Kỳ lạ “đòn tình yêu”của người Chơ Ro

Kỳ lạ “đòn tình yêu”của người Chơ Ro

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Người Chơ Ro theo chế độ một vợ, một chồng. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Người trong cùng một tộc họ thì không được phép lấy nhau, dù cách nhau vài ba đời. Tuy nhiên, người Chơ Ro cũng không cấm chuyện lấy các dân tộc khác như Kinh, Hoa, Khmer, Stiêng.

Được ngủ với nhau trước khi cưới

Chúng tôi đến xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu vào một ngày mưa. Đoàn chúng tôi băng rừng, thăm chiến khu D, qua khu ủy miền Đông một thời lẫy lừng mà loại xe ô tô 45 chỗ cứ phải vừa đi vừa dò đường. Số là đường vào chiến khu D và khu ủy miền Đông có nhiều cây cầu nhỏ và yếu.

Lúc chúng tôi đến, những cây cầu này mới thi công xong nên bác tài vừa lái xe vừa run. Thậm chí, có cây cầu, chúng tôi phải xuống xe, cuốc bộ. Sau một ngày tìm hiểu về chiến trường xưa, chúng tôi về nhà Dài của đồng bào Chơ Ro ở ấp Lý Lịch, xã Phủ Lý để dùng cơm chiều.

Tại đây, chúng tôi được người dân địa phương thiết đãi nhiều món ngon, độc đáo và thưởng thức rượu ngâm cây mật nhân có vị cay đắng khiến ai cũng thích thú. Sau khi đã ngà ngà với chén rượu thơm, no nê cái bụng, chúng tôi được mời thưởng thức rượu cần và nghe những tiếng chiêng, tiếng cồng của đồng bào Chơ Ro.

Ông Mười Biên, trưởng ấp Lý Lịch, một người Chơ Ro đồng thời là thuyết minh viên của bảo tàng nhà Dài giọng tiếc hùi hụi chia sẻ: "Hôm nay trời mưa quá, chúng tôi dự định đốt lửa trại và cùng múa hát với mọi người giữa khoảng sân rộng, chứ không phải ngồi thưởng thức rượu dưới nhà sàn thế này đâu".

Pháp luật - Kỳ lạ “đòn tình yêu”của người Chơ Ro

Thế hệ trẻ người Chơ Ro hôm nay đã không còn phải ngủ chung với nhau để tìm hiểu trước khi cưới.

Trong khi chờ đợi xem múa cồng chiêng, chúng tôi được ông Biên mời lên tham quan nhà Dài. Đó là một căn nhà rộng, dài mênh mông, ở dưới là khoảng trống dùng để thực hiện các hoạt động dành cho không gian mở, gian trên là nơi lưu giữ những vật dụng sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Chơ Ro. Trong số những vật dụng này ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị. Bên dòng sông Samach huyền thoại, ngồi dưới căn nhà Dài, ông Biên kể về chuyện tình yêu, cưới hỏi của trai gái người Chơ Ro.

Theo lời ông Biên: "Ngày trước nam thanh nữ tú người Chơ Ro yêu nhau có một tục lệ khá thú vị. Theo đó, chàng trai sẽ đến nhà cô gái, mang theo một cây đòn và một roi mây (hoặc cành lồ ô). Trong đêm tối, chàng trai dùng cây đòn gõ nhẹ vào sàn, chỗ buồng nằm của người yêu, đồng thời đưa roi mây qua khe báo hiệu cho cô gái. Nếu đồng ý, cô gái sẽ nắm roi mây rung và báo hiệu cha mẹ và những người trong nhà đã đi ngủ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chàng trai sẽ được phép leo lên phòng cô gái. Khi lên, chàng trai sẽ dùng chiếc đòn mang theo, đặt xuống sàn nhà và đi trên chiếc đòn này. Đây là cách để tránh làm động các thành viên khác trong nhà cô gái đang chìm trong giấc ngủ".

Trước khi tìm đến nhà và nhận được sự đồng ý của cô gái thì cả hai đã có quá trình tìm hiểu, hẹn hò với nhau. Sau khi hai bên tìm hiểu kỹ và có ý muốn kết thành vợ chồng thì chàng trai mới tìm đến nhà cô gái. Đây là bước quan trọng để đi đến việc dạm hỏi và làm đám cưới. Khi chàng trai đến, nếu cả nhà cô gái chưa ngủ thì cô gái sẽ không rung roi mây. Chàng trai kiên nhẫn đợi cho tới khi cô gái rung roi. Khi ấy, cô gái sẽ mở cửa ra và chàng trai sẽ được lên phòng ngủ với cô gái. Tuy nhiên, chàng trai không được phép ngủ đến sáng mà phải ra về trước khi mọi người trong nhà thức giấc. Cứ thế, chàng trai sẽ đến và ngủ với cô gái trong ba đêm liền. Sau đó, chàng trai phải tính đến hỏi chuyện cưới cô gái. Nếu muốn cưới, chàng trai phải để lại một vật gì đó để làm tin. Có thể là áo, vòng hay vật dụng thân thiết nào đó và được cô gái chấp nhận.

Lạ lùng cách chọn vợ, chọn chồng

Theo một số nhà nghiên cứu thì trong văn hóa của người Chơ Ro không bàn tới chuyện trinh tiết của người con gái. Người Chơ Ro không có chữ viết, tuy nhiên, ngay cả trong kho từ vựng truyền miệng cũng không có khái niệm về trinh tiết. Nam nữ Chơ Ro có thể tự do yêu nhau, chỉ cần thông báo việc tìm hiểu cho hai bên gia đình. Đặc biệt là cô gái, thường tâm sự rất nhiều với mẹ. Nếu không còn mẹ thì họ sẽ nhận sự tư vấn từ những người cô, dì ruột của mình. Nếu như mẹ hoặc những người quân sư không vừa ý về chàng trai thì đám này sẽ rất khó thành. Còn nếu thành cũng sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong cuộc sống về sau.

Pháp luật - Kỳ lạ “đòn tình yêu”của người Chơ Ro (Hình 2).

Ông Mười Biên đang thuyết minh về nhà Dài cho du khách.

Khi chọn bạn đời, người con gái Chơ Ro ngày trước thường nhắm tới những chàng trai khỏe mạnh, giỏi săn bắn, biết làm nương rẫy. Còn các chàng trai cũng tìm những người xinh xắn, giỏi bếp núc. Nhiều đôi nam thanh nữ tú nên duyên vợ chồng cũng là do sự tâm đầu ý hợp hoặc một số ít là vì hoàn cảnh gia đình. Nếu ưng ý, gia đình hai bên sẽ đến thăm nhau. Họ đến để xem con dâu, chàng rể tương lai của mình là người như thế nào, thông qua cách sinh hoạt hàng ngày của họ.

Theo đó, nhà gái đến thăm nhà trai và xem những vật dụng lao động, sinh hoạt của chàng rể tương lai. Nếu những sản phảm đan lát, dụng cụ săn bắn, dụng cụ lao động: Rìu, gạc, gùi của chàng trai tốt, tinh xảo, sắc bén thì chứng tỏ người con trai sẽ là một đức lang quân tốt, là trụ cột gia đình trong tương lai. Và ngược lại, khi đến nhà gái, nhà trai cũng nhìn vào những sản phẩm dệt, bếp núc và nhà cửa của cô gái có đẹp, sạch sẽ, gọn gàng hay không. Những yếu tố đó chứng tỏ cô gái đó có siêng năng, chăm chỉ hay không. Khi cả hai bên đã ưng ý, vừa lòng nhau thì sẽ hẹn ngày cưới.

Trước đây, theo chế độ mẫu hệ, nhà gái thường chủ động sang nhà trai hỏi cưới và bắt rễ. Tùy vào hoàn cảnh gia đình mà bố trí lễ vật được mang theo nhưng thông thường vẫn là trâu, heo, ché rượu cần, mỗi thứ một đôi. Theo quan niệm của người Chơ Ro thì như thế mới có đôi, có cặp và vợ chồng sẽ hạnh phúc viên mãn.

Ông Mười Biên cho biết, trước đây, đám cưới của người Chơ Ro thường có nhiều nghi lễ. Trong suốt đám cưới, sau khi cúng tổ tiên, ông bà, thần linh, cô dâu và chú rể phải quỳ dâng rượu những người đến mừng đám cưới mình. Nếu đám cưới có nhiều người đến mừng thì cặp uyên ương đó phải quỳ cả ngày.

Ông Nguyễn Đình Hiếu, một cán bộ của khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho biết: "Ngày nay, người Chơ Ro ở Đồng Nai và các địa phương khác đã có nhiều thay đổi trong việc tổ chức cưới hỏi và nhiều tục lệ khác. Theo đó, việc cưới hỏi cũng tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mỗi gia đình và không còn bắt buộc theo tục bắt rể. Sau đám cưới, vợ chồng có thể về nhà trai sống hoặc có thể ra ở riêng. Trước đây, đám cưới thường diễn ra trong mùa khô, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Còn bây giờ thì có thể tổ chức đám cưới vào thời gian nào trong năm cũng được, tùy thuộc vào chủ ý của hai bên gia đình.

Trung Nghĩa


Cùng chuyên mục

Cụ bà U70 mất 15 tỷ đồng sau khi nghe cuộc gọi mạo danh công an

Thứ 4, 08/05/2024 | 07:00
Thủ đoạn giả danh cơ quan công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy của các đối tượng.

Bắt "yêu râu xanh" xâm hại cháu bé 8 tuổi

Thứ 3, 07/05/2024 | 21:31
Tại cơ quan công an, Thật đã thừa nhận hành vi phạm tội và khai trước đó đã 3 lần xâm hại cháu M.

Bình Thuận: Bắt nữ giúp việc trộm tài sản chỉ sau 2 giờ truy xét

Thứ 3, 07/05/2024 | 20:01
Do biết được vị trí chủ nhà cất giấu tài sản, nữ giúp việc đã lấy trộm rồi bán mang đi trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Bình Thuận: Điều tra vụ một thuyền viên bị rớt xuống biển tử vong

Thứ 3, 07/05/2024 | 17:11
Ngày 7/5, Công an thị xã La Gi đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vụ việc một thuyền viên tử vong.

Xác minh thanh niên cầm vật giống súng ẩu đả trước quán bar ở Huế

Thứ 3, 07/05/2024 | 17:03
Cơ quan Công an TP.Huế đang khẩn trương làm rõ một vụ ẩu đả xảy ra trên địa bàn, trong đó có một người cầm vật giống súng.