Theo chân các 'bóng hồng' đội mưa điều khiển giao thông

Theo chân các 'bóng hồng' đội mưa điều khiển giao thông

Chủ nhật, 06/01/2013 | 08:30
0
7h sáng mới bắt đầu giờ đứng bục điều khiển giao thông, nhưng với các nữ CSGT trực tiếp tham gia chỉ huy tại 10 nút giao thông trọng điểm, công việc đã bắt đầu trước đó nhiều tiếng đồng hồ.

Chuẩn bị đi làm từ mờ sáng

Không giống những ngày thường, từ 5h20 sáng, khi ngoài trời vẫn còn mờ mịt sương mù, thiếu úy Nguyễn Mai Huyền (cán bộ đội CSGT số 2 (PC67 - CA TP.Hà Nội) đã chuẩn bị tư trang để vượt đoạn đường hơn 10km từ Đông Anh (Hà Nội) đến trụ sở đội.

Khác với công việc trước đây ngồi tại văn phòng xử lý các trường hợp đã bị vi phạm, ngày hôm nay, Huyền trực tiếp tham gia đứng bục điều khiển, phân luồng giao thông tại nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã (Ba Đình), một trong những nút giao thông quan trọng trong nội thành. Mẹ Huyền cũng dậy từ sớm chuẩn bị thêm vài đôi tất, chiếc áo ấm cho con gái làm việc ngoài trời giữa buổi sáng ngày giá rét.

Xã hội - Theo chân các 'bóng hồng' đội mưa điều khiển giao thông

Thiếu úy Nguyễn Mai Huyền, cán bộ đội CSGT số 2 (PC67 - CA TP.Hà Nội) làm nhiệm vụ tại chốt giao thông Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã.

Sau khi hết ca trực giờ cao điểm, thiếu úy Nguyễn Mai Huyền vui vẻ nói: "Lần đầu tiên ra đứng bục trực tiếp điều khiển, phân luồng giao thông, tôi cũng khá hồi hộp và có chút lo lắng. Tuy nhiên, lãnh đạo đội và các đồng nghiệp đã hỗ trợ rất nhiều nên tôi thấy công việc không có gì xáo trộn lắm.

Đặc biệt, trong gần hai tiếng đồng hồ liên tục thổi còi hướng dẫn các phương tiện di chuyển nhịp nhàng, tôi cảm thấy nóng hơn rất nhiều so với lúc tờ mờ sáng ra khỏi nhà trong giá lạnh".

Sáng 3/1, thiếu úy Huyền trực tiếp cùng các đồng nghiệp nam tham gia phân luồng giao thông tại khu vực ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã. Nghe những tiếng còi dứt khoát, tận mắt thấy các hiệu lệnh mạch lạc ít ai thấy có điểm gì khác biệt giữa một nữ CSGT với các đồng nghiệp nam.

"Chỉ huy giao thông là một trong rất nhiều nghiệp vụ mà bất cứ CSGT nào cũng được học và phải làm được. Đặc biệt, trước khi ra quân, chúng tôi cũng đã được huấn luyện kỹ càng. Tôi nghĩ không có sự phân biệt giữa nữ và nam CSGT. Tuy nhiên, khi chúng tôi trực tiếp làm nhiệm vụ phân luồng thì gia đình, đồng nghiệp dành sự quan tâm, động viên tinh thần nhiều hơn. Đó là một điều khích lệ rất lớn", thiếu úy Huyền chia sẻ.

Thượng sĩ Nguyễn Thị Thảo, cán bộ đội CSGT số 6 được phân công điều khiển giao thông tại ngã ba Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt cho biết: "Việc trực tiếp tham gia chỉ huy giao thông không phải là quá lạ lẫm với các nữ CSGT. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, đi thực tập, chúng tôi đã được huấn luyện và thực hành các điều lệnh điều khiển giao thông.

Tuy nhiên, trước đây công việc hàng ngày của các nữ CSGT chủ yếu là xử lý các trường hợp vi phạm giao thông tại trụ sở, nhưng bây giờ phải trực tiếp điều tiết giao thông vào giờ cao điểm cũng có những bỡ ngỡ, nhất là trong tình hình thời tiết xấu và có khá nhiều ánh mắt của người đi lại nhìn mình. Bản thân tôi cũng có một chút lo lắng lúc đầu, nhưng ngay sau đó là sự tự tin và tự hào vì đã được cấp trên tin tưởng giao phó nhiệm vụ".

Xã hội - Theo chân các 'bóng hồng' đội mưa điều khiển giao thông (Hình 2).

Lãnh đạo đội CSGT số 2 trực tiếp hướng dẫn nữ CSGT làm nhiệm vụ tại chốt

Cần sự chia sẻ, hợp tác của người dân

Cũng do trời mưa, tình hình giao thông Hà Nội có diễn biến phức tạp hơn ngày bình thường. Tuy nhiên, với những động tác chỉ huy thuần thục, kinh nghiệm xử lý tình huống ùn tắc, sự nhiệt tình trong công việc của nữ CSGT và sự ủng hộ của người điều khiển phương tiện, tình trạng ùn tắc đã không xảy ra ở hầu khắp các nút giao thông.

Giống như hầu hết các chị em đã lập gia đình với những vất vả riêng, theo thượng sĩ Thảo, bất cứ ai đã công tác trong ngành công an đều sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao. "Tôi khá may mắn là có một người chồng sẵn sàng chia sẻ công việc trong gia đình cùng vợ. Ngay khi biết tôi sẽ tham gia trực tiếp chỉ huy giao thông vào giờ cao điểm, chồng tôi dành nhiều hơn sự chia sẻ công việc trong gia đình.

Thức dậy lúc hơn 5h sáng là điều thường xuyên với tất cả chị em trực tiếp tham gia chỉ huy giao thông. Dù có nhiều khó khăn, vất vả riêng vì là phái nữ nhưng sự quan tâm của gia đình, lãnh đạo cơ quan và sự tin tưởng của cấp trên khi giao phó nhiệm vụ, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân, tôi tin tất cả các nữ CSGT sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình".

Anh Yên Quốc Huy, lái xe ôm gần ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, cho biết: "Ấn tượng đầu tiên của tôi là các nữ CSGT trông vừa duyên dáng nhưng cũng rất cương quyết trong các động tác. Có mặt thường xuyên ở đây mỗi ngày, tôi hiểu được áp lực điều tiết giao thông ở điểm này vất vả đến đâu. Với các nam CSGT, làm nhiệm vụ ở chốt này cũng đã là một điều khó khăn, huống chi là nữ.

Cứ nhìn những nam CSGT lúc mới ra bục đứng nhìn trắng trẻo, sau một thời gian, da đen đi trông thấy đã đủ rõ sự vất vả ra sao. Chắc chắn sự vất vả sẽ còn tăng lên rất nhiều đối với nữ CSGT. Tôi nghĩ, với hình ảnh không quản ngại vất vả của các nữ CSGT, ít nhiều những người tham gia giao thông cũng nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông".

Trung sĩ Hoàng Thị Hương, cán bộ đội CSGT số 6 chia sẻ thêm: "Trước kia, tôi cũng từng làm nhiệm vụ dẫn đoàn nhưng trực tiếp điều khiển, phân luồng giao thông tại chốt có lưu lượng người và phương tiện qua lại đông, nhiều loại xe trọng tải lớn như khu vực ngã ba Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng thì áp lực không hề nhỏ. Tuy nhiên, ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ mới, không có ùn ứ, tắc nghẽn kéo dài ở điểm này, với chúng tôi, đó là một thành công. Chúng tôi luôn mong người dân khi tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ để đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian cho tất cả mọi người".

Hết giờ đứng bục, những chiến sỹ công an như thiếu úy Huyền, thượng sĩ Thảo lại quay trở về tiếp tục công việc xử lý các trường hợp vi phạm giao thông. Thêm nhiệm vụ mới, khó khăn mới, với họ đó là những trải nghiệm quan trọng để trưởng thành trong nghề nghiệp.

"Công việc vất vả bắt buộc tôi phải rèn luyện thói quen ăn ngủ nghỉ đúng giờ để đảm bảo hoàn thành công việc. Tôi nghĩ, nếu sự vất vả của tất cả chúng tôi đem lại thành quả là giảm ùn tắc và hình ảnh CSGT gần gũi, thân thiện trong mắt người dân hơn thì các nữ CSGT sẽ không quản ngại khó khăn…", thiếu uý Huyền nói.

 Hy vọng tác động tích cực ý thức tham gia giao thông của người dân

Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Phó đội trưởng đội Tuyên truyền, khám nghiệm và điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ đường sắt (Phòng CSGT - PC67, CA TP.Hà Nội) cho biết: "Lực lượng nữ CSGT sẽ thường xuyên làm nhiệm vụ trong năm 2013, tại khung giờ cao điểm sáng 7h-8h30 và chiều 16h-18h. Bên cạnh nhiệm vụ này thì lực lượng nữ CSGT vẫn phải đảm bảo hoàn thành các công việc chuyên trách tại đơn vị như: Xử lý hồ sơ vi phạm, xếp xe dẫn đoàn... Lực lượng nữ CSGT sẽ không kiểm tra, xử lý mà tập trung vào hướng dẫn, phân luồng giao thông và giúp đỡ người tham gia giao thông trong các trường hợp khó khăn. Các nút giao thông trọng điểm ở Hà Nội hiện nay là ngã tư Tràng Tiền; Điện Biên Phủ - Cửa Nam; Trần Phú - Điện Biên Phủ; Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã; Ô Chợ Dừa; phố Huế - Đại Cồ Việt; Giải Phóng - Đại Cồ Việt; Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn; Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt; Cầu Trắng (Quang Trung, Hà Đông) và một số cửa ngõ vào trung tâm thành phố. CA TP.Hà Nội hy vọng, hình ảnh người nữ CSGT không quản mưa nắng điều tiết giao thông sẽ có những tác động tích cực đến ý thức của người tham gia giao thông…".

Đỗ Thơm

Ca khúc về cảnh sát giao thông 40 năm vẫn "hot"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
40 năm nay đã trở thành quen thuộc với hơn 80 triệu người Việt Nam vì hàng ngày được chọn làm nhạc hiệu chương trình "An toàn giao thông" của Đài Tiếng nói Việt Nam; được nhiều ca sĩ ưa thích, hát lại và nhiều triệu lượt người nghe.

'Kéo' từ trưởng xuống phó phòng vì 'chạy chức'

Thứ 7, 05/01/2013 | 09:49
Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Ứng Hòa (Hà Nội) vừa có quyết định giáng chức đối với ông Đỗ Ngọc Anh, huyện ủy viên, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện từ trưởng phòng xuống phó phòng.

Lễ tang công chức có không quá 7 vòng hoa

Thứ 7, 05/01/2013 | 20:26
Không để ô kính trên nắp quan tài, không rắc vàng mã, ngoại tệ và các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành; các đoàn viếng không mang vòng hoa, Ban tổ chức chuẩn bị sẵn 7 vòng hoa dùng luân chuyển.