'Ngành du lịch phải tự 'soi' lại mình'

'Ngành du lịch phải tự 'soi' lại mình'

Thứ 7, 18/05/2013 | 10:45
0
Về vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng chục du khách nhập viện, thanh tra sở Y tế TP. Đà Nẵng vừa quyết định xử phạt nhà hàng Cội Nguồn (quận Hải Châu) 8 triệu đồng do vi phạm các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bản thân ngành du lịch cũng phải nhìn lại mình. Câu chuyện dần khép lại nhưng vẫn còn vô vàn nỗi lo về chất lượng các tour du lịch hiện nay. Du khách gần như đang phó mặc sự an toàn của mình cho các doanh nghiệp lữ hành. PV đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Phan Đức Mẫn, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam để cùng mổ xẻ vấn đề.

Doanh nghiệp đặt đâu, du khách... ăn đấy

300 học viên trường Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội) vào Đà Nẵng tham gia tour nghiên cứu thực tế đã bị ngộ độc thực phẩm; hơn 400 du khách cũng "lâm nạn" tương tự tại Lâm Đồng. Phải chăng, chất lượng các tour du lịch hiện nay đã ở mức báo động, thưa ông?

Ngành du lịch hiện có khoảng hơn 1.000 công ty lữ hành quốc tế, trong đó, nhiều công ty kiêm cả dịch vụ "inbound" (khách nước ngoài vào Việt Nam du lịch) và "outbound" (khách người Việt Nam đi ra nước ngoài). Những đơn vị có thế mạnh, làm ăn uy tín sẽ có chất lượng dịch vụ tốt nên lượng khách hàng thường xuyên, mối liên kết với các nhà hàng, khách sạn khá chặt chẽ.

Tôi lấy ví dụ, chỉ cần được thông báo có đoàn khách Hà Nội vào tham quan Đà Nẵng, phía trong đó sẽ bố trí nhà hàng, khách sạn phục vụ nhu cầu ăn uống, mua sắm của du khách. Mọi giao ước đều được ký kết chặt chẽ, đặt tính an toàn của du khách lên hàng đầu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số đơn vị lữ hành làm ăn theo kiểu "ăn mảnh", chụp giật, vì lợi nhuận mà bỏ quên chất lượng. Họ ký kết hợp đồng với những nhà hàng, khách sạn thiếu uy tín, tai nạn xảy ra là khó tránh khỏi.

Ông đánh giá thế nào khi một số ý kiến cho rằng, khách du lịch đi tour gần như phó mặc sự an toàn cho doanh nghiệp lữ hành?

Điều đó cũng đúng một phần. Cần nhìn nhận vấn đề từ hai mặt. Với những doanh nghiệp làm ăn uy tín, nói thế sẽ oan cho họ. Hơn nữa, cũng cần nhìn nhận khách quan. Hiện nay, một số cơ quan đi du lịch số lượng đông thường ưu ái chọn những tour giá rẻ, ký kết hợp đồng với những doanh nghiệp thế yếu, chất lượng phục vụ kém... Từ các điểm tham quan đến dịch vụ ăn uống rõ ràng sẽ không được đảm bảo bằng các công ty uy tín. Do đó, khách hàng không nên tham rẻ chọn những tour chất lượng kém.

Sau những sự cố này, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách du lịch cũng không được chú trọng hơn, thưa ông?

Câu chuyện về an toàn vệ sinh thực phẩm đúng là ở mức báo động. Không chỉ trong ngành du lịch, mà cả trong cuộc sống thường ngày, chất lượng bữa ăn cũng đang bị đe dọa. Cách chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng quy trình; các cửa hàng, quán ăn cũng chưa tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm dẫn đến sự cố xảy ra. Theo tôi, khách du lịch khi đi theo đoàn cần tìm hiểu thông tin về nơi đó xem có đạt điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm không, có uy tín không? Bởi nhiều khi thật giả lẫn lộn, không tìm hiểu kỹ sẽ rất dễ mắc lừa.

Du khách cầm dao… đằng lưỡi

Về câu chuyện trách nhiệm bảo hiểm của các công ty lữ hành khi những sự cố tương tự xảy ra, ông có nhận định thế nào?

Thông thường, công ty lữ hành sẽ ký kết hợp đồng với đơn vị tham quan, cam kết đảm bảo an toàn trong suốt hành trình. Khi tai nạn hoặc bất kỳ sự cố nào xảy ra ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của du khách, phía công ty sẽ phải chịu trách nhiệm bảo hiểm. Sự việc xảy ra với những du khách trường cán bộ Lê Hồng Phong tham quan tại Đà Nẵng cần xem xét lại hợp đồng có đưa ra những điều khoản đó hay không. Tất cả các công ty lớn đều thực hiện nghiêm túc điều đó. Tuy nhiên, không ít trường hợp, các công ty lữ hành "lờ" đi điều khoản này, hoặc khách hàng không để ý vì cứ nghĩ rằng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Như thế là vô cùng bất lợi, khi phát sinh sự cố họ sẽ không được bảo hiểm.

Liên quan đến những tai nạn này, trách nhiệm của các bên liên quan được xác định thế nào, thưa ông?

Doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng gây ra vụ ngộ độc thực phẩm phải chịu trách nhiệm trước tiên. Dưới góc độ quản lý, cơ quan phụ trách vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng phải thấy trách nhiệm của mình. Rõ ràng công tác thanh, kiểm tra vẫn chưa được chú trọng. Đà Nẵng là thành phố du lịch hàng đầu cả nước, hàng năm có hàng triệu du khách đến tham quan. Nếu công tác an toàn vệ sinh không được chú trọng sẽ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng không thể đứng ngoài cuộc. Ngay khi sự cố xảy ra, lãnh đạo sở Văn hóa Thể thao & Du lịch, thậm chí Tổng cục Du lịch phải cử người xuống để điều tra, xác minh nguyên nhân. Nhà hàng liệu có bản cam kết, hợp đồng thu mua thực phẩm an toàn không, từ đó mới quy trách nhiệm cho các bên. Sự việc trên không phải là nhỏ, bởi chỉ cần cơ quan quản lý lơ là nó sẽ tạo tiền lệ xấu về sau. Ai có thể dám chắc sẽ không xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tương tự?.

Xin cảm ơn ông!                     

"Hoà cả làng"?

Về vụ "ngộ độc tập thể" tại Đà Nẵng hôm 7/5 vừa qua, Ông Nguyễn Minh Tiến, chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng cho biết, quy định lưu mẫu chỉ trong vòng 24 giờ, nhưng do nhận được thông tin chậm sau hai ngày nên mẫu lưu họ đã huỷ rồi. Vì vậy, Chi cục không xác định được loại thức ăn gì. Tuy vậy, Chi cục VSATTP TP. Đà Nẵng cũng đã mời cơ sở lên xử phạt. Hồ sơ chuyển lên thanh tra sở Y tế, kết luận là vụ ngộ độc trên do ăn uống tại nhà hàng Cội Nguồn.   

Anh Văn (thực hiện)

Báo động tình trạng trẻ ngộ độc thực phẩm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
TS. Lê Thị Hồng Hảo, phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia Bộ Y tế cho biết, sự lạm dụng các loại hóa chất trong sản xuất thực phẩm ngày càng phổ biến. Từ năm 2008 đến nay liên tục xảy ra các vấn đề về an toàn thực phẩm, trong đó có cả thực phẩm dành cho trẻ nhỏ.

Đà Nẵng: Hàng chục người nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Thứ 6, 10/05/2013 | 09:52
Đến chiều 9/5, vẫn còn 10 người trong Đoàn của trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội ) phải nằm viện điều trị tại khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng. Theo chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa, khả năng do ngộ độc thực phẩm.

Mua máy "giải độc" thực phẩm có thể rước thêm... ngộ độc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Canh cánh trước nỗi lo thực phẩm không an toàn, gần đây, người dân đổ xô đi mua máy "giải độc" thực phẩm bằng khí ozon...

Sầm Sơn: Rớt động thủy cung, ngộ độc tập thể

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Hai vụ việc đáng tiếc xảy ra liên tiếp trong 1 ngày ở thị xã du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào đúng dịp nghỉ cuối tuần đã làm xôn xao dư luận và gây tâm lý lo ngại cho du khách đang nghỉ ngơi, tắm biển tại đây.