Khi người dân TP.HCM không còn sợ cướp giật

Khi người dân TP.HCM không còn sợ cướp giật

Thứ 4, 06/02/2013 | 11:52
0
Trung tướng Phạm Quý Ngọ đã dành cho Người đưa tin cuộc phỏng vấn xung quanh hoạt động của lực lượng CSCĐ của Bộ tại TP và công tác phối hợp trấn áp tội phạm tại địa bàn TP.HCM.

Tăng cường thêm 1 - 2 trung đoàn CSCĐ

Hà Nội có lực lượng 141, còn TP.HCM có lực lượng tấn công tội phạm gồm 34 tổ CSCĐ phối hợp cùng Cảnh sát giao thông và Cảnh sát hình sự đặc nhiệm không chỉ bắt "nóng" tội phạm cướp giật, trộm cướp, buôn bán ma túy... trên đường phố mà còn tiến hành kiểm tra đối tượng nghi vấn có mang theo vũ khí, hung khí để kịp thời ngăn chặn tội phạm có thể xảy ra. Thưa Trung tướng, ông đánh giá 2 mô hình này như thế nào?

Lực lượng 141 của Hà Nội và lực lượng tấn công tội phạm của TP.HCM có sự tương đồng về chủ trương, kế hoạch do Bộ triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong việc triển khai thực hiện, lực lượng của TP.HCM có khác là có kết hợp với quân đội và kết hợp với lực lượng CSCĐ của Bộ triển khai tại TP.HCM. Chủ trương này của Công an TP. là phù hợp với thực tế khi đây là địa bàn nóng, phức tạp về tội phạm so với các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Xã hội - Khi người dân TP.HCM không còn sợ cướp giật

Thứ trưởng bộ Công an tặng quà cho lực lượng CSCĐ của Bộ.

Định hướng nhiệm vụ của các lực lượng Công an TP. trong hoạt động trấn áp tội phạm tại địa bàn trong thời gian tới?

Công an TP. cần phải tổ chức sơ kết nghiêm túc về việc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an trong việc đánh mạnh, đánh trúng, đánh thắng vào bọn tội phạm hình sự. Các lực lượng của Công an TP. phải tăng cường tuần tra, kiểm soát vũ trang vào buổi trưa, nhập nhoạng tối và đêm khuya. Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ Công an TP. thêm vài trăm CSCĐ nữa nhưng Công an TP. phải làm tốt công tác nắm bắt tình hình an ninh trận tự xã hội trên địa bàn. Công an TP. phải xác định các đối tượng, địa bàn trọng điểm để trao đổi với lực lượng CSCĐ lên kế hoạch tuần tra, kiểm soát. Đặc biệt, là phải tăng cường trấn áp các loại tội phạm ở các tuyến đường trọng điểm, tuần tra vào ban đêm. Các lực lượng của Công an TP. và lực lượng CSCĐ của Bộ phải gác trước và sau Tết Nguyên đán cho người dân vui chơi tết...

Tại một số địa bàn thuộc khu vực nội thành TP.HCM vẫn còn xảy ra tình trạng cướp giật, trộm cắp tài sản. Trong thời gian tới, Bộ có tính toán tăng cường thêm lực lượng CSCĐ ở khu vực này hay không?

Bộ sẽ tăng cường thêm lực lượng CSCĐ, có thể tăng 1 - 2 trung đoàn, tăng bao nhiêu cũng có nếu cần thiết. Tôi đã trao đổi với lãnh đạo Công an TP.HCM, nếu thiếu Bộ sẽ tăng cường thêm sao cho đủ lực lượng tuần tra, kiểm soát 24/24 tại địa bàn TP.HCM, quyết tâm không để nạn cướp giật hoành hành trên đường phố nữa. Bên cạnh đó, để nhiệm vụ của lực lượng công an được tốt hơn, người dân TP. cũng phải hỗ trợ lực lượng công an bằng cách đề cao tinh thần cảnh giác, nhằm đảm bảo tài sản, tính mạng của mình. Ngoài ra, để công cuộc trấn áp tội phạm đạt hiệu quả cao nhất, lực lượng công an cần phải hợp tác, phối hợp với các lực lượng khác như quân đội, dân phòng, bảo vệ tổ dân phố và tất cả các cơ quan, đoàn thể...

Xã hội - Khi người dân TP.HCM không còn sợ cướp giật (Hình 2).

Trung tướng Phạm Quý Ngọ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với CA TP.HCM.

Người dân yên tâm, CSCĐ mới rút

Thực tế cho thấy, các lực lượng của Công an TP.HCM và lực lượng CSCĐ của Bộ sau khi triển khai nhiều kế hoạch trấn áp tội phạm thu được nhiều kết quả. Trong thời gian tới, có nhiều khả năng các đối tượng cướp giật, trộm cắp sẽ chuyển về hoạt động tại các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Trước tình hình này, Bộ có kế hoạch gì chuẩn bị cho tình huống?

Như tôi đã nói trong buổi làm việc với Ban lãnh đạo Công an TP.HCM, khu vực này là mảnh đất màu mỡ để tội phạm phát triển. Bộ đã dự đoán khả năng có thể xảy ra thời gian tới nên đã chỉ đạo Công an TP. tham mưu cho UBND TP. tổ chức Hội nghị phòng chống tội phạm giữa các lực lượng Công an TP.HCM với lực lượng công an, chính quyền các tỉnh giáp ranh. Chỉ đạo trên là kế hoạch phối hợp vô cùng quan trọng, có tính chất trọng điểm trong việc phối hợp liên hoàn giữa Công an TP.HCM và các tỉnh khác để giải quyết về vấn đề này. Bên cạnh đó, lực lượng công an các địa phương phải chủ động lên phương án, đón lõng tội phạm để xử lý. Trước tình huống này, Bộ cũng đề nghị nếu công an địa phương nào cần phải tăng cường lực lượng CSCĐ thì lãnh đạo Bộ sẽ sẵn sàng đáp ứng để việc tuần tra, trấn áp tội phạm đạt hiệu quả cao nhất.

Trung tướng cho rằng việc tuần tra, kiểm soát thường xuyên  các điểm nóng về tội phạm tại TP.HCM là điều cần thiết?

TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, đặc biệt nơi đây có hàng loạt cơ quan, xí nghiệp nằm ở khu vực ngoại thành. Đặc thù này khiến người dân thường đi làm về khuya nên việc trên đường phố, đặc biệt là ở các điểm nóng về tội phạm luôn có bóng dáng lực lượng công an sẽ giúp người dân yên tâm hơn khi ra đường. Bên cạnh đó, lực lượng công an phát động chiến dịch toàn dân thực hiện việc tố giác tội phạm. Từ việc làm này, các lực lượng công an sẽ lần vào các băng nhóm tội phạm, hang ổ của tội phạm và các đối tượng cầm đầu các băng nhóm này. Chỉ có như vậy, các băng nhóm này như rắn mất đầu. Như vậy các hoạt đông tội phạm sẽ không còn các đối tượng đàn anh, đàn chị lãnh đạo, cầm đầu nữa. Trước trách nhiệm đem lại bình yên cho cuộc sống của người dân, bộ Công an quyết tâm sẽ đem lại cuộc sống bình yên cho người dân TP.HCM.

Nhiều người dân TP. cho rằng  lực lượng CSCĐ của Bộ phối hợp với lực lượng Công an TP. triển khai tuần tra, kiểm soát chặt địa bàn thì các đối tượng tội phạm không có đất sống, nhưng khi các lực lượng này không kiên trì thực hiện việc tuần tra, kiểm soát thì tội phạm lại hoạt động trở lại. Bộ Công an dự kiến lực lượng CSCĐ của Bộ sẽ làm nhiệm vụ đến khi nào?

Tôi đã nhấn mạnh nhiều lần về vấn đề này, trong đợt ra quân lần này không phải giải quyết triệt để tình hình tội phạm trong thời điểm trước tết và sau tết. Chúng ta phải đánh tội phạm tới chừng nào không còn tội phạm, người dân yên tâm ra đường, dây chuyền, điện thoại không sợ bị cướp thì lực lượng CSCĐ của Bộ mới rút quân. Trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, chúng ta phải gác cho nhân dân vui chơi. Lực lượng công an TP. phải lấy niềm vui của nhân dân làm niềm vui của mình. Đây là trách nhiệm của lực lượng công an, vì thế không thể làm qua loa được. Trong việc thực hiện triệt phá tội phạm, chúng ta phải xác định đây là nhiệm vụ mang tính dài hơi, kéo dài liên tục, chỉ khi nào tội phạm tại TP.HCM và tội phạm các nơi đến TP.HCM không còn đất sống, không thể hoạt động thì lực lượng CSCĐ của Bộ mới đồng ý cho rút quân.

Xin cảm ơn Trung tướng!

Hoạt động tuần tra bí mật sẽ được triển khai

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Công an TP.HCM, Đại tá Nguyễn Thanh Bảnh, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ (bộ Công an phía Nam), cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi đã thành lập 3 chốt lực lượng CSCĐ ở khu vực cầu vượt An Sương (quận 12), vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và cầu Bộ Đội (huyện Hóc Môn) để đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội tại các điểm nóng về tội phạm này. Bên cạnh đó, lực lượng CSCĐ còn thành lập 19 tổ có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại nhiều điểm nóng về tội phạm trên địa bàn. Từ khi triển khai lực lượng, lực lượng CSCĐ chỉ thực hiện tuần tra, kiểm soát công khai, phát hiện hàng loạt đối tượng có biểu hiện nghi vấn, xử lý và thu giữ nhiều hung khí của các đối tượng. Thời gian tới, lực lượng CSCĐ sẽ đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát công khai và sẽ triển khai tuần tra, kiểm soát bí mật để việc triệt phá tội phạm đạt hiệu quả cao nhất".

 Tiến Dũng - Thanh Thắng (thực hiện)

Tổ chức khen thưởng nhà báo chống tội phạm

Chủ nhật, 13/01/2013 | 09:24
Như chúng tôi đã đưa tin, chỉ trong vòng 1 tháng, phóng viên báo Người đưa tin đã 3 lần truy đuổi, buộc những tên trộm chuyên nghiệp ở Nghệ An và Hà Tĩnh phải sa lưới.

‘Kinh hoàng ở nơi tưởng không có bóng dáng tội phạm’

Thứ 3, 08/01/2013 | 09:10
Theo nhà văn trinh thám Di Li, ở đô thị, tình trạng vô cảm với đồng loại cao hơn nông thôn, ở nông thôn không như vậy. Chị báo động: tội phạm dã man, rùng rợn hiện nay không loại trừ tầng lớp trí thức. ‘Thú thật là tôi kinh hoàng quá, không dám đọc những tin tức như thế’.

Tội phạm nảy sinh do 'vô trách nhiệm'

Thứ 2, 07/01/2013 | 16:25
'Đừng trách ai cả khi nhìn thấy cướp mà không ai ngăn chặn, mà lờ đi. Hãy trách chính chúng ta vì sợ mất thời gian và sợ phiền hà'

Tội phạm & trách nhiệm của Nhà nước

Thứ 7, 05/01/2013 | 11:25
Tiến sỹ Trần Đình Triển phân tích nguyên nhân của tội phạm có tính dã man, rùng rợn trong thời gian qua.