Người 25 năm không có CMND: Sống nghĩa địa, làm thuê liên tỉnh (2)

Người 25 năm không có CMND: Sống nghĩa địa, làm thuê liên tỉnh (2)

Thứ 2, 10/04/2017 | 20:54
0
Ra tù, không giấy tờ tùy thân, ông Thắng mất quyền công dân, sống vật vờ trong nghĩa địa. 25 năm, ông chọn kiếp làm thuê, đi bộ xuyên tỉnh, làm đủ việc nặng nhọc để nuôi con.

Ngày về cay đắng

Ngồi tù hơn 1 tháng, ông Dương Văn Thắng (55 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) được tin, thảm án chấn động quận Gò Vấp đã bắt được hung thủ thật sự. Ông được trả tự do. Nhận lệnh tha tù, ông như được tái sinh, chưa bao giờ ông thấy “lò bát quái” đẹp như lúc đó.

Ông hạnh phúc đến nỗi không biết bắt đầu đi từ đâu, chọn cửa nào để rời khỏi nơi vừa tước đoạt của ông 45 ngày tự do. Loay hoay mãi, ông mới tìm được cửa ra khỏi trại giam Chí Hòa. Nhưng, nghiệt ngã cuộc đời vẫn chưa buông tha ông.

Công lý trái tim - Người 25 năm không có CMND: Sống nghĩa địa, làm thuê liên tỉnh (2)

 Ông Thắng giới thiệu chỗ ngủ “kẹp” giữa 2 ngôi mộ trong suốt 25 năm qua (Ảnh: Hà Nguyễn).

Vừa ra đến cổng, ông gặp một người xe ôm đội nón rộng vành hất hàm hỏi: “Mới ra hả? Đưa giấy tao coi”. Ông Thắng chìa tờ quyết định “đình chỉ điều tra bị can, quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trả tự do vì không liên quan đến vụ án” cho người này xem.

Không nói không rằng, người này nhét tờ giấy vào túi áo, bảo ông lên xe rồi nói: “Về đâu, tao chở về tới nơi”. Ông thật thà lên xe và nói: “Nhờ anh chở em về Gò Vấp”. Đến đầu ngõ nhà mình, ông xin xuống. Anh xe ôm cởi nón, xòe tay, yêu cầu Thắng đưa 50.000 đồng.

Không có tiền trả, ông Thắng “ăn” liên tục 3 cú thúc cùi chỏ vào giữa ngực, ngã vật xuống đất. Khi trúng thêm 2 đá vào bụng, ông mới hiểu rằng nếu không có tiền sẽ mất tờ quyết định trả tự do, thứ duy nhất chứng minh ông không phải là “kẻ giết người”.

Ông cố thở, lấy hơi van xin tên xe ôm mất nhân tính để chạy vào quán tạp hóa quen, mượn tiền trả phí xe ôm. Nhận lại tờ quyết định trả tự do, Thắng cố “lết” về tổ 7 (phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM) thì bần thần phát hiện cha mẹ đã bán nhà, chuyển đi nơi khác.

Cán bộ Công an quận Gò Vấp giải thích, hộ khẩu của ông đã bị cắt, căn nhà trước đây đã bán cho người khác. Chứng minh nhân dân bị thất lạc sau ngày bị bắt, giờ lại không có hộ khẩu, Thắng không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Quyền công dân của ông vừa bị tước đoạt một cách oan khuất nay không đuợc phục hồi.

Đi bộ xuyên tỉnh để mưu sinh

Không nhà cửa, không có gì để chứng minh là một công dân vô tội, Thắng rơi xuống hố sâu tuyệt vọng. Ông đi tìm 2 đứa con cùng chung phận không giấy tờ, được vợ gửi lại tại nhà những người bà con trước khi bỏ đi biệt xứ.

Công lý trái tim - Người 25 năm không có CMND: Sống nghĩa địa, làm thuê liên tỉnh (2) (Hình 2).

Đêm về, ông lại vào nghĩa địa, xin nước hàng xóm để tắm giữa những ngôi mộ lạnh lẽo (Ảnh: Hà Nguyễn)

Nỗi uất ức, buồn tủi thúc giục ông tìm đến ý nghĩ tự kết thúc cuộc đời nghiệt ngã. Tuy nhiên, mỗi lúc như vậy, hình ảnh 2 đứa con vừa bị mẹ đẻ bỏ rơi lại hiện về. Ông biết mình phải sống. Để có nơi trú thân, ông Thắng lân la, tìm đến những nghĩa trang ít người qua lại để ngủ.

Cuối cùng, góc nghĩa địa nhỏ ven đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp, TP.HCM) được ông lựa chọn làm nơi tá túc. Ngày ngày, ông Thắng quét dọn, nhổ cỏ những ngôi mộ xung quanh như lời khấn xin người đã khuất cho kẻ cùng đường sống chung. Ban ngày, Thắng lang thang khắp nơi để xin việc làm. Đêm về, ông lại đến ngủ giữa những ngôi mộ hoang lạnh.

Thương con đói khát, Thắng khao khát việc làm. Ông ra lời xin nhận tất cả mọi việc, bất chấp nguy hiểm, nặng nhọc miễn là không vi phạm pháp luật. Nghe ở đâu cần lao động phổ thông, Thắng cũng lội bộ đến tận nơi xin làm.

Thậm chí, ông nghe ở ngoài tỉnh Bình Thuận cần công nhân vác mía thuê, ông liền vay mượn bắt xe đến nơi. Bất hạnh thay, vừa làm được 3 tháng, lương chưa được trả, chủ lò đường vỡ nợ trốn biệt. Không tiền, không giấy tờ, ông đành lầm lũi “cuốc bộ” từ Bình Thuận về TP.HCM.

Ông kể: “Tôi đi từ Bình Thuận về TP.HCM đúng 2 ngày 2 đêm. Tôi đi liên tục cả đêm lẫn ngày, không ngủ, mệt thì ngồi nghỉ tí thôi. Ban ngày đi, tôi nhặt những chai nước khoáng khách đi xe vứt xuống đường để uống phần nước thừa. Đến đoạn có khoai thì xin khoai nướng ăn, đến chỗ trồng mì thì xin mì ăn đỡ… Tôi không dám xin ngủ nhờ. Gần khu vực tôi vác mía thuê có mấy trại giam, mình không có giấy tờ, không ai dám chứa chấp”.

“Đó là chưa kể đến việc họ tưởng tôi là tù trốn trại, kêu công an bắt nữa. Tôi cứ thẳng quốc lộ mà đi. Chỗ nào không biết thì hỏi người dân. Đường ở trong miệng mình mà. Tôi đi riết thành quen. Sau lần từ Bình Thuận về, tôi còn đi Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) mấy lần nữa”, ông chia sẻ thêm.

Con cái phải sử dụng giấy tờ giả

Ông Dương Văn Thắng cho biết không chỉ ông mà hai người con của ông cũng không có giấy tờ tùy thân. Để “đối phó”, lo cho con đi học, ông buộc phải mua giấy tờ giả cho con. Thậm chí, khi đến tuổi kết hôn, người con cả của ông cũng không thể làm hôn thú. Hiện nay, ông sắp lên chức ông nội mà cháu nội lại chưa thể làm giấy khai sinh.

(còn nữa)

Hà Nguyễn

Cùng tác giả

Vui, buồn ngày Tết của đội lân Long Nhi Đường

Chủ nhật, 14/02/2021 | 15:00
Tết đến, những thành viên của đội lân Long Nhi Đường không mơ quần áo đẹp, được đi chơi cùng gia đình, mà Tết là cơ hội trình diễn...

Bầy khỉ hoang bất ngờ “đại náo”, cướp thức ăn từ tay người dân

Thứ 5, 14/01/2021 | 11:18
Đàn khỉ hoang bất ngờ trở nên phá phách, dạn người. Men theo các đường dây điện, chúng đột nhập vào nhà dân, nhao xuống cướp trái cây, bánh trái từ tay họ.

Hé lộ của người mẹ 6 năm miệt mài tìm con mất tích bí ẩn

Chủ nhật, 13/12/2020 | 10:00
Ngày phát hiện con trai mất tích bí ẩn ở TP.HCM, bà Bé như người mất hồn. Suốt 6 năm qua, một mình bà ôm tấm mền cháy thủng, đi tìm con trong nước mắt.

Thực nghiệm hiện trường vụ em rể bị anh vợ đâm tử vong vì mâu thuẫn tiền bạc

Thứ 6, 27/11/2020 | 07:16
Có hơi men trong người, ông C. và Quốc nảy sinh mâu thuẫn về tiền bạc nên lao vào xô xát. Sau đó ông C. bị anh vợ đâm tử vong ngay trong phòng trọ.

Nhặt được “nắm vàng”, chị ve chai trả lại người mất trong hạnh phúc

Thứ 3, 24/11/2020 | 10:54
Vô tình phát hiện mình nhặt được “cả nắm vàng”, chị ve chai run rẩy, lo sợ. Không tham của rơi, chị trả lại cho người đánh rơi.