Chi ngàn tỷ người dân vẫn... 'bơi' giữa phố

Chi ngàn tỷ người dân vẫn... 'bơi' giữa phố

Thứ 2, 12/08/2013 | 14:25
0
Mưa kéo dài do ảnh hưởng của bão số 6, hàng loạt tuyến phố của thủ đô Hà Nội lại ngập chìm trong nước. Tại nhiều tuyến phố, người dân phải sử dụng thuyền để di chuyển, nhiều người còn tranh thủ đánh cá ngay trên phố đã tái hiện trận lụt lịch sử năm 2008.

Cứ mưa là ngập, điệp khúc đó đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Hà Nội đã từng chi hàng nghìn tỷ đồng trong các dự án để giải quyết vấn đề thoát nước, để rồi giờ đây người dân vẫn phải "sống chung với lũ" mỗi khi mùa mưa tới.

Mưa dữ dội, phố biến thành sông

Loanh quanh qua nhiều tuyến phố để chạy "giặc nước" nhưng vẫn không thoát, nhiều người phải liều mình cho xe phi xuống "phố sông" để kịp giờ đi làm là tình hình chung trong sáng 9/8. Sau hơn 10 giờ mưa to liên tục, rất nhiều tuyến phố ở Hà Nội đã chìm ngập trong nước, có những nơi ngập sâu tới gần 1m. Phố ngập, đường biến thành sông, người dân rất khó khăn để tìm đường về nhà hoặc tới công sở.

Thông tin từ công ty thoát nước Hà Nội, trong ngày 8/8 liên tục xảy ra mưa to, lượng mưa đến 80mm liên tiếp trong 2giờ khiến nhiều tuyến phố từ ngoại thành đến nội đô trên địa bàn Hà Nội bị ngập úng, giao thông của người dân gặp không ít khó khăn. Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng úng ngập tại các "điểm đen" trên địa bàn thành phố không mấy cải thiện. Các tuyến đường Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Vũ Trọng Phụng ngập sâu trong nước. Phương tiện giao thông di chuyển trên những tuyến đường này bì bõm, gây chết máy nhiều ôtô, xe máy.

Hà Nội nên có kỹ sư trưởng

Ông Phạm Sỹ Liêm khẳng định: Tôi cho rằng, trong việc này, số tiền thất thoát thì chưa rõ (cần có điều tra, kiểm toán vào cuộc) nhưng lãng phí đã hiện hữu vì chi tiền nhiều nhưng hiệu quả ít. Tôi nghĩ Hà Nội nên có một kỹ sư trưởng để thống nhất, đồng bộ trong xây dựng  hạ tầng, tổ chức kết nối các dự án với nhau.

Hai tuyến đường Nguyễn Xiển và Phạm Văn Đồng trở nên ngập sâu. Nhiều hầm đường bộ xuyên qua tuyến đường này phải đóng cửa vì bị ngâm nước. Hệ thống thoát nước của tuyến đường Nguyễn Xiển đến Phạm Hùng chưa hề được cải thiện. Nhiều tuyến phố nằm ngay tại trung tâm thành phố, các phương tiện không tránh khỏi cảnh bì bõm lội nước. Đặc biệt, các trận mưa liên tiếp đã gây úng ngập tại nhiều tuyến phố cổ như: Phố Tạ Hiện, phố Hàng Bạc, Quán Thánh... Khu vực Hồ Gươm, nước dâng ngập tràn ra đường gây khó khăn cho các phương tiện giao thông khi qua đây.

Sáng 9/8, có mặt tại nhiều tuyến phố từ sáng sớm, cảnh giao thông hỗn loạn do đường phố ngập nước, thậm chí là ngập sâu rất phổ biến. Trên đường vành đai 3 (Phạm Hùng), nước ngập kéo dài từ ngã tư Khuất Duy Tiến đến gần hết đường Phạm Văn Đồng. Nước ngập sâu, các phương tiện hầu như không thể di chuyển, nhiều xe máy "liều mình" phi xuống dòng nước để đi làm đã bị chết máy. Hết cách, nhiều người mạo hiểm chạy xe thẳng lên đường cao tốc trên cao (vốn chỉ dành cho ô tô) để tìm đường đi làm. Nhưng tại các ngã rẽ xuống đường Phạm Hùng đều bị ngập nước nên đành phải quay lại. Tại toà nhà cao nhất Việt Nam (Keangnam) nước ngập bao quanh, hàng ngày taxi, ô tô nối đuôi nhau đậu quanh khu vực này, nhưng do nước ngập sâu, lái xe taxi đã "di tản" khỏi khu vực này vì sợ chết máy.

Theo đánh giá của công ty thoát nước Hà Nội, hiện các hồ điều hòa đã đầy nước và mực nước trên hệ thống vẫn ở mức cao, nếu diễn biến thời tiết tiếp tục mưa có khả năng sẽ gây úng ngập nhiều khu vực của thành phố. "Lượng mưa chưa lớn như năm 2008 nhưng nếu mưa tiếp tục kéo dài thì việc ngập úng xảy ra nhiều nơi. Hiện công ty tiếp tục tổ chức lực lượng ứng trực tại hiện trường, tiếp tục vận hành trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác để hạ mực nước đệm trên hệ thống để chủ động đối phó với đợt mưa tiếp theo", ông Nguyễn Lê, tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội cho biết.

Xã hội - Chi ngàn tỷ người dân vẫn... 'bơi' giữa phố

TS Phạm Sỹ Liêm "đầu tư thoát nước vẫn lãng phí và chưa hiệu quả".

Thiếu đồng bộ, chỉ giải quyết phần ngọn

Đầu mùa mưa bão, trong cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, tổng giám đốc Nguyễn Lê đã khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Việc thoát nước khu vực nội thành Hà Nội đã được kiểm nghiệm tốt sau cơn bão số 2". Có khẳng định này, vì mới đây thôi Hà Nội đã công bố nghiệm thu giai đoạn 2 dự án thoát nước Hà Nội. Dự án này được phê duyệt từ năm 1995 và chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành năm 2005, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng (180 triệu USD). Giai đoạn II bắt đầu từ năm 2006, dự kiến kết thúc vào năm 2013, với tổng mức đầu tư trên 6.300 tỷ đồng (tương đương 370 triệu USD) vay vốn ODA của Nhật Bản.

Nhưng tới cơn bão số 6 vừa qua, lượng mưa cũng không lớn lắm thì "cái tốt" đã được người dân nhìn thấy rõ ràng. Tuy nhiên, theo kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, thành phố Hà Nội phải cần trên 14.000 tỷ đồng để thực hiện 13 dự án thoát nước đô thị. Mặc dù đã nghiệm thu các công trình thoát nước như trạm bơm Yên Sở, nạo vét sông, hồ, mương dẫn nhưng nước vẫn dâng lên ngập phố sau mỗi trận mưa, (lượng nước mới chỉ ở mức 80mm). Một số chuyên gia cho rằng, hệ thống thoát nước của Hà Nội chưa đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả cho dù số tiền đầu tư cho công việc này không nhỏ.

Xã hội - Chi ngàn tỷ người dân vẫn... 'bơi' giữa phố (Hình 2).

 Những ngày qua, người dân Thủ đô phải "sống chung với lũ".

Hiện nay, không phải toàn thành phố Hà Nội bị ngập khi trời mưa mà chỉ ngập cục bộ một số điểm, một số khu vực. Từ thực tế này, ông Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: "Công ty thoát nước Hà Nội đã đếm các điểm đen, nắm được số lượng các điểm ấy khi lượng mưa xuống là bao nhiêu. Tôi nhớ cách đây mấy năm đã là hơn 50 điểm ngập úng mỗi khi có mưa, rồi thì khắc phục dần dần. Hiện nay tôi không biết là bao nhiêu điểm, nhưng chắc không phải là ít. Xét ở một số góc độ thì việc giảm được các điểm ngập úng cũng là một sự cố gắng nhất định của cơ quan chức năng nhưng cố gắng ấy vẫn chưa đủ. Để giải quyết triệt để vấn nạn này cần phải có một cơ quan có tầm nhìn tổng quát hơn về thoát nước của Hà Nội chứ không phải chỉ là cái nhìn cục bộ của ngành thoát nước thành phố".

Từ những lần ngập đường phố sau mỗi trận mưa bão khiến các chuyên gia, dư luận nghi ngờ dòng tiền đầu tư cho dự án thoát nước chưa thực sự hiệu quả. "Đầu tư nhiều tiền nhưng vẫn không giải quyết tận gốc được vấn đề, cũng có nhiều ý kiến về việc thất thoát trong đầu tư hoặc đầu tư không hiệu quả", ông Liêm nói. 

Ông Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: "Mặc dù có nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề thoát nước của thành phố, tuy nhiên Hà Nội vẫn không thể chủ quan bởi nhìn chung hệ thống này còn yếu, nếu mưa lớn và với cường độ mạnh hơn cơn bão số 6 vừa qua thì khả năng ngập úng như năm 2008 vẫn có thể xảy ra. Việc chống úng không thể trông chờ vào các giải pháp tình thế, mà cần có sự đầu tư đồng bộ để có được sự an toàn cho người dân".                     

Cách làm ngược?

TP. Hà Nội có 2 giai đoạn nhận vốn ODA của Nhật để giải quyết vấn đề thoát nước. Giai đoạn một tập trung vào làm thoát nước Yên Sở, nạo vét 5 con sông trong nội thành, kè bờ, làm đường hai bên bờ sông. Nhưng theo nhiều chuyên gia, Hà Nội mới chỉ cải tạo "cái đuôi" của hệ thống thoát nước mà không chú trọng đến đoạn đầu. Nghĩa là lúc mưa xuống, nước không có cống dẫn ra các con kênh, mương thì ngập úng cục bộ là đương nhiên. Nhưng có điều, tại sao người ta lại hăng hái làm từ đuôi làm ngược lên đầu mà lại không làm từ đầu xuôi xuống? Nhiều ý kiến cho rằng, vì làm kênh thì dễ, nạo vét kênh thì dễ, không phải giải phóng mặt bằng, cứ việc đưa máy móc ra làm. Còn nếu làm trong phố thì phải đào bới, thậm chí là động chạm đến giải phóng mặt bằng rất tốn kém. Cho nên họ chọn phần dễ để làm trước. Sau khi xong giai đoạn I, TP. sẽ cải tạo, làm mới những con mương và bắt đầu làm hệ thống cống ngầm. "Nhưng tôi chắc rằng sự thông thoát của hệ thống mương vẫn không đảm bảo, cho nên mưa xuống vẫn chưa thể chảy nhanh được, không phải tất cả nhưng nhiều nơi thoát nước vẫn rất kém", một chuyên gia nói.

Minh Khánh- Quốc Triều

Thanh Hóa: Cây sưa cổ thụ bị đốn hạ trong đêm mưa bão

Thứ 6, 09/08/2013 | 08:19
Đêm 7/8, lợi dụng lúc bão Mangkhut đổ bộ, đường phố mất điện, kẻ gian đã cưa cây sưa hàng chục năm tuổi trên phố Cao Thắng, thành phố Thanh Hóa.

47 người Philippines mất tích trong siêu bão Utor

Thứ 2, 12/08/2013 | 11:17
Quan chức Philippines cho biết, siêu bão Utor gần phía đông bắc nước này đã khiến ít nhất 47 ngư dân mất tích và hơn 7.500 hành khách bị kẹt lại các bến tàu.

Bão Utor vào biển Đông, miền Bắc đón gió Đông Bắc, mưa rào

Thứ 2, 12/08/2013 | 09:30
Theo dự báo, từ ngày 12/8 thời tiết trên phạm vi cả nước có mưa rào và dông nhiều nơi. Riêng miền Bắc có gió đông bắc cấp 2, cấp 3.

Cảnh hoang tàn, ngập nước sau bão số 6

Thứ 5, 08/08/2013 | 14:54
Quét qua Thanh Hóa chỉ vài tiếng, bão số 6 (Mangkhut) đã khiến nhiều nhà bị tốc mái, hàng trăm cây xanh gãy đổ. Đến sáng nay (8/8), tình trạng mất điện vẫn chưa được khắc phục do nhiều đường điện bị đứt.

Đi xem bão số 6, bị sóng biển cuốn trôi

Thứ 4, 07/08/2013 | 21:01
Việc người dân Hải Phòng đổ xô đi… xem bão mỗi khi bão về đã không còn là chuyện hiếm ở địa phương này. Vào khoảng 16h30’ chiều nay 7/8, một thiếu niên 16 tuổi đã bị sóng cuốn trôi khi đang cùng bạn ra biển xem bão số 6.

Tối mai bão số 6 sẽ đổ bộ vào Hải Phòng – Nam Định

Thứ 3, 06/08/2013 | 22:58
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương thì bão số 6 là cơn bão khá mạnh và phức tạp. Dự báo tối 7/8 vùng tâm bão sẽ đổ bộ vào Hải Phòng- Nam Định...