Bổ nhiệm số lượng thứ trưởng vượt trần 'cho phép'

Bổ nhiệm số lượng thứ trưởng vượt trần 'cho phép'

Thứ 3, 22/10/2013 | 08:28
0
Trong cuộc họp UBTV Quốc hội gần đây, đại biểu Ksor Phước trăn trở về việc bổ nhiệm vượt trần số lượng thứ trưởng trong một bộ. Điều này đã được dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm. PV đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Luật học Trần Quang Huy - phó hiệu trưởng trường đại học Luật Hà Nội để cùng phân tích mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.

Lãng phí chất xám?

Thưa tiến sỹ, tại buổi họp báo Chính phủ chiều 29/9, bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, chính phủ chỉ đạo rà soát số thứ trưởng ở các bộ, khi nhiều bộ vượt quá 4 thứ trưởng như quy định của Nghị định 36/2012/NĐ-CP. Trước đó, đại biểu Ksor Phước cũng rất trăn trở về việc bổ nhiệm vượt trần số lượng thứ trưởng trong một bộ. Quan điểm của tiến sỹ về vấn đề này như thế nào?

Trên thực tế hầu hết các bộ, (22 bộ, ngành trong cả nước) đều có số thứ trưởng vượt quá quy định của Chính phủ.  Một số nước họ không quy định cấp phó là bao nhiêu nhưng ở Việt Nam quy định là không quá 4 Thứ trưởng. Tôi lấy ví ở bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do sáp nhập với bộ Thủy sản nên số thứ trưởng sẽ tăng. Mặt khác một số bộ do cơ cấu tổ chức có thêm, cục, vụ, do vậy bộ máy ngày càng phình to dẫn tới cần nhiều thứ trưởng giúp việc cho Bộ trưởng cũng như thực hiện công việc chuyên môn mà thứ trưởng đó có trách nhiệm đảm đương.

Xã hội - Bổ nhiệm số lượng thứ trưởng vượt trần 'cho phép'

Tiến sỹ Luật học Trần Quang Huy, Hiệu phó trường đại học Luật Hà Nội.

Chính vì chức năng nhiệm vụ quyền hạn của từng bộ khác nhau nên Nghị định số 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 18/4/2012, quy định: Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ thì số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ không quá 4 người. Đối với bộ quản lý Nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng thứ trưởng có thể nhiều hơn 4 người do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do đó việc một bộ có quá nhiều thứ trưởng cần quy trách nhiệm tới cơ quan có thẩm quyền và những người có liên quan tới việc bổ nhiệm. Việc Chính phủ có quyết định rà soát các thứ trưởng ở các bộ là điều cần thiết, tránh tình trạng công việc chồng chéo trong một bộ.

Ngoài những bộ do tính chất đặc thù của công việc cần nhiều Thứ trưởng hơn mức quy định, vẫn có bộ có quá nhiều thứ trưởng hơn mức cần thiết, tiến sỹ nghĩ sao về vấn đề này?

Theo quan điểm của cá nhân tôi thì việc bổ nhiệm thứ trưởng vượt trần có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, về tính kế thừa. Theo đó những người chuẩn bị được đề bạt thứ trưởng cần phải được làm quen, nói đúng hơn cần có quá trình rèn luyện, thử thách tiếp cận, là lực lượng kế cận để đến khi được bổ nhiệm hoặc thay thế, điều hành công việc sẽ tốt hơn. Thứ hai, do tính chất công việc phụ thuộc vào từng bộ và tùy theo công việc cụ thể nên có thể có những bộ cần số lượng thứ trưởng nhiều hơn mức quy định, như tôi đã nói ở trên.

Thứ ba là do sáp nhập giữa các bộ hoặc cục với nhau dẫn đến số thứ trưởng gia tăng. Để số lượng thứ trưởng đúng như Nghị định Chính phủ quy định thì Ban Bí thư Trung ương phải bố trí cho phù hợp, tránh chồng chéo về mặt công việc. Để giải quyết vấn đề này không thể ngày một ngày hai là thực hiện tốt được mà cần phải có lộ trình. Mặt khác từng bộ phải có quy chế làm việc riêng, phân cấp cho từng thứ trưởng từng mảng hay nói cách khác đó là phân công nội bộ trong lãnh đạo bộ. Ở tầm vĩ mô phải sắp xếp lại bộ máy Nhà nước sao cho phù hợp và đặt trách nhiệm công việc lên hàng đầu, nói cách khác nhằm đạt hiệu quả công việc một cách tốt nhất.

Nói tóm lại, việc bổ nhiệm thứ trưởng, cấp phó là việc cần đầu tư đúng cho sự vận hành của Nhà nước, đề cử những người có trình độ chuyên môn sâu sắc, có tài, có đức để họ phát huy hết năng lực của mình. Nếu một bộ mà đề cử nhiều người sẽ dẫn đến công việc chồng chéo, lãng phí nguồn nhân lực. Nếu lựa chọn không đúng người, không đúng với trình độ chuyên môn của họ sẽ là một sự lãng phí chất xám.

Như vậy việc bổ nhiệm thứ trưởng hiện nay ở các bộ đang có sự bất cập, nơi thừa nơi thiếu, thưa tiến sỹ?

Đúng như vậy. Như tôi đã nói ở trên, do tính chất công việc của từng bộ, nên có bộ cần nhiều hơn mức quy định của Chính phủ, có bộ cần đủ 4 thứ trưởng, có bộ chỉ cần ba thứ trưởng. Do đó, không nên quy định cứng nhắc bằng văn bản có bao nhiêu cấp phó mà do tính chất công việc ở từng bộ cần bao nhiêu cấp phó. Trong quy định của pháp luật phải có bao nhiêu cấp phó để quản lý về mặt Nhà nước mà bộ, ngành đó phải thực hiện. Tuy nhiên, phải nói thẳng do một số bộ phân công không rõ ràng mạch lạc nên không thể làm rõ là số thứ trưởng được bổ nhiệm như thế nào cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cụ thể một bộ cần bao nhiêu thứ trưởng hoặc bao nhiêu cấp phó để đảm nhiệm công việc có hiệu quả nhất. 

Xã hội - Bổ nhiệm số lượng thứ trưởng vượt trần 'cho phép' (Hình 2).

Ông Ksor Phước.

Không nên quy định trên giấy

Đang rà soát lại ở  tất cả các bộ, ngành

Liên quan tới vấn đề, trách nhiệm trong việc bổ nhiệm thứ trưởng, PV đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với đại biểu Quốc hội Ksor Phước. Ông Ksor Phước cho biết: "Như tôi đã nói trong phiên họp về việc đề cử số thứ trưởng vượt trần, cụ thể, bản thân tôi biết bộ NN&PTNT hiện tại có tới 11 thứ trưởng, hay bộ TN&MT có tới 9 thứ trưởng. Việc này đã được Thủ tướng Chính phủ tiếp thu ý kiến sâu sắc của Thường vụ Quốc hội và đang triển khai rà soát lại tất cả các bộ trong 22 bộ, ngành của cả nước để cơ cấu các bộ đúng với tinh thần của Nghị định 36/2012- NĐ/CP”.

Tại phiên họp, đại biểu Quốc hội, ông Ksor Phước cho biết: "Bộ có 11 thứ trưởng là tôi tra danh bạ điện thoại vào cuối năm ngoái, lúc ấy bộ này có thể có thứ trưởng sắp về hưu. Tuy nhiên, việc phần lớn các bộ có số thứ trưởng vượt trần là điều đáng suy nghĩ”. Ý kiến của tiến sỹ thế nào về sự trăn trở của ông Ksor Phước?

Như tôi đã nói ở trên, rõ ràng một bộ có quá nhiều thứ trưởng vượt quy định thì việc không những đáng phải suy nghĩ, mà cần có cách giải quyết kịp thời. Việc quy trách nhiệm cụ thể của từng thứ trưởng ra sao, phải rõ ràng minh bạch. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều mà đã thực hiện được, điều cần làm ngay là từng bộ phải làm thế nào để người được bổ nhiệm phát huy một cách có hiệu quả năng lực cũng như trách nhiệm của họ đối với vị trí đang nắm giữ. Chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề một cách thẳng thắn là quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm luôn song hành với nhau, điều này trong luật đã quy định rất cụ thể.

Do vậy khi một người ở vị trí thứ trưởng thì quyền hạn và trách nhiệm của người đó cũng cần phải được quy định rõ ràng. Ngoài quy định trong Nghị định của Chính phủ, bên cạnh đó còn có quy định nội bộ của từng bộ mà thứ trưởng đó có tránh nhiệm phải đảm đương. Có như vậy mới đáp ứng hiệu quả công việc một cách tốt nhất.

Rõ ràng sự trăn trở của ông Ksor Phước liên quan tới hai vấn đề lớn, đó là việc phải thực hiện Nghị định cho đúng và sự lãng phí nguồn nhân lực, điều này khiến dư luận đặc biệt quan tâm, có hiệu ứng tốt đối với xã hội.

Nên quy định tối thiểu và tối đa

Liên quan tới việc bổ nhiệm vượt trần thứ trưởng có nhiều ý kiến khác nhau. Bà Trịnh Thị Lê Trâm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cho biết: Để Nghị định có giá trị thực thi cần gắn hai trách nhiệm, đó là người đứng đầu và trách nhiệm của các bộ, ngành. Không nên quy định cứng nhắc là có bao nhiêu thứ trưởng hoặc cấp phó mà do tính chất công việc của mỗi bộ cần bao nhiêu thứ trưởng, cấp phó. Theo quan điểm của cá nhân tôi, để việc áp dụng Nghị định vào thực tiễn có giá trị thực thi nên quy định số thứ trưởng, cấp phó tối đa và tối thiểu. Phải kiểm tra lại quy trình bổ nhiệm thứ trưởng có đúng với quy định hay không.

Mặt khác, để thực hiện tốt Nghị định, việc bổ nhiệm người cán bộ  phải thực hiện nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Nếu bộ nào thừa Thứ trưởng hoặc cần nhiều hơn 4 thứ trưởng như quy định thì bộ đó phải báo cáo, giải trình trước Chính phủ. Mặt khác  đã là thứ trưởng rồi không nên kiêm lãnh đạo cấp dưới hoặc kiêm cấp trưởng của lãnh đạo đơn vị cấp dưới. Tuy nhiên, những người được đề cử thứ trưởng nên kiêm nhiệm trong thời gian đầu. Nên bổ sung theo đề xuất của từng bộ, bên cạnh đó Chính phủ nên xem xét Nghị định đó đến nay có điểm nào không còn phù hợp cần phải thay đổi hoặc bổ sung.

Việc bổ nhiệm thứ trưởng phải phụ thuộc vào chức năng nhiệm vụ quyền hạn của ngành đó, từng bộ phải bố trí cho phù hợp. Bộ nào muốn tăng thứ trưởng phải báo cáo Chính phủ xin đề xuất thêm. Nói tóm lại, nên quy định mức tối thiểu và tối đa số thứ trưởng cho từng bộ, không nên áp đặt.

Trân trọng cảm ơn tiến sỹ!

Điều 3. Nghị định 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ

1. Bộ trưởng là thành viên Chính phủ, là người đứng đầu và lãnh đạo một bộ; tham gia vào hoạt động của tập thể Chính phủ và các công tác khác của Chính phủ; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật Tổ chức Chính phủ, các quy định tại Nghị định này và văn bản pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.

2. Người giữ chức vụ cấp phó của bộ trưởng (sau đây gọi chung là Thứ trưởng) là người được giao phụ trách, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện một hoặc một số lĩnh vực công tác của bộ theo sự phân công của Bộ trưởng và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm thay Bộ trưởng điều hành và giải quyết công việc của bộ và Bộ trưởng.

3. Số lượng Thứ trưởng ở mỗi bộ không quá 4 người. Đối với bộ Quản lý Nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng Thứ trưởng có thể nhiều hơn 4 người do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Không nên làm cho bộ máy Nhà nước trở nên cồng kềnh

Những câu chuyện, những ý kiến thẳng thắn dưới đây phần nào cho thấy cần nhìn nhận lại bộ máy trong một số bộ để công việc đạt hiệu quả một cách tốt nhất, tránh sự chồng chéo hay cồng kềnh gây lãng phí tiền của, chát xám. 

Việc một bộ có tới 9 hay thậm chí 11 cấp phó như đại biểu Quốc hội Ksor Phước đưa ra cũng có thể là do bộ đó sáp nhập hoặc do phạm trù tính chất công việc mà cần tới nhiều cấp phó để giải quyết công việc cũng như điều hành. Tuy nhiên ở góc độ khác, tiến sỹ tương lai Phạm Cẩm Linh (cựu sinh viên đại học Ngoại thương hiện đang theo học tiến sỹ tại Úc) thẳng thắn chia sẻ: Ở Úc hay một số nước như Anh, Mỹ, bộ máy quản lý Nhà nước rất gọn nhẹ, chỉ có một Bộ trưởng và một hoặc hai thứ trưởng giúp việc hoặc thay mặt Bộ trưởng giải quyết công việc khi Bộ trưởng vắng mặt. Mặc dù số lượng về nhân sự của họ không cồng kềnh, nhưng công việc lại luôn được giải quyết một cách nhanh nhất có thể. Quả thật ở Việt Nam có nhiều bộ có tới 7 thậm chí 9 thứ trưởng, đôi khi  dẫn đến việc chồng chéo trong công việc, không phát huy được hết khả năng của mỗi thứ trưởng. Và đó cũng là một sự lãng phí nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu rộng. Không những lãng phí mà còn gây ảnh hưởng khiến công việc bị trì trệ. Mặt khác, dù luật pháp hay Nghị định có quy định chặt chẽ đến đâu thì con người vẫn là yếu tố quyết định.

Trên thực tế có trường hợp cán bộ chuyên môn giỏi khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng nhưng họ vẫn không rời vị trí cũ. Có ý kiến cho rằng đó là biểu hiện của sự tiêu cực và lãng phí vì ở vị trí cũ họ đang làm việc rất tốt với trình độ chuyên môn của mình. Khi được bổ nhiệm, chưa có người thay thế trong công tác chuyên môn trong khi ở vị trí mới, vị thứ trưởng kiêm nhiệm không thể phát huy hết năng lực bản thân. Đó là một sự lãng phí đáng tiếc.

Nhìn nhận vấn đề này, luật sư Nguyễn Khánh Toàn, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: "Trông người mà ngẫm đến ta, nhìn sang các nước khác, công việc mà người đứng đầu phải đảm trách trong vị trí mà họ đang nắm giữ có thể nói họ phải làm việc cật lực mới có thể hoàn thành hoặc đáp ứng được yêu cầu công việc. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia. Nhưng rõ ràng đã đến lúc cần phải gắn trách nhiệm, quyền lợi cũng như nghĩa vụ đối với từng vị thứ trưởng một cách rạch ròi và minh bạch".

Rất cần những người có năng lực, trình độ, hết lòng với công việc

Trao đổi với PV, tiến sỹ Hoàng Văn Hùng - Trưởng bộ môn luật hình sự trường đại học Luật Hà Nội cho biết: "Về bản chất Thứ trưởng có nhiệm vụ giúp việc cho Bộ trưởng, một thứ trưởng phụ trách một vụ hoặc hai vụ trong bộ đó. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có bộ có tới 7 thứ trưởng, nhưng mỗi thứ trưởng chỉ  phụ trách một vụ, do đó bộ máy Nhà nước ngày càng phình to. Trong trường hợp này, nếu mỗi thứ trưởng phụ trách một vụ, sẽ có thứ trưởng ít việc quá, điều này không tương xứng với tầm thứ trưởng. Đây không chỉ là việc lãng phí chất xám, lãng phí nguồn nhân lực mà còn ẩn chứa tiêu cực đằng sau việc bổ nhiệm.

Thực tế cho thấy, trong việc này, nếu chúng ta không nghiêm túc thực hiện các quy định hoặc thực hiện không đúng sẽ trở thành tiền lệ xấu, lãng phí chất xám, lãng phí nguồn nhân lực. Nhất là trong thời buổi hiện nay, chúng ta đang rất cần những người có năng lực, trình độ chuyên môn sâu rộng, hết lòng với công việc mà họ đang có trách nhiệm nắm giữ để đưa đất nước đi lên sánh tầm với các nước trong khu vực và quốc tế.

Tất cả các bộ đều có số thứ trưởng vượt trần

Tại phiên họp báo Chính phủ chiều 29/9, bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: "Tuyệt đại đa số các bộ đều có số thứ trưởng nhiều hơn quy định tại Nghị định, kể cả cấp phó của Tổng cục, cục trực thuộc đều có tình trạng quá nhiều. Nguyên nhân là do chúng ta tiến hành sắp xếp lại các bộ, hoàn thiện các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Đơn cử, Văn phòng Chính phủ có 6 Thứ trưởng nhưng vẫn thấy thiếu. Có thể nói đa số các bộ đều có số lượng thứ trưởng nhiều hơn quy định. Tinh thần Chính phủ chỉ đạo sẽ xem xét số lượng các thứ trưởng ở các bộ có quy mô cơ cấu không giống nhau. Câu chuyện về số lượng các bộ có quá nhiều thứ trưởng gần đây đã được nêu lên ở phiên họp Thường vụ Quốc hội và được đông đảo dư luận quan tâm.

Về vấn đề này ông Vũ Đức Đam lý giải: “Các bộ sẽ có số lượng thứ trưởng tối thiểu cần thiết chứ không thể máy móc chỉ có 3 hay 4 người. Tuy nhiên, trên thực tế tất cả các bộ đều có số thứ trưởng vượt trần, ít nhất là 5 thứ trưởng”.

Lương Liễu

Không còn bộ nào có 4 thứ trưởng

Thứ 3, 24/09/2013 | 09:41
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định bổ nhiệm một thứ trưởng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và một thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ.

Cấp sổ đỏ: Nhiều trường hợp khó giải quyết

Thứ 4, 20/03/2013 | 16:19
Vì đâu mà nhiều năm nay, tình trạng chờ cấp sổ đỏ tại các địa phương vẫn diễn biến phức tạp. Người dân trên cả nước lúc nào cũng mong ngóng có được sổ đỏ để vay vốn làm ăn, hay đơn giản chỉ để yên tâm, không còn tâm lý đi ở nhờ đất người khác.

Kỷ lục mới của số lượng tỷ phú Trung Quốc: 315 người

Thứ 4, 18/09/2013 | 14:11
Số người Trung Quốc sở hữu tài sản có giá trị hơn 1 tỷ USD đã đạt đến một tầm cao mới: 315 người, so với không có ai vào năm 2003, theo Hurun Report hay Danh sách những người giàu có ở Trung Quốc gần đây nhất. Nhiều người trong số họ là có các mối liên hệ với chính trị.

Bổ nhiệm công chứng viên tùy tiện

Thứ 7, 07/09/2013 | 08:42
Vừa qua, Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực trạng và giải pháp của hoạt động công chứng, chứng thực.

Cần Thơ: Bổ nhiệm bị can làm chấp hành viên

Thứ 3, 03/09/2013 | 15:57
Đang là bị can trong 2 vụ án nhưng nguyên Chi cục trưởng Thi hành án dân sự quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) được bổ nhiệm làm chấp hành viên.

'Lương Thủ tướng cũng chỉ 14 - 15 triệu đồng'

Thứ 5, 29/08/2013 | 08:05
Nếu lương của cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp công ích tại Tp.HCM đúng như báo chí phản ánh là không đúng với quy định của nhà nước, mà không đúng thì phải xử lý.rn

Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 1)

Thứ 5, 27/06/2013 | 11:44
Trong quá trình thu thập thông tin, PV Nguoiduatin.vn bất ngờ phát hiện ra những manh mối quan trọng trong đường dây "chạy" giấy tờ nhằm hợp thức hóa hồ sơ để hưởng chế độ chất độc Điôxin của Nhà nước.

Hàn Quốc: Bê bối vụ Thứ trưởng 'hưởng' sinh viên

Thứ 7, 30/03/2013 | 08:13
Mới làm quan to được đúng một tuần, Kim Hak-eui đã phải từ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hàn Quốc, dù ông chối không dính líu một vụ tai tiếng tình dục, không quan hệ sex với một nữ sinh viên.

Không còn bộ nào có 4 thứ trưởng

Thứ 3, 24/09/2013 | 09:41
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định bổ nhiệm một thứ trưởng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và một thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ.

Cấp sổ đỏ: Nhiều trường hợp khó giải quyết

Thứ 4, 20/03/2013 | 16:19
Vì đâu mà nhiều năm nay, tình trạng chờ cấp sổ đỏ tại các địa phương vẫn diễn biến phức tạp. Người dân trên cả nước lúc nào cũng mong ngóng có được sổ đỏ để vay vốn làm ăn, hay đơn giản chỉ để yên tâm, không còn tâm lý đi ở nhờ đất người khác.

Kỷ lục mới của số lượng tỷ phú Trung Quốc: 315 người

Thứ 4, 18/09/2013 | 14:11
Số người Trung Quốc sở hữu tài sản có giá trị hơn 1 tỷ USD đã đạt đến một tầm cao mới: 315 người, so với không có ai vào năm 2003, theo Hurun Report hay Danh sách những người giàu có ở Trung Quốc gần đây nhất. Nhiều người trong số họ là có các mối liên hệ với chính trị.

Bổ nhiệm công chứng viên tùy tiện

Thứ 7, 07/09/2013 | 08:42
Vừa qua, Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực trạng và giải pháp của hoạt động công chứng, chứng thực.

Cần Thơ: Bổ nhiệm bị can làm chấp hành viên

Thứ 3, 03/09/2013 | 15:57
Đang là bị can trong 2 vụ án nhưng nguyên Chi cục trưởng Thi hành án dân sự quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) được bổ nhiệm làm chấp hành viên.

'Lương Thủ tướng cũng chỉ 14 - 15 triệu đồng'

Thứ 5, 29/08/2013 | 08:05
Nếu lương của cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp công ích tại Tp.HCM đúng như báo chí phản ánh là không đúng với quy định của nhà nước, mà không đúng thì phải xử lý.rn

Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 1)

Thứ 5, 27/06/2013 | 11:44
Trong quá trình thu thập thông tin, PV Nguoiduatin.vn bất ngờ phát hiện ra những manh mối quan trọng trong đường dây "chạy" giấy tờ nhằm hợp thức hóa hồ sơ để hưởng chế độ chất độc Điôxin của Nhà nước.

Hàn Quốc: Bê bối vụ Thứ trưởng 'hưởng' sinh viên

Thứ 7, 30/03/2013 | 08:13
Mới làm quan to được đúng một tuần, Kim Hak-eui đã phải từ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hàn Quốc, dù ông chối không dính líu một vụ tai tiếng tình dục, không quan hệ sex với một nữ sinh viên.