến xuân về nên các bạn trẻ chỉ tìm cho mình bộ trang phục của những nhân vật nổi tiếng trong các bộ phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và tạo cho mình những phong cách giống hoặc gần giống với những nhân vật này, như một cách để thể hiện sự "hâm mộ" đối với thần tượng của mình.

Điều thấy buồn, chẳng bạn trẻ nào thuê những bộ trang phục cổ trang, trang phục cổ của dân tộc. Những bộ trang phục truyền thống của người Việt, như là tà áo dài thời xưa, những chiếc  áo bà ba, áo tứ thân... đẹp và còn tiện lợi hơn khi du xuân nhưng giới trẻ  tuyệt nhiên không "ngó ngàng" tới. "Có đi chăng nữa, hầu hết đều là những người trung tuổi thuê nên kiểu dáng và màu sắc vì thế cũng kém tươi hơn..."- chị Bình cho rằng.

Bạn Thu Hằng (SV đại học Ngoại Ngữ) cho biết: "Mặc áo dài trở nên quá quen thuộc nên mình tìm đến đây để thuê những bộ trang phục của Trung Quốc, vì những bộ trang phục đó được nhiều người biết đến hơn qua phim ảnh". Còn bạn Ngọc Dương (SV đại học Mở Hà Nội) lại cho hay, sở thích của mình là tìm cảm giác mới lạ trong các trang phục của nước khác, còn trang phục của nước mình thì mình không hứng thú lắm.

Dạo qua các cửa hàng dọc tuyến phố Mai Dịch, có thể  dễ nhận ra một điều là các loại trang phục truyền thống như áo dài, áo tứ thân... nằm khép nép ở góc cửa hàng, trong khi các trang phục của các nước bạn lại liên tục bị "cháy hàng". Một chủ cửa hàng trang phục cổ trang ở phố này cho biết thêm: Các bộ  trang phục của người Việt, mình thì xếp đống cả tháng, có khi không có ai hỏi tới, hoặc có người hỏi rồi cũng chê này chê nọ rồi không thuê. Thậm chí có nhiều khách hàng còn cho biết họ, sẵn sàng thuê trang phục truyền thống của nước mình nhưng yêu cầu chủ cửa hàng phải cách điệu thêm cho táo bạo...

Đắt khách là thế, bán và cho thuê được nhiều hàng nhưng chị Bình chia sẻ, bản thân không thấy niềm vui trọn vẹn trước một bộ phận giới trẻ hồn nhiên "quay lưng" lại với chính giá trị văn hóa ở các trang  phục của dân tộc nước mình để chạy theo "văn hóa ngoại".   

> Nam sinh dùng iPhone quay lén phụ nữ tắm                                      

Hoàng Thanh - Tuệ Linh

Giới trẻ 'nghèo' nhất tài sản gì?

Thứ 3, 29/01/2013 | 08:42
Để định vị vững vàng, người trẻ phải tự mình đối diện và giải quyết khủng hoảng lớn nhất - khủng hoảng niềm tin.

Hot girl nào xứng ngôi vị 'đệ nhất' châu Á?

Thứ 2, 11/02/2013 | 13:43
Trương Tân Uyển, Chương Chiết Thiên, Nattasha hayTakizawa là những gương mặt hot girl được cộng đồng châu Á yêu mến nhất.

Lò luyện nữ sinh thành ngôi sao ở Nhật

Thứ 2, 25/02/2013 | 14:43
Bên cạnh việc học văn hóa, các nữ sinh tại trường Đại học Ngắn hạn Tây Nhật Bản còn được đào tạo các kỹ năng diễn xuất, trình diễn và ca hát như những ngôi sao nổi tiếng.