Lâm Đồng: Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP qua sàn thương mại điện tử

Lâm Đồng: Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP qua sàn thương mại điện tử

Thứ 6, 14/04/2023 | 06:30
0
Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đề xuất đưa 177 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Ngày 13/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã đề xuất đưa sản phẩm tiêu biểu lên sàn thương mại điện tử đối với 177 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3-5 sao và 31 sản phẩm tiêu biểu của địa phương.

Cụ thể, các sản phẩm được đề xuất thuộc nhóm hàng may mặc, đồ uống, thực phẩm, trang trí nội thất… được sản xuất tại các địa phương trong tỉnh; trong đó thành phố Đà Lạt có 57 sản phẩm với các mặt hàng tiêu biểu như hồng treo gió, dâu tây tươi, trà atiso, khoai tây Đà Lạt, cà phê arabica Cầu Đất, một số loại củ quả cấp đông…

Các sản phẩm còn lại thuộc địa bàn huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông, Lạc Dương và thành phố Bảo Lộc với mặt hàng sử dụng tươi và cả sau chế biến như hạt mắc ca sấy, cà chua sấy, bột rau củ các loại, nước cốt phúc bồn tử, rau củ quả sấy giòn…

Ngoài sản phẩm xếp hạng OCOP, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng đề xuất các sản phẩm tiêu biểu của địa phương lên sàn thương mại điện tử như hoa cắt cảnh các loại (sản lượng 3,8 tỷ cành/năm), rau các loại (sản lượng 2,7 triệu tấn/năm) và một số loại nông sản như chè, cà phê nhân, sầu riêng, bơ.

Theo thống kê năm 2022, kinh tế số của Lâm Đồng có những bước tiến mới và đã hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Cụ thể, số hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ trên 74.000 hộ; trong đó có hơn 800 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ.

Tỉnh Lâm Đồng xác định, thời gian tới, sản phẩm OCOP vẫn đóng vai trò quan trọng trong khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chương trình cũng sẽ góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Đồng thời thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Do vậy, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có ít nhất 250 sản phẩm OCOP, trong đó phấn đấu 230 sản phẩm cấp tỉnh, 20 sản phẩm cấp Quốc gia.

Tỉnh này cũng củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng và ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Chương trình chuyển đổi số nông nghiệp đến năm 2025, Lâm Đồng phấn đấu 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực và 80% sản phẩm nông sản được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Phấn đấu từ 30 - 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử... và hướng đến xây dựng mỗi huyện, thành phố ít nhất một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT Lâm Đồng sẽ tập trung huy động nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; cùng với các nguồn vốn cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại; vốn hỗ trợ sản xuất của UBND cấp huyện; vốn đối ứng của các chủ thể tham gia để tăng cường tập huấn kiến thức chuyên môn về quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh đối với lãnh đạo hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia chương trình OCOP trên địa bàn. Đồng thời mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP Lâm Đồng trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, sẽ “Phát triển sản phẩm OCOP Lâm Đồng có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững trên địa bàn giai đoạn năm 2022 - 2025…” (định hướng của Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng).

Ngày 24/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 148/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là One Commune One Product), gọi chung là Bộ tiêu chí OCOP.

Bộ Tiêu chí OCOP là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Các sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm gồm 6 nhóm sản phẩm thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Bộ Tiêu chí của sản phẩm gồm 3 phần: Phần A: Các tiêu chính đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (40 điểm) gồm tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng.

Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm) gồm tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm.

Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (35 điểm) gồm chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.

Phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ Tiêu chí OCOP. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng.

Cụ thể, hạng 5 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 90-100 điểm, là sản phẩm đặc trưng, tiêu chuẩn chất lượng cao và hội tụ điều kiện để xuất khẩu; hạng 4 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến dưới 90 điểm, là sản phẩm đặc trưng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiếp cận thị trường tốt, có tiềm năng nâng cấp lên hạng 5 sao; hạng 3 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến dưới 70 điểm, là sản phẩm có đặc thù, được quản lý và thương mại ổn định, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao; hạng 2 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến dưới 50 điểm, sản phẩm được sản xuất, bước đầu hình thành chất lượng cụ thể, có thể tiếp tục nâng cấp lên hạng 3 sao; hạng 1 sao có tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm sơ khai, chưa được hình thành trong thương mại, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.

Về quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 3 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương; Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam)

Tăng cường liên kết vùng để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thứ 5, 30/03/2023 | 07:00
Theo các chuyên gia, việc liên kết vùng đã và đang góp phần đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng từ đó thúc đẩy phát triển thương hiệu của các sản phẩm nông sản

Thay đổi bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

Thứ 4, 01/03/2023 | 11:34
Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Cùng chuyên mục

[E] EVNFinance phát triển bền vững thông qua 3 trụ cột chính

Thứ 7, 04/05/2024 | 11:00
3 trụ cột chính EVNFinance hướng tới là quản trị phát triển bền vững, quản trị rủi ro phát triển bền vững, khung sản phẩm bền vững để hướng tới phát triển bền vững.

Giá vàng 4/5: Vàng SJC áp sát mức 86 triệu đồng/lượng

Thứ 7, 04/05/2024 | 10:55
Giá vàng miếng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn sáng nay tăng nhẹ lên sát mốc 86 triệu đồng/lượng.

Bước ngoặt trong chuyển dịch năng lượng của Việt Nam

Thứ 7, 04/05/2024 | 10:31
Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng tạo cơ sở quan trọng để thực hiện phát triển bền vững năng lượng trong nước, bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh trên thế giới.

[E] Phó Chủ tịch VNBA: Tín dụng xanh phải là tín dụng ưu đãi

Thứ 7, 04/05/2024 | 08:10
TS.Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch VNBA nhận định, lãi suất cho vay đối với các dự án xanh về cơ bản vẫn chưa có sự khác biệt với các khoản vay khác của ngân hàng.

Tiềm năng của thị trường Singapore đối với cà phê Việt Nam còn khá lớn

Thứ 7, 04/05/2024 | 07:00
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, mặc dù xếp top đầu thế giới về xuất khẩu nhưng thị phần cà phê Việt Nam tại Singapore còn khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2,22%.
     
Nổi bật trong ngày

4 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Thứ 6, 03/05/2024 | 07:00
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 34,1 tỷ USD.

Giá vàng 3/5: Vàng trong nước đi ngang

Thứ 6, 03/05/2024 | 10:48
Giá vàng thế giới giảm trở lại xuống 2.304,4 USD/ounce, thấp hơn hôm qua 21 USD. Tại thị trường trong nước, vàng SJC chủ yếu đi ngang.

Xuất khẩu hồ tiêu khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Thứ 7, 04/05/2024 | 05:28
4 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu đạt 83.783 tấn, trị giá 353 triệu USD, giảm về lượng nhưng tăng về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Ngộ độc do ăn bánh mì ở Đồng Nai: Mở thêm một đơn vị cấp cứu

Thứ 6, 03/05/2024 | 08:14
Số ca nhập viện vì ngộ độc do ăn bánh mì tại Tp.Long Khánh tăng lên gần 330 người. Cơ sở y tế vừa phải mở thêm một đơn vị cấp cứu.