Kinh doanh phế liệu tràn lan (Kỳ 1)

Kinh doanh phế liệu tràn lan (Kỳ 1)

Thứ 4, 08/05/2013 | 09:58
0
Nghề “đãi vàng trong rác” này thu hút nhiều người làm, nhưng tình trạng đảm bảo môi trường sống cho hàng ngàn hộ dân sinh sống quanh các điểm kinh doanh phế liệu lại đang bị bỏ ngỏ.

Từ tuyến đường chính nằm ngay trung tâm thành phố, đến các con đường nhỏ liên phường, xã và cả những con hẻm nhỏ trong tổ dân phố…, nơi nào cũng có thể trở thành điểm thu mua phế liệu. Phế liệu được chất đầy nhà, chứa đầy “kho” và tràn ra cả lề đường, khiến nhiều người dân bức xúc vì phải sống chung với “rác”, dù họ ở ngay những nơi sạch đẹp của thành phố.

Phế liệu có khắp nơi

Dạo qua các tuyến đường phố thuộc các phường của TP.Biên Hòa, như: Tân Mai, Tân Hòa, Tam Hiệp, Tân Hiệp, Trảng Dài, Long Bình…, chúng tôi dễ dàng phát hiện các điểm thu mua, phế liệu của các hộ dân dọc hai bên đường. Điều đáng nói, các điểm kinh doanh này còn thường xuyên lấn chiếm lòng, lề đường để làm nơi tập kết, trung chuyển phế liệu.

Việt Nam Xanh - Kinh doanh phế liệu tràn lan (Kỳ 1)

Hầu hết các cơ sở thu mua phế liệu đều lấn chiếm lề đường để kinh doanh gây mất mỹ quan đô thị. Trong ảnh: Một cơ sở phế liệu tại phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa

Tại một cơ sở kinh doanh phế liệu nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn qua KP1, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), một “núi” phế liệu được chất đầy lên tận trần nhà và tràn ra cả lề đường. Theo quan sát của chúng tôi, tại điểm thu mua phế liệu này, mỗi ngày có hàng chục người (chủ yếu là phụ nữ) đưa đến từng chuyến xe chất đầy phế liệu được thu gom từ nhiều nơi. Số phế liệu được cơ sở này thu mua gồm đủ loại, từ bao ny-lông, giấy cạc-tông, đồ nhựa đến sắt, thép và cả những sản phẩm gia dụng, như: tivi, tủ lạnh… hư. Lượng phế liệu lớn được thu gom hàng ngày đã khiến “kho” chứa hàng của cơ sở này trở nên quá tải.

Ngoài việc thu gom, lưu giữ, cơ sở kinh doanh phế liệu này có một số nhân công chuyên làm công việc phân loại, sắp xếp phế liệu thành từng loại để chuyển đi tiêu thụ. Nhiều người dân sống gần cơ sở cho biết, hoạt động phân loại, sắp xếp phế liệu đã biến mặt tiền cơ sở này thành một “bãi rác tự phát”, mặc dù cơ sở này nằm trên trục đường trung tâm TP.Biên Hòa.

Tương tự, có hàng chục cơ sở thu mua phế liệu nằm trên các tuyến đường nhỏ liên phường, như: Bùi Hữu Nghĩa, đoạn nối từ đường Đồng Khởi đi vào UBND phường Trảng Dài; Lý Văn Sâm (phường Tam Hiệp); Bùi Văn Hòa (giáp ranh giữa các phường: Long Bình, An Bình và Long Bình Tân)…

Ghi nhận của phóng viên dọc tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa cho thấy, trên đoạn đường khoảng 3km này có đến cả chục điểm thu mua phế liệu. Hầu hết các cơ sở này đều thu mua một lượng lớn phế liệu, nhưng việc tập kết, lưu giữ và vận chuyển lại thực hiện tràn lan, bừa bãi. Không những thế, đa số cơ sở ở đây đều lấn chiếm vỉa hè để làm điểm phân loại, sắp xếp phế liệu, khiến không ít người dân phải bức xúc.

Nằm giữa khu dân cư đông đúc trên tuyến đường Lý Văn Sâm (thuộc KP6, phường Tam Hiệp), cơ sở phế liệu của một người tên Ngọc cũng thường xuyên tập kết, lưu giữ hàng tấn phế liệu các loại. Những lúc hàng nhiều, chủ cơ sở này cũng cho chất đầy ra cả lề đường.

Theo thống kê, trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện có hơn 300 cơ sở thu mua phế liệu, chủ yếu là của các hộ gia đình. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các phường: Long Bình (45 cơ sở), An Bình (43 cơ sở), Long Bình Tân (37 cơ sở), Trảng Dài (35 cơ sở), xã Hóa An (18 cơ sở)…

Thu gom rác, lại gây ô nhiễm

Nói về thực trạng kinh doanh phế liệu trong các khu vực nội ô thành phố, ông Đặng Văn Minh, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa cho biết, việc các cơ sở kinh doanh phế liệu thu gom một lượng lớn phế liệu từ rác sinh hoạt trong dân là điều cần thiết. Bởi ngoài việc góp phần phân loại một lượng lớn rác hữu cơ và vô cơ trong sinh hoạt, hoạt động thu gom phế liệu còn giúp nhiều hộ gia đình tận dụng được các sản phẩm từ rác. Bên cạnh đó, công việc này cũng đã tạo việc làm cho không ít người lao động nghèo. Tuy nhiên, ông Minh cũng tỏ ra bức xúc trước việc các cơ sở kinh doanh phế liệu lại gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân trong quá trình thu gom, lưu giữ và vận chuyển “mặt hàng” này.

Là một tuyến đường khá đẹp và chỉ dài khoảng 2km, nhưng đường Vũ Hồng Phô (phường Bình Đa) có đến 3 cơ sở thu mua phế liệu. Tại một cơ sở phế liệu nằm ngay góc Trường Chính trị tỉnh, hàng ngày có 3-4 công nhân thường xuyên bày biện phế liệu tràn ra cả lề đường để sắp xếp, phân loại trước khi đưa đi tiêu thụ. Hoạt động của cơ sở thu mua phế liệu này đã biến vỉa hè sạch đẹp của con đường thành khu vực ô nhiễm. Đáng nói hơn, “bãi chiến trường” của cơ sở này vẫn vô tư hoạt động bên cạnh quán cơm có rất nhiều người lui tới.

Việt Nam Xanh - Kinh doanh phế liệu tràn lan (Kỳ 1) (Hình 2).

Một người dân sống gần cơ sở thu mua phế liệu của bà H. cho biết: “Nhiều người dân ở đây làm công việc nhập phế liệu cho cơ sở của bà H. để kiếm kế sinh nhai. Nhưng mỗi lẫn thấy nước thải đổ ra, tràn vào nhà mình, họ lại ngao ngán, vì chính sản phẩm của mình lại góp phần gây thêm ô nhiễm khu vực mình sinh sống”.Còn tại KP12, phường An Bình, cơ sở thu mua phế liệu của bà T.H. nằm ngay đầu dốc, nhưng phía dưới dốc là hàng trăm hộ dân sinh sống. Mỗi lần có trận mưa lớn, nước thải từ cơ sở thu mua phế liệu hòa lẫn nước mưa đổ vào tận cửa nhà các hộ dân này.

Không những thế, ở rất nhiều tuyến đường, khu phố sạch đẹp của TP.Biên Hòa, như: KP4 (phường Tân Hiệp), KP12 (phường Hố Nai), cảnh tượng những bãi rác phế liệu to đùng lấn ra cả lề đường đã khiến người dân hàng ngày phải “tận hưởng” trong sự bức xúc. Từ quán cà phê sang trọng đến quán cơm bình dân, hay khu vui chơi giải trí…, tất cả đều phải chấp nhận những “bãi rác” nhếch nhác bày ra ngay trước mặt tiền nhà mình.

Theo nhiều người dân, các cơ sở thu mua phế liệu gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Nhưng trên thực tế, hàng ngàn người dân phải chấp nhận “sống chung với rác” ở ngay cạnh nhà mình hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo Báo Đồng Nai

Được cả thùng vàng khi đang... rà phế liệu

Thứ 5, 18/04/2013 | 09:03
Nhiều người tình cờ trúng cả thùng vàng khi làm rẫy, rà phế liệu… Họ giàu lên trong lặng lẽ vì dù sao đó cũng là mồ hôi nước mắt của người khác phải ngậm đắng, nuốt cay bỏ lại vì cuộc binh biến.

Làng nghề Hưng Yên ngập trong ô nhiễm rác thải

Thứ 3, 07/05/2013 | 13:53
Ông Lê Đức Lành, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, trên toàn tỉnh hiện có 85 làng nghề, trong đó có 35 làng nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận.

Ô tô phế liệu bỗng chốc thành xe đạp

Thứ 5, 21/02/2013 | 09:14
Những chiếc xế hộp cũ nát, nằm ở bãi phế liệu chỉ chờ để tiêu hủy được các kĩ sư của Tây Ba Nha "hồi sinh" lại thành những chiếc xe đạp thân thiện môi trường.

Gặp người “phù phép” phế liệu thành máy gặt lúa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Những phế liệu được ông Trương Minh Hải lắp ghép một cách khoa học thành chiếc máy gặt lúa đời mới “có một không hai”.