Bí ẩn cơn sóng thần lịch sử tàn phá Thụy Sĩ

Bí ẩn cơn sóng thần lịch sử tàn phá Thụy Sĩ

Thứ 2, 25/03/2013 | 19:01
0
Tsunami - sóng thần là nỗi lo thường trực của các quốc gia ven biển. Thế nhưng, một nước nằm hoàn toàn trong lục địa như Thụy Sĩ cũng đang lo ngay ngáy về thảm họa thiên nhiên đáng sợ này, bởi trong quá khứ, nước này đã từng bị Tsunami tàn phá nặng nề.

Thảm họa kinh hoàng từ 1.500 năm trước

Cảnh báo của nhóm chuyên gia thuộc đại học Geneve (Thụy Sĩ) đã khiến cả nước này sửng sốt vì bất ngờ: Thụy Sĩ phải chuẩn bị các biện pháp đối phó với sóng thần. Các nghiên cứu của những nhà khoa học này đã phát hiện một mối tai ương chưa từng ai nghĩ tới: Dù nằm sâu trong lục địa châu Âu, nhưng Thụy Sĩ hoàn toàn có thể bị Tsunami tàn phá.

Đây hoàn toàn không phải là những dự báo, phỏng đoán mà trên thực tế đã từng xảy ra. Từ 1.500 năm trước, sóng thần đã từng xóa sổ cả một thành phố trù phú của nước này, và ngày nay, mối nguy đó vẫn còn hiển hiện.

Một số ghi chép cổ của Thụy Sĩ đã nhắc đến thảm họa Tauredunum cách đây khoảng 1.500 năm. Ghi chép cùng thời của một giám mục đã mô tả khá chi tiết những gì diễn ra: Một cơn sóng khổng lồ ập vào bờ từ giữa hồ nước lớn. Con sóng khủng khiếp phá huỷ làng mạc và những đàn gia súc của vùng ngoại ô thành Geneve. Cơn sóng khủng khiếp sau đó tiến thẳng tới Geneve nằm cách đó tới 70km, san phẳng các bức tường thành vững trãi đến tận cực Tây thành phố và nhấn chìm nhiều người.

Những người may mắn sống sót vừa kinh hãi, vừa vô cùng lấy làm khó hiểu. Họ không hiểu chuyện gì đã xảy ra, làm sao hồ nước lớn vốn rất hiền hòa, bấy lâu nay đều cung cấp cho họ nước ngọt và tôm cá, bỗng trở nên hung dữ trong chốc lát. Hàng nghìn người đã chết, vô số tài sản bị hủy hoại, cuốn trôi, để lại cho cư dân bên hồ nỗi khiếp sợ không thể giải thích nổi.

Việt Nam Xanh - Bí ẩn cơn sóng thần lịch sử tàn phá Thụy Sĩ

Ẩn chứa sau vẻ đẹp yên bình này là cả mối họa tiềm tàng

Hồ Leman là hồ tự nhiên lớn nhất ở Tây Âu, nằm giữa Thụy Sĩ và Pháp nhưng thuộc hoàn toàn về lãnh thổ Thụy Sĩ. Vào thời điểm diễn ra vụ việc, Thụy Sĩ đang bị quân La Mã chiếm đóng từ trước đó cả thế kỷ. Một số tài liệu cổ của Roma cũng ghi nhận một đạo quân viễn chinh của đế chế này khi đồn trú tại thành Geneve đã bị tiêu diệt gần như toàn bộ bởi một cơn lũ bất thường và khó hiểu từ xa tiến tới.

Trong suốt hàng nghìn năm qua, kho tàng truyện cổ dân gian Thụy Sĩ và một số nước châu Âu đều nhắc đến sự kiện này với cái tên thảm họa Tauredunum nhưng không hề cắt nghĩa được vì sao nó đã xảy ra.

Cảnh báo chết người dành cho Thụy Sĩ

Sau khi nghiên cứu kỹ các dữ kiện từ lịch sử, các nhà khoa học thuộc Đại học Geneve phán đoán đây có thể là một trận sóng thần. Dù điều này nghe có vẻ nực cười, bởi Thụy Sĩ không hề giáp biển, nhưng không có gì giống với các mô tả trong quá khứ hơn một trận sóng thần. Nhóm chuyên gia đã tiến hành khảo sát, điều tra qua mẫu khoan thăm dò phần dưới của đáy hồ Leman và nhận thấy, có một lớp trầm tích rất lớn, với thành phần khá đồng nhất.

Mảng trầm tích này chạy dài trên 10km và rộng 5 km, có độ dày trung bình là 5 mét, có thể tích tối thiểu là 250 triệu mét khối, tương đương sức chứa của 100.000 bể bơi theo tiêu chuẩn Olympic. Phía Đông Nam khối trầm tích dầy hơn chỗ khác, điều này cho thấy khối trầm tích có nguồn gốc từ vùng cửa sông Rhône, đổ vào hồ Leman.

Qua phân tích mẫu sinh học, các nhà nghiên cứu xác định được niên đại của khối trầm tích này nằm trong khoảng từ năm 381 đến năm 612. Đến lúc này, nhóm nghiên cứu đã có thể miêu tả chính xác diễn biến các chuỗi sự kiện và tác động qua lại giữa chúng từ hơn một nghìn năm trước: Núi Tauredunum bị sạt lở đã làm cho đất tại khu vực cửa sông Rhône đổ vào hồ Leman bị rung động mạnh, mất ổn định và do vậy, gây ra sóng thần ở bề mặt hồ. 250 triệu mét khối đất đá đổ xuống hồ đã đẩy một lượng nước tương đương trong hồ tràn bờ, tạo nên những con sóng thần lan truyền dọc theo chiều dài hồ và càn quét toàn bộ vùng đồng bằng phía sau nó.

Bằng phương pháp đo nồng độ phóng xạ Cacbon trên các mẫu địa chất thu được, các nhà khoa học đã xác định được năm xảy ra thảm họa này, đó là năm 563. Theo các mô phỏng trên máy tính, chỉ 15 phút sau khi núi Tauredunum bị sạt lở, trên hồ Leman đã xuất hiện sóng thần với các con sóng cao tới 13 mét. Sau khoảng 70 phút, khối nước 250 triệu mét khối này sẽ quét đến thành Geneve với tốc độ 70km/h, chiều cao các con sóng đã giảm xuống còn khoảng 8 mét, nhưng cũng đủ để xóa sổ hoàn toàn thành phố này.

Kiến trúc của Geneve vào thế kỷ thứ VI chỉ có thể chống chọi được với những cơn lũ với chiều cao khoảng 1 mét, trong khi đủ sức chịu đựng một cơn sóng thần 8 mét là điều khó khăn ngay cả với đa số các thành phố hiện đại ngày nay.

Việt Nam Xanh - Bí ẩn cơn sóng thần lịch sử tàn phá Thụy Sĩ (Hình 2).

Mô phỏng thảm họa Tauredunum trên máy tính

Đây không phải là trận sóng thần duy nhất trong lịch sử của Thụy Sĩ. Tiếp tục khoan sâu hơn nữa xuống đáy hồ để nghiên cứu địa tầng bên dưới, các nhà khoa học đã tìm thấy 4 lớp trầm tích khác nhau, với thể tích vô cùng lớn. Niên đại của lớp xa xưa nhất là từ khoảng 19.000 năm trước, tức cuối thời kỳ đồ đá.

Điều đó chứng tỏ, trước thảm họa Tauredunum, nơi đây đã từng hứng chịu 4 trận sóng thần khác cũng bởi các biến động địa chất quanh khu vực gây nên. Hiện vẫn chưa rõ các biến động ấy là gì, cũng như nguyên nhân nào đã khiến núi Tauredunum sạt lở với khối lượng lớn vào năm 563, gây nên thảm họa sóng thần kinh hoàng này.

Hiện nay, có hơn một triệu người đang sinh sống ven bờ hồ Leman, trong đó có khoảng 200.000 người ở thành phố Geneve. Các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo rằng, thành phố này nằm ở vị trí dễ bị tổn thương do sóng thần nhất, bởi nó thấp hơn mặt nước hồ Leman và lại nằm ở cực Tây Nam, nơi hồ thắt lại hình ống phễu, hứng chịu sự dồn nén của sóng.

Phát biểu với báo giới, bà Katrina Kremer, phụ trách nhóm các nhà khoa học cho biết, nghiên cứu này đã chứng minh và cảnh báo rằng những hồ lớn, nằm sâu trong lục địa, vẫn có thể gây ra sóng thần nguy hiểm. Điều đáng lo ngại là tâm lý chủ quan của những người dân sống quanh hồ và chính quyền địa phương. Họ hoàn toàn không ý thức được việc mình đang nằm trong khu vực nguy hiểm do chính hồ nước xinh đẹp kia tạo nên.

Ông Guy Simpson, một thành viên của nhóm, nhấn mạnh việc Thụy Sĩ phải thiết lập một hệ thống cảnh báo sóng thần như Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan đã làm để kịp thời thông báo cho người dân đi sơ tán khi sóng thần xảy ra. Việc này không chỉ được tiến hành tại khu vực hồ Leman mà cần triển khai tại khắp các hồ lớn vốn có rất nhiều trên lãnh thổ Thụy Sĩ.

Liên minh châu Âu (EU) cũng tỏ ra rất quan tâm đến phát hiện này và đã ngỏ ý tài trợ cho nhóm nghiên cứu để tiến hành đánh giá trên khắp châu lục, nhằm xây dựng một bản đồ sóng thần trong lục địa. Trên thực tế, vào năm 1963, một trận sóng thần đã xảy ra trên hồ MonteToc (Italia) do núi lở cũng đã giết chết khoảng 2.500 người trong một thung lũng gần đó. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra vụ việc lại trùng với dịp một cơn mưa lớn đã kéo dài trước đó nhiều ngày, khiến mọi người đã coi đó là một trận lũ quét. Sau khám phá về thảm họa Tauredunum, những nhà khoa học Italia đã dùng sóng radar quét bề mặt đáy hồ và phát hiện một lượng đất đá khổng lồ của ngọn núi gần đó đã đổ xuống đây, gây ra cơn sóng thần. Như vậy là cùng với động đất dưới đáy biển và phun trào núi lửa, con người đã tìm thêm được nguyên nhân nữa có thể tạo nên những trận sóng thần khủng khiếp, đó là lở núi. Hy vọng trong tương lai, loài người có thể hiểu nhiều hơn nữa về đại họa này để tìm cách đối phó, hòng bớt đi những sinh mạng phải chết bởi cái tên gieo rắc nỗi kinh hoàng:  Tsunami  sóng thần.

Thanh Tùng

Những 'cặp đôi hoàn hảo' trong giới siêu giàu Trung Quốc

Thứ 5, 31/01/2013 | 14:12
Trong những sự kết hợp giữa "mỹ nữ và đại gia", nhiều cặp đôi được ngưỡng mộ khi cả hai người đều thành đạt và chung sức lập nên những đế chế kinh doanh hàng triệu USD.

Cô giáo nghiện sex tấn công nam sinh ngay trong lớp học

Thứ 5, 31/01/2013 | 10:29
Cô giáo Jennalin Garcia-Calle, 28 tuổi bị buộc tội tấn công tình dục cấp độ 2 và lạm dụng trẻ cấp độ 4.

‘Bệnh nổ’ của giới lãnh đạo Mỹ

Thứ 5, 31/01/2013 | 09:52
Chính trị gia là những người nổi tiếng có lối nói đặc biệt khoa trương với những lời lẽ đao to búa lớn. "Bệnh nổ" trong chính khách Mỹ cũng rất phổ biến và có truyền thống.