Người phụ nữ hiếm hoi 'phải lòng' tiến sĩ giấy

Người phụ nữ hiếm hoi 'phải lòng' tiến sĩ giấy

Thứ 5, 12/09/2013 | 17:15
0
"ường như tôi đã trót "phải lòng tiến sĩ giấy" và những món đồ chơi trung thu truyền thống, để rồi cả đời cắt dán không biết chán", nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến trải lòng.

Duyên nghiệp

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, người nghệ nhân duy nhất làm đồ chơi trung thu truyền thống ở làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Còn hơn 20 ngày nữa mới đến tết Trung thu nhưng cả phòng khách, sân nhà của chị đã bày la liệt những chiếc đèn ông sao, đèn con thỏ, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng… Người phụ nữ trạc ngũ tuần đang miệt mài, tỉ mỉ làm khung đèn, cắt giấy màu, làm hồ dán, vẽ mặt ông đánh gậy,… tất bật với những đơn đặt hàng để kịp mang trung thu về cho trẻ nhỏ trên mọi miền quê.

Xã hội - Người phụ nữ hiếm hoi 'phải lòng' tiến sĩ giấy

Chị Nguyễn Thị Tuyến bên những món đồ chơi tâm huyết của mình.

Hậu Ái vốn nổi tiếng với nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống nhưng do hiệu quả kinh tế mang lại không cao, nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống của làng đã dần mai một. Khi cả làng bỏ nghề truyền thống chuyển sang làm kinh tế thì vẫn có một người phụ nữ cặm cụi, vui với từng món đồ, từng con giống mỗi dịp trung thu về. Chị trở thành người nghệ nhân duy nhất của Hậu Ái còn theo nghề của tổ tiên. Chị tâm sự: "Cái nghề này hiệu quả kinh tế không cao nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ cao và mất nhiều thời gian nên mọi người trong làng dần bỏ hết. Song dường như tôi đã trót "phải lòng" ông tiến sĩ giấy và những món đồ chơi trung thu truyền thống, để rồi cả đời cắt cắt, dán dán không biết chán. Thấy các cháu vui, mình lại càng có động lực làm để giữ nghề…".

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống 4 đời làm đồ chơi trung thu, ngay từ thời thơ ấu, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã say mê đặc biệt với những món đồ chơi mà cả năm trẻ con mới được chơi một lần. Bằng niềm yêu thích và đôi bàn tay khéo léo, 7 tuổi, cô bé Tuyến đã thành thục các bước làm một chiếc đèn ông sao. Lớn hơn một chút, chị được bố mẹ giảng giải ý nghĩa của từng món đồ chơi, truyền dạy những bí quyết để làm ra những ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn kéo quân,… và những con giống khác. Chị lớn lên cùng những chiếc đèn ông sao, đèn con thỏ lấp lánh màu sắc, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy sinh động hay chiếc đèn kéo quân,… và gắn bó máu thịt với cái nghề truyền thống của gia đình từ lúc nào không hay. Chị bảo, chị đến với nghề làm đồ chơi trung thu cũng là "duyên" mà cũng là cái "nghiệp" của cuộc đời chị.

Ngày theo chồng, "của hồi môn" duy nhất chị mang về nhà chồng là nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống. Kể từ đó đến nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã có hơn 40 năm gắn bó, làm đồ chơi trung thu truyền thống. Đồ chơi của chị không chỉ chắc chắn, đẹp mắt mà còn rất sinh động. Mỗi năm, chị luôn cố gắng cải tiến mẫu mã dựa trên cái khung nền cổ. Bên cạnh những loại đèn truyền thống chị còn sáng tạo thêm những loại đèn mới như đèn con cá, đèn con hươu, đèn con tôm, đèn con khủng long, đèn con rồng,... để trẻ tha hồ lựa chọn. Đồ chơi của chị đều được làm tỉ mỉ, cẩn thận bằng tay. Từ khâu chọn tre, nứa, pha nan, lên khung, cắt giấy, phối màu,... đều được chị đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Do đó, những món đồ chơi của chị khi được mang bày bán luôn được người dân ưa thích, tìm mua.

Xã hội - Người phụ nữ hiếm hoi 'phải lòng' tiến sĩ giấy (Hình 2).

Vẫn luôn canh cánh một nỗi niềm

Giữ nghề đến hơi thở cuối cùng

Vài năm trở lại đây, cứ đến đúng dịp trung thu là chị Tuyến lại tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đồ đạc có mặt tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Chị mang rất nhiều nan, khung đèn, giấy màu, hồ dán để hướng dẫn các em nhỏ tập làm đồ chơi trung thu dân gian. Mong ước lớn nhất của người nghệ nhân ấy là còn sống ngày nào còn được làm nghề ngày ấy, là mỗi dịp trung thu lại được cùng các em nhỏ làm những món đồ chơi một cách say sưa.

Vừa thoăn thoắt làm khung đèn ông sao, chị Tuyến vừa kể cho chúng tôi nghe những tích truyện gắn với từng món đồ chơi: Đèn con thỏ là dựa vào tích truyện Thỏ Ngọc cứu bạn trong đêm rằm tháng 8; Đèn ông sao vừa là biểu tượng cho ngôi sao vàng năm cánh trên lá cờ Tổ quốc, vừa thể hiện cho ước muốn hòa bình của người Việt Nam chúng ta; Ông tiến sĩ giấy biểu tượng của sự học, sự thành đạt… Chị bảo, mỗi món đồ chơi ẩn chứa một thông điệp cuộc sống riêng. Đó là những bài học sâu sắc về tình đoàn kết, sự thành thực, lòng dũng cảm, đức hy sinh, niềm tin, hy vọng,…

Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cho hay, đồ chơi trung thu truyền thống là những món đồ không bạo lực, không ảnh hưởng sức khỏe. Tất cả đều được làm bằng tre, nứa tự nhiên được phơi trong thời tiết hanh khô nên không bị ẩm, mọt. Giấy chọn làm đồ chơi là loại giấy màu an toàn, không độc hại. Hồ dán cũng tự làm từ bột mì, gạo nếp hoặc bột năng nên rất an toàn. "Từ bao đời nay, trẻ con Việt Nam vẫn chơi những món đồ chơi đơn sơ, mộc mạc nhưng nhiều ý nghĩa đó. Hơn 40 năm làm đồ chơi trung thu, tôi chưa từng có ý định thôi làm nghề dù có lúc hàng làm ra không bán được chất đầy nhà. Mỗi mùa trung thu, thấy con trẻ vui cùng những món đồ chơi truyền thống, học những bài học ý nghĩa từ những tích truyện tôi thấy ấm lòng và lại có động lực làm để giữ nghề…", chị Tuyến trải lòng.

Bây giờ khi là nghệ nhân duy nhất của làng Hậu Ái còn theo nghiệp của cha ông nhưng chị lại thấy buồn nhiều hơn thay vì tự hào. Chị buồn vì nghề truyền thống bị mai một tại chính nơi nó ra đời và trẻ nhỏ đang có xu hướng "quay lưng" với đồ chơi truyền thống của dân tộc. Chị chia sẻ: "Hiện nay đồ chơi Trung Quốc nhiều quá! Có những thời điểm, hàng làm ra bán không ai mua. Các bậc phụ huynh trẻ không hiểu, không thiết tha với đồ chơi dân gian. Họ chọn cho con em mình những loại đồ chơi xanh, đỏ bắt mắt có gắn bin điện tử, có nhạc, có những âm thanh vui nhộn... Trẻ con lại hiếu động trong khi người lớn không hướng đạo. Nghĩ sẽ buồn lắm, khi một ngày nào đó trẻ con Việt Nam không còn rước đèn trong đêm trung thu, không biết hình hài ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy như thế nào. Đồ chơi dân gian sẽ mai một nhưng tôi vẫn sẽ theo nghề này, sẽ kể cho các cháu của mình những tích truyện và dạy cho chúng biết cách làm một chiếc đèn ông sao, một ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy như thế nào. Còn giữ nghề được ngày nào là vui ngày đó…".

Tâm sự với chúng tôi, chị Tuyến nói đã phần nào hình dung và tiên đoán trước được "số phận" của cái nghề chị cả đời gắn bó máu thịt nhưng vẫn phải tin tưởng và lạc quan. Bao thế hệ người dân Việt Nam lớn lên cùng những món đồ chơi hết sức mộc mạc, bình dị, rẻ tiền ấy nhưng bài học cuộc sống nhận về thì không hề rẻ tiền. Người nghệ nhân cuối cùng ấy vẫn luôn lạc quan và tin tưởng, một ngày nào đó, đồ chơi trung thu dân gian sẽ lại quay về với trẻ con Việt Nam như cái thuở ban đầu và chị cũng sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ ai yêu thích và muốn duy trì nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống.     

Bình Minh

Nếu gặp nghịch duyên hãy nghĩ đến nhân-quả

Chủ nhật, 01/09/2013 | 15:24
“Hãy ví khổ như rác và hạnh phúc như những đóa hoa… Chuyển hóa khổ đau chính là biết cách biến rác trở lại thành hoa”.

Các loại 'nghiệp bệnh' theo Phật giáo

Thứ 4, 28/08/2013 | 14:03
Đã sinh ra làm kiếp con người thì không thể tránh khỏi quy luật tạo hóa sinh - lão - bệnh - tử. Nhưng để hiểu thấu đáo của quy luật này thật không đơn giản vì thân người vốn là tứ đại hợp thành (đất, nước, gió, lửa) vốn dĩ không bền, duy chỉ có ý chí là sức mạnh tiềm ẩn mà tạo hóa đã ban cho và chỉ có ý chí mới giúp con người hiểu được mọi lẽ, tồn tại và phát triển.

Nguyễn Ánh 9 và mối lương duyên cùng siêu sao Đặng Lệ Quân

Thứ 3, 27/08/2013 | 16:01
Rất nhiều ca sĩ từng trình diễn ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhưng 'diva châu Á' Đặng Lệ Quân vẫn là một người đặc biệt nhất.

Thứ duy nhất con gái Việt Nam thích chụp

Thứ 7, 13/07/2013 | 09:35
Tốt hay xấu còn phải bàn nhưng ít nhất là phản ánh đúng hiện thực.

Huyền thoại ngôi chùa nghìn tuổi nước lũ không thể tràn qua?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Tương truyền, mùa lũ, cả vùng Sơn Tây ngập trong biển nước nhưng người dân sống gần chùa Mía vẫn bình yên vô sự, nhờ sự che chở của thần linh, ngọn nước dữ không thể “bén mảng” đến cửa Tam quan của chùa.

Gặp lại cô dân quân nhỏ dùng liềm bắt sống phi công Mỹ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Với cô dân quân nhỏ Nguyễn Thị Hường, việc bắt sống tên phi công Mỹ to khỏe bằng chiếc liềm cắt cỏ mãi là ký ức không thể nào quên về một thời mưa bom, bão đạn.

Mạo hiểm với trò lướt ván trên sông Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Dù tốn khá nhiều tiền để mua được một bộ đồ nghề lướt sóng, cũng như chi phí để duy trì hoạt động cũng không hề rẻ, thế nhưng, giới trẻ Sài thành vẫn tỏ ra mê mẩn môn thể thao này một cách đặc biệt.