Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ khi tìm cách “hồi sinh” thỏa thuận Biển Đen

Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ khi tìm cách “hồi sinh” thỏa thuận Biển Đen

Thứ 2, 28/08/2023 | 14:23
1
Có khả năng Tổng thống Erdogan sẽ đề xuất sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ làm quốc gia trung chuyển để từ đó ngũ cốc Nga được vận chuyển sang các nước khác.

Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy Nga gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen (BSGI) và coi việc khôi phục thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine – hiện đã hết hiệu lực – là ưu tiên hàng đầu của Ankara.

Quốc gia liên lục địa Á-Âu – đồng thời là một trong những thành viên NATO ở Biển Đen – đang nỗ lực “hồi sinh” thỏa thuận trên với hy vọng có được mức giá nhập khẩu nông sản tốt hơn, đồng thời củng cố hình ảnh của bản thân trên trường quốc tế.

Nỗ lực ngoại giao

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Ukraine trên cương vị Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hakan Fidan hôm 25/8 cho biết, không có giải pháp thay thế khả thi nào cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và việc gia hạn thỏa thuận này là ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, Kiev đang nghiên cứu các tuyến đường thay thế, nhưng cũng khẳng định việc khôi phục hành lang ngũ cốc Biển Đen là giải pháp tối ưu.

Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã nói rằng ông Fidan – nhà ngoại giao hàng đầu của ông, cũng có thể tới Moscow để thảo luận trực tiếp về thỏa thuận này với phía Nga.

Thế giới - Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ khi tìm cách “hồi sinh” thỏa thuận Biển Đen

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong chuyến thăm Kiev, ngày 25/8/2023. Ông Fidan được cho là cũng sẽ tới Moscow để bàn về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ảnh: TRT World

Ngoài ra, cũng có thông tin rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể tới Nga để thảo luận về vấn đề này. Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời người phát ngôn chính phủ Nga nói rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và ông Erdogan đang được chuẩn bị và sẽ diễn ra “sớm”.

TASS cũng dẫn một nguồn tin chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết rằng cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo có thể sẽ được tổ chức tại khu nghỉ mát Sochi nổi tiếng của Nga nằm trên bờ Biển Đen vào ngày 4/9.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen là một trong số ít thành tựu ngoại giao đạt được trong cuộc chiến đang diễn ra kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2/2022.

Trong bối cảnh cuộc chiến làm đình trệ xuất khẩu ngũ cốc từ cả Nga và Ukraine – hai trong số những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, đồng thời đe dọa gây ra thiếu lương thực diện rộng ở các quốc gia dễ bị tổn thương, Liên Hợp Quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian giúp đạt được Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen,

Theo thỏa thuận, Nga cho phép các tàu chở ngũ cốc và các thực phẩm khác rời các cảng Biển Đen của Ukraine đi qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ một cách an toàn.

Đến giữa tháng 7/2023, hơn 1.000 chuyến tàu đã rời cảng Ukraine thành công, vận chuyển gần 33 triệu tấn ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác đến 45 quốc gia. Tuy nhiên, trong tháng đó, Nga đã từ chối gia hạn thỏa thuận trừ khi các yêu cầu của họ được đáp ứng. Đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi thỏa thuận này hết hiệu lực.

Củng cố vị thế

Ông Ozgur Unluhisarcikli, giám đốc văn phòng Ankara của Quỹ Marshall Đức, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua được các sản phẩm nông nghiệp từ Nga và Ukraine với giá tốt hơn nếu thành công trong việc gia hạn thỏa thuận.

Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính trong vài năm, với giá lương thực và các mặt hàng khác tăng mạnh, lạm phát tăng cao và đồng Lira mất giá.

Ông Unluhisarcikli cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm cách gia hạn thỏa thuận vì sự chú ý tích cực mà họ nhận được từ việc đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán trước đó. Điều này đã giúp quốc gia liên lục địa Á-Âu xây dựng hình ảnh một nhà trung gian trên trường toàn cầu.

“Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tăng giá trị, độ tin cậy và tầm quan trọng của mình trong cộng đồng xuyên Đại Tây Dương và đây có thể là một phần của bức tranh rộng lớn hơn trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)”, ông Unluhisarcikli nói.

Thế giới - Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ khi tìm cách “hồi sinh” thỏa thuận Biển Đen (Hình 2).

Tàu treo cờ Thổ Nhĩ Kỳ TQ Samsunhe là con tàu chở ngũ cốc cuối cùng rời cảng Ukraine trước khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sụp đổ. Trong ảnh là con tàu được nhìn thấy ở biển Marmara, Istanbul, ngày 18/7/2023. Ảnh: Daily Sabah

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng việc đạt được thỏa thuận mới có thể không khả thi đối với Thổ Nhĩ Kỳ do Nga yêu cầu phương Tây nhượng bộ.

Trong cuộc điện đàm hôm 2/8, ông Putin nói với ông Erdogan rằng Moscow sẵn sàng quay lại thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen ngay khi phương Tây đáp ứng các nghĩa vụ của mình liên quan đến xuất khẩu nông sản Nga.

Xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga không phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow vì các hành động quân sự ở Ukraine. Nhưng Moscow cho biết những hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm là rào cản khiến hàng hóa của Nga không thể đến các thị trường quốc tế.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường quan hệ trong những năm gần đây. Ankara đã duy trì mối quan hệ với Moscow trong suốt cuộc chiến ở Ukraine và ông Erdogan thường nói chuyện qua điện thoại với ông Putin – người đã ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch tái tranh cử của ông bằng cách cho phép Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn thanh toán khí đốt.

Tái cấu trúc quan hệ

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Vào ngày 17/8, một tàu chở hàng thuộc sở hữu của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hải quân Nga kiểm tra khu con tàu này đang ở khá gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cho biết họ đã cảnh báo Nga tránh những sự kiện tương tự, khiến căng thẳng leo thang ở Biển Đen.

“Chắc chắn có một sự tái cấu trúc nào đó trong mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga”, ông Unluhisarcikli nói.

Ông Kerim Has, một nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Moscow chuyên về quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, đồng ý rằng việc mua được ngũ cốc với giá tốt hơn có thể là một trong những động lực để Ankara thúc đẩy nỗ lực nối lại thỏa thuận trên.

Việc tạo ra một thỏa thuận mới là khả thi, nhưng sẽ phải bao gồm một số nhượng bộ từ các cường quốc phương Tây, một phần vì phía Nga không muốn bị cho là đang tỏ ra quá dễ dàng, ông Kerim Has nói với The Media Line.

Thế giới - Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ khi tìm cách “hồi sinh” thỏa thuận Biển Đen (Hình 3).

Bản đồ cho thấy hành lang ngũ cốc Biển Đen cho phép Ukraine đưa ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác an toàn tới Thổ Nhĩ Kỳ để từ đó tới các thị trường thế giới. Thỏa thuận ngũ cốc đã hết hạn từ ngày 17/7/2023 sau khi Nga ngừng tham gia. Đồ họa: DW

Vị chuyên gia này cho rằng có khả năng ông Erdogan sẽ đề xuất sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ làm quốc gia trung chuyển để từ đó ngũ cốc Nga được vận chuyển sang các nước khác và phương Tây sẽ cân nhắc chấp nhận phương án như vậy.

“Ông Erdogan phải tìm ra công thức mới cho thỏa thuận ngũ cốc”, ông Kerim Has nói. “Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ dựa trên mối quan hệ cá nhân giữa ông Putin và ông Erdogan”.

Ông Kerim Has cho biết, một phần của các cuộc đàm phán có thể sẽ bao gồm việc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý thực hiện thanh toán một số khoản nợ khí đốt cho Nga, được cho là hơn 20 tỷ USD.

Nhà phân tích chính trị đồng ý rằng căng thẳng song phương đã gia tăng, nhưng Nga cũng muốn tránh leo thang.

“Theo tôi, Nga không muốn bất kỳ cuộc đối đầu quân sự trực tiếp nào với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc một quốc gia NATO hay NATO nói chung ở Biển Đen. Bản thân Moscow vốn đang ở trong tình thế khó khăn ở Ukraine rồi”, ông Kerim Has nhận định.

Ukraine có thể gửi thêm ngũ cốc qua Romania, nhưng điều đó sẽ tốn kém hơn, ông nói.

Các nhà lãnh đạo Romania trước đây cho biết họ hy vọng sẽ tăng gấp đôi lượng ngũ cốc Ukraine xuất khẩu qua lãnh thổ quốc gia thành viên EU và NATO này bằng các tuyến đường bộ, đường sắt và đường sông cũng như cảng Biển Đen của nước này.

Vào ngày 18/8, Romania và Ukraine đã ký một thỏa thuận tăng gấp đôi lượng xuất khẩu ngũ cốc của Romania từ 2 triệu lên 4 triệu tấn mỗi tháng. Romania cho biết họ tin rằng họ có thể vận chuyển 60% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine sang các nước khác.

Minh Đức (Theo The Media Line, Reuters)

Ông Putin gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có giúp giảm căng thẳng ở Biển Đen?

Thứ 5, 17/08/2023 | 16:32
Thổ Nhĩ Kỳ trong tình hình hiện tại “không nên làm xáo trộn sự cân bằng hiện có trong khu vực và tạo tiền đề cho một cuộc xung đột tiềm tàng ở khu vực Biển Đen”.

Bên dưới những lớp sóng dữ dội ở Biển Đen

Thứ 3, 15/08/2023 | 15:16
Là một cửa ngõ với phần còn lại của thế giới, Biển Đen có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế to lớn đối với cả Nga - Ukraine và một số quốc gia thành viên NATO.

Nga nói từ nay tàu thuyền không còn an toàn ở Biển Đen

Thứ 3, 18/07/2023 | 10:37
Điện Kremlin tuyên bố rằng khu vực Tây Bắc Biển Đen một lần nữa “tạm thời nguy hiểm” sau khi hành lang xuất khẩu ngũ cốc qua khu vực này khép lại.
Cùng tác giả

Góc nhìn Người Đưa Tin: 10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2023

Thứ 2, 25/12/2023 | 07:15
Xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas, cạnh tranh Mỹ-Trung, bất ổn ở châu Phi... là những sự kiện “tốn nhiều giấy mực” nhất của truyền thông trong năm qua.

Lãi suất cao ở Mỹ gây bất ổn tài chính tại Đông Á mới nổi

Thứ 2, 27/11/2023 | 10:11
Lập trường thắt chặt tiền tệ của Fed đã khiến thị trường chứng khoán ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Hàn Quốc, đi xuống.

3 hướng đi mới để phát triển con người khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Thứ 3, 07/11/2023 | 21:08
Theo UNDP, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với 3 nhóm nguy cơ tồn tại đồng thời, bao gồm các mối đe dọa liên quan đến sự sinh tồn của con người.

Sức hút đầu tư của Pháp – Bài học cho Việt Nam

Chủ nhật, 15/10/2023 | 15:00
Chìa khóa để Pháp đạt được những “dấu son” trên hành trình tái công nghiệp hóa và thu hút đầu tư là cải cách. Đây cũng là bài học giá trị mà Việt Nam có thể học hỏi.

Cải cách giúp ADB biến “hàng tỷ” USD thành “hàng nghìn tỷ”

Thứ 6, 29/09/2023 | 09:31
Để đạt được điều này, huy động nguồn vốn tư nhân sẽ đóng vai trò then chốt.
Cùng chuyên mục

Quân đội Mỹ báo cáo một lính Mỹ bị bắt giữ tại Nga

Thứ 3, 07/05/2024 | 16:19
Trong ngày thứ Hai, Quân đội Mỹ đã báo cáo về việc một binh lính Mỹ bị bắt giữ tại Nga với tội danh thực hiện hành vi tội phạm hình sự.

Thỏa thuận ngừng bắn không chắc chắn, Israel cam kết thực hiện chiến dịch tại Rafah

Thứ 3, 07/05/2024 | 16:14
Thứ Hai, Hamas chấp thuận đề xuất ngừng bắn tại Gaza từ các nhà trung gian. Tuy nhiên, Israel khẳng định, các điều khoản này không phù hợp với yêu cầu của họ.

Nhà máy Uralvagonzavod bàn giao lô xe tăng T-90M mới cho quân đội Nga

Thứ 3, 07/05/2024 | 15:48
Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine, xe tăng T-90M hiếm khi được nhìn thấy ở tiền tuyến, nhưng gần đây Moscow đã tăng cường sản xuất.

Thử thách mới với Nga: Ukraine bắt đầu sử dụng tàu không người lái được trang bị tên lửa R-60/R-73

Thứ 3, 07/05/2024 | 14:00
R-60/R-73 là loại tên lửa không đối không với đầu dẫn nhiệt. Điểm đặc biệt của những tên lửa này là chúng không cần hệ thống quan sát và định vị mục tiêu.

Ông Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, Nga sắp có Chính phủ mới

Thứ 3, 07/05/2024 | 10:32
Sau lễ nhậm chức của Tổng thống Putin, Nga cũng sẽ có Thủ tướng và Chính phủ mới sau khi các ứng cử viên nhận được sự chấp thuận của Quốc hội.
     
Nổi bật trong ngày

Nga vẫn nhập 2.000 linh kiện chiến đấu cơ từ 22 quốc gia, bao gồm Mỹ?

Thứ 2, 06/05/2024 | 06:00
Nga đã chi ít nhất 4 tỷ USD vào thiết bị điện tử cho các mục đích quân sự khác nhau, đặc biệt là bảo trì và sản xuất máy bay chiến đấu.

Nga đáp trả bằng 25 cuộc tấn công, Ukraine tổn thất nặng nề

Thứ 2, 06/05/2024 | 10:00
Nga đã triển khai một loạt cuộc tấn công nhằm vào các vị trí phức hợp công nghiệp và quân sự Ukraine. Lực lượng Kiev đã phải chịu những tổn thất nặng nề.

Chính quyền Israel đột kích văn phòng của Al Jazeera

Thứ 2, 06/05/2024 | 09:36
Một quan chức Israel và một nguồn tin từ Al Jazeera cho biết, chính quyền Israel đã đột kích một phòng khách sạn được Al Jazeera sử dụng làm văn phòng tạm thời.

Thỏa thuận ngừng bắn không chắc chắn, Israel cam kết thực hiện chiến dịch tại Rafah

Thứ 3, 07/05/2024 | 16:14
Thứ Hai, Hamas chấp thuận đề xuất ngừng bắn tại Gaza từ các nhà trung gian. Tuy nhiên, Israel khẳng định, các điều khoản này không phù hợp với yêu cầu của họ.

Công du Pháp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang theo 3 thông điệp

Thứ 2, 06/05/2024 | 11:55
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ 3 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Pháp.