Tài chính có làm bớt nỗi đau những người 'dính' án oan?

Tài chính có làm bớt nỗi đau những người 'dính' án oan?

Thứ 5, 14/11/2013 | 12:59
0
Mấy ngày qua, dư luận trên địa bàn cả nước không khỏi xôn xao bàn tán và rùng mình vì vụ án được cho là oan hơn chục năm mới được cơ quan chức năng đưa ra xem xét lại.

Điều đặc biệt ở chỗ, hơn chục năm qua, người đàn ông này và người nhà  không ngừng kêu oan cho mình và người thân. Thế nhưng, không hiểu sao, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn "phớt lờ", và người vô tội vẫn hàng ngày, hàng giờ chịu án. Rất may, mặc dù muộn mằn nhưng âu cũng là cái kết có hậu, để rồi từng ấy thời gian, đến nay, ông đã được đoàn tụ cùng người thân, gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, không ít người dân tự hỏi, liệu còn bao nhiêu vụ án oan nữa chưa được làm sáng tỏ, nếu được minh oan thì việc đền bù về tài chính có thực sự làm giảm nỗi đau cho người bị hại?

Tai ương không mong muốn

Câu chuyện ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Việt Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị toà tuyên phạt chung thân về tội giết người, đang thụ án tù hơn chục năm vừa được VKSNDTC ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án, kháng nghị TATC xét xử tái thẩm, đang gây bão trong cộng đồng. Rất nhiều người hồ nghi về năng lực chuyên môn của những người "cầm cân, nảy mực" ở các cơ quan tiến hành tố tụng. Và, cũng chừng ấy thời gian, sao bây giờ mới kiến nghị làm sáng tỏ sự việc để ông Chấn có cơ hội được minh oan? Nhắc tới việc này, nhiều người không khỏi xót xa, chạnh lòng khi hồi tưởng lại sự việc.

Cụ thể, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, người dân phát hiện chị Nguyễn Thị Hoan bị giết rất dã man. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng, làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp… dẫn đến tử vong. Qua quá trình điều tra, CQĐT đã khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự và cũng qua các phiên xét xử của toà án các cấp từ sơ thẩm cho tới phúc thẩm (TANDTC tại Hà Nội xử phúc thẩm) đều tuyên bị cáo Chấn phạm tội giết người với mức án tù chung thân mặc cho ông Chấn liên tục kêu oan. Trong suốt thời gian ngồi tù, ông Chấn đã nhiều lần kêu oan với ban giám thị trại giam. Trời không phụ lòng người, sau khi nghe lời kêu oan đó, ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan chức năng xem xét và đề nghị làm sáng tỏ vụ việc.

Luật sư - Tài chính có làm bớt nỗi đau những người 'dính' án oan?

Ông Nguyễn Thanh Chấn (áo sơ mi trắng chính giữa) người vừa được đoàn tụ với gia đình sau 10 năm ngồi tù oan uổng.

Mặt khác, không buông xuôi số phận, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) đã liên tục tìm tới các cơ quan tố tụng để kêu oan cho chồng. Điều đặc biệt quan trọng ở chỗ, trong nội dung đơn kêu oan, bà Chiến đã cung cấp các thông tin liên quan tới vụ án và cho rằng thủ phạm gây ra vụ giết người vào đêm 15/8/2003 là Lý Nguyễn Chung (cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chứ không phải là chồng bà, ông Nguyễn Thanh Chấn.

Trước những chứng cứ có căn cứ pháp lý, cơ quan tiến hành tố tụng đã vào cuộc, khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh kết hợp với kiên trì vận động đối tượng ra tự thú. Ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận  thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản. Theo quy định của pháp luật, sau khi có  kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC đề nghị TANDTC xem xét lại bản án có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm do có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án thì đó sẽ là căn cứ để mở ra một trình tự thủ tục tố tụng mới, tiếp theo đối với vụ án tưởng đã được khép lại này.

Đền bù tài chính có xoá được nỗi oan khiên?!

Việc ông Chấn có oan thật hay không, chúng ta phải chờ vào phán quyết của TANDTC. Thực tế, trong thời gian qua,  còn xảy ra hàng loạt các vụ án oan khác như vụ ông Bùi Minh Hải (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) bị toà kết án tội giết người, cướp của, bị tuyên phạt tù chung thân, xảy ra cách đây vừa tròn mười lăm năm. Trải qua rất nhiều lần kêu oan cùng với sự chạy đôn chạy đáo khắp trong Nam, ngoài Bắc của người vợ luôn tin tưởng ông Hải vô tội và phải mất gần nửa năm thì ông Hải mới được minh oan. Ông Hải được trả tự do trong tình trạng sụt 8kg, gãy một bên quai hàm và được bồi thường 59,9 triệu đồng  cho việc khởi tố, truy tố và kết án sai.

Tiếp đến là trường hợp của anh Trương Hoàng Hiếu (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) bị tuyên án 5 năm tù giam. Sau này được TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên bố huỷ án sơ thẩm, giải oan cho anh Hiếu sau 900 ngày ngồi tù hay ông Trần Văn Chiến (ấp Nam, Tân Điền, gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) bị toà tuyên án chung thân, sau khi ngồi tù được 16 năm 3 tháng thì được TAND tỉnh Tiền Giang giải oan vào tháng 12/2004...

Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin thì khi bị bắt giam và kết án tù oan, đa phần những người dân vô tội và người thân của họ phải chịu rất nhiều điều tiếng, thị phi, đặc biệt là sự xa lánh của xã hội. Trong đó, phần lớn con cái, người quen của họ phải bỏ quê đi tha hương cầu thực, làm ăn ở nơi xa để không ai có thể biết về vụ án mà người thân của họ phải gánh chịu. Đau đớn hơn, có nhiều trường hợp con cái phải bỏ học giữa chừng với lý do có cha, mẹ bị ngồi tù...

Thế nhưng, khi được minh oan, ngoài việc cơ quan chức năng đọc thông báo quyết định trả tự do tại nơi cư trú thì đồng tiền đền bù cho họ ở mức rất hạn chế (từ 30 - 40 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng, tuỳ thuộc vào thời gian chịu án, trên thực tế những vụ án oan được đền bù rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay - PV) cho những tháng năm ở tuổi thanh xuân, khi mà họ đang ở độ tuổi lao động, với sức lực sung mãn nhất cuộc đời là quá ít ỏi. Vậy với mức đền bù như vậy có thật sự thoả đáng, phù hợp với những cái oan của một cá nhân, tổ chức Nhà nước đã gây ra cho người dân vô tội?!

Luật sư - Tài chính có làm bớt nỗi đau những người 'dính' án oan? (Hình 2).

Luật sư Lương Văn Tuấn: “Cần có chế tài xử phạt nghiêm khi tuyên án oan”.

Trao đổi với PV về vấn đề này, TS. Luật sư Lương Văn Tuấn, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, việc bồi thường theo quy định của pháp luật vẫn có. Từ trước đến nay đã có một số người bị kết án oan được bồi thường nhưng chỉ chiếm số rất nhỏ. Mặc dù quy định là vậy nhưng pháp luật có thực thi bồi thường tinh thần cho người bị oan hay không thì chưa thấy và cũng không thấy ai nói gì về việc này. Qua đó có thể thấy, tính thực tế của luật chưa đi đến tận cùng của bản chất vụ việc. Mỗi vụ bồi thường chỉ chiếm một phần rất nhỏ những thiệt hại mà họ phải trải qua. Do đó, nếu các cơ quan nhà nước thực hiện bồi thường cho người bị kết án oan nên công bố mức cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn thể người dân biết và theo dõi.

TS. LS Lương Văn Tuấn cũng cho biết, hệ thống hoạt động xét xử không đảm bảo đã dẫn đến nhiệt tình làm sáng tỏ nội dung vụ án kém. Điều này thể hiện sự chủ quan, duy ý chí của cơ quan tố tụng hiện nay. Do sự đặc thù này mà khi CQĐT bắt người ta, có nghi ngờ họ liên quan tới vụ việc thì ra sức tìm những chứng cứ để khép tội, buộc tội dẫn đến những án oan diễn ra trong suốt thời gian vừa qua. Nếu khách quan, cơ quan tố tụng (thông thường ở nước ngoài hay làm) sẽ lập luận, suy đoán theo hướng gỡ tội cho cá nhân hoặc một nhóm người bị tình nghi, họ sẽ xem xét và dựa vào những chứng cứ ngoại phạm của từng đối tượng để loại bỏ dần ra vòng xoáy vụ án. Ở Việt Nam hiện nay, sau khi bị bắt, CQĐT khởi tố vụ án thì họ được "độc diễn" từ đầu đến cuối. Thường khi kết thúc điều tra thì CQĐT mới cho luật sư tiếp xúc với bị can, mà lúc này đã hình thành tội rồi thì rất khó gỡ, giảm nhẹ tội hoặc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người dân.

TS.LS Lương Văn Tuấn nhấn mạnh, có vụ án oan, người bị oan đòi bồi thường lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, Nhà nước lại phủ nhận, do vậy không thể quy trách nhiệm cho người xét xử đã dẫn tới người ta không làm hết sức. Nhiều khi cố tình làm sai lệch, họ không có trách nhiệm gì mà cứ tuyên, cứ quyết một cách rất đơn giản. Do đó rất cần phải có một chế tài xử phạt nghiêm khi tuyên án oan. Có như vậy mới đảm bảo được tính minh bạch khách quan của hệ thống tư pháp Việt Nam.                                  

Ông Nguyễn Hoà Bình, viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, theo quy định của pháp luật, VKSND Tối cao đã tiến hành kháng nghị tái thẩm bản án và miễn thi hành án hình sự cho người bị oan là ông Nguyễn Thanh Chấn và công việc quan trọng tiếp theo là phải có phiên tòa tái thẩm. Được biết, Chánh án TAND Tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng thẩm phán TANDTC để xét xử tái thẩm vào ngày 6/11. 

Đã đề cập nhưng chưa xem xét được kĩ

Đây là ý kiến của ông Vũ Đức Khiển - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó viện trưởng viện KSND Tối cao khi đánh giá về công tác bồi thường thiệt hại đối với những trường hợp bị xử oan trong thời gian gần đây

Mấy ngày qua, vụ án được cho là oan (vì chưa có quyết định cuối cùng của Toà án Tối cao về vấn đề này, mới chỉ có kháng nghị của viện Kiểm sát Tối cao) của ông Nguyễn Thanh Chấn đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Tuy nhiên trường hợp của ông Chấn không phải là trường hợp cá biệt mà trước đó nhiều vụ án oan tương tự đã xảy ra. Đối với những trường hợp trước đó, lời xin lỗi của cơ quan tố tụng đã được đưa ra, đền bù cũng đã được thực hiện nhưng cho đến bây giờ, những ám ảnh vẫn không bao giờ buông tha những "tù nhân bất đắc dĩ" đó.

Một lần nữa, cơ chế bồi thường cho những trường hợp này lại được đặt ra. Trong cuộc trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Vũ Đức Khiển cho biết: "Thời điểm tôi còn đảm trách vấn đề này thì chuyện bồi thường thiệt hại với những người bị xử oan đã được quy định khá rõ trong Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Tinh thần của Nghị quyết 388 là, chúng ta cố gắng làm thế nào để bồi thường tốt nhất những thiệt hại vật chất cụ thể như lương bổng, ngày công ... chứ riêng vấn đề bồi thường tổn hại về tinh thần thì chúng ta đã đề cập tới nhưng vẫn chưa xem xét được kĩ. Trường hợp của ông Bùi Minh Hải ở Đồng Nai là một ví dụ.

Do xử oan, ông này phải ngồi tù, gia đình chịu biết bao dè bỉu, con cái không dám ra đường. Khi mọi việc được sáng tỏ, ông Hải được đền bù 59,9 triệu đồng cho việc khởi tố, truy tố và kết án oan. Như vậy phương án đền bù vẫn chủ yếu được giải quyết trên phương diện tài chính. Nghị quyết 388 trước đây chỉ bàn tới những trường hợp bị oan chứ chưa nói tới sai. Nhưng mấy năm trở lại đây, Quốc hội đã nâng lên thành luật Bồi thường Nhà nước thì chắc là đầy đủ hơn ".

Tuy nhiên, hiện nay, trong luật Bồi thường Nhà nước, quy định đền bù những thiệt hại tinh thần vẫn được quy ra tiền chứ chưa hề có cơ chế nào tốt hơn nhằm trả lại danh dự, tuổi xuân mất đi và quan trọng hơn là giúp cho những người bị xử oan tái hòa nhập cộng đồng.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Vũ Đức Khiển cho hay: "Như tôi đã nói ngay từ lúc đầu về quy định xử lý bồi thường thiệt hại tinh thần cho những người bị xử oan vẫn chủ yếu vẫn dựa trên đền bù vật chất. Thứ nhất là chúng ta chưa có cơ chế đền bù cụ thể những khía cạnh thuộc riêng về mặt tinh thần như: Danh dự, niềm tin của những người xung quanh... và quan trọng hơn là tiêu chí để xây dựng cơ chế đó là không rõ ràng. Ngay cả khi nâng lên thành luật rồi mà những tổn hại tinh thần vẫn được quy ra tiền thì có thể thấy rằng, việc này không hề dễ dàng. Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải xây dựng những tiêu chí và cơ chế cụ thể để dựa vào đó mà áp mức đền bù tổn hại tinh thần. Nếu cứ giải quyết bằng tiền, hơn nữa lại là tiền Nhà nước trong khi những vụ xử oan lại thuộc về trách nhiệm của cá nhân hoặc tổ chức là không ổn".

Ông Vũ Đức Khiển cũng không đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, cơ chế đền bù bằng tài chính là cơ chế duy nhất để giải quyết giữa người bị xử oan và cơ quan tố tụng. Ông nói: "Nghị định 388 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và nay là luật Bồi thường Nhà nước đều có mục bồi thường những thiệt hại tinh thần. Nhưng vì thiếu cơ chế nên vẫn phải quy ra tiền. Không những vậy, đi đôi với việc đền bù tài chính, cơ quan tố tụng cũng công khai xin lỗi người bị xử oan trước dư luận. Như vậy có thể thấy rằng, việc đền bù những thiệt hại tinh thần có được tính đến và xem xét".

Ông Trần Quốc Thuận (nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội) phân tích: "Việc đền bù những tổn hại tinh thần cho những người bị xử oan đã được quy định rõ trong luật Bồi thường Nhà nước. Vì thế muốn sửa đổi, bổ sung cần phải có quy trình để trình Quốc hội xem xét. Tất nhiên, những điều chưa hợp lý cần phải được bổ sung, sửa chữa kịp thời. Những vụ án oan trước đây thì sai ở khâu nào thì phải bồi thường ở khâu đó và hiện nay chúng ta vẫn thực hiện như vậy. Cái khó là luật đã được ban hành nên người ta cứ áp dụng theo đó thôi. Nghĩa là dù có đồng ý hay không thì cơ quan tố tụng hay người bị oan cứ thế chấp hành. Bởi vậy, dẫu biết là bất cập, muốn sửa chữa nhưng chúng ta không thể làm ngay được".

Quỳnh Chi - Phạm Thiệu

Những vụ án oan nổi tiếng thế giới

Thứ 4, 06/11/2013 | 11:18
Một chủ quán rượu người Australia bị treo cổ năm 1922 rồi được minh oan sau 87 năm hay tử tù đầu tiên thoát chết nhờ kỹ thuật ADN, là hai trong số những vụ án oan nổi tiếng khắp thế giới.

Án oan của 'nhân vật huyền thoại' Tạ Đình Đề

Thứ 5, 08/08/2013 | 09:07
Dù đã nghỉ hưu được 3 năm nhưng TS Dương Thanh Biểu, nguyên phó Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (viện KSNDTC) vẫn quan tâm đến những hoạt động của ngành.

Án oan: Bị kết tội vì nhận tiền “bồi thường danh dự”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Trong số những vụ án oan sai, có lẽ vụ việc của cô giáo Bùi Thị Đ, trú tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La, được xin lỗi và bồi thường oan sai nhanh nhất.

Lật lại 10 vụ án oan trong Truyện Kiều

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Đây là một đề tài đã phá kỉ lục Việt Nam khi được viết liên tục trong 3 năm và được đăng báo đều đặn, dưới cái tên Lê Xuân Lít, Tổng thư kí Hội Kiều học VN.

Lật giở lại vụ án oan nổi tiếng ở Đồng Nai

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Thời gian phải gánh chịu án oan, Bùi Minh Hải sống dưới miệng lưỡi dè bửu, xúc xiểm của người đời, bị mất quyền công dân.

Án oan vì chủ quan chết người

Thứ 3, 12/11/2013 | 08:36
Thu được chiếc đồng hồ, điều tra viên điều tra theo định hướng chủ quan, nhận định ông Hải là thủ phạm, đồng thời lấy lời khai các nhân chứng tập trung theo hướng liên quan đến ông Hải…

Bồi thường án oan 38,4 tỷ đồng

Chủ nhật, 03/11/2013 | 12:17
Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng quan liêu, sách nhiễu người dân vẫn còn tồn tại ở một số cơ quan hành chính Nhà nước, trong một bộ phận cán bộ, công chức dẫn đến những rủi ro cho người dân từ hoạt động công vụ. Điều đó cũng lý giải vì sao có nhiều vụ án oan xảy ra.

Những vụ án oan nổi tiếng thế giới

Thứ 4, 06/11/2013 | 11:18
Một chủ quán rượu người Australia bị treo cổ năm 1922 rồi được minh oan sau 87 năm hay tử tù đầu tiên thoát chết nhờ kỹ thuật ADN, là hai trong số những vụ án oan nổi tiếng khắp thế giới.

Án oan của 'nhân vật huyền thoại' Tạ Đình Đề

Thứ 5, 08/08/2013 | 09:07
Dù đã nghỉ hưu được 3 năm nhưng TS Dương Thanh Biểu, nguyên phó Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (viện KSNDTC) vẫn quan tâm đến những hoạt động của ngành.

Án oan: Bị kết tội vì nhận tiền “bồi thường danh dự”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Trong số những vụ án oan sai, có lẽ vụ việc của cô giáo Bùi Thị Đ, trú tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La, được xin lỗi và bồi thường oan sai nhanh nhất.

Lật lại 10 vụ án oan trong Truyện Kiều

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Đây là một đề tài đã phá kỉ lục Việt Nam khi được viết liên tục trong 3 năm và được đăng báo đều đặn, dưới cái tên Lê Xuân Lít, Tổng thư kí Hội Kiều học VN.

Lật giở lại vụ án oan nổi tiếng ở Đồng Nai

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Thời gian phải gánh chịu án oan, Bùi Minh Hải sống dưới miệng lưỡi dè bửu, xúc xiểm của người đời, bị mất quyền công dân.

Án oan vì chủ quan chết người

Thứ 3, 12/11/2013 | 08:36
Thu được chiếc đồng hồ, điều tra viên điều tra theo định hướng chủ quan, nhận định ông Hải là thủ phạm, đồng thời lấy lời khai các nhân chứng tập trung theo hướng liên quan đến ông Hải…

Bồi thường án oan 38,4 tỷ đồng

Chủ nhật, 03/11/2013 | 12:17
Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng quan liêu, sách nhiễu người dân vẫn còn tồn tại ở một số cơ quan hành chính Nhà nước, trong một bộ phận cán bộ, công chức dẫn đến những rủi ro cho người dân từ hoạt động công vụ. Điều đó cũng lý giải vì sao có nhiều vụ án oan xảy ra.