Ngẫm văn hóa xả rác của người Việt Nam

Ngẫm văn hóa xả rác của người Việt Nam

Thứ 4, 17/04/2013 | 15:39
0
“Cấm vứt rác ra đường. Bắt được phạt 500.000 đồng”; “Thưởng 150.000 cho ai người bắt được người xả rác”… là những tờ giấy, tờ bìa dán nhan nhản tại nhiều ngõ xóm ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội từ lâu. Tuy nhiên, bất chấp những lời cảnh báo này và nhiều quy định luật pháp khác, việc đổ rác thải tại nhiều nơi vẫn ngang nhiên xảy ra.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông báo về việc soạn thảo nghị định xử phạt các hành vi về thu gom, đổ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định nhằm thay thế Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ. Theo đó, sẽ xử phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với người có hành vi vứt rác thải trên đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước đô thị hay doanh nghiệp xả chất thải nguy hiểm có thể bị phạt tối đa 2 tỉ đồng. Nghị định mới sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013.

Tuy nhiên để quy chế xử phạt mang tính quốc gia thực sự có hiệu lực và hiệu quả, các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại thực trạng xả rác ở nhiều địa phương và thực tế công tác phạt và xử phạt có khả thi hay không.

Vấn đề ở đây không phải là số tiền phạt tăng cao tới bao nhiêu mà là cách thức phạt và xử phạt thế nào cho thực sự hiệu quả, bởi tình trạng người dân đổ rác không đúng nơi quy định và bất kể thời gian, khiến cho việc giám sát để nhắc nhở và bắt phạt của các cấp chính quyền địa phương lẫn tổ dân cư trở lên lạc lõng.

Biển cấm… làm cảnh

Mặc dù nhiều nơi các chính quyền địa phương và người dân có treo những biển “cấm đổ rác” và quy định cả mức phạt cụ thể, tuy nhiên, người dân vẫn thản nhiên vi phạm mà chẳng hề lo ngại gì. Phải chăng các biển cấm chỉ là “vật làm cảnh” và luật lệ cũng “chỉ là vì”?

Trao đổi với anh Nguyễn Văn Chung, tổ trưởng tổ dân phố, tổ 50 (Dịch Vọng - Cầu Giấy) được biết: “Việc dựng các biển cấm thì là do người dân tự làm để nhắc nhở nhau tránh gom rác, đánh thành đống lớn gây ô nhiễm và mất mỹ quan khu phố. Nhiều lần không bắt được “thủ phạm” người dân kéo nhau ra nhà văn hóa cãi cọ, gây mất đoàn kết nội bộ”.

Theo anh Chung, hiện nay ở các địa phương nhất là trong các thôn xóm, ngõ phố thì có rất ít các thùng rác, thậm chí có nơi còn không có cái nào, người dân phải phụ thuộc vào giờ công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom rác, do vậy: “Các cơ quan chức năng và đơn vị quản lý vệ sinh môi trường bao thầu ở khu vực cần hợp tác chặc chẽ với địa phương để nắm rõ tình hình khu vực, dân cư để bố trí lực lượng công nhân môi trường và lượng xe rác cho đủ và hợp lý. Ở địa bàn nào dân cư tập trung đông đúc thì cần nhiều xe rác, trong các ngõ xóm nên có thùng rác, biển báo toàn dân vì môi trường xanh sạch đẹp, có văn bản hướng dẫn, chỉ dẫn, ghi rõ vi phạm ra làm sao quan trọng hơn là có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền để người dân nắm rõ”.

Việt Nam Xanh - Ngẫm văn hóa xả rác của người Việt Nam

Biển cấm thì cứ cấm, rác thì cứ đổ (Ảnh chụp tại ngõ 105 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội chiều 15.4). Ảnh: T.B

Cũng có chung quan điểm với anh Chung, anh Thiện tổ trưởng tổ dân phố, tổ 58 Cốm Vòng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng cần có nhiều thùng rác hơn trong các khu dân cư đông đúc, đặt ở những nơi thoáng và rộng, không cản trở đi lại của người dân, tiện cho những gia đình đi làm, đi học tranh thủ vứt rác. Nhiều khu vực tái định cư, lượng rác thải thì lớn trong khi số lượng thùng rác lại ít, nên người dân thường để rác ra ngoài chờ xe rác đến.

Nguyễn Huyền, sinh viên trường ĐH Thương mại, tỏ ra khá bức xúc khi sống ở một nơi đô thị văn hóa như thế này: “Nhiều khi đi học, có rác cần bỏ đi nhưng tìm mãi không thấy thùng rác, nhiều lần tôi phải mang theo túi rác đến tận trường để vứt vào vào thùng rác trong trường”.

Việt Nam Xanh - Ngẫm văn hóa xả rác của người Việt Nam (Hình 2).

Đổ rác bừa bãi: Ai gác? Ai phạt? Ai trả tiền?

Dù dựng biển cấm đổ rác và phạt tiền, song nhiều địa phương vẫn không thể thực hiện triệt để việc xử phạt những hành vi vi phạm đổ rác thải không đúng nơi quy định.

Theo anh Hiệp ở phố Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội) thì việc vứt, đổ rác thải sinh hoạt trên đường phố là vấn đề “như cơm bữa” ở khu vực này, ngày nào người dân cũng mang rác thải ra ngoài đường chất đống trông rất mất vệ sinh. Có chỗ còn có biển, bảng cấm nhưng người dân vẫn ngang nhiên vứt, đổ như không có điều gì xảy ra, mà cũng chẳng thấy ai bắt.

Một người có hơn hai chục năm làm công nhân vệ sinh môi trường như anh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Cứ 10 người thì có 6 người có ý thức còn 4 người thiếu ý thức trong việc để rác sinh hoạt hàng ngày, thậm chí ngay cả những nơi có biển cấm đổ rác của UBND phường, ghi rõ ai vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định, nhưng ở đó vẫn có những đống rác to lù lù mà không ai xử phạt. Chúng tôi đi làm thì chỉ có trách nhiệm nhắc nhở, vận động người dân không nên vứt bậy”.

Trao đổi với anh Nguyễn Văn Chung, tổ trưởng tổ dân phố, tổ 50 (Dịch Vọng - Cầu Giấy) về vấn đề này được biết: “Hiện nay phường chưa có chế tài xử phạt rõ ràng nên rất khó cho việc bắt và phạt các đối tượng có hành vi đổ rác không đúng nới quy định. Mấy lần bắt được chỉ có lập biên bản, nhắc nhở rồi người dân van xin lần đầu nên lại thôi không phạt. Do vậy, cấp trên nên có chế tài xử phạt quy định rõ ràng mức phạt bao nhiêu, cơ quan thẩm quyền nào ban hành chế tài xử phạt để địa phương căn cứ vào đấy để xử phạt, làm đúng luật tránh người dân xin xỏ”.

Việt Nam Xanh - Ngẫm văn hóa xả rác của người Việt Nam (Hình 3).

Bên cạnh đó, việc đổ rác thải trộm của các đơn vị xây dựng như đất đá, vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố thường diễn ra vào ban đêm và không thường xuyên tại nhiều địa điểm nên rất khó xác định, bắt được để xử phạt.

Thậm chí, ngay chính một số công nhân vệ sinh môi trường cũng chưa làm đúng trách nhiệm của mình khi gom rác thành đống nhưng không xử lý ngay mà chất đống ở nhiều tuyến phố, lối ngõ nhà người dân.

Thiết nghĩ, để siết chặt hành vi đổ rác thải sai quy định, vấn đề không chỉ dừng lại ở mức tiền phạt là bao nhiêu hay thậm chí là bị truy tố pháp luật mà cái chính là cần phải có biện pháp quản lý hiệu quả, thực tế, tránh tình trạng “biển cấm cứ dựng lên, rác thải cứ đổ xuống” tái diễn thường niên.

Văn hóa xả rác hình thành

Hiện nay, ở đất nước ta, cứ mỗi bước chân đều xuất hiện rác, cho dù là nơi công cộng hay danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Lý do chính là việc không biết giữ gìn vệ sinh chung của đa số người dân trong thành phố, lâu nay trở thành thói quen và tạo thành hiện tượng xả rác bừa bãi.

Hậu quả của hành động này thật là to lớn. Thứ nhất, xả rác làm mất mỹ quan của một thành phố. Có thành phố nào được gọi là văn minh, hiện đại mà rác lại chất đống ở những khu công cộng? Có ai chấp nhận được một hồ nổi tiếng, biểu tượng của thành phố thủ đô lại đục ngầu, đóng váng và rác nổi lềnh bềnh? Thứ nhì, xả rác làm xấu đi vẻ đẹp của chính chúng ta, của cả con người Việt Nam. Một vị khách du lịch khi sang thăm đất nước ta sẽ nghĩ gì khi thấy một người đàn bà đổ ào xô nước bẩn ra đường, hay một núi rác chất đống ngay biển báo “Cấm đổ rác”? Nếu họ là khách du lịch đến từ Nhật Bản, họ sẽ nghĩ rằng đó là hành động “hết sức dã man”, vì Nhật Bản, đất nước đứng thứ hai thế giới về phát triển kinh tế và du lịch, được biết đến như một đất nước sạch sẽ nhất thế giới. Không chỉ riêng Nhật Bản, cả Singapore, Thái Lan,… những đất nước mạnh về du lịch, nhờ nhân dân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, cũng để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách phương xa. Vậy con người và đất nước Việt Nam đã để lại ấn tượng gì cho các du khách ấy? Thứ ba, xả rác gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và những người xung quanh. Với một lượng rác thải hàng loạt như thế sẽ nảy sinh các mầm bệnh do vi khuẩn trong men rác tạo nên. Ngoài ra, những bãi rác còn là nơi trú ngụ của các sinh vật có hại như ruồi, muỗi, gián, kiến,… Chúng sẽ phát triển và mang mầm bệnh đi khắp nơi. Cuối cùng, đây là hậu quả to lớn nhất mà hầu như không ai cố gắng khắc phục. Hằng năm, con kênh Nhiêu Lộc đều chịu một khối lượng rác và nước thải đổ xuống nhiều tới mức con kênh ngày càng đen và hôi thối. Nhà nước đã hai lần chi ra hàng trăm tỷ để nạo vét lòng kênh, nhưng sau một thời gian, kênh trở nên đen lại. Nước kênh Nhiêu Lộc đổ ra sông Sài Gòn và sông Sài Gòn chảy thẳng ra biển. Nước biển từ đấy bị ô nhiễm, chỉ do những hành động thiếu ý thức của người dân. Hậu quả không chỉ dừng ở đó, nó còn có thể biến tướng thành nhiều mặt khác, nhưng mọi người có hiểu được hậu quả lớn đến mức nào không vẫn còn tùy thuộc vào ý thức của mỗi người. Việc xả rác chỉ lợi cho ta trong phút chốc, nhưng hậu quả để lại thì khôn lường.

P.Sang (t/h)

Vì lợi nhuận, nhà mạng vẫn cố tình 'xả rác'

Thứ 2, 18/03/2013 | 16:44
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, vấn đề xử lý tin nhắn rác đã được đề cập từ cách đây khá lâu.

Hà Nội: Rác rải khắp tượng đài Lê Nin

Thứ 2, 08/04/2013 | 15:31
Tượng đài Lê Nin nằm trên đường Điện Biên Phủ là một điểm văn hóa, vui chơi giải trí của người dân Thủ đô và du khách nước ngoài nhưng luôn trong tình trạng nhếch nhác, bẩn thỉu và đầy rác.

Vứt rác trên đường sẽ bị phạt một triệu đồng

Thứ 6, 12/04/2013 | 09:42
Một trong những điểm mới của Dự thảo Nghị định xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là sẽ xử phạt người vứt rác sinh hoạt ra đường phố, bỏ tàn thuốc lá, vệ sinh cá nhân không đúng chỗ ở khu thương mại, chung cư...

Rác tràn ngập Hà Nội trước quy định phạt... 2 tỷ

Thứ 7, 13/04/2013 | 15:04
Nhiều con đường, sông suối bị rác thải sinh hoạt, xây dựng ở Thủ đô "tấn công" khiến bầu không khí bị ảnh hưởng, cảnh quan bị phá vỡ.