Văn hóa ngập ngừng

Văn hóa ngập ngừng

Văn Công Hùng
Thứ 2, 04/03/2024 | 07:00
20
Người Tây Nguyên rất yêu và có năng khiếu âm nhạc, nhất là chiêng, nhưng tới một lúc, người ta phát hiện, nếu có một cây ghi ta chẳng hạn, thì tiện hơn chiêng, bởi chỉ một người có thể chơi được, chứ chiêng là phải đông người, là phải có không gian.

Tuần qua nhiều báo đưa tin cái chương trình “cồng chiêng cuối tuần, thưởng thức và trải nghiệm” do một số anh em yêu và am hiểu văn hóa ở Pleiku, ban đầu là tự phát, sau rồi sở Văn hóa có tham gia bằng cách góp ít tiền từ ngân sách, phải ngừng vì... hết tiền khiến nhiều người tiếc nuối.

Tôi cũng là người biết và ủng hộ anh em làm chương trình này từ đầu. Họ đã nghĩ ra một cách làm khả dĩ nhất có thể trong hoàn cảnh thực tại để giữ gìn và quảng bá cồng chiêng tới công chúng.

Chúng ta đều biết, cồng chiêng chỉ và luôn gắn với buôn làng. Tất cả hoạt động của các chủ nhân buôn làng Tây Nguyên ấy đều phải có chiêng. Hai món không thể thiếu là chiêng và rượu cần, tôi chưa thấy hoạt động nào mà thiếu hai món này. Con người (Tây Nguyên) từ khi sinh ra tới khi mất đi, tới tận lễ bỏ mả (pơ thi) đều có chiêng đồng hành.

Và vì con người chỉ sống ở làng nên chiêng cũng chỉ gắn với không gian làng. Cái không gian làng Tây Nguyên ấy (gồm làng, rừng, cõi ma...) chính là không gian văn hóa cồng chiêng mà Unessco từng công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, chứ không phải là trần sì những bộ cồng chiêng. Nó là toàn bộ không gian sống của người Tây Nguyên.

Nhưng rồi không gian làng thay đổi, từ thay đổi từ từ, rón rén, dần dần, tới thay đổi khốc liệt do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Sự thay đổi theo quy luật cũng có mà do cả chính sách cũng có. Thế nên ngay ở làng Tây Nguyên ấy, cái không gian bị thu hẹp, nhu cầu sử dụng ít hơn, đã có thời chiêng được mang bán đồng nát, làm máng cho lợn ăn.

Người Tây Nguyên rất yêu và có năng khiếu âm nhạc, nhất là chiêng, nhưng tới một lúc, người ta phát hiện, nếu có một cây ghi ta chẳng hạn, thì tiện hơn chiêng, bởi chỉ một người có thể chơi được, chứ chiêng là phải đông người, là phải có không gian. Tín ngưỡng cũng thay đổi, mà thay đổi rõ nhất là ở hệ thống nhà mồ... vai trò của chiêng bị thu hẹp...

Nên nhà nước bèn lại hô hào giữ gìn cồng chiêng. Có thời người ta còn mua cho mỗi làng một bộ cồng chiêng để... bảo tồn. Nhưng nó cũng không hợp lý, bởi chiêng nó còn là tài sản riêng của từng gia đình, và được giữ gìn rất kỹ chứ không phải bạ ai cũng chơi được, chưa kể món chất lượng chiêng nhà nước mua như thế nào nữa...

Những anh em làm “cồng chiêng cuối tuần” rất hiểu những điều ấy, nhưng chẳng lẽ bó tay.

Thời may, ở cái quảng trường trên thành phố Pleiku ấy, có một góc nhiều cây. Họ dựng ở đấy một cây nêu, thế là nó gần giống một góc ở làng, có bãi cỏ, có cây giống rừng... và về làng lần lượt mời bà con lên chơi ở đấy. Ở làng chơi như thế nào lên đây cứ thế mà chơi, không sân khấu, không tăng âm đèn màu, không thi thố không giám khảo như các cuộc gọi là liên hoan hoặc festival cồng chiêng.

Một cách giữ gìn, trao truyền và cả quảng bá cồng chiêng hợp lý nhất có thể.

Và họ phải đi tìm kinh phí.

Một số người cũng yêu văn hóa dân tộc hùn vào với họ. Họ có chút tiền để mỗi thứ bảy cuối tuần về một làng mời một nhóm nghệ nhân lên chơi chiêng.

Và rất đông du khách thích thú với hoạt động này. Ngoài tiền cứng bồi dưỡng và chi phí cho bà con đi lại, mỗi đêm du khách ủng hộ trực tiếp cũng được vài ba triệu để bà con vui. Từ cuối tháng 2 năm 2022 tới tháng 7 năm 2023 là tiền xã hội hóa, nôm na là do số anh em này đi xin. Từ tháng 7 năm 2023 tới gần cuối năm là do sở Văn hóa trích ngân sách hỗ trợ.

Giờ hết tiền, thì phải nghỉ.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, một nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên và rất yêu nền văn hóa ấy viết trên trang cá nhân: “Xin hãy cho phép tôi được thay mặt tất cả anh em làm công việc trực tiếp và những người có liên quan đến Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức & Trải nghiệm xin lỗi bà con và toàn thể du khách, những người yêu văn hóa Gia Lai, Tây Nguyên.

Chúng tôi hiểu mình đã phụ lòng tốt của mọi người. “Thương hiệu” Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức & Trải nghiệm” này có được là do tấm lòng thương yêu của hàng chục ngàn bà con khán giả, hàng vạn du khách gần xa và rất đông anh chị em báo chí truyền thông hỗ trợ dành cho.

Chúng tôi hiểu sự gián đoạn của một sinh hoạt văn hóa ít nhiều đã trở thành thói quen ở nơi này sẽ khó khăn như thế nào, nếu muốn khởi động trở lại.

Chúng tôi thực sự thấy mình đã bất lực và buồn khổ cỡ nào, khi từ hôm nay, những tấm biển quảng cáo cho Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức & Trải nghiệm chính thức trở thành lạc lõng và không trung thực, vì trên đó vẫn ghi rằng hoạt động luôn diễn ra vào tối “thứ 7 hằng tuần”...”...

Cũng nói thêm, từ khi kinh phí ngừng cấp thì nhóm bạn này đã vay mượn cá nhân để tiếp tục “kéo dài” trong thoi thóp hoạt động này tới hơn một trăm triệu nữa trước khi chính thức ngừng hoạt động.

Thực ra thì, nhiều người, có tôi, từng xôn xao việc bộ Văn hóa “xin” một ngàn năm trăm tỉ để chấn hưng văn hóa. Qua việc này càng thấy rõ ràng, với văn hóa, không thể dùng tay không và tấm lòng để làm việc. Nó phải có tiền, và tri thức, sự hiểu biết để làm.

Vấn đề là, làm gì?

Rất nhiều phim nhà nước đặt hàng làm xong rồi... cất. Băng rôn khẩu hiệu rực đường mấy ai đọc được hết. Nhiều “công trình nghiên cứu” tiêu xong tiền thì đắp chiếu vân vân. Ngay ở Gia Lai, nơi có hoạt động cồng chiêng mà tôi đang viết đây giờ đi ngoài đường thấy rất nhiều khẩu hiệu băng rôn các loại ở dưới ghi “Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San” thực hiện. Nó là kết quả của việc nhập cơ học Nhà hát ca múa nhạc Đam San vào Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Du lịch tỉnh Gia Lai, cái trung tâm trước đấy mang chức năng thông tin cổ động có đội thông tin lưu động. Cũng như thế ở một số tỉnh các đoàn nghệ thuật nhập chung lại với nhau thành nhà hát truyền thống khiến chúng cứ lộn tùng phèo lên, chất chuyên nghiệp mất hết, anh này là nghiệp dư của anh kia.

Tất nhiên cũng không thể phủ nhận việc hoạt động không hiệu quả của các nhà hát, đoàn nghệ thuật của các tỉnh trước khi sáp nhập. Nhưng nhẽ ra tìm cách cho nó hoạt động hiệu quả thì, nhanh nhất, dễ nhất và cũng... ít hiệu quả nhất, sáp nhập chúng lại.

Cũng như thế là việc cổ phần hóa hãng phim truyện mà giờ gỡ mãi vẫn chưa xong.

Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, người có sách lọt vào cuộc bình bầu 10 cuốn sách hay năm 2023 viết trên trang cá nhân “Cuối năm 2023, Bộ VH - TT - DL tổ chức lễ vinh danh các văn nghệ sỹ tiêu biểu và 10 cuốn sách tiêu biểu của năm, phạm vi là toàn quốc. Tức, đây là hoạt động mang tầm quốc gia. Và trên thực tế thì hoạt động quảng bá cho nó cũng như sự viral của nó trong đời sống cũng mang tầm quốc gia luôn.

Nhưng rốt cuộc là sao? Một buổi lễ rất hoành tráng diễn ra ở Bắc Giang, có truyền hình trực tiếp, những nghệ sỹ và tác giả được vinh danh từ khắp nơi trên cả nước đổ về - tiền tàu xe tự chịu, ban tổ chức chỉ lo ăn ở, chắc cũng nhờ địa phương thôi - mỗi người nhận một cái kỷ niệm chương, chấm hết. Tôi đồ rằng không ít người chưng hửng: ít ra, người ta mong một món thưởng đủ để trang trải tiền đi lại, nhất là những người ở xa, chẳng hạn thế. Nhưng tuyệt nhiên không. Thật tội nghiệp...”.

Tôi đặt tít “Văn hóa ngập ngừng” là vì thế.

Trở lại việc chương trình “cồng chiêng cuối tuần” ở Gia Lai ngừng hoạt động, tôi cho là, sau này mà “đột nhiên” nó có thể hoạt động trở lại thì cũng sẽ rất khó khăn. Vạn sự khởi đầu nan, họ đã khởi đầu được rồi, nhóm lửa được rồi, giờ tắt ngúm, việc khởi động lại, nếu có, là hết sức khó khăn...

Một số hình ảnh chương trình “Cồng chiêng cuối tuần”:

Đa chiều - Văn hóa ngập ngừng
Đa chiều - Văn hóa ngập ngừng (Hình 2).
Đa chiều - Văn hóa ngập ngừng (Hình 3).
Đa chiều - Văn hóa ngập ngừng (Hình 4).

Về một “bí mật” của văn học nghệ thuật hiện nay

Chủ nhật, 03/03/2024 | 11:07
Trong đời sống của chúng ta, trong thế giới rộng lớn nói chung, luôn có những điều mà không ai có thể cắt nghĩa được một cách rốt ráo.

Một đô thị, hai ứng xử

Thứ 3, 27/02/2024 | 08:54
Hai kiểu ứng xử này xuất hiện gần như cùng lúc với sự hình thành của đô thị, và chúng cứ song song tồn tại trong suốt trường kỳ lịch sử, thậm chí đến tận ngày hôm nay.

Những chuyện trên đường chỉ còn trong ký ức

Thứ 2, 26/02/2024 | 07:00
Hôm trước viết bài về hai con đèo đang được/ bị cải tạo cho mất chất đèo, chỉ còn dốc, tôi nhắc đến cục căn.
Cùng tác giả

Nhà văn và Nhân vật

Thứ 2, 29/04/2024 | 07:00
Lịch sử văn chương Việt Nam đã chứng kiến một hiện tượng rất lạ, ấy là một nhân vật văn học đã tồn tại cùng với tác phẩm mà mình là nhân vật chính hàng hơn nửa thế kỷ, một tác phẩm nổi tiếng và nhân vật cũng nổi tiếng.

Chuyện bảo tồn văn hóa và du lịch

Thứ 6, 26/04/2024 | 07:00
Thay vì nhà nước bỏ tiền ra để “giữ gìn, phát huy bản sắc” thì doanh nghiệp làm và người dân được thể hiện chính mình.

Dr Thanh, nhắc lại và nhớ

Thứ 4, 24/04/2024 | 07:00
Trong chúng ta chắc chả ai là không biết, không nghe, ít nhất một lần, cái tên Dr Thanh.

Sông miền Tây ký ức và hiện tại...

Thứ 2, 22/04/2024 | 07:00
Tôi đang được đi một chuyến dọc sông Tiền trên con tàu du lịch 5 sao nổi tiếng La Marguerite, và nghe và ngẫm và thấy nhiều chuyện hay.

Thành cổ tháng Tư này

Thứ 6, 19/04/2024 | 07:00
Giữa tháng Tư, chúng tôi ra viếng thành cổ và thăm một số di tích lịch sử của tỉnh Quảng Trị.
Cùng chuyên mục

Nhà văn và Nhân vật

Thứ 2, 29/04/2024 | 07:00
Lịch sử văn chương Việt Nam đã chứng kiến một hiện tượng rất lạ, ấy là một nhân vật văn học đã tồn tại cùng với tác phẩm mà mình là nhân vật chính hàng hơn nửa thế kỷ, một tác phẩm nổi tiếng và nhân vật cũng nổi tiếng.

Có bao giờ bạn nghĩ: Nhiều kiến thức cũng là hạnh phúc?

Thứ 7, 27/04/2024 | 07:00
Quả thật, tôi không dám nghĩ, nếu mình bị tai nạn như người tài xế kia, thì cuộc đời sẽ đi về đâu? Đúng là sinh nghề tử nghiệp. Mấy ai chọn lựa được số mệnh của mình.

Chuyện bảo tồn văn hóa và du lịch

Thứ 6, 26/04/2024 | 07:00
Thay vì nhà nước bỏ tiền ra để “giữ gìn, phát huy bản sắc” thì doanh nghiệp làm và người dân được thể hiện chính mình.

Có về đây sống được không?...

Thứ 5, 25/04/2024 | 07:00
Trong kỳ nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa rồi, tôi có cùng vợ về quê. Vợ tôi là người Nùng, quê Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Một huyện giáp biên giới Trung Quốc, nơi có Thác Bản Giốc nổi tiếng.

Dr Thanh, nhắc lại và nhớ

Thứ 4, 24/04/2024 | 07:00
Trong chúng ta chắc chả ai là không biết, không nghe, ít nhất một lần, cái tên Dr Thanh.
     
Nổi bật trong ngày

Nhà văn và Nhân vật

Thứ 2, 29/04/2024 | 07:00
Lịch sử văn chương Việt Nam đã chứng kiến một hiện tượng rất lạ, ấy là một nhân vật văn học đã tồn tại cùng với tác phẩm mà mình là nhân vật chính hàng hơn nửa thế kỷ, một tác phẩm nổi tiếng và nhân vật cũng nổi tiếng.