Thế giới ngầm của những trùm buôn nanh vuốt thú dữ

Thế giới ngầm của những trùm buôn nanh vuốt thú dữ

Thứ 2, 17/06/2013 | 19:53
0
Những năm gần đây, mặt hàng trang sức bằng nanh và móng vuốt của thú rừng bỗng được nhiều dân "sành" săn tìm. Nhiều chủ buôn đã "phất" lên thành đại gia giàu "kếch xù" nhờ buôn bán mặt hàng quý hiếm này.

Thời  vàng son

Vào những thập niên 1980 trở về trước, khi nhà nước chưa cấm sử dụng súng và cũng chưa cấm săn bắn thì ở các tỉnh Tây Bắc còn nhiều thú rừng. Người dân sống ở gần các cánh rừng già vẫn thường nghe tiếng hổ gầm gừ, chuyện người dân lên nương bị gấu tấn công hay hàng đàn lợn rừng xuống phá hại mùa màng của dân bản cũng hết sức bình thường.

Mỗi lần nhìn thấy thú dữ, dân làng lại hò nhau thành đoàn săn bắn. Thú dữ được mổ chia cho dân làng ăn mừng. Lúc đó vẫn chưa có ai thu mua răng nanh, móng vuốt nên người dân địa phương thường dùng để đeo lên người giống như một vật trang sức.

Sau này, dân "sành" chơi thích sở hữu những chiếc răng nanh, móng vuốt như để thể hiện đẳng cấp và họ coi đó là một món đồ đem lại may mắn, có thể hóa giải những tai ương trong cuộc sống. Những ông chủ buôn có đầu óc tinh tế đã nhìn thấy việc buôn bán mặt hàng này sẽ đem lại nguồn lợi lớn nên họ đã đứng ra thu mua.

Xã hội - Thế giới ngầm của những trùm buôn nanh vuốt thú dữ

Chiếc nanh hổ được một ông chủ hét giá hàng trăm triệu đồng.

Theo giới săn những "báu vật" rừng, từ những năm 1980 đổ về trước, nanh heo rừng được bán rẻ như... bèo. Chính vì vậy, đã có những ông chủ nhanh chân nhảy vào thị trường này, họ nhanh chóng vươn lên thành những đại gia phố núi. Đó là những đại gia ở khắp các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình... đã đứng ra thu mua những sản vật từ răng nanh, móng vuốt của hổ, beo, lợn rừng, gấu theo mối đặt hàng của những ông chủ lớn ở Hà Nội. Họ chính là các chân rết lùng sục khắp hang cùng, ngõ hẻm để săn hàng bán kiếm lời chênh lệch.

Ông Nguyễn Hùng C. - một "chân rết" trong lĩnh vực buôn bán răng nanh, móng vuốt thú rừng nổi tiếng ở Sơn La cho hay: "Mấy chục năm trở về trước, Tây Bắc còn nhiều thú rừng nên răng nanh, móng vuốt được bán nhan nhản. Rồi thú dữ dần cạn kiệt dưới nòng súng của biết bao đoàn thợ săn lùng sục khắp các cánh rừng già. Chính vì vậy, răng nanh, móng vuốt vốn đã là hàng xa xỉ nay lại càng khan hiếm".

Cũng theo ông C., chính vì khan hiếm nên mặt hàng này càng có giá trị cao. Những chiếc móng gấu cỡ 4cm có giá 450.000đồng/móng, 4,5cm giá 500.000đồng/móng, móng dài 5cm có giá khoảng 650.000đồng. Nanh gấu dài 6cm giá 450.000 đồng, 7cm giá 550.000đồng, 7,5cm giá 600.000đồng. Một số loại nanh beo (trông giống con báo hoa, nhưng nhỏ hơn) dài chừng 5cm, chỉ to bằng ngón tay út cũng được bán với giá tiền triệu.

Tuy nhiên, đây là một số mặt hàng cấm nên chủ hàng có thể “thổi” giá lên khi bắt được khách sộp. Với những khách sành chơi và muốn sở hữu một số sản phẩm có độ tinh tế cao, ví dụ nanh lợn rừng già, uốn thành hình tròn thì đó là nanh lợn có tuổi thọ vài chục năm nên có thể hét giá lên cả trăm triệu đồng.

Chính vì mức độ chênh lệch giá quá cao nên việc buôn bán này thu lại món lời rất lớn. Những ông chủ có con mắt tinh tường, họ đã chế tác những chiếc nanh này thành những đồ trang sức độc đáo như bọc bạc, chạm khắc hình phật, rồng, dát bạc uốn lượn thành hình con rồng để tăng vẻ sang trọng.

Chính vì những chi tiết tinh tế này mà những chiếc nanh heo rừng đã nâng tầm giá trị hơn hẳn những chiếc thô. Có những ông chủ chỉ bỏ vài đồng bạc để thu gom những chiếc nanh heo rừng, nhưng chỉ vài năm sau, một sản vật đó có thể bán được với giá hàng chục nghìn đôla.

Xã hội - Thế giới ngầm của những trùm buôn nanh vuốt thú dữ (Hình 2).

Ông Bạch Chí Tình - đại gia buôn móng vuốt một thời đã giải nghệ.

Móng vuốt giả quật ngã đại gia

Ông Bạch Chí Tình, 58 tuổi, sống tại khu vực ngã ba Bãi Chạo, Tú Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình được mệnh danh là ông chủ buôn bán nanh, móng vuốt thú rừng nức tiếng một thời ở Tây Bắc (nay đã giải nghệ), chia sẻ về thế giới ngầm của việc buôn bán nanh vuốt một thời đã đưa nhiều thương nhân "lên voi xuống chó".

Ông Tình là một trong những người nhảy vào thị trường này đầu tiên ở Tây Bắc. Với đầu óc nhanh nhạy trước thời cuộc, ông nhìn thấy chẳng bao lâu nữa, thú rừng sẽ bị săn bắn cạn kiệt, trong khi đó, những mặt hàng,  món đồ trang sức được làm từ răng nanh, móng vuốt đang có nhiều người dưới xuôi tìm mua. Chính vì vậy, ông quyết định bán hết đồ đạc trong nhà để đi buôn.

Ông đi khắp các vùng mường tìm mua. Lúc đó mặt hàng này còn rất nhiều, có gia đình có truyền thống săn bắn đã tích lũy được hàng rổ. Chính vì vậy, việc mua răng nanh thú rừng không tính bằng chiếc như bây giờ mà tính bằng cân. Những chiếc răng nanh, móng vuốt được lưu giữ trên gác bếp, phơi trên nóc nhà với số lượng lớn. Khi ông đến tìm mua thì người dân mới đem xuống bán. Ông mua "đổ xô" nanh vuốt và tính bằng cân.

Trong thời kỳ đó, ông Tình đã mua bán trót lọt nhiều chuyến hàng này và nhanh chóng trở thành những tỷ phú ở đất Hòa Bình. Ông Tình tâm sự: "Trong suốt thời kỳ buôn bán ở vùng đất Tây Bắc thì thời kỳ kiếm lời nhiều nhất vẫn là thời điểm buôn bán răng, nanh, móng vuốt thú rừng. Tôi đã vươn lên thành những ông chủ kếch xù" ở Hòa Bình. Thời điểm mà người dân địa phường còn chưa kiếm nổi chiếc xe đạp phượng hoàng cũ của Liên Xô thì tôi đã mua được những chiếc xe máy sang như Simson, BS, Etelic".

Ông Tình cho hay: "Bây giờ răng nanh, móng vuốt thú rừng được bán ở Việt Nam nói chung và Tây Bắc nói riêng có xuất xứ từ hai nguồn. Nguồn thứ nhất là hàng giả. Những mặt hàng này được sản xuất từ sừng trâu. Tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều cơ sở chuyên chế tác răng nanh, móng vuốt từ sừng trâu, sừng bò. Với rất nhiều mánh khóe, thủ thuật, những cơ sở này đã hô biến những nanh vuốt được mua bằng vài nghìn đồng thành những món đồ trang sức trị hàng trăm triệu đồng. Nguồn còn lại là hàng ngoại”.

Với hơn 20 năm trong nghề buôn nanh vuốt, ông Tình có rất nhiều mối hàng nhập ngoại từ Thái Lan, Campuchia, Lào... Ông thường xuyên đặt hàng ở Virachey (Camphuchia) giáp ranh với những cánh rừng già ở Kontum. Được biết, tại Thái Lan có những nhóm buôn lậu thường xuyên gom hàng về một mối và tìm cách tuồn về Việt Nam bằng các con đường tiểu ngạch. Khi nanh móng vuốt được nhập về, chủ buôn sẽ thuê những thợ có nhiều kinh nghiệm để chế tác, điêu khắc, chạm trổ hoa văn và ký tự.

Thậm chí, có những chiếc nanh được bọc bạc, dát vàng rồi mới nhuộm vào hóa chất làm cho những chiếc nanh vuốt trở nên sang trọng. Chính vì vậy, những chủ buôn tinh tế này bỏ túi tiền lãi khủng từ những chiếc nanh hổ, nanh lợn rừng, móng gấu, nanh hổ dát vàng.

Ông Tình còn cho biết, có nhiều đại gia bỗng chốc "ngã ngựa" vì buôn phải hàng móng vuốt giả. Bản thân ông cũng chính là nạn nhân của những vụ buôn bán ranh mãnh này. "Hồi đó, tôi trở thành một "đầu nậu" khét tiếng về thu mua nanh vuốt thú rừng. Bà con dân tộc bán bao nhiêu, tôi mua bằng đấy. Các ông chủ nhỏ lẻ "đổ" bao nhiêu hàng tôi đều "ôm" hết.

Trong thương vụ dồn vốn cho mẻ hàng khủng, tôi đã trở thành trắng tay vì bị gần 80% là hàng giả", ông nông dân nghèo ấy đưa mắt nhìn xa xăm như nuối tiếc về cái thời còn làm đại gia “móng vuốt”.

Thế Hoàng

> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Con đường hoàn lương của 'ông trùm' khét tiếng Đà Nẵng

Thứ 4, 05/06/2013 | 10:01
Từng là "ông trùm" giang hồ trong băng trộm cướp khét tiếng ở quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng), sau hai lần vào tù, Hiệp "cướp" vẫn chứng nào tật nấy.

Vạch mặt 'ông trùm' buôn người núp bóng 'thương gia'

Thứ 3, 21/05/2013 | 14:20
May mắn thoát ra từ "động quỷ", nhưng đến nay, hai mẹ con chị Sùng Thị G. và cháu Hảng Thị N. (trú tại bản Đề Sủa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi.

Ông trùm giấu mặt của giới 'siêu trộm' Hà thành

Thứ 2, 13/05/2013 | 20:31
Tên trộm có cái tên Chu Xuân Khánh (sinh năm 1989) này sau khi bị tóm gọn với đồ vừa 'xoáy' được trong người đã không thể chối cãi và theo lời khai, gã dưới trướng một đại ca cỡ bự … chuyên ngành ăn trộm ở Hà thành, có tên là anh Chuồn.

Chân dung 'ông trùm' kiếm bạc tỷ từ trường gà

Thứ 5, 04/04/2013 | 14:20
Chiêu dụ hàng chục đàn em có "số má" về dưới trướng, Chiến "lò vôi" mở trường gà lớn nhất TP.HCM, mỗi ngày thu hút hàng trăm con bạc.