Nghi vấn bà Hoàng Yến bỏ tiền mua phiếu bầu

Nghi vấn bà Hoàng Yến bỏ tiền mua phiếu bầu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0

Hôm qua (18/4), Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã họp kỳ họp thứ 8 (khóa VII) để xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của bà Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH tỉnh Long An.

Xã hội - Nghi vấn bà Hoàng Yến bỏ tiền mua phiếu bầu

Bà Đặng Thị Hoàng Yến bị đề nghị bãi miến tư cách ĐBQH

Sau khi nghe ông Nguyễn Văn Pha, phó chủ tịch MTTQVN, thông báo một số vấn đề bà Đặng Thị Hoàng Yến, Hội nghị đã thảo luận và đi đến thống nhất: Bà Đặng Thị Hoàng Yến đã khai lý lịch không trung thực, mặc dù là đảng viên, được kết nạp vào Đảng tại quận 5, TP. HCM, nhưng trong lý lịch lại khai không phải là đảng viên. Về việc này, Ban công tác ĐBQH đã đưa ra tất cả những quyết định kết nạp vào Đảng và đơn xin vào Đảng của bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Bên cạnh đó, bà Yến không khai có chồng là Jimmy Trần hiện đang có lệnh truy nã quốc tế. Đặc biệt, có nghi vấn bà Đặng Thị Hoàng Yến đã bỏ tiền ra để mua chuộc cử tri tại Long An, bằng cách đưa tiền cho mỗi cử tri với mức 500.000 đồng/người, với tổng số 1.300 cử tri nơi bà đi tiếp xúc cử tri ở Long An. Đây cũng là vấn đề đã từng được công luận nhiều lần nhắc đến trước đây.

Với tất cả với những lý do trên, Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ nhận định, bà Đặng Thị Hoàng Yến không đủ tư cách ĐBQH, Hội nghị đã biểu quyết 100% đề nghị ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) trong kỳ họp thứ 3 (khóa XIII) trong tháng 5 tới đây bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Ngoài ra Hội nghị cũng hoan nghênh các cơ quan báo chí trong việc đưa thông tin làm sáng tỏ những hông tin về bà Đặng Thị Hoàng Yến. Hội nghị cũng xem xét về trách nhiệm của một số cơ quan hữu quan trong việc giới thiệu và thẩm tra tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến không chặt chẽ.

Trả lời báo chí hôm qua, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã có sự lý giải đến một số vấn đề mà dư luận quan tâm. Theo đó, về việc không kê khai là Đảng viên trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội là do phải đi công tác nước ngoài nhiều nên từ năm 1995, không có điều kiện để tiếp tục sinh hoạt Đảng nên "tự thấy mình không còn là một đảng viên" mặc dù chưa hề "viết đơn xin ra khỏi Đảng và cũng chưa bao giờ bị kỷ luật".

Liên quan đến người chồng Jimmy Trần đang bị truy nã, bà Yến cho rằng, việc ly hôn của bà với ông này đã được "giải quyết xong" vào ngày 6/10/2010 tại Việt Nam, trong khi ngày nộp hồ sơ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là 18/3/2011.

"Việc tòa án tối cao ra quyết định giám đốc thẩm vào tháng 12/2011, rút lại quyết định xử ly hôn là yếu tố pháp lý phát sinh về sau và ngoài ý muốn", bà Yến nói.

Lý giải việc rút đơn ly hôn, bà Yến kể quá trình khởi kiện xin ly hôn kéo dài suốt từ năm 2010 đến 2011. "Thứ nhất, Jimmy Trần đã trốn về Mỹ, nộp hồ sơ ly hôn tại đây và đã được tòa án Mỹ nhận hồ sơ giải quyết từ 7/2010. Do vậy việc xét xử tại Việt nam theo quyết định giám đốc thẩm là không cần thiết và không khả thi. Thứ hai, vụ án ly hôn của tôi với ông Jimmy Trần đã hoàn tất, không có ai khiếu nại. Chính vì vậy tôi rút hồ sơ ly hôn chấp nhận bản án của tòa án Mỹ”, bà Yến khẳng định.

“Tôi sẵn sàng đối thoại để làm rõ mọi nghi vấn và chịu trách nhiệm về những điều mà tôi phát ngôn”, bà Yến tuyên bố.

Trao đổi với Người đưa tin, ông Phạm Quốc Anh, chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW MTTQVT, nguyên ĐBQH khóa XII cho biết: Theo luật, trường hợp bà Đặng Thị Hoàng Yến, trước tiên, Ban Công tác ĐBQH phải báo cáo với UBTVQH, sau đó UBTVQH xem xét và sẽ giao cho Ban Công tác ĐBQH báo cáo trước Quốc hội về trường hợp này để bỏ phiếu bãi miễn. Đây là lần đầu tiên của Quốc hội khóa 13, sẽ bỏ phiếu bãi miễn tư cách của một ĐBQH, thể hiện một tinh thần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XI của Đảng và Nghị quyết của UB TVQH về bỏ phiếu tín nhiệm với những người không đủ tư cách do cơ quan quốc hội bầu ra

Theo Điều 56 Luật tổ chức Quốc hội, đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. UBTVQH quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm theo đề nghị của Trung ương MTTQVN, MTTQ tỉnh, thành phố hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu đó. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu, việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu, việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do UBTVQH quy định

Trần Quyết