Chính quyền 'bật đèn xanh' cho 'xẻ thịt gầm cầu'

Chính quyền 'bật đèn xanh' cho 'xẻ thịt gầm cầu'

Thứ 7, 25/05/2013 | 15:38
0
Thay vì ra quân "dẹp loạn" triệt để tình trạng xâm lấn, cho thuê đất trái pháp luật thì UBND phường Thanh Trì và quận Hoàng Mai lại đủng đỉnh, xử lý nửa vời.

Lờ lớ lơ...

Như trước đó báo Nguoiduatin.vn đã phản ánh, lợi dụng khu đất công ngoài bãi sông Hồng không nằm trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp nên một số lãnh đạo địa phương đã tự ý "cắt" hơn 30.330,4m2 nằm dưới chân cầu Thanh Trì để cho 26 tổ chức, cá nhân thuê xây dựng hàng trăm công trình trái phép để thu tiền.

 Trong tổng số 32 hợp đồng cho thuê đất mà UBND phường Thanh Trì ký với 26 tổ chức cá nhân đã được khẳng định đều là những bản hợp đồng ký trái thẩm quyền nhưng đến nay chẳng thấy ai nhận là người chỉ đạo chủ trương này, và chịu trách nhiệm cho việc làm sai phạm.

Chỉ biết, nhờ các bản hợp đồng này mà hàng loạt tổ chức, cá nhân sau khi thuê được ra sức xây dựng các công trình theo ý thích riêng của mình mà chẳng thèm đếm xỉa tới quy hoạch cũng như sự an toàn của công trình giao thông trọng điểm nằm ngay bên trên.

Giật mình hơn, theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện dưới chân cầu Thanh Trì có tới 190 công trình lớn, trong đó không ít công trình được xây dựng để làm chức năng trộn bê tông, nhà kho, xưởng sang, chiết gas mà ngay người lạc quan nhất cũng chẳng dám nghĩ tới.

Lạ hơn, năm 2011, việc sử dụng đất trái pháp luật ở đây đã từng được Hội đồng nhân dân quận Hoàng Mai trong quá trình thực hiện chức năng giám sát của mình phát hiện ra và quận ủy Hoàng Mai cũng đốc thúc chỉ đạo việc xử lý hậu kiểm nhưng gần 2 năm qua, mọi việc tiến triển rất chậm chạp.

Xã hội - Chính quyền 'bật đèn xanh' cho 'xẻ thịt gầm cầu'

Chính quyền sở tại vẫn cố trây ỳ để các đơn vị, cá nhân hợp thức hóa... sai phạm

Trong khi một báo cáo trước đó của lãnh đạo phường này, ban hành ngày 31/10/2012 đã khẳng định, trong 190 công trình vi phạm có nhiều công trình là nhà kho, xưởng san, chiết gas.

Báo cáo này cũng nói rõ, trong 32 hợp đồng đã ký, sau khi Hội đồng nhân dân phát hiện việc cho thuê và sử dụng đất như vậy là trái pháp luật, chính quyền địa phương đã chủ động thanh lý hợp đồng nhưng 12 đối tác từng ký 15 hợp đồng vẫn cứ cố tình trây ỳ không chịu ký biên bản thanh lý.

UBND phường Thanh Trì đã phải ra thông báo đơn phương thanh lý, chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn gửi về cho các tổ chức, cá nhân. Yêu cầu các đơn vị tự dỡ bỏ công trình vi phạm, di chuyển tài sản và bàn giao trả lại mặt bằng cho UBND phường quản lý nhưng đến nay vẫn chưa đơn vị nào thực hiện- báo cáo nêu.                     

Ghi nhận của PV, hiện tại việc xóa bỏ hàng trăm công trình vi phạm này gần như chưa được thực hiện, tất cả cứ tồn tại sờ sờ ra đó như thách đố những ai nhìn thấy. Ghê gớm hơn, dù đã có kế hoạch cưỡng chế nhưng cưỡng chế đâu không thấy mà thấy ngày ngày tại địa bàn có cả hàng trăm chuyến xe ngang nhiên ra vào các kho, xưởng để lấy bình gas đi tiêu thụ khắp các địa bàn của thủ đô và những tỉnh lân cận mà chẳng ai thèm đoái hoài đến những sự cố ngoài ý muốn có thể xảy ra.

Xin tiền Nhà nước... sửa sai

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội cho biết: Phản ánh của báo là rất hữu ích, thông qua thông tin của báo đã giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước hiểu rõ hơn những hoạt động diễn ra dưới khu vực hành lang bảo vệ an toàn cầu Thanh Trì.

Quan điểm của sở GTVT là tất cả những công trình vi phạm hành lang bảo vệ cầu, sử dụng gầm cầu trái phép cần phải xử lý theo các quy định của pháp luật. Đặc biệt, những công trình như kho, bãi, xưởng sang chiết khí, gas là rất nguy hiểm, gây mất an toàn cho cầu.

"Chúng tôi sẽ kiến nghị cần phải lên án và cần phải dẹp bỏ. Những công trình mà tồn tại trước khi có cầu Thanh Trì thì thậm chí Nhà nước phải bỏ tiền ra đền bù để lấy lại hành lang bảo vệ. Còn sau khi có cây cầu này mà xã, phường nào tự ý cấp cho thuê đất ở đây là phải chịu trách nhiệm.

Việc cấp phép hoạt động kinh doanh gas và lĩnh vực có liên quan đến cháy nổ trong hành lang bảo vệ cầu là việc làm không đúng và phải xem lại, cần phải kiến nghị thu hồi giấy phép để đảm bảo thực hiện theo đúng Nghị đinh của Chính phủ", ông Giáp nói.

Trước đó, theo phòng Kinh tế và Kế hoạch, quận Hoàng Mai: Tính đến hết ngày 21/9/2012, trên địa bàn khu vực ngoài xóm bãi phường Thanh Trì có 3 đơn vị là có giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí gas gồm: Cty CP Ngọn lửa thần được cấp ngày 13/3/2012 có thời hạn 5 năm; Cty TNHH TM Hồng Anh, giấy cấp ngày 19/9/2011 thời hạn 5 năm; Cửa hàng gas và bếp gas Hà Linh có giấy phép nhưng đã hết hạn.  

Việc xử lý di dời trở nên hết sức khó khăn vì kinh phí để cưỡng chế hàng trăm công trình này nhẩm tính cũng ngốn không ít tiền bạc từ ngân sách Nhà nước. Theo UBND phường Thanh Trì, quy định hiện hành đối với công trình có cao độ trên 3m phải lập phương án phá dỡ và được cơ quan cấp quận phê duyệt, phải thuê đơn vị tư vấn để lập phương án phá dỡ và chọn đơn vị có năng lực để tiến hành dỡ bỏ các công trình vi phạm để đảm bảo an toàn trong quá trình tổ chức cưỡng chế.

Cũng theo cơ quan này, chỉ mỗi kinh phí thuê đơn vị tư vấn, lập phương án phá dỡ đã là khủng khiếp rồi chứ chưa nói tới các khâu khác. Một thực tế nhỡn tiền nữa là mặc dù quy định là chủ đầu tư phải chịu toàn bộ kinh phí cưỡng chế nhưng trong trường hợp này rất khó thu tiền của đối tượng bị cưỡng chế.

"Kinh phí để thực hiện kế hoạch cưỡng chế các công trình vi phạm là rất lớn trong khi đó ngân sách phường không đảm bảo. Vì vậy đề nghị ban thường vụ quận ủy, UBND quận Hoàng Mai cho ý kiến chỉ đạo, phân bổ ngân sách cho phường để thực hiện kế hoạch, đề xuất xin tiền của phường Thanh Trì”.

Sai phạm y nguyên vì… trây ỳ?!

Dư luận đang hết sức quan tâm chính là việc chính quyền sở tại đang cố trây ỳ không chịu thực hiện việc giải tỏa nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân hợp thức hóa những lô đất này. Đáng nói, trong nhiều văn bản, UBND quận Hoàng Mai không ít lần ra hạn cho các chủ công trình sai phạm thời gian “di cư” để làm thủ tục xin TP. Hà Nội cấp phép dự án trên chính những lô đất này. Mặc dù, mức gia hạn gần nhất là tháng 12/2012, nhưng đến nay tất cả sai phạm của phường Thanh Trì trên lô đất này vẫn... y nguyên.

Vương Trần

Cho thuê trái phép hàng trăm ngàn m2 đất gầm cầu Thanh Trì

Chủ nhật, 19/05/2013 | 11:02
Sau khi Người Đưa Tin phản ánh về "tính mạng" gầm cầu Thanh Trì (Hà Nội) đang bị hàng ngàn bình gas đe dọa, truy tìm nguyên nhân, PV phát hiện, để xảy ra tình trạng trên là do cấp chính quyền sở tại đã cho thuê hàng trăm ngàn m2 đất... trái thẩm quyền.

Gầm cầu Thanh Trì bị đe dọa... 'bức tử'

Thứ 6, 17/05/2013 | 20:35
Từ lâu hàng chục ngàn m2 đất xóm bãi nằm dưới chân cầu Thanh Trì đã trở thành một bãi tập kết với hàng ngàn bình ga. Cầu Thanh Trì đang bị đe dọa tính mạng ngay dưới chân mình mà không hề thấy cơ quan chức năng đến "giải vây"...

'Xẻ thịt' gầm cầu: Hà Nội phớt lờ yêu cầu của bộ GTVT!

Thứ 2, 06/05/2013 | 07:26
Liên quan đến tình trạng "xẻ thịt" gầm cầu, sau sự chậm trễ của TP. Hà Nội, mới đây bộ Giao thông vận tải (GTVT) phải "ra thêm tối hậu thư" đề nghị địa phương này nhanh chóng giải tỏa nạn lấn chiếm gầm cầu.

Thanh tra bộ Giao thông - Vận tải nói 'không' với gầm cầu

Chủ nhật, 14/04/2013 | 14:25
Sau sự cố hàng loạt gầm cầu ở Hà Nội bị "xẻ thịt" do báo Người Đưa Tin phản ánh, Thanh tra bộ GTVT đã vào cuộc và thẳng thắn đề nghị các ban ngành của TP.Hà Nội nhanh chóng chấm dứt tình trạng xâm lấn các gầm cầu hiện nay.

'Xẻ thịt' gầm cầu: Cuộc chiến chưa hồi kết

Thứ 4, 10/04/2013 | 14:14
Hơn một năm trước, câu chuyện "xẻ thịt" gầm cầu lần đầu tiên được dư luận xới lên khi những cây cầu huyết mạch giữa Thủ đô vừa xây xong đã lập tức biến thành bãi đỗ xe, nhà kho, kios bán hàng... Thời điểm đó, báo Người Đưa Tin cũng đi tiên phong trong việc điều tra, phanh phui hành trình "xẻ thịt" gầm cầu trước công luận.